Hành trình theo dấu Bác sĩ Yersin

Ngày 1-3 hàng năm kể từ khi nhà bác học – bác sĩ Alexandre Yersin qua đời, người dân Nha Trang – Khánh Hoà đều tổ chức ngày giỗ của ông trọng thể.

Khi chúng tôi ghi những hình ảnh đầu tiên tại mộ phần của ông ở Suối Dầu, trời còn chưa sáng tỏ thì đã có hàng trăm người tề tựu nơi đây từ rất sớm, trong đó có lãnh đạo tỉnh, tướng tá, nhà giáo, bác sĩ, học trò, và cả cháu chắt bác sĩ Yersin từ Thuỵ Sĩ cũng tìm sang dự lễ… Ai cũng mang đoá hoa huệ trắng để tưởng nhớ đến một ân nhân mà cả đời đã dành cho Nha Trang, cho Việt Nam.

Được xem là một tài năng xuất chúng, năm 1888 Alexandre Yersin nhận bằng tiến sĩ y khoa tại Paris và sau đó làm việc tại Viện Pasteur Paris. Không chỉ là một nhà khoa học tên tuổi, Yersin còn là một nhà thám hiểm tài ba, do đó năm 1890, ông rời Viện Pasteur Paris để làm bác sĩ cho công ty tàu biển Messageries Maritimes của Pháp chạy tuyến Sài Gòn – Manila, Sài Gòn – Hải Phòng. Và đó cũng là lần đầu tiên ông đặt bước chân định mệnh đến Nha Trang – Việt Nam và gắn chặt đời mình tại mảnh đất này.

Trong suốt 50 năm gắn bó với Việt Nam, gia tài của bác sĩ Yersin để lại cho Việt Nam và nhân loại thật đồ sộ: là người tìm ra độc tố bệnh bạch hầu, người đầu tiên tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch và điều chế huyết thanh điều trị căn bệnh này. Ông đã viết 55 đề tài nghiên cứu khoa học, 40 đề tài nghiên cứu y khoa, trong đó có đến 13 đề tài về nghiên cứu bệnh dịch hạch mà ông là người đầu tiên tìm ra, 12 đề tài khoa học chuyên ngành thú y, trồng trọt, chăn nuôi. Ông là người đầu tiên tìm ra cao nguyên Di Linh, cao nguyên Lang Biang và đặt nền tảng khai sinh ra thành phố du lịch Đà Lạt ngày nay. Ngoài ra, ông còn là người có công di thực cây cao su và cây canh-ky-na đầu tiên vào Việt Nam, ông cũng là người tạo dựng nên trường đại học Y khoa Hà Nội – trường đại học y đầu tiên trong toàn cõi Đông Dương – và sáng lập Viện Pasteur Nha Trang…

Trong hành trình trở lại quá khứ hơn 100 năm để tìm lại dấu vết bác sĩ Yersin, những người làm phim Vietnam Discovery đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chúng tôi không chỉ gặp được những người mà sinh thời bác sĩ Yersin xem như học trò như bác sĩ Kiều Xuân Cư, người thuở niên thiếu đã được bác sĩ Yersin ghi hình khi ông Cư đến ngôi nhà xóm Cồn để thăm ông, hay như ông Đặng Văn Trai từng là nhân viên của bác sĩ Yersin tại viện Pasteur… mà những ký ức về một con người đức độ tài hoa này vẫn hằn sâu trong ký ức của họ…

Với người Việt Nam, bác sĩ Yersin gần như là một ông Thành hoàng làng, một bậc thánh sống. Và có lẽ ông là người nước ngoài duy nhất được đưa vào chùa thờ phượng. Ở chùa Linh Sơn Pháp Ấn hay chùa Long Tuyền (Diên Khánh, Khánh Hoà), di ảnh Yersin được đưa vào chùa thờ bên cạnh tượng Phật. Còn ở đình làng Tân Xương dưới chân đỉnh Hòn Bà, dân làng đưa Yersin vào đình thờ như Thành hoàng của làng.

Có thể nói, hành trình thực hiện bộ phim ký sự nhiều tập về bác sĩ Yersin ở Việt Nam đã mang đến cho những người làm phim một cảm giác rất lạ nhưng có điều gì đó thân quen như tìm về dấu tích của người thân, bởi đi đâu, chúng tôi cũng gặp những tình cảm đặc biệt dành cho nhà khoa học lừng danh này. Như tâm sự của đại tá Lê Thanh Xuân, nguyên là người điều hành cơ quan của một bộ, mà khi làm tại đây ông không hề biết vị trí của cơ sở này lại chính là nền nhà của “ông Năm Yersin” ở xóm Cồn. Và bây giờ, chính đại tá Xuân với tư cách phó chủ tịch hội Những người ái mộ Yersin là người quyết liệt đề nghị khôi phục lại nguyên bản ngôi nhà này, bởi theo ông, “đó chính là sự chân thành nhận lỗi khi phủ nhận quá khứ và công lao của bác sĩ Yersin đối với Việt Nam”.

Bài: Binh Nguyên (SGTT)
Ảnh: NCCong ©2017