Hồ Anh Thái có "sợ" giải thiêng ?

Hình như Hồ Anh Thái sợ cái từ "giải thiêng". Điều này thể hiện một nhược điểm cốt tử trong cuốn sách của ông.

Nếu cần tìm một hình mẫu của người viết văn chuyên nghiệp ở Việt Nam thì có lẽ ông Hồ Anh Thái là một trường hợp thuyết phục. Trong nhiều năm, ông Thái duy trì được sức sáng tác đều đặn. Gần như ông có sách xuất bản hàng năm. Ở phương diện này, có thể so sánh ông Thái với những người như Nguyễn Nhật Ánh hay Chu Lai, những nhà văn thuộc hàng "viết khỏe" của văn học Việt Nam đương đại.

Những cuốn sách của ông Thái khi xuất hiện cũng được quảng bá rất tốt. Bài viết về sách của ông, từ điểm sách cho đến tiểu luận phê bình, xuất hiện trên hầu như tất cả các tờ báo quan trọng của Việt Nam, cả báo điện tử lẫn báo in. Ông Thái cũng thiết lập được mối quan hệ rất tốt với giới phê bình. Có thể nói, ông đã có được một đội ngũ ổn định những nhà phê bình và "người hâm mộ" của riêng mình, với những tên tuổi như Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thị Minh Thái, Nguyễn Đăng Điệp, Lê Minh Khuê… Và có lẽ, một cách cảm tính, cũng có thể nhận thấy những cuốn sách của ông đều là sách bán chạy.

Cuốn sách mới của Hồ Anh Thái - Đức Phật, nàng Savitri và tôi - cũng nằm trong "quỹ đạo" này.

Cũng một khả năng sáng tạo dồi dào, lần này là sự quay trở về và đào sâu một trong những đề tài từng làm nên tên tuổi của ông: nền văn hóa Ấn Độ. Cũng một sự xuất hiện đầy ấn tượng, với hai cuộc ra mắt sách được tổ chức tại hai trung tâm văn hóa ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cũng vẫn những nhà phê bình quen thuộc và, không những thế, còn có sự mở rộng với những lời đánh giá đầy trân trọng của cả giới viết văn (Nguyễn Danh Lam) lẫn những người tu hành (HT. Thích Chơn Thiện) - một "bảo đảm bằng vàng" cho sự thành công của cuốn sách. Cũng một sự đồng thuận rất cao về giá trị của tác phẩm, với những "điểm nhấn" về nghệ thuật cấu trúc tác phẩm, về cách xây dựng nhân vật, về tư tưởng chủ đề…, dẫu không phải không có những bất đồng. Những bất đồng vừa đủ độ để sự đánh giá tác phẩm của ông không trở thành đơn điệu mà vẫn không làm suy giảm tính thống nhất của các ý kiến.

Vậy thì, phải chăng hồ sơ về cuốn sách đã có thể khép lại và chúng ta có thể vui vẻ với nhau về một thành công mới của một nhà văn có vị trí ổn định trong đời sống văn học? Theo tôi, vấn đề không đơn giản như vậy.

Văn chương tồn tại được nhờ một thứ lô-gíc kép của một cuộc giằng co thường trực giữa nhà văn với toàn bộ đời sống bao quanh anh ta. Cuộc chiến của anh ta là cuộc chiến với những định kiến thẩm mĩ đã có, được tạo lập trong độc giả bằng tất cả những cuốn sách từng tồn tại trước sáng tạo của anh ta. Anh ta hoặc phải sống với nó, thỏa hiệp với nó để thủ lợi cho riêng mình, hoặc gây hấn với nó, làm đảo lộn nó, thách thức nó bằng một lôgíc tuyệt đối của riêng mình.

Trong trường hợp thứ nhất, anh ta sẽ được tưởng thưởng bằng sự thành công về doanh thu và sự yên ổn trong đời sống văn chương.

Trong trường hợp thứ hai, anh ta sẽ phải nhận lãnh thân phận của kẻ cô độc, đôi khi của kẻ bị nguyền rủa, để sau đó được đền bù bằng sự công nhận của hậu thế [1]. Hãy nhớ lại Ác hoa của Baudelaire đã ra đời như thế nào. Và rộng ra, nghệ thuật, suy cho cùng, là như thế. Khi những tác phẩm đầu tiên của chủ nghĩa ấn tượng hay của trường phái dã thú được công bố, phê bình quan phương đã nhìn chúng như những con bệnh. Những cuốn sách lớn làm thay đổi thế giới thường ra đời bằng con đường khổ nạn thứ hai này.

