"Sống và chết như một thiên nhiên cô độc"

Họa sỹ Dương Bích Liên (1924-1988)

Không hiểu sao, trong một không gian trắng bạc của buổi sáng, trong cái ảm đạm sương khói của mưa xuân giăng mắc, trong cả nỗi nhớ vô hình và hiện hữu như lúc này, tôi ngồi cùng nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải trong tầng 2 ngôi biệt thự số 4 Hạ Hồi để lắng nghe những ký ức dịu dàng và dữ dội của ông về người bạn tri âm một đời là họa sỹ Dương Bích Liên mà lòng nao nhớ về một hồn họa sỹ có số phận và tính cách kỳ lạ.

Thiếu nữ. Sơn dầu của Dương Bích Liên

Không chỉ là những bức tranh của ông vẽ về thiếu nữ, về cái đẹp thiêng liêng, gợi cảm, trong những tuyệt bức ấy đã ám ảnh tôi. Trong không gian trắng bạc ấy, chúng tôi ngồi trên bộ salon cũ, nơi từng là chốn đi về vui chơi và hội họp của những danh nhân văn sỹ nổi tiếng một thời đất Hà thành, nơi tình bạn của ông Nguyễn Hào Hải và Dương Bích Liên có những ngày tháng phát sáng những vầng hào quang trong cuộc chơi sáng tạo đầy cảm hứng, Nguyễn Hào Hải đã kể cho tôi nghe những câu chuyện xúc động về người hoạ sỹ kỳ lạ ấy.

Dưới những bức tranh của nhóm "tứ kiệt": Nghiêm, Liên, Sáng, Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) im lìm ngủ trên tường như chìm đắm vào ký ức xa xăm để không bao giờ còn trở dậy nữa khi người cũ hồn xưa đã xa vắng chưa về, chúng tôi chìm đắm trong mùi của những khung gỗ, của mực vẽ còn phảng phất đâu đây sau giá vẽ của người quá cố và nhìn qua cửa sổ thấy mưa xuân giăng mắc mù sương.

Tôi cứ mường tượng Dương Bích Liên với chiếc mũ cối, dáng người gầy gò khắc khoải, gương mặt chìm đắm trong mệt mỏi ưu tư đang lầm lũi bước đi ngoài kia, trên tay là chai rượu đã cạn, từ những phố nhỏ chạy ngoằn nghèo, từ 55 Bà Triệu tha thẩn tìm về số 4 Hạ Hồi, nơi bạn ông, một đệ tử trung thành và hào hiệp của nghệ thuật là Nguyễn Hào Hải để chuyện trò, để uống rượu, để vẽ trang một cuộc chơi bất tận của người nghệ sĩ lấy đam mê nghề nghiệp làm lối sống.

Thiếu phụ

Tôi cứ đợi mãi, đợi mãi trong những dòng hồi ức của Nguyễn Hào Hải, mong một tiếng gõ cửa nhẹ, một chút gió lay động ngoài khung cửa sổ. Biết đâu trong màn sương khói bàng bạc kia, hồn phách liêu xiêu của Dương Bích Liên tay cầm chén rượu đang rẽ mây bước xuống, lặng lẽ đi vào ngôi nhà rất đỗi quen thuộc này, lặng lẽ tìm về chốn ngồi ông vẫn thường chọn cho mình là một góc trong căn phòng rộng, dưới những bức tranh im lìm trên tường rồi nhấp những ngụm rượu nhỏ, khuôn mặt đăm chiêu tư lự lắng nghe chúng tôi trò chuyện chăm chú đấy, mà thờ ơ, bàng quan đấy.

Với Dương Bích Liên không có gì là quan trọng, không có gì thuộc về đời sống vật chất mà ông ham muốn. Nhưng ngay cả vẽ, cả sự sáng tạo đầy đam mê và huyền bí kia cũng không làm cho ông bớt đi sự cô liêu, đơn độc và kiêu hãnh. Vẽ với ông xét cho cùng cũng chỉ là một cuộc chơi mà ông dù có lúc chán chường, đau khổ hay mệt mỏi vì nó thì cũng không bao giờ bớt yêu thương, bớt khắc khoải. Ông là một người muốn từ chối hết mọi vướng bận trần ai của cuộc đời.

Ông sống thu mình lặng lẽ, ông muốn giấu sự tồn tại của mình trong thế giới bao la này, muốn được thoả sức mơ, thoả sức đi đến cõi mê của mình, thoả sức thể hiện khát vọng linh thiêng và kỳ vĩ về cái đẹp. Ông vẽ chỉ để chơi, vẽ cho những người bạn đam mê cái đẹp, vẽ cho thoả khát khao. Những bức tranh của ông vẽ là để tặng cho mọi người, cho bạn bè. Nhưng than ôi, dù ông không muốn để lộ sự tồn tại của mình, dù ông muốn thu mình bé nhỏ thành một con kiến trong dòng đời, thành chiếc lá khô một sớm mai rụng xuống, thành đốm sáng nhỏ một mai lụi tắt thì người ta vẫn nhận ra ông, cuộc đời này vẫn nhận ra ông, bạn bè vẫn tìm thấy ông trong sự kính trọng và nể phục.

