Hội hoạ thời kỳ Baroque

Như có nhân duyên, từ lần đầu tiên tiếp xúc văn hóa phương Tây tôi đã rất mến mộ các nền văn học, kiến trúc, âm nhạc và hội họa của những nước theo Cơ Đốc giáo. Càng thân thiện hơn với những người bạn châu Âu tôi càng hiểu hơn những hành động đầy tính nhân văn của họ. Hy vọng một ngày gần tới tôi sẽ có dịp giới thiệu một số tác phẩm còn ít được biết ở Việt Nam thông qua phân tích riêng của mình.

(dưới đây chỉ là giới thiệu chung. Xin bấm vào các đường link để xem riêng từng danh họa liên quan)

Bước sang thời kỳ Baroque (thế kỷ 17), trung tâm hội hoạ phương Tây dần chuyển ra ngoài nước Ý sang Pháp và Hà Lan. Tuy nhiên ở Ý và Tây Ban Nha đã có hai họa sĩ rất lớn:

  • Michelangelo Merisi da Caravaggio (1571-1610), danh hoạ Ý có tài năng sớm nở với các tác phẩm mới lạ nhưng chậm được thừa nhận. Ông chết khá trẻ, để lại giai thoại về những mối tình đồng tính luyến ái, tính khí bạo lực dữ dằn và những đợt bị tống giam vào tù ngục.
1648 Velazquez: Venus
  • Diego Velasquez (1599-1660), hoạ sĩ cung đình của vua Tây Ban Nha Philip IV, có ảnh hưởng rất lớn đến những trường phái hội hoạ hiện thực và ấn tượng sau này. Các bức tranh vẽ trong thời kỳ 1617-1623 của Velazquez chịu ảnh hưởng đậm nét từ chính Caravaggio.

Các hoạ sĩ Baroque người Hà Lan

Từ sau khi giành độc lập khỏi Tây Ban Nha năm 1581, nước Cộng Hoà Hà Lan bé nhỏ nhưng rất giàu đã trải qua "Kỷ nguyên Vàng" - một thời kỳ tiến triển chưa từng thấy với những cây cọ kỳ tài như Rembrandt van Rijn, Anthony Van Dyck, Johannes VermeerFrans Hals. Ngoài ra còn 1 loạt họa sĩ: Hendrick Avercamp (1585–1634), Gerard ter Borch (1617–1681), Adriaen Brouwer (1605–1638), Johannes Mijtens (1614–1670), Dirck van Baburen (1594–1624), Bartholomeus van der Helst (1613–1670), Jan Steen (1625–1679), Pieter Jansz. Saenredam (1597–1665), Gerrit van Honthorst (1590–1656), Gabriël Metsu (1629–1667), Pieter de Hooch (1629–1684), Judith Leyster (1609–1660), Jacob Isaakszoon van Ruisdael (1628–1682), Aelbert Cuyp (1620–1691), Pieter Claesz (1597-1660), Abraham van Beijeren (1621–1690), Esaias van de Velde (1587–1630), Willem Claeszoon Heda (1594–1680), Willem van Aelst (1627–1682), Frans Jansz Post (1612–1680), Nicolaes Maes (1634–1693), Jan Weenix (1639–1719) v.v..

  • Anthony Van Dyck (1599-1641), danh hoạ xứ Flamand, từng là học trò của Piere Paul Rubens. Năm 1633 ông được mời làm hoạ sỹ của vua Charles I nước Anh. Van Dyck thường được coi là người đặt nền móng cho trường phái chân dung của nước Anh.
  • Đáng nhớ nhất là Rembrandt van Rijn (1606-1669), một người Flamand khá đặc biệt so với phần lớn các danh hoạ khác vì ông chưa bao giờ đặt chân tới nước Ý. Đây có lẽ là hoạ sĩ đa tài nhất của Hà Lan thế kỷ XVII. Ông vẽ đủ mọi thể loại: chân dung, khoả thân, sơn dầu, tranh khắc, và đủ mọi đề tài: lịch sử, tôn giáo, với một phong cách hiện thực sống động ít ai có thể sánh kịp. Ngày nay tranh của ông chủ yếu bày ở Bảo tàng Rijksmuseum (Amsterdam, Hà Lan).
  • Johannes Vermeer(1632-1675) sống chủ yếu tại thị trấn quê nhà Delft và vẽ không nhiều tác phẩm. Năm 2003 đạo diễn Peter Webber đã cho dựng lại một phần cuộc đời Vermeer trong cuốn phim xuất sắc mang tên bức tranh GIRL WITH A PEARL EARRING (Cô gái đeo khuyên ngọc trai) với nữ diễn viên Scarlett Johansson. Tuy nhiên, cuộc đời của Vermeer dường như chưa bao giờ ổn định. Khi qua đời, ông để lại cho vợ và mười một người con một món nợ. Sau khi bị lãng quên gần hai thế kỷ, năm 1866 nhà phê bình nghệ thuật người Pháp Thoré Bürger đã cho xuất bản một khảo luận về 66 bức tranh coi là của Vermeer (song chỉ có 35 bức được xác nhận). Từ đó, danh tiếng của Vermeer đã nổi lên nhanh chóng và hiện nay được đánh giá là một trong những hoạ sĩ vĩ đại nhất của thời kì đó. Ông nổi tiếng với cách xử lý và sử dụng điêu luyện ánh sáng trong các tác phẩm mang phong cách hiện thực của mình.
  • Frans Hals (khoảng 1580/85-1666), hoạ sĩ Hà Lan. Một trong những hoạ sĩ nổi tiếng về vẽ chân dung. Là hoạ sĩ Hà Lan đầu tiên không chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ý thời Phục Hưng. Cho tới 1640, ông vẽ màu tươi sáng, sau đó thiên về đen và trắng nhiều hơn trên nền nâu xám. Hanxơ có biệt tài thể hiện nụ cười tự nhiên của những thị dân đương thời, khác mọi hoạ sĩ. Ngày nay tranh của ông chủ yếu bày ở Bảo tàng Frans Hals Museum (Haarlem, Hà Lan).

Các hoạ sĩ Baroque người Pháp

Hội hoạ phương Tây thời Baroque cũng rất nổi tiếng với các hoạ sĩ người Pháp, trong đó trội lên Poussin, Le Brun và De Champaigne:

  • Nicolas Poussin (1594-1665), một hoạ sĩ thuộc trường phái cổ điển. Các tác phẩm hội hoạ của ông chủ yếu gồm tranh phong cảnh giàu chất trữ tình, thường có nét vẽ trong sáng, cấu trúc và trật tự khoáng đạt, màu sắc phong phú và đa dạng. Cho đến thế kỷ 19 và 20, Poussin vẫn là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo cho những hoạ sĩ phái Tân cổ điển như Jacques-Louis David và thậm chí cả hoạ sĩ phái Hậu ấn tượng Paul Cézanne. Poussin dành phần lớn thời gian sự nghiệp tại Roma, chỉ trừ một khoảng thời gian ngắn khi Hồng y Richelieu yêu cầu ông trở lại Pháp làm hoạ sĩ cho nhà vua.
  • Charles le Brun (1619-1690) hoạ sĩ cung đình của ông vua "Mặt trời" Louis XIV. Ông từng chịu trách nhiệm trang trí phòng trưng bày mang tên thần mặt trời Apollo nay thuộc bảo tàng Louvre và phòng Gương xa hoa ở cung điện Versailles.
  • Philippe de Champaigne (1602-1674).

Ngoài ra còn có các họa sĩ Pháp khác như Valentin de Boulogne (1591–1632), Laurent de La Hyre (1606–1656), Georges de La Tour (1593–1652), anh em Le Nain: Antoine Le Nain (1599–1648), Louis Le Nain (1593–1648), Eustache Le Sueur (1617–1655), Claude Lorrain (1600–1682), Nicolas Mignard (1606–1668), Jean-Antoine Watteau (1684–1721), v.v..

Đông Tỉnh, theo Văn Ngọc

Xem tiếp: Hội hoạ thời Rococo