Ta sẽ đặt cuốn sách của ông Thái ở đâu trong cái lô-gíc nước đôi nghiệt ngã này của văn chương? Và đúng ra, cần phải đọc cuốn sách như thế nào? Đi đến tận cùng của lô-gíc này sẽ là cuộc gặp gỡ với lô-gíc của nhà văn. Rằng, cuốn sách của anh ta đã được chế tạo như thế nào? (Xin được mượn lối nói có phần cực đoan của các nhà hình thức luận hồi đầu thế kỉ trước).

Nhà văn Nguyễn Danh Lam đã dùng một ẩn dụ chính xác để nói về cuốn tiểu thuyết của ông Thái: "vững chắc trên cây cầu của phiêu lưu". Khi viết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, ông Thái đã làm một cuộc phiêu lưu vào một đề tài không mấy quen thuộc với người Việt Nam: nền văn hóa Ấn Độ. Nhưng thực ra, đó là một cuộc phiêu lưu được bảo hiểm. Trước hết, vì ông Thái đã từng có một thời gian dài sống và làm việc ở Ấn Độ. Ông cũng là một nhà nghiên cứu về Ấn Độ - theo ông cho biết. Không những thế, viết về một cái xa lạ cũng là một đảm bảo cho thành công. Nó khơi gợi sự tò mò. Và, với một nền văn hóa xa lạ, những điều tầm thường nhất cũng có thể trở thành một cái gì hết sức hấp dẫn. Hơn thế nữa, khi viết về văn hóa Ấn Độ, Hồ Anh Thái đã tìm một "lối vào" tương đối dễ dàng với người Việt Nam: Đạo Phật.

Sự lựa chọn này sẽ đặt những nguời viết trước những cái bẫy. Vậy thì, rốt cuộc, cái gì làm nên giá trị tác phẩm của anh ta? Cuối cùng, người ta sẽ tìm thấy được điều gì ở nó? Sự hấp dẫn của một thứ vị lạ hương xa (éxotisme) kiểu như những bản du kí của những nhà thám hiểm hay những tay thực dân? Nhưng liệu khi đó nó có còn là văn chương? Hay anh ta phải vượt lên tất cả những hấp dẫn đó của chất liệu để tìm đến một cái gì khác, một tư tưởng?

Tôi tán thành với nhiều người khi cho rằng cuốn sách của ông Thái tràn ngập những chi tiết về nền văn hóa Ấn Độ: xã hội đẳng cấp, những vị guru, những phong tục tập quán của người Ấn cổ xưa, những bản kinh và những vị tu sĩ, cả kinh Kamasutra (Dục lạc kinh), cuốn kinh về sự ân ái và giao hoan, rồi đời sống tình dục phóng túng của người Ấn thời cổ, những nghi lễ kì lạ về thánh nữ đồng trinh…

Tất cả những điều đó đều là chất liệu dễ hấp dẫn người đọc, nhất là những người đọc chưa bao giờ có điều kiện tìm hiểu thật nghiêm túc nền văn hóa Ấn Độ và Hinđu giáo. Nhưng, nếu bảo rằng xuyên qua nó người ta có thể chạm đến một nền văn hóa thì chắc chắn là không.

Qua những gì ông Thái viết về nước Ấn thời cổ, người đọc có cảm tưởng, đó chỉ là một thế giới của sự u tối, mê tín dị đoan, của một hệ thống đẳng cấp phi lí và vô nhân. Dưới ngòi bút của ông, Ấn giáo trở thành một trò mê tín dị đoan để những tay tu sĩ tham lam và dối trá có công cụ cạnh tranh quyền lực với các ông vua. Kamasutra trong mắt ông chỉ là thứ bày trò để tận hưởng ái ân của một đám vương tôn công tử, trai và gái, thừa tiền lắm của và mê đắm lạc thú thân xác. Và những vị tu sĩ Ấn giáo trở thành một đám mông muội ngu dốt phí phạm đời mình trong những trò khổ hạnh vô nghĩa.

Hãy đọc lại đoạn ông Thái viết về cuộc thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật thu nạp năm vị tu sĩ khổ hạnh Ấn giáo. Thực ra, lịch sử của bất cứ tôn giáo nào do chính môn đồ của nó viết cũng đều có chi tiết về những cuộc thu phục tín đồ những tôn giáo khác (hãy thử đọc lại lịch sử Thiên chúa hay Hồi giáo). Nhưng, từ khi được đọc Phật và Chúa Jésus là anh em của thầy Thích Nhất Hạnh, tôi không còn tin lắm những kiểu "PR tôn giáo" thế này. Và điều đáng buồn là nhà văn lại có vẻ thích thú với những thứ "đối chiếu học" tôn giáo ngây thơ và nguy hiểm đó (biến đối thủ thành kẻ mông muội và ngu dốt). Với nó, tinh thần bao dung tôn giáo coi như bị triệt tiêu.

Ông Thái có thể nói rằng cuốn sách của ông không viết về Ấn giáo. Nhưng rõ ràng, trong hệ thống nhân vật của ông, ông đã dựng lên một hệ nhân vật thuộc về Ấn giáo, và hệ nhân vật ấy chiếm một dung lượng không nhỏ trong cuốn sách của ông.

Chúng ta không thể bắt nhà văn viết theo một thứ "phải" nào đó. Nhưng rõ ràng, chúng ta có thể chỉ ra những nguy hiểm và những giới hạn trong chính lôgíc sáng tạo của anh ta. Trường hợp của ông Thái khi viết về Ấn giáo là như vậy. Hình như ông Thái không đủ khả năng tạo nên nhưng cuộc đối thoại đích thực sâu sắc và đầy tinh thần bao dung giữa những tôn giáo, điều mà nhiều nhà văn khác đã làm hoặc cố gắng làm. Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh là một ví dụ. Hay Phía Đông vườn địa đàng của Steinbeck.

Và nếu vậy thì hãy cứ coi cuốn sách của ông Thái đơn giản chỉ là một cuốn truyện về Phật giáo thuở sơ khai. Viết được về điều ấy cũng đủ để tạo nên một cuốn sách lớn.

Ông Thái làm được điều này chăng? Nhất là khi ông đã đọc "nhiều công trình nghiên cứu về cổ Ấn Độ ở Anh, Đức với những chuyên gia hàng đầu" như chính ông đã nói trong một cuộc ra mắt sách?

Đáng tiếc là không.

Hãy xem ông đã đọc được điều gì về đạo Phật? Tất nhiên là, với những ai chưa từng có một kiến thức tối thiểu về Phật giáo, chưa đọc qua Kinh Phật, cuốn tiểu thuyết của ông Thái sẽ là một "lối vào" cuộc đời Phật tổ và giáo lí đạo Phật nhẹ nhàng và dễ dàng. Ông Nguyễn Danh Lam có cảm nhận là trong cuốn sách của mình ông Thái đã "nén" chi tiết, không "bước bừa, bước quá" trên cây cầu của sự phiêu lưu. Kể ra thì việc tạo nên một bút pháp cô đọng, súc tích cũng là cái đích mà nếu đạt được, người viết cũng đã có một thành tựu. Thế nhưng, điều quan trọng là anh viết cuốn sách để làm gì? Có ích gì không nếu lại thêm một cuốn sách về cuộc đời Phật giữa muôn ngàn cuốn sách về đời Phật? Và quan trọng là, anh đã đọc được điều gì từ cuộc đời ấy?

Đọc cuốn sách của ông Thái, người ta biết mầm mống của sự giác ngộ ở Phật đã bắt đầu từ rất sớm, rằng Phật ngộ ra chân lí về nguồn gốc đau khổ ở đời từ hình ảnh một người già, một kẻ bệnh tật và một tử thi, rằng Phật là người đi rao giảng chân lí về sự giải thoát khi từ bỏ dục vọng. Nhưng, liệu ngoài tất cả những điều có thể đọc trong bất cứ cuốn giáo lí nhập môn nào, ông Thái mang đến được thêm điều gì cho người đọc? Trước một đề tài đã quá quen thuộc trong tâm thức của cộng đồng, nhà văn đứng trước thử thách phải phá vỡ được bức tường cảm nhận mang tính định kiến của công chúng. Anh ta phải "lạ hóa" (tôi dùng từ này theo đúng cách hiểu của những nhà hình thức chủ nghĩa) được cái cảm xúc đã sáo mòn của công chúng.