Tuyết Mai

Trong nhóm "tứ kiệt" Nghiêm, Liên, Sáng, Phái thì hoạ sỹ Dương Bích Liên ít được nhiều người biết đến bởi ông đã "tự nguyện chọn tiếng im lặng của hội họa làm bản thân". Ông sinh ngày 17-7-1924 ở Hà Nội, trong một gia đình trí thức quan lại. Dòng họ Dương của ông ở Khoái Châu, Hưng Yên có truyền thống hiếu học, thời nào cũng có văn nhân khoa bảng và những người đỗ đạt cao. Dương Bích Liên là một trong những học trò cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trưởng thành trong kháng chiến. Năm 1949, ông là một trong những hoạ sỹ đầu tiên được kết nạp Đảng tại vùng kháng chiến cùng một ngày với hoạ sỹ Mai Văn Hiến và nhà văn Trần Đăng.

Dương Bích Liên không có ý dày công cất giữ những sáng tạo của mình, cho dù mỗi một tác phẩm khi đặt cọ vẽ, ông trút vào đó cạn kiệt sinh lực. Ông chưa bao giờ triển lãm tranh mình. Khi chết, ông chỉ ao ước được đốt hết những bức tranh ông đã vẽ để hoá thân cùng ông về trời xem. Tác phẩm của ông còn lại ngày hôm nay là hàng trăm bức tranh, chủ yếu là do bạn bè quý mến ông mà nâng niu cất giữ hộ. Mỗi một bức đều có một số phận, một giá trị riêng và kèm theo không ít những giai thoại.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã từng viết về Dương Bích Liên rằng: "Nếu cùng thời với các danh hoạ hàng đầu Trường Đông Dương, chắc ông còn mơ mộng hơn họ, bởi phẩm chất mơ mộng chiếm toàn bộ nghệ thuật của ông, dù đôi lúc được trình bày dưới vẻ khắc nghiệt. Ông không bám vào một cảnh trí như Bùi Xuân Phái, không trầm kha vào các ý tưởng số phận như Nguyễn Sáng, mà tinh tế đứng bên ngoài cái mình vẽ ra vừa như là một sự kiện hiện hữu có thực, vừa như chuyện bịa, cảnh nằm mơ".

Dĩ vãng

Những tác phẩm nổi tiếng của ông là: "Đi học đêm" (sơn dầu), "Mùa gặt" (sơn dầu), "Chiều vàng" (sơn mài), " Chiều biên giới", "Lều hoang", "Dĩ vãng", "Hai em bé bên sông Hồng", " Bác Hồ qua suối", "Hào", "Mùa thu và thiếu nữ", "Đi cấy sau mùa lũ", "Thiếu nữ bên hồ", "Thiếu nữ và hoa phong lan"... Dương Bích Liên dành nhiều sáng tác cho đề tài thiếu nữ với bao tình cảm ưu ái, say mê và trìu mến nhất. Các nhân vật nữ luôn là những nguồn cảm hứng, những hình ảnh trung tâm của những biểu cảm thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ. Chân dung thiếu nữ của ông rất đa dạng, là những cô gái đẹp ông nhận ra và bắt gặp trong cuộc sống đời thường, mang một ánh sáng dung dị, thánh thiện trong trẻo.

Dương Bích Liên là người dành cả cuộc đời cho nghệ thuật đến mức lơ đãng và quên chính bản thân mình. Sự lặng lẽ của ông gần như là một cuộc trốn chạy chính mình, trốn chạy những khát vọng, những ảo ảnh mà ông cho rằng nó chỉ có trong mơ chứ không có trong đời thực. Ông sống không gia đình, không vợ con, không cả họ hàng, và ít bạn hữu. Căn nhà nhỏ ở 55 Bà Triệu của ông trống không đồ đạc ngoài một chiếc giường nhỏ quanh năm phủ ga trắng muốt, một chiếc võng và một bàn một ghế độc nhất nằm chơ vơ trong xó cũ.

Vào những năm tháng đất nước vừa bước qua chiến tranh, khó khăn chồng chất, người họa sỹ như ông một quý được phân 2m toan và vải tuýp sơn dầu để vẽ. Ông là một trong những họa sỹ sung sướng và đầy đủ nhất trong những bạn vẽ cùng thời bởi ông có bạn là Nguyễn Hào Hải, người vì yêu nghệ thuật, hâm mộ Dương Bích Liên, sẵn sàng gửi mua ở nước ngoài những tấm toan lớn, những quỳ vàng, quỳ bạc và sơn dầu để giúp cho công việc sáng tác của ông.

