P/v GS Đặng Thị Hạnh:

Hồi ức "Cô bé nhìn mưa"

Mới đây, tại các hiệu sách đã xuất hiện cuốn sách mới "Cô bé nhìn mưa", cuốn hồi ức, "tự truyện trưởng thành" của bà Đặng Thị Hạnh, người con thứ hai trong gia đình cố giáo sư Đặng Thai Mai.

Trong gần 400 trang, tác giả đã kể lại cuộc đời gần 80 năm, từ một cô bé nhút nhát lặng lẽ nhìn mưa, đến khi trở thành cô giáo trường trung học, rồi 20 năm giảng dạy Văn học Pháp tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tôi có cơ may là bạn cùng học với một trong những người em của bà, nên khi thấy cuốn sách đó đã đọc một mạch đến hết và gọi điện xin được gặp để hỏi bà thêm đôi điều.

Phóng viên (PV): Được biết bà làm công tác giảng dạy Văn học Pháp và là tác giả của một số sách thuộc lĩnh vực chuyên môn như tiểu sử và chuyên luận về Victor Hugo, sách giới thiệu văn xuôi Pháp thế kỷ XX, đồng tác giả của tập Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XIX và XX, đồng dịch giả của Tuyển tác phẩm văn học Pháp thế kỷ XIX và XX, ý định gì đã khiến bà mới đây viết cuốn hồi ký - tự truyện với nhan đề "Cô bé nhìn mưa"?

Bà Đặng Thị Hạnh (ĐTH): Thực ra không phải mới đây mà từ lâu, tôi vẫn muốn kể về thời thơ ấu, những kỷ niệm nho nhỏ nhưng khó quên về quê hương gia đình.

Cuốn hồi ký "Bà và Cháu" được Nhà xuất bản Phụ nữ cho in từ năm 1994. Sau đó cùng với việc viết về chuyên môn, tôi vẫn cho in những mẩu hồi ký nhỏ trong các tạp chí. Năm 2007, tôi tập hợp tất cả, bổ sung thêm về thời kỳ sau này và được NXB Phụ nữ cho in khá nhanh.

Cũng không có ý định gì, chỉ là viết về những biến cố lớn nhỏ của gia đình, của xã hội nữa, dưới con mắt một đứa trẻ, rồi một thiếu nữ, sau cùng là một phụ nữ bình thường đi qua hai cuộc kháng chiến mà không có tổn thất và đóng góp gì lớn như nhiều người trong thế hệ của tôi.

PV: Đọc "Cô bé nhìn mưa", tôi thấy bà dành khá nhiều trang cho nhà trường. Được biết gia đình bà đã có ba đời làm công tác giáo dục: Ông nội Đặng Nguyên Cẩn sau mấy năm làm Kinh quan, được bổ nhiệm làm giáo thụ ở Hưng Nguyên và về dạy con em trong tỉnh hạt. Ông ngoại Hồ Phi Huyền là một học giả để lại cho đời những tác phẩm giá trị ("Nhân đạo quyền hành", "Đạm trai văn tập"…) và cũng đã từng là thầy giáo, cố giáo sư Đặng Thai Mai là một trong những học trò cưng của cụ.

Đến thế hệ của bà thì cả sáu chị em đều tham gia giảng dạy ở các trường đại học hoặc kết hợp nghiên cứu ở Viện (đều đã được phong hàm giáo sư, hoặc phó giáo sư). Bà có thể cho độc giả biết bà đã nhận được gì từ truyền thống gia đình để trở thành một nhà giáo như hiện nay?

Bà ĐTH: Có thể có hai điều: Thứ nhất, thực ra ở gia đình ba tôi hầu như không trực tiếp dạy chúng tôi, lại càng ít có những lời giáo huấn. Ba tôi nói nửa đùa nửa thật: "Ba không dạy bay, ở nhà ta chỉ nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông". Phải nói ở nhà tôi sách rất nhiều, vương vãi khắp nơi, trong phòng làm việc của ba tôi, trong tủ sách, trên bàn làm việc… chỗ nào cũng thấy sách. Hôm nào ba tôi cũng chong đèn làm việc đến rất khuya.

Cùng với khung cảnh này là cách sống của gia đình: Ba tôi rất nghiêm mà mẹ tôi lại rất hiền. Đó là không khí nếp nhà có phần nghiêm ngặt mà chúng tôi đã được hít thở từ khi còn nhỏ.

