Hoa mắt với chuyện Hoa-Mỹ

Trái táo và thùng dầu

Từ sau Thế chiến II, Hoa Kỳ bị nhiều trận suy trầm nghiêm trọng mà rồi vẫn đứng dậy. Dân Mỹ vốn ưa hốt hoảng nhưng vẫn lạc quan và tự tin vùng lên. Vụ thị trường phát cuồng khiến ta có thể không chú ý một biến cố có ý nghĩa về khả năng vùng dậy.

Tuần qua, lần đầu tiên, tài sản của công ty Apple Inc. vượt qua tổ hợp Exxon Mobile thành doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ và thế giới. Hiện nay, hai doanh nghiệp đang ngang ngửa trong cuộc đua với khoảng 350 tỷ Mỹ kim tài sản: ta nhân trị giá cổ phiếu trong ngày với số cổ phiếu thì ra trị giá tài sản theo mệnh giá của thị trường (xin tạm gọi là "kết giá thị trường" để dịch chữ market capitalization).

Nhìn lại thì ngày 11-8-2011 vừa qua, chẳng có biến cố gì làm tài sản của Apple bỗng lên giá 36 tỷ và đoạt ngôi vô địch của Exxon Mobile! Nhưng nếu lùi lại một chút thì ta có thể nhìn ra một chuyển động lớn của Hoa Kỳ, và thế giới sau này.

Sau khi xoá chữ "Computer" trong thương hiệu Apple Computer Inc. Apple đã mở rộng lãnh vực kinh doanh và chuyên trị về một loạt những sản phẩm xin gọi là "trí tuệ trong mảnh nhựa". Exxon hay các tổ hợp dầu khí hoạt động với rất nhiều thiết bị tốn kém trải rộng khắp nơi, mà sản phẩm chủ yếu là dầu thô và khí đốt. Đây là loại sản phẩm bị hủy diệt sau khi được tiêu thụ. Sản phẩm của Apple chủ yếu là trí tuệ, là sáng kiến. Với đặc tính là sau khi được sử dụng và tiêu thụ thì vẫn tồn tại - mà lại còn có giá trị hơn!

Từ hai chục năm trước, ta nghe nói đến nền "kinh tế tri thức". Apple và hàng loạt công ty mới xuất hiện sau này như Yahoo, Google, Facebook, v.v... đã minh chứng hình thái kinh tế ấy. Và làm thay đổi lề lối sinh hoạt, từ học hỏi, suy nghĩ, giải trí đến sản xuất của nhân loại....

Nói đến chuyện đứng dậy, nếu theo dõi thì ta biết những hoạn nạn của Apple sau khi xuất hiện tại Cupertino ở miền Bắc California vào năm 1976, khi nước Mỹ... vừa bại trận tại Việt Nam.

Mà khu vực này không chỉ có "phép lạ" Apple. Nhìn lại thì nhiều thành tựu kinh doanh từ Thung lũng Silicon này còn là đóng góp của di dân, đến từ Âu Châu, Á Châu hoặc Trung Đông. Nhân vật kỳ tài của Apple, Steve Jobs, là người gốc Syria được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi... Lập ra công ty rồi bị đuổi rồi quay về cứu lấy trái táo. Được đối thủ là Microsoft cho vay 150 triệu, Apple thoát xác và mở ra chân trời khác.

Mà cái gì khiến những di dân ấy thành nhân tài của Hoa Kỳ? Điều kiện gì giúp họ phát huy trí tuệ và cống hiến những sản phẩm hay dịch vụ mà trước đó thị trường và giới tiêu thụ chưa nghĩ ra? Nếu còn ở lại cố quốc, họ có cơ hội như vậy không?

Những câu hỏi ấy mới đáng nêu ra trong cơn hốt hoảng.

Thành thử, giữa những bất cập của chính trường làm thị trường hoảng loạn, xã hội Mỹ vẫn tiếp tục vận hành và tạo ra phép lạ. Sau này, nếu có nhớ lại trận khủng hoảng vừa qua thì ta thấy... hào hứng như khi Tổng thống Richard Nixon bị đàn hặc và từ chức vì vụ Watergate!

Nhìn cho gần trong từng gia đình, phép lạ ấy là khi trẻ em Mỹ đang sống trong một thế giới khác, hoàn toàn thoải mái với đồ chơi và học cụ điện tử. Chúng vận dụng tri thức theo những quy luật mà nhiều khi ta chỉ mường tượng ra đã chóng mặt. Từ đó, các thế hệ tiếp nối còn làm ra nhiều điều kỳ diệu hơn. Một hình thái sinh hoạt khác đã xuất hiện.

Mà trong thế giới đó của Mỹ, không có chuyện... kiểm soát Internet, đầu cơ kiến thức! Hoặc đàn áp đối lập. Ta trở lại với chủ nợ số một của Hoa Kỳ. Trung Quốc!

Chuôi dao nằm đâu?

Chỉ vì trong khi nước Mỹ hoảng loạn chuyện nợ nần thì Bắc Kinh – và cả thế giới – cứ nói đến việc Hoa Kỳ bị nhập siêu khi buôn bán với Trung Quốc. Nhờ vậy mà các đấng con trời tích lũy được khối dự trữ ngoại tệ trị giá tương đương với 3.200 tỷ đô la và là chủ nợ số một của Mỹ.