Herman Hesse trong Câu chuyện dòng sông đã làm được điều đó. Hoặc rộng hơn, Mel Gibson đã chấp nhận thử thách ấy khi ông làm phim về những khoảnh khắc cuối cùng của chúa Jésus.

Ông Thái không đi con đường này. Chính xác hơn, ông không thể làm được điều này.

Hãy đọc những triết lí kiểu như "mọi chúng sinh đều kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng hầu hết đều mù quáng vì thiếu hiểu biết, vì những tham vọng của mình, đến mức họ không tìm thấy gì ngoại trừ nổi khổ. Sợ hãi, thất vọng, đói rách, tuổi già và cái chết - đó là tất cả những gì mà họ nhận được trong cuộc tìm kiếm tuyệt vọng này, mà đời người chỉ chốc lát" (Đức Phật, nàng Savitri và tôi, trang 87). Hay "Rồi chàng (Đức Phật) hiểu ra rằng mọi cách thức cực đoan đều không giúp người ta tìm ra chân lý. Cần phải đi con đường Trung Đạo, con đường ở giữa hai lối cực đoan đó" (Đức Phật, nàng Savitri và tôi, trang 176).

Những triết lí như vậy không thiếu trong cuốn sách của ông Thái, trong những cuộc thuyết giáo của Phật, trong những cuộc đàm đạo của Phật với những vị vua chúa. Rất nhiều! Nó dễ dãi đến mức không thể hiểu nổi. Như một thứ "độn" trong một cuốn sách. Bởi, nó đơn giản, cũ mòn, có thể tìm trong bất cứ cuốn lịch sử Phật giáo hay nhập môn Phật giáo nào.

Thực ra, nếu đi đến tận cùng mọi thứ triết thuyết hay tôn giáo, người ta đều tìm thấy những triết lý hết sức đơn giản. Nhưng vấn đề đặt ra là: tại sao nhận ra những điều giản dị ấy và sống theo những điều giản dị ấy lại khó khăn đến như vậy? Đó không chỉ là nan đề của các tôn giáo từ khi nó ra đời. Nếu không thì việc gì phải nhọc lòng tìm kiếm những lễ nghi, phải cải cách đi cải cách lại? Và, nếu một cuốn sách không làm người đọc tự cảm nhận cái hành trình nhọc nhằn tìm kiếm những chân lí giản dị đó, hay cao hơn, làm người đọc tự phát hiện ra những chân lí ấy, nếu một cuốn sách chỉ đơn giản sao chép lại những giáo lí (thậm chí trở thành giáo điều), thì liệu cuốn sách có lí do tồn tại không?

Đáng tiếc, nhà văn không thể đem đến cho người đọc những câu trả lời rốt ráo cho điều này. Trong khi, đây chính là điểm mà văn học có thể phát huy được tất cả sức mạnh của mình - một dạng thức nhận thức bằng cảm tính, bằng cái đẹp. Vậy thì cái cách "nén" hay tránh không "bước bừa, bước quá" trên cây cầu của sự phiêu lưu (hay của trí tưởng tượng) phải chăng chỉ là một cách nói lịch sự để che giấu một sự lười biếng của tư duy hay là một sự thiếu bản lĩnh của trí tưởng tượng?

Ở đây, cuốn sách của ông Thái làm tôi liên tưởng đến loại truyện anh hùng chiến sĩ thi đua rất phổ biến thời chiến tranh, những cuốn sách được viết ra kiểu người thực việc thực, đơn giản, phục vụ trực tiếp, kịp thời, loại sách mà dạng thức tiêu cực nhất của nó đã bị Nguyễn Minh Châu đọc lời "ai điếu" trong những năm đầu thời Đổi mới.

Người ta nói rất nhiều đến cái gọi là sự "giải thiêng" trong cuốn sách của ông Thái. Cái từ này (lần đầu tiên xuất hiện trong một bài phê bình của ông Hoài Nam về cuốn sách của ông Thái), xuất hiện trong hầu hết các bài phê bình sách của ông, hầu hết các cuộc giao lưu giữa ông và độc giả. Ông Thái không công nhận mình "giải thiêng" cuộc đời Phật. Ông chỉ "viết về hình ảnh của Phật dưới góc độ của một con người thật". Và thực ra, đó cũng chính là cái mà ông Nam đã hiểu khi nói về khuynh hướng "giải thiêng". Giữa ông và ông Nam không có sự khác biệt.

Hình như ông Thái sợ cái từ "giải thiêng" nọ. Điều này thể hiện một nhược điểm cốt tử trong cuốn sách của ông Thái.

Ông không đủ sự sâu sắc để chạm đến tính phức tạp bên trong của nền văn hóa Ấn Độ và tư tưởng Phật giáo. Ông lại không đủ quyết liệt để đi đến tận cùng cái ý tưởng sáng tạo của mình. Ông nói, ông muốn nhìn Phật như nhìn một con người. Ý tưởng ấy đủ để làm nên một cuốn sách lớn. Như nhiều người đã khen rằng ông đã “gỡ được hình ảnh của Phật ra khỏi những thứ ma vương hiện hình hay là những chuyện hoang đường”. Điều ấy có. Nhưng, ông vẫn cứ bị quyến rũ với những thứ chi tiết kiểu như thu phục ngựa điên hay đứng trước voi say rượu giết người. Và cuối cùng thì, thực ra, Đức Phật trở thành một cái gì lơ lửng giữa một nhân vật tâm lí và một nhân vật tư tưởng, vừa thiếu phần tâm lí người, cảm xúc người, lại vừa giản đơn về tư tưởng. Và tất nhiên, Đức Phật của ông lại càng không thể trở thành được một nhân vật có tính biểu hiện, kiểu như nhân vật trong tiểu thuyết từ Kafka trở về sau.

Thực ra thì bản thân những nhà phê bình vốn ủng hộ cái gọi là sự "giải thiêng" hình ảnh Phật trong tiểu thuyết của ông Thái cũng không thể trả lời được liệu sự giải thiêng ấy mang đến điều gì. Ông không đủ dũng cảm và sâu sắc để vượt qua cái mục đích viết về cuộc đời Đức Phật, lấy đó làm bệ đỡ cho những tư tưởng của chính mình. Vậy thì, phải chăng cái cuối cùng còn lại của cuốn sách của ông Thái chỉ là ông đã biến Phật thành một con người? Đó phải chăng là một "tư tưởng", hay chỉ là ý đồ vẫn còn bất thành về một tư tưởng?

Ông cũng không đủ cả dũng cảm để chiến đấu với chính cái hình ảnh có tính chất của một thứ cliché về Đức Phật trong tâm thức cộng đồng để tạo ra một Đức Phật của riêng ông. Cùng lắm, ông chỉ dám thỏa hiệp với nó. Chính đó là cái mà ông Nguyễn Danh Lam đã khen ông Thái khi nói rằng ông "vững chắc trên cây cầu của sự phiêu lưu". Nói thật ra, đó chính là kiếm tìm sự an toàn qua con đường của sự thỏa hiệp.

Một trong những thành công của cuốn tiểu thuyết của ông Thái chính là lối kết cấu bộ ba với khả năng soi chiếu lẫn nhau của các nhân vật: Đức Phật, nàng Savitri và nhân vật Tôi. Bản thân việc "chạy" song hành hình tượng Savitri cạnh hình tượng Đức phật đã có thể là tiền đề của một đa thanh tuyệt vời. Một cuộc đối thoại giữa cái trần tục và cái thiêng liêng, giữa thế giới trần thế đầy đau khổ nhưng cũng đầy hoan lạc và sự giải thoát trong tôn giáo. Nếu đi đến tận cùng chủ đề này thì hoàn toàn có thể đạt tới một cuốn sách lớn, vì chạm đến những vấn đề cốt tủy của con người về việc có cần thiết hay không sự tồn tại của cái thiêng liêng trên thế giới này. Nhưng để làm được điều đó, nhà văn phải có được tầm vóc của một nhà tư tưởng.

