Hoạ sĩ Đỗ Quang Em

Thành công trên thị trường mỹ thuật, ở Việt Nam, theo dư luận “trong làng”, hoạ sĩ Đỗ Quang Em xếp hạng hàng đầu (?). Dư luận râm ran, cộng thêm, hình thức “cực thực” tinh tường trong hội hoạ của ông thể hiện một trình độ kỹ thuật “bậc thầy” khiến cho quảng đại quần chúng tự nhiên có nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật của ông. Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Thực chất hội hoạ Đỗ Quang Em là như thế nào?”. Trong thực tế, về hội hoạ Đỗ Quang Em, đứng ở góc độ nghệ thuật, với người trong làng mỹ thuật, cho đến nay, vẫn tách bạch hai đường nhận định trái ngược. Một bên nể phục sự “thần tình” trong khả năng thể hiện của ông và một bên cho rằng, đó là hình thức đã trở thành “lạc hậu”.

Khen ngợi hay chê bai, khác nhau là cách nhìn, ở quan niệm nghệ thuật, thậm chí, nhiều khi chỉ khác nhau ở thành kiến, định kiến xuất phát từ đâu đó. Tuy nhiên, dù khác nhau, tất cả, đều phải thừa nhận, Đỗ Quang Em là một hoạ sĩ tài năng. Ông đã vẽ được “đến nơi đến chốn” cái điều mà ông muốn vẽ, ông đã kiên trì với lựa chọn nghệ thuật của mình và trong hội hoạ Việt Nam, tranh ông là một cõi riêng biệt. Một vài hoạ sĩ ở TP.Hồ Chí Minh đi theo “đường lối” của ông, nhưng chỉ riêng về mặt kỹ thuật, vẫn đứng sau ông một khoảng xa vời.

Tỳ bà và đá

Hội hoạ tả thực của Đỗ Quang Em có hình thức “cực thực”. Thực đến nỗi ngay nhiếp ảnh cũng khó lòng sánh nổi về khả năng tả thể chất (sự vật). Tả không khí (không gian) và khả năng biểu hiện bằng sự tinh lọc hình ảnh và cách điệu hướng đến cái đẹp lý tưởng (có xem trực tiếp tranh ông, mới thấy, những người cho rằng, ông vẽ lại từ ảnh chụp là hoàn toàn sai lầm)... Tả thực -“cực thực”- nhưng hội hoạ Đỗ Quang Em có phải là hội hoạ hiện thực hay không, đó là điều không chắc chắn.

Không gian trong tranh Đỗ Quang Em đã đi qua nhiều giai đoạn biến đổi. Ít nhất, cũng đã từng có những không gian siêu thực biến ảo đầy lý tính (Vợ tôi và tôi...). Mấy năm gần đây, Đỗ Quang Em đã trở lại với không gian “hiện thực” (thực chất là không gian vật lý nằm trong kinh nghiệm thị giác của mỗi người) nhưng thể hiện một tinh thần riêng biệt...

Hoạ sĩ Đỗ Quang Em cho đến nay vẫn chỉ vẽ vợ, vẽ con, những đồ vật thường thấy trong môi trường dân dã Việt Nam-chiếc ghế tre, chõng tre, thang tre, những viên gạch nung, chiếc đèn bão, một cái ấm, một cái thạp... và tất cả, được ông vẽ một cách tỉ mỉ, trang trọng. Tuy nhiên, hình ảnh khách quan đó không phải là đối tượng nghệ thuật của Đỗ Quang Em -ông không nhằm mục đích tinh lọc cái đẹp trong thế giới sự vật, cũng không phản ánh hay khái quát hiện thực trong tầm nhìn thế sự. Đỗ Quang Em sáng tác với các cảm xúc trữ tình siêu hình mà hình ảnh khách quan là chất liệu chỉ có ý nghĩa khách quan hoá...

Hội hoạ Đỗ Quang Em là hội hoạ biểu hiện. Ở đây, chữ biểu hiện có ý nghĩa định tính chứ không phải quy nạp hội hoạ Đỗ Quang Em vào trường phái Biểu hiện (Expressionism). Hội hoạ Đỗ Quang Em biểu hiện một cảm thức của ông về hiện hữu, một xác tín về tính tất yếu của các “lý do tự nó” ở mỗi tồn tại (con người và sự vật). Người xem có thể cảm nhận, trong mỗi tác phẩm của ông toát lên một tinh thần nghiêm nghị, thể hiện sự trân trọng đối với thế giới đối tượng. Bao trùm trong tranh là bóng tối. Nó như sự tĩnh lặng huyền mặc của một tâm thức định tĩnh. Những khoảng sáng trong tranh Đỗ Quang Em bao giờ cũng gợi lên cảm xúc nhiệm màu của sự hiện thân.

Nghệ thuật là thế giới tâm hồn mỗi người. Nghệ thuật Đỗ Quang Em là tâm cảnh của ông. Một tâm cảnh được nhào nặn bởi ý chí, đầy kiêu hãnh...

Nếu chỉ nể phục sự “thần tình” trong khả năng thể hiện của Đỗ Quang Em, thì e rằng hơi lạc hậu. Cần phải nhìn thấy cái ở đằng sau thế giới sự vật trong tranh ông. Còn nếu cho rằng hình thức nghệ thuật của Đỗ Quang Em là đã “lạc hậu” thì e rằng, đó là một sai lầm. Sai lầm ngay từ trong nhận thức nền tảng về hội hoạ. Lịch sử cho thấy, không có hình thức nghệ thuật nào là lạc hậu. Chỉ sợ hình thức không có nội dung mà thôi !

Hội hoạ Đỗ Quang Em không mang vác tâm trạng thường nhật của ông, không chuyển tải những tâm lý, tình cảm phổ biến ở mọi người, không đối diện với các vấn đề thời sự hay các vấn nạn của lịch sử, xã hội. Hội hoạ Đỗ Quang Em là niềm tin của ông. Niềm tin này có được chia sẻ, đồng tình hay không và như thế nào, đó là chuyện khác…

NGUYÊN HƯNG (lethieunhon.com)