Huyền thoại và triết học (Kỳ 3)

legend

Quần chúng chẳng hiểu gì về Einstein, về thuyết tương đối của ông, nhưng được nghe nói Einstein là nhà bác học nổi tiếng lắm, tự nhiên sinh lòng tôn trọng, kính nể, mường tượng khối óc của Einstein (ảnh bên) chắc phải đặc biệt lắm, nhưng thực ra không phải thế.

Một vài ví dụ về huyền thoại

Khoa học

— Cái sọ của Einstein: Đối với quần chúng chỉ biết hưởng thụ những kết quả của khoa học, thì KHOA HỌC viết chữ hoa là một huyền thoại. Chẳng hạn Einstein. Quần chúng chẳng hiểu gì về Einstein, về thuyết tương đối của ông, nhưng được nghe nói Einstein là nhà bác học nổi tiếng lắm, tự nhiên sinh lòng tôn trọng, kính nể, mường tượng khối óc của Einstein chắc phải đặc biệt lắm vì thông mình là ở óc. Cho nên đối với quần chúng khoa học là cái sọ của Einstein. Chính vì thế mà có nhiều nhà thương bên Mỹ tranh nhau xin cái sọ đó vì người ta tin rằng cái sọ đặc biệt kia có một khả năng khám phá vô hạn đã làm cho Einstein trở thành thiên tài.

— Bút chì BIC: Quần chúng chẳng hiểu gì về nguyên tử lực nhưng cứ tưởng tượng nguyên tử lực chắc phải ghê gớm lắm (nghĩ tới bom nguyên tử) có sức phá vô biên, khủng khiếp. Khi cái bút chì BIC được nhập cảng vào Việt Nam, không biết người nào đã khéo léo lợi dụng niềm tin có tính chất huyền thoại của quần chúng khi quảng cáo bút chì BIC là bút nguyên tử.
Nguyên tử là cái vô hạn, bút bằng mực nguyên tử là bút không bao giờ hết mực, do đó bút nguyên tử tượng trưng cho khả năng vô hạn của khoa học. Nhà khoa học, biết bom nguyên tử mạnh thật, nhưng cũng biết rõ giới hạn của sức mạnh đó (tính bằng kilô, mégatone). Trái lại quần chúng chỉ hiểu nguyên tử là mạnh vô cùng Đó là một niềm tin không dựa trên cơ sở kiểm chứng nào, một niềm tin bao hàm sự thán phục, không nghi ngờ… Do đó bút nguyên tử là một huyền thoại.

— Huyền thoại về con số: Số đông, số nhiều cũng thường tạo ra huyền thoại về tính cách không thể đếm được, không thể hiểu được của nó, do đó con số nhiều, số đông có tính chất huyền bí, có thể mê hoặc, huyền diệu quần chúng. Đối với quần chúng, khi nói tỷ, ức, triệu thì họ chỉ hiểu là nhiều lắm, không thể đếm được vô hạn với một thái độ thán phục, tuy thực ra đối với nhà kế toán thì tỷ, ức, triệu vẫn có thể đếm được và không ngạc nhiên chút nào. Số đông số nhiều về tiền bạc, dân cư, sản xuất. Những kiểu nói: tầng lớp đông đảo, muôn ngàn kéo về như thác đổ, người người lớp lớp tiến lên… đều có tác dụng mê hoặc, huyền diệu vì tượng trưng cho số đông, số nhiều không thể đếm được, vô hạn, tuy thực ra dù đông thế nào đi nữa cũng vẫn có thể đếm được.

— Huyền thoại khoa học: Nhà khoa học khi tin rằng khoa học có thể giải quyết được mọi sự như niềm tin của các nhà duy khoa học, duy lý cuối thế kỷ XIX thì niềm tin đó cũng là huyền thoại, vì thực ra khoa học có giới hạn. Vậy khi nhà khoa học gán cho khoa học một khả năng tuyêt đối, vô hạn và tin như thế, niềm tin đó có tính chất huyền thoại vì đã rõ niềm tin trên không dựa trên mọi cơ sở kiểm chứng nào. Tin khoa học giải quyết được mọi sự không phải là một thái độ khoa học, một thái độ luôn luôn chỉ quả quyết cái gì có thể kiểm chứng được nhưng là một thái độ huyền thoại.

Triết học

Suy tưởng triết lý dựa vào lý trí cũng không hoàn toàn tránh mọi thái độ huyền thoại. Trước hết có một niềm tin ở khởi điểm suy luận, hầu như vô thức làm nền tảng cho ý hướng tra hỏi nhận thức nhà triết học, đó là niềm tin có chân lý và có thể tìm thấy chân lý. Nhà triết học có thể hoài nghi mọi sự về đối tượng mục đích, quan niệm triết học nhưng ở khởi điểm suy luận, phải tin vào một cái gì là chân lý để có thể đi tìm. Niềm tin đó cũng không dựa trên một cơ sở kiểm chứng nào cả. Sau đó ý hướng triết học cũng thường bao quát, nhằm cái toàn thể và hàm chứa ước muốn chấm dứt triết học với quan niệm của mình, một niềm tin bao quát, triệt để tiêu biểu là niềm tin của Hegel. Triết học Hegel nuôi tham vọng bao quát toàn thể thực tại, toàn thể lịch sử nhân loại không những nhằm giải thích quá khứ, hiện tại mà cả tương lai, vì Hegel đã dành sẵn cho những triết học sau Hegel một chỗ đứng trong hệ thống toàn diện của ông. Nhưng niềm tin đó chỉ là một huyền thoại. Vì hệ thống triết học nào càng bao quát, hoàn tất, càng đặt nhiều vấn đề hơn như thể chẳng chấm dứt được gì, mà chỉ nêu thêm nhiều thắc mắc, khó khăn hơn.

