Họa sĩ Lưu Công Nhân (1929-2007)

Thêm một lần vắng mặt

Hoạ sĩ Lưu Công Nhân (ảnh VNN) sinh ngày 17.8.1929, tại xã Lâu Thượng, tp Việt Trì, Phú Thọ, mất tại tp Đà Lạt ngày 21.7.2007. Ông từng được trao tặng huân chương Lao động hạng nhất, giải thưởng VHNT Nhà nước (đợt 1) và nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Khoả thân

Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân ngoài những sáng tác bất hủ còn là một nhà sư phạm lỗi lạc. Kiến thức sâu rộng về mỹ thuật, văn hoá, cộng với con mắt tinh tường của ông đã phát hiện ra cho thế hệ kế tiếp những tài năng lớn nhất trong một giai đoạn có thể nói là dài nhất (1950-1985) của hội hoạ VN. 22 học sinh mỹ thuật trong kháng chiến chống Pháp được thầy Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy đã chứng tỏ mình không phụ công thầy. Lưu Công Nhân là một học trò yêu quý và kỳ vọng nhất của Tô Ngọc Vân bởi cái phẩm chất hội hoạ đặc biệt sắc nét rung cảm.

Hoạ sĩ Lưu Công Nhân vừa ra đi. Lần này là mãi mãi...

Bạn bè ông và các thế hệ hậu sinh chúng tôi đã quá quen với một "Lưu Công Nhân, người của dọc đường kháng chiến và bình yên" (Tô Hoài) và có lẽ ông cũng là nghệ sĩ VN cuối cùng của "chủ nghĩa xê dịch". Nhưng lần này, để làm quen với sự ra đi vĩnh viễn của ông, tôi chắc rằng mọi người, không dễ gì sớm quen được với sự vắng mặt của một con người, một hoạ sĩ tài danh vào bậc nhất kể từ khi nền hội hoạ cách mạng ra đời.

Nói đến Lưu Công Nhân, ta không thể không nhắc đến một giai đoạn rất dài của mỹ thuật VN sau hoà bình lập lại 1954, giai đoạn mà những tìm tòi sáng tạo còn nằm trong một khuôn phép đầy khó hiểu. Ông sục sạo kiếm tìm thử nghiệm mọi phương pháp, chất liệu và sáng tác không ngừng. Đã có lúc sáng tác của ông gây nên rất nhiều hiểu lầm ngay trong giới mỹ thuật và rất nhiều phiền phức trong "sự nghiệp" công chức đầy triển vọng của ông. Rất ít nghệ sĩ cùng thời vượt qua được cái ngưỡng an toàn cơm áo để dấn thân hết mình cho nghệ thuật như Lưu Công Nhân.

Với một vốn tiếng Pháp đủ dùng, Lưu Công Nhân là một trong số rất ít hoạ sĩ ở ta tự trang bị được cho mình một phông văn hoá rộng và sâu. Ngay từ khi còn trẻ, tác phẩm của ông dù vẽ theo hình thức nào, về đề tài gì cũng vượt được ra khỏi cái không gian hạn hẹp của một bức tranh thông thường. Nó là con mắt nhìn đầy nghi hoặc, đau đáu cân nhắc giữa nghệ thuật và cuộc đời. Giữa sáng tạo và phản ánh. Giữa bay bổng và cẩn trọng. Giữa quyết liệt và khoan dung...

Hạ Long

Cũng như cuộc đời nhiều "xê dịch" của ông, các tác phẩm của Lưu Công Nhân hầu như không định hình về thể loại, chất liệu, phương pháp. Cứ phiêu bồng trong thế giới của cảm xúc mà vẽ nên những gì mình thích bằng bất cứ vật liệu và phương pháp nào. Với Lưu Công Nhân, dường như có rất ít thứ can thiệp được vào đời sống các tác phẩm của ông.

Nếu có ai hỏi tôi, Lưu Công Nhân là người thế nào? Tôi có thể trả lời không đắn đo, ông là người yêu cái đẹp và biết tự yêu mình! Hoạ sĩ Lưu Công nhân bán rất ít tranh. Trong một bữa rượu trên phố Lãn Ông (HN) cách đây hơn chục năm, tôi đã vờ say nói đùa: "Thị trường rất khó có tranh Lưu Công Nhân giả bởi nếu nó có nhu cầu thì chính ông đã tự chép ra rồi!". Nói xong thấy sợ, ông sẽ giận mình rất lâu. Không ngờ ông hào hứng khen, "Cậu này nói đúng, tại sao ta lại không có quyền lập cho riêng mình một bảo tàng?".

Ý thức về việc gìn giữ tác phẩm và những kỷ vật của hoạ sĩ Lưu Công Nhân quả là có một không hai. Ai đã từng nhận được thư của Lưu Công Nhân đều có thể kiểm chứng điều này. Ngay cả thư viết cho bạn bè cũng phần lớn được ông giữ lại bản chính. Phải ghi nhận một phẩm chất Lưu Công Nhân nữa cũng không kém phần hiếm hoi ở một đất nước chưa có truyền thống về nghề bảo tàng.

Nhiều tác phẩm của hoạ sĩ Lưu Công Nhân nói về người lao động. Ông cũng là cộng tác viên thân thiết của Báo Lao Động trong nhiều năm. Nhưng tác phẩm về người lao động của ông đến với công chúng bằng con đường hoàn toàn khác. Đó là những vẻ đẹp, sự rung động thẩm mỹ của ông trước con người chứ không phải bằng ý nghĩa khô cứng. Từ Một buổi cày (1960), Làn khói trắng (1954), Bát nước (1959) cho đến Sương sớm Ba Vì (1993), Lưng (1994)... đều được vẽ bằng sắc thái đặc biệt Lưu Công Nhân.

Nude, 1975

Ngày nay, hình ảnh người lao động (cụ thể) đã dần vắng bóng trong các tác phẩm hội hoạ và điêu khắc. Dĩ nhiên đối tượng phản ánh của hội hoạ không chỉ có người lao động. Nhưng thật đáng tiếc, những vẻ đẹp bình dị ấy đã không còn được nhiều nghệ sĩ quan tâm khai thác dù chỉ như một cái cớ để thể hiện cái đẹp. Tranh của ông là những phát hiện tế nhị thoảng qua, một nụ cười sẻ chia khẽ khàng với người lao động trong từng khoảnh khắc bất chợt rung lên từ ngọn bút.

Ngót sáu mươi năm cầm bút, hoạ sĩ Lưu Công Nhân đã đi, đến và vẽ ở hầu khắp các miền trên đất nước. Những chuyến đi không bao giờ được định trước ngày về.

Lần này thì ông đã ra đi thật rồi. Nhớ đến ông, những hoạ sĩ và những người yêu tranh chúng tôi chỉ còn biết ngồi với nhau ôn lại những vui buồn về ông. Giống như ngày ông còn sống, vẫn thường xuyên phải nhớ đến ông theo cách ấy! Có lẽ ông là người thầy, người bạn hết sức đặc biệt của chúng tôi. Chẳng cần phải gặp thì cũng đã có nhiều chuyện để nói về nhau lắm rồi? Cũng chỉ như thêm một lần vắng mặt nữa mà thôi, có phải không, kính thưa hoạ sĩ Lưu Công Nhân?

Hoạ sĩ Đỗ Phấn (LĐ 22.7.2007)