Mặt khác ba tôi vẫn muốn tạo cho chúng tôi nhiều khoảng tự do nhất trong tâm hồn và trí óc. Sau giờ học, chúng tôi có quyền tự đi mua sách để đọc, mua cả ảnh đào xinê (ngày đó là thời của Greta Garbo và Gary Copper…), "chơi" ảnh đạo (họ in rất đẹp), mua các tranh ảnh in bóc (décalcomanie)…

Nhưng việc chọn trường cho chúng tôi học thì thuộc về ba tôi và bà Thục Viên, một người bạn cùng học với ba tôi từ thời học sư phạm.

Sau này khi tôi đã lớn và bắt đầu đi dạy, ba tôi vẫn chỉ cho tôi những cuốn sách cần thiết, ông đã động viên tôi khi tôi nghĩ mình không hoàn toàn thích hợp với nghề sư phạm, hoặc chỉ cho tôi những hướng đi quyết định trong chuyên môn.

Khi thấy tôi dạy tác phẩm của Hugo rất lâu, ba tôi nói: "Sắp hết thế kỷ XX rồi mà Hạnh vẫn còn ngồi ở thế kỷ XIX". Tôi bắt đầu sang Văn học thế kỷ XX và khám phá ra một trong những thời kỳ giàu sáng tạo nhất của Văn học Pháp. Cũng chính ba tôi đã cho tôi hầu hết tạp chí châu Âu (Europe) - mỗi cuốn là chuyên san về một nhà văn lớn trên thế giới, trong đó tập hợp những bài nghiên cứu có khi rất khác nhau.

Ngay từ khoảng cuối thập kỷ 70, ba tôi đã cho tôi hai cuốn chuyên san về Proust (tác giả "Đi tìm thời gian đã mất") bìa màu hoa cà, một màu rất đặc biệt, đó là một trong những tác giả mà tôi yêu thích nhất. Tự học, tự khám phá… là điều mà chị em chúng tôi có được từ cách dạy dỗ của gia đình.

PV: Thế còn xã hội, khi chưa trưởng thành, sống với cha mẹ, bà được tiếp xúc ra sao?

Bà ĐTH: Khi ở Hà Nội thời trước cách mạng, trong nhà chúng tôi còn có một thành phần mà chúng tôi thường gọi là "các anh". Đấy là những học trò miền Trung ra học, ba tôi nuôi trong nhà như các con và cả bạn bè của họ nữa. Chị em chúng tôi được biết về Mặt trận Dân chủ Đông Dương là qua hoạt động của "các anh".

Phải nói là họ rất nhiệt tình và rất vui vẻ, thảo luận rất hăng về các cuộc biểu tình, các ngày hội từ thiện… nhất là về sách báo như Ngày nay, Tự lực Văn đoàn… Họ đối xử rất bình đẳng và nói chuyện với những đứa trẻ mươi, mười hai tuổi chị em chúng tôi, như với bạn bè. Tất nhiên, nhà trường là xã hội thu nhỏ và cũng phản ánh khá đầy đủ các vấn đề của xã hội.

Lên đại học, tôi có may mắn được học những thầy giáo không những có vốn tri thức uyên thâm, mà còn là những người đa văn hóa (Việt, Hán, Pháp) và có đầu óc rộng mở. Không kể ba tôi, đó còn là các thầy Cao Xuân Huy, Trần Đức Thảo, Phan Ngọc…

Bạn bè cũng giúp tôi rất nhiều, các anh Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Tài Cẩn, Tôn Gia Ngân, Đỗ Đức Hiểu… sau này đều trở thành những cán bộ giảng dạy đầu ngành. Đấy là chưa kể những đợt đi trao đổi với Trường Paris ở Pháp. (Cũng phải nói rằng đối chiếu với những điều kiện được đào tạo thuận lợi như trên, những cái mà tôi trả lại cho xã hội thật còn ít ỏi).

PV: Bà là người yêu văn học, thích đọc sách báo và đọc rất nhiều. Ngày nay khi người ta hay bàn về sự xuống cấp của văn hóa đọc và về ảnh hưởng của những luồng tư tưởng không lành mạnh được chuyển tải qua mạng, bà có lời khuyên nào với thế hệ trẻ?

Bà ĐTH: Tôi không làm được nhiệm vụ to tát này. Cũng xin nói thật là ngay với con cháu của tôi, tôi cũng khó có lời khuyên. Trong cuốn hồi ký, tôi có nhắc tới một đứa cháu gái, từng đọc Machbeth của William Shakespeare và Frankeistein của Mary Shelley trong nguyên bản, khi mới học lớp sáu. Ngày nay nó không đọc gì ngoài Harry Potter.

Thế hệ của chúng ta đọc sách rất nhiều, ở khoa chúng tôi có những con mọt sách thực sự, nhưng đấy là một thế hệ không có tivi, mạng, trò chơi điện tử. Cho nên không thể trách cứ thế hệ trẻ hiện nay, khi mà ở đâu Mac Luhan (chuyên gia về mass-média) cũng thắng Gutenberg (người phát minh ra máy in). (Ngày nay văn hóa nghe nhìn hầu như đã chiếm ưu thế so với văn hóa đọc). Nhưng cũng không nên quá lo lắng trước các luồng tư tưởng không lành mạnh. "Chẳng phát minh khoa học nào có dấu cộng mà không có dấu trừ".

Có một vài việc nên được quan tâm: Ta đã nhồi cho trẻ ở trên lớp và ngoài lớp quá nhiều chữ, đến nỗi khi về nhà chúng nó chẳng buồn nhìn đến sách, nhất là khi thời đại chúng ta lại là thời đại của hình ảnh.

Tôi nghĩ trẻ con vẫn có sức tự bảo toàn trước cái xấu, nếu nó được độc lập và mạnh mẽ hơn trong suy nghĩ. Hình như nhà trường và gia đình hiện nay muốn học sinh chỉ được nghĩ theo một hướng. Hình thành tập quán tốt và tạo điều kiện để trẻ em được tự do nghĩ và làm, thực ra cần rất nhiều thì giờ; nhưng hiện nay bố mẹ và thầy cô giáo thường chỉ còn đủ thì giờ để giáo huấn (và đôi khi quát tháo).

Tôi chỉ nói được cái không nên làm, còn cái nên làm đã được nhiều người thông minh và am hiểu nhiều hơn tôi bàn tới rồi. Tuy nhiên, ở nước ta trẻ bé tí lớp mẫu giáo phải đi học thêm để "thi" vào lớp 1, thì có lẽ trên thế giới này đó là điều độc nhất vô nhị!

PV: Còn một câu cuối cùng, hơi riêng tư: Hình ảnh cháu Chi Mai ở cuối sách có phải là hiện thân của bà hơn 70 năm trước? Rõ ràng nó thông minh, bạo dạn, không nhút nhát như "Cô bé nhìn mưa". Bà có muốn gửi gắm điều gì?

Bà ĐTH: Tôi xin nói thật, cô cháu nội Chi Mai xuất hiện ở cuối sách là do một hoàn cảnh ngẫu nhiên. Cuối năm ngoái, tôi đang tìm cách viết những dòng kết thúc cuốn hồi ký, theo cách cổ điển nhất là nên trở về với hình ảnh ban đầu (nói cho oai: Cấu trúc theo vòng tròn khép kín).

Chính hôm 1/9/2007, nó đi khai giảng về và đứng trước cửa sổ bàn làm việc của tôi, ngửi vài bông thủy tiên lơ thơ trên bậu cửa, mới nở sau cơn mưa rào cuối hạ. Thế là tôi có kết thúc mong muốn: Trở lại với khu vườn đầy hoa thủy tiên của ông ngoại tôi ở làng Quỳnh (xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và cô bé đang ngồi nhìn mưa ở đầu cuốn sách.

Tôi chưa bao giờ nghĩ về những điều các cháu tôi có thể làm, giữa tôi và chúng nó là khoảng cách 60 năm và khúc gẫy giữa thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI: Có hai đứa quá ư nhạy cảm và có phần tài tử, một đứa chăm học cực kỳ và sẽ làm việc có hiệu quả, còn Chi Mai sống trong một môi trường song ngữ, từ bé đã có cái "tính flexible" (dễ thích nghi với hoàn cảnh), chắc nó sẽ sống được ở một xã hội mà "việc gì không giải quyết được bằng tiền, thì sẽ giải quyết được bằng nhiều tiền" (tôi không mong các bạn nhớ được tác giả của câu nói này). Nhưng nó cũng có những "nguyên tắc" riêng, cái đó rất cần thiết bởi bao giờ cũng vẫn có những giá trị không thể mất.

Tôi rất vui được kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu chuyện về những đứa trẻ. Trong hồi ký tôi đã nói khá nhiều về các cháu của tôi. Các chị em hay trách cứ tôi vì có một kiểu "tự kỷ trung tâm", không phải qui tụ vào mình, vào các con, nhưng là vào các cháu. "Cháu hát, bà khen hay".

Nhưng chúng ta vừa xem Peter Pan nhân dịp 1-6. Mọi đứa trẻ đều lớn, trừ một đứa, đó là Peter Pan. Tôi vẫn nghĩ trong chúng ta, tinh thần và thể xác đều lớn lên, già đi, nhưng đâu đó trong một góc của tâm hồn, vẫn có một chú Peter Pan sống dai dẳng, có thể chúng ta không biết đấy thôi.

PV: Chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện cởi mở và bổ ích này.

Ngô Gia Sơn (CAND)