Chân dung

Chính vì thế mà có chuyện kể hoạ sỹ Bùi Xuân Phái sau khi nhận những tấm toan 2m về phải chia nhỏ ra làm nhiều mảnh để vẽ được nhiều bức tranh khác nhau, nhiều đề tài khác nhau, một cách tiết kiệm. Bất kỳ hoạ sỹ nào cũng thích được vẽ tranh khổ lớn nhưng hoạ sỹ thời đó hầu hết thiếu vật liệu. Trong khi những bức như: "Hào", "Chiều thu và thiếu nữ", "Đi cấy sau mùa lũ" thì đều là sơn dầu, sơn mài khổ lớn. Hồi những năm 60-70 chẳng ai nghĩ đến chuyện bán tranh. Cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, có ai dám nghĩ đến chuyện mua tranh để chơi, để thưởng thức. Họa sỹ vẽ tranh là để chơi, để tặng nhau, món quà quý giá trong cuộc sống còn cực nhọc cuộc mưu sinh. Các họa sỹ tài danh sống được và có điều kiện để vẽ tranh được là nhờ các bạn hữu giàu có và yêu nghệ thuật nuôi.

Trong 20 ngày sau cùng của họa sỹ, Nguyễn Hào Hải là người duy nhất có mặt thường xuyên bên cạnh họa sỹ. Sau này khi Dương Bích Liên mất, Hào Hải đã có bài viết dài, gần như là một bài nhật ký về 20 ngày cuối cùng của họa sỹ Dương Bích Liên đăng trên tạp chí Mỹ thuật. Dương Bích Liên đã lựa chọn trước một cái chết lặng lẽ. Ông không bệnh tật gì, không đau ốm. Ông tịch cốc không ăn chỉ uống rượu. Ông uống nhiều, uống say đến mức tay không nâng nổi ly rượu để đưa lên miệng.

Chính Nguyễn Hào Hải là người đi mua cái vú bò bằng cao su về và mỗi lần Dương Bích Liên ra hiệu muốn uống rượu, ông phải đổ chén rượu qua cái vú bò này. Không khuyên giải, can ngăn được, sau khi mời bác sỹ vào khám cho họa sỹ, bác sỹ lắc đầu vì họa sỹ đã bỏ ăn quá lâu rồi, bây giờ nếu ăn lại sẽ dẫn đến tử vong, vì vậy cách duy nhất là chiều theo ý họa sỹ.

Trước khi mất độ vài chục ngày, Dương Bích Liên đòi Nguyễn Hào Hải mang ông trở về 55 Bà Triệu. Ông muốn được chết ở nhà của mình, trên chiếc giường nệm phủ ga trắng muốt kia. Những ngày đó, Nguyễn Hào Hải thường xuyên qua lại thăm nom họa sỹ. Họa sĩ đã tâm sự cùng bạn rất nhiều chuyện, cả những bí mật tưởng chừng ông không muốn chia sẻ cùng ai mà nguyện mang theo xuống mồ.

Thôn nữ

Dương Bích Liên có một ước nguyện trước khi chết rằng: "Sau này, trong cái ngày tiễn đưa tôi về bên kia thế giới, tôi không muốn có ai là người lớn, tôi muốn đưa tiễn tôi là một đứa bé ăn mặc thật đúng điệu. Chỉ có đứa bé ấy, đi lững thững bên chiếc xe ngựa chở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang". Dương Bích Liên mất khoảng 9h sáng 12-12-1988. Tối hôm trước đó Nguyễn Hào Hải còn trò chuyện với họa sỹ gần 2h đêm mới trở về nhà. Phan Kế Bảo, người hàng xóm của họa sỹ lên gọi cửa không còn nghe thấy tiếng họa sỹ trả lời, nhòm qua khe cửa thấy cánh tay của họa sỹ buông thõng xuống giường. Ông vội vã lên Viện Triết học báo tin cho Nguyễn Hào Hải. Khi Nguyễn Hào Hải trở về thì hồn họa sỹ đã siêu thoát vào cõi thinh không.

Đám tang của Dương Bích Liên người ta không thể làm theo ý nguyện của ông. Vài tháng sau khi họa sỹ mất, các nhà làm phim dựng lại toàn bộ đám tang của người bạn tri âm tri kỷ mà họ yêu mến. Trong phim, có một bé trai ăn mặc điệu theo kiểu châu Âu, lững thững sau xe ngựa chở cỗ quan tài, vừa đi vừa rắc những cánh hoa xuống hai ven đường, trong khung cảnh của trời chiều mùa thu. Bộ phim có nhan đề: Sắc vàng lặn. Tưởng niệm Dương Bích Liên bằng câu thơ của nữ sỹ Olga Bergol:

... Tôi chẳng hiểu vì sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng tôi phải xa anh vĩnh viễn...
Anh —con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi cô độc quá trên đời.

(Bài viết sử dụng tư liệu của nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Hào Hải - Salon des Beaux-Arts số 4 Hạ Hồi, Hà Nội)

Theo Như Bình (ANTG)