Điều này, đáng tiếc, không có trong cuốn sách của ông Thái. Ông đơn giản hóa đạo Phật trong một vài triết lí đơn giản. Ông biến cuộc đối thoại giữa đạo Phật và những tôn giáo khác thành cuộc đấu tranh giữa sự sáng suốt tuyệt đối và sự u mê, ngu muội cũng gần như tuyệt đối. Và cuộc đối thoại giữa trần thế và cái thiêng liêng cuối cùng cũng bị quy về một thứ lôgíc lưỡng phân: rằng cuối cùng, đắm chìm trong lạc thú của trần thế thì sẽ phải chịu đau khổ và trừng phạt. Vậy thì liệu nên coi cuốn sách của ông Thái là một tiểu thuyết hay một truyện kể?

Điểm thất bại cuối cùng của ông Thái chính là ngôn ngữ của cuốn sách. Nhiều người vẫn ca ngợi đoạn viết về đám sương mù trong thung lũng nơi biên giới Ấn Độ - Nê pan, coi đó như một trong những đoạn hay nhất của cuốn sách. Thậm chí đạt đến tầm vóc tư tưởng, khi ông dùng ngôn ngữ diễn tả cái vô minh. Nhưng theo tôi, đây lại chính là một trong những đoạn biểu hiện rõ nhất sự bất lực về ngôn từ của ông Thái. Ông viết:

Tôi chọn cách ở yên dưới bể bơi. Y như khi ban đêm mất điện, đang ở đâu thì ở yên đấy, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Ban đêm còn có ngọn nến, cái đèn pin, một que diêm xòe lên cứu vãn. Sương mù như thế này không có gì cứu vãn được. Chính lúc ấy là cảm giác vô minh. Cái tăm tối mù lòa ngu dốt. Cả thế gian cùng lúc chìm trong vô minh. Rõ ràng ta không mê muội, ta không ngủ mơ. Rõ ràng ta đang tỉnh táo. Nhưng cái tỉnh táo trong chốn mù lòa dốt nát cũng vô tác dụng. Tỉnh như thế cũng không thấy được đường ra. (Đức Phật, nàng Savitri và tôi, trang 12).

Không phủ nhận rằng ông có một ý tưởng quá tuyệt: một khoảnh khắc mang tính mặc khải. Và mặc khải ra một chân lí mang tính nền tảng của mọi tôn giáo. Đó là một kinh nghiệm tôn giáo cơ bản nhất. Thế nhưng, ông bất lực trong việc sáng tạo nên một ngôn từ để diễn tả kinh nghiệm ấy. Hoặc đơn giản chỉ là bỏ qua ngôn từ. Ông bất lực, thế nên phải bám vào những "vô minh", "tăm tối mù lòa ngu dốt". Đó chính là trường hợp điển hình cho ngôn từ trong cuốn sách của ông Thái.

Trường hợp của ông Thái làm chúng ta liên tưởng tới trường hợp của đạo diễn Lê Hoàng. Nếu ai đã từng yêu thích một Lê Hoàng của Ai xuôi Vạn Lý thì sẽ không khỏi thấy tiếc trước một Lê Hoàng của Gái nhảy. Thế nhưng, ông Lê Hoàng sòng phẳng trong cái lô-gíc sáng tạo của mình (và phải chăng, đó cũng là một phương diện đáng kính trọng của ông Hoàng). Trường hợp ông Thái có khác. Ông cũng là một tài năng như ông Hoàng. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông cũng như những cuốn sách mà ông đã viết đều lấp lánh mầm mống của những ý tưởng lớn. Thế nhưng dường như ông mắc kẹt trong việc tìm cho mình một lô-gíc sáng tạo, trong việc đi đến tận cùng mọi ý tưởng và lật đổ những định kiến thẩm mĩ. Thế nên, những ý tưởng lớn vẫn cứ chỉ là những mầm mống và lần nữa, một cuốn sách lớn lại tuột khỏi tay ông Thái.

Phạm Xuân Thạch

[1Nhưng thực ra ngày nay, ngày càng hiếm những tài năng được công nhận sau khi đã qua đời. Đa phần nhà văn tài năng đều được công nhận ngay khi còn sống và sức sáng tạo còn dồi dào. Hình như thời đại của chúng ta không còn những Van Gogh. Sao vậy? Trả lời được điều này chắc chắn là không dễ.