Với kho bạc ấy, tính đến Tháng Bảy, Bắc Kinh cho Hoa Kỳ vay 1.160 tỷ bằng cách mua Công khố phiếu Mỹ. Nếu kể thêm các công ty bình phong khác, số tiền cho vay có thể lên tới 1.200 tỷ. Ngoài ra còn nhiều ngả đầu tư khác. Vì thế Bắc Kinh có thể làm chủ một lượng tài sản Mỹ trị giá tổng cộng là 2.000 tỷ. Một số nguồn tin khác nói đến tỷ lệ 70% của số dự trữ 3.200 tỷ này (2.240 tỷ). Trong khi ấy, người dân Trung Quốc vẫn nghèo mạt.

Nhìn từ bên ngoài, ta nên xoay ngược bài toán tích/tiêu hay tá/thải của trương mục kế toán này.

Dân Mỹ nổi tiếng là ưa tiêu thụ và mang tiếng là ưa mua sản phẩm "chế tạo tại Trung Quốc" thật ra lại chuộng hàng... nội hoá! Năm 2010, nhập cảng chỉ chiếm 16% Tổng sản lượng Nội địa GDP: 84% còn lại là sản phẩm "Made in USA".

Trong năm qua, số tiêu thụ của tư nhân Mỹ dành cho hàng nội hoá lên tới 88,5%. Chỉ có 11,5% là hàng nhập. Mà hàng hoá hay dịch vụ "Made in China" chỉ bằng 1/4 tổng số nhập cảng đó - là 2,7% mà thôi.

Về kế toán mà nói, khi bút ghi là mua 11,5% hàng ngoại, người ta kể luôn mọi loại chi phí như vận chuyển, quảng cáo, phân phối và bán lẻ, tính chung lên tới 4,2%, thật ra do doanh nghiệp Mỹ thực hiện. Phí tổn nhập cảng thật chỉ lên tới 7,3%: khi mua hàng ngoại, giới tiêu thụ Mỹ chi cho doanh nghiệp Mỹ 36% của ngạch số 11,5% nói trên.

Với hàng "Made in China" thì còn ly kỳ hơn, vì Thiên triều ngửi hoa giả.

Trong số 2,7% gọi là "mua của Trung Quốc", có 55% là trả cho doanh nghiệp và công nhân Mỹ đã chở hàng về và quảng cáo rồi phân khối khắp nơi: khi mua một đô la hàng Trung Quốc, có 55 xu là vào túi doanh nghiệp Mỹ nhận hàng bên Mỹ. Thiên triều chỉ xuất cảng được 1,2% số hàng tiêu dùng của dân Mỹ. Mà việc sản xuất ra lượng hàng ấy ở tại gốc thì còn có sự tham gia của... nhà đầu tư Mỹ tại Hoa lục. Con số là bao nhiêu thì ta chưa rõ, có nhiều nơi nói đến tỷ lệ 60%....

Dù có kể thêm các loại bán chế phẩm mà Hoa Kỳ phải nhập từ Trung Quốc để sản xuất ra hàng "Made in USA" thì sức bán tổng cộng của Thiên triều chỉ lên tới 1,9% (1,2% + 0,7%). Nôm na là Bắc Kinh khó làm mưa làm gió trên một thị trường mà thị phần của mình chỉ có chưa đầy 2%.... Vậy mà nước Mỹ cứ rên như sắp bán hết gia sản cho Trung Quốc vì bị nhập siêu nặng!

Hay là "đại bá" gặp "đại điếm"?

Sang chuyện nợ nần....

Bộ Ngân khố Mỹ cho biết là tính đến hôm 11-8-2011 vừa qua, Hoa Kỳ mắc nợ 14.588 tỷ đô la, trong đó 4.667 tỷ là công quyền nợ nhau. Phần nợ công chúng trong và ngoài nước là 9.921 tỷ. Nếu Thiên triều có nắm 1.200 tỷ trong số nợ ấy thì cũng chỉ là 12,1%. Chủ nợ lớn nhất thật đấy, nhưng chỉ cỡ một phần tư số nợ của công chúng Mỹ (46%)!

Mà khách nợ càng luống cuống thì Mỹ kim càng mất giá làm chủ nợ càng lỗ.

Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo hôm 9-8-2011 là sẽ giữ lãi suất gần số không hiện nay cho tới năm 2013 (sau bầu cử!) và thị trường nói đến một đợt gia tăng mức lưu hoạt có định lượng (quantitative easing) thứ ba. Cổ phiếu Mỹ bèn tăng vọt, Mỹ kim mất giá và Thiên triều mất ngủ! Vậy mà hôm sau Bắc Kinh còn thả cái phà Thi Lang để uy hiếp lân bang! Rõ khỉ.

Nếu lùi lại nhìn trên toàn cảnh, có lẽ, ta đang chứng kiến một vụ lịch sử sang trang - trong tiếng thở dài ồn ào về sự suy tàn của nước Mỹ! Đúng là chuyện Hoa-Mỹ làm ta hoa mắt....

(Theo blog Nguyễn Xuân Nghĩa)