Chính trị, xã hội

— Huyền thoại cách mạng: Cách mạng hiểu như một niềm tin thật sự, chứ không phải "cách miệng" (chỉ là chiêu bài lừa bịp), cũng bao hàm tính chất huyền thoại.

Huyền thoại cách mạng gắn liền với thần thoại liên hệ đến sự cứu rỗi, khát vọng cái tuyệt đối, mang nặng tính chất tôn giáo và về sự tận cùng lịch sử. Chẳng hạn cách mạng macxit giống các huyền thoại tôn giáo của nhiều dân tộc xưa về vai trò cứu rỗi, cứu thế của kẻ chính nghĩa. Spartacus giải phóng nô lệ, chúa Kitô mang trong mình mọi đau khổ của nhân loại có sứ mệnh lịch sử chấm dứt những lầm than tội lỗi của thế giới. Marx đã so sánh người vô sản như đấng Ki tô vì những đau khổ lầm than của giai cấp vô sản cũng tiêu biểu cho một nhân loại đau khổ và giai cấp vô sản có sứ mệnh làm cách mạng tiêu diệt một chế độ phi luân, san bằng chênh lệch giai cấp, thực hiện thế giới đại đồng, chấm dứt bạo động lịch sử.

— Đấng cứu thế… -> giai cấp vô sản
— Sự ly khai với trật tự cũ, con người cũ… -> cách mạng
— Thiên đàng… -> xã hội không giai cấp, người làm hoà với người
— Giáo hội... -> Đảng

Mircea Eliade (1907–1986), một nhà dân tộc học đã nhận định:

“Xã hội không giai cấp của Marx và sự tan biến những giằng co lịch sử phản ánh đúng huyền thoại thời hoàng kim, là thời theo nhiều truyền thống khác nhau, xác định khởi điểm và tận cùng lịch sử. Marx đã làm cho huyền thoại đó phong phú bằng tất cả ý thức hệ cứu rỗi bắt nguồn từ đạo Do thái và Kitô giáo: một đàng, vì vai trò tiên tri mà ông gắn cho vô sản, đàng khác, vì sự tranh đấu giữa thiện và ác mà người ta dễ dàng liên hệ với cuộc tranh chấp có tính chất khải huyền giữa đấng Kitô và Satan, đưa đến sự chiến thắng của đấng Kitô. Thật là đáng chú ý khi thấy Marx lấy lại hy vọng của đạo Do Thái, Kitô giáo về sự tận cùng tuyệt đối của lịch sử, do đó Marx không giống những triết gia khác như Croce, Ortegay Gasset đã quan niệm những giằng co lịch sử như là gắn liền với bản chất thân phận con người và do đó không bao giờ chấm dứt được. (Mythes, Rêves et Mystères, tr 20-21)

Nicolas Berdioegff, một triết gia Nga theo chính thống giáo cũng nhận xét tương tự trong cuốn “Nguồn gốc và ý nghĩa Cộng sản Nga”: Dân Nga trong khi làm cách mạng macxit cũng chỉ là muốn thực hiện huyền thoại coi dân tộc mình là dân tộc cứu thế như dân tộc Do Thái xưa. Do đó cộng sản Xô Viết khi tin tưởng mình lãnh đạo công trình giải phóng nhân loại chẳng qua cũng vẫn là sống theo một huyền thoại bắt nguồn từ Do thái, Ki tô giáo.

Niềm tin cách mạng của Marx và người theo Marx có tính chất huyền thoại vì Marx và người macxít tin rằng có thể chấm dứt được bạo động, những mâu thuẫn giữa người với người, những giằng co lịch sử. Các tôn giáo đều tin như vậy. Niềm tin của Marx chỉ khác niềm tin tôn giáo ở chỗ Marx cho rằng có thể thực hiện sự hoà đồng ngay ở đời này và do chính con người.

— Huyền thoại chính trị văn hoá: Chẳng hạn những huyền thoại “khai hoá” Pháp-Việt đề huề… trong chính sách thực dân Pháp trước đây ở Việt Nam hay những huyền thoại bảo vệ Thế giới tự do, viện trợ chính sách thực dân mới.

Huyền thoại trong văn nghệ

Có lẽ trong văn chương, huyền thoại sống động hơn cả, vì một đàng nhà văn sáng tạo theo tưởng tượng hơn là theo tinh thần suy luận phê phán, sử dụng một thái độ thụ động nhạy cảm, hoà đồng với vũ trụ, sự vật nhiều hơn là thái độ lãnh hội khách quan, đàng khác người đọc cũng thường có thái độ thông cảm, hoà mình với câu chuyện, nhân vật trong chuyện vui, buồn, giận, lo lắng, chờ đợi như các nhân vật. Hoà đồng là một đặc điểm của thái độ huyền thoại.

Hơn nữa, nội dung tác phẩm văn nghệ cũng thường phản ánh những đề tài quen thuộc của thần thoại xưa kia, nhất là đề tài thiện ác, anh hùng cứu nhân độ thế. Đặc biệt trong loại truyện trinh thám, phiêu lưu.

Cơ cấu của trinh thám thường là: có một tội ác xảy ra. Nhà trinh thám tiêu biểu cho chân lý, sự thiện của nhiệm vụ tìm ra tội nhân, tội phạm, cái ác còn đang lẩn trốn, bí mật. Câu truyện là một mô tả cuộc điều tra, lùng bắt tội phạm và rút cuộc thế nào cũng thành công. Thiện thắng ác. Người xem, đọc truyện, ngay từ lúc đầu đã đồng hoá với chàng trinh thám và mong ước thế nào chàng ta cũng sẽ thắng. Đó là tình tự đã là nội dung, chủ đề của rất nhiều thần thoại, huyