Hội thảo biển Đông lần thứ tư: Tất cả nhằm để xây dựng lòng tin

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ tư đã khai mạc vào ngày 19.11 tại TP.HCM. Quanh chủ đề Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực, hội thảo lần này có 10 phiên thảo luận phân bố trong ba ngày.

Hội thảo Biển Đông lần thứ tư được Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức trong bối cảnh kỷ niệm tròn 30 năm ký kết Công ước về luật Biển của Liên hợp quốc và kỷ niệm 10 năm ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Ảnh: Đoàn Quý

27 quốc gia tham dự

Sự kiện năm nay thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 100 đại biểu quốc tế đến từ 27 quốc gia, gồm tám nước thành viên ASEAN, các nước và vùng lãnh thổ trong các khu vực lân cận như New Zealand, Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, cùng nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Nga, Đức, Mỹ... Ngoài ra, cơ quan ngoại giao tại Việt Nam của gần 20 quốc gia cũng cử đại diện tham dự, bên cạnh các đại biểu đến từ Học viện Ngoại giao, Hội Luật gia, và các tổ chức hữu quan của Việt Nam.

Mục tiêu của Hội thảo lần này hướng đến trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và đánh giá mới nhất của các học giả về tầm quan trọng của Biển Đông và những diễn biến xảy ra gần đây trên Biển Đông.

Hội thảo cũng nhằm đưa các kiến nghị cho các nước liên quan trực tiếp và gián tiếp tới tranh chấp ở biển Đông để tăng cường hợp tác, kiểm soát xung đột và khủng hoảng tại Biển Đông.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo, đại sứ Đặng Đình Quý, giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết: “Biển Đông căng thẳng đã làm xói mòn lòng tin vốn rất ít ỏi nhưng các bên liên quan đã phải mất hàng thập kỷ xây dựng mới có được. Lòng tin suy giảm tạo nên mảnh đất màu mỡ để nghi kỵ phát triển. Điều này không có lợi cho bất cứ bên nào”.

Xây dựng lòng tin

Cũng theo ông Đình Quý, Biển Đông là một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới. Sự phức tạp ấy gia tăng gấp bội do những biển chuyển của tình hình nội bộ nhiều nước, những chuyển biến của tình hình kinh tế, chính trị, quân sự, và an ninh ở khu vực. Tuy nhiên, ông Đình Quý cũng cho biết: “Thông qua việc công bố các kết quả nghiên cứu, thông qua việc phát biểu chính kiến, các học giả giúp cho công luận hiểu rõ hơn bản chất của tranh chấp, căng thăng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách tính toán kỹ hơn lợi ích của dân tộc trước khi ra các quyết định liên quan đến Biển Đông”.

Bên lề hội thảo, các diễn giả chính cũng cho biết thêm một vài thông tin. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Indonesia, đại sứ Hasjim Djalal cho biết: “Không có các tiếp xúc chính thức trực tiếp (trong hội thảo) nhằm xoa dịu các tranh chấp lãnh thổ, vì chúng tôi không phải là viên chức chính phủ của các hoạt động quan hệ chính thức. Sự khác biệt lớn của hội thảo này về cơ bản là nó có tính chất học thuật hơn các hội thảo mà chúng tôi tổ chức ở Indonesia”.

Còn theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN của Singapore, đại sứ Rodolfo Serverino, các hoạt động hội thảo đều hướng đến xây dựng lòng tin giữa các quốc gia quanh biển Đông. “Chúng tôi không kỳ vọng giải quyết được các quyền thực thi pháp lý xung quanh các vấn đề, xung quanh các tuyên bố đối lập. Điều chúng tôi muốn thấy và muốn làm là đảm bảo rằng các tuyên bố đối lập không tồn tại trong mọi xung đột, và vì vậy anh cần phải học cách xây dựng lòng tin vốn cần thời gian và rất nhiều sự trung thực”, ông Serverino nói.

Theo giáo sư Robert Beckman, hiện nay đang có nhiều hội thảo về Biển Đông và các chương trình nghiên cứu về biển đông đang được tổ chức ở nhiều nước trong khu vực như ở Malaysia, Philippines, Trung Quốc. “Chúng tôi luôn hi vọng các hoạt động này sẽ giúp xây dựng lòng tin và mang lại các chương trình hợp tác vững chắc”, ông Beckman cho biết.

Mai Hương – Đoàn Quý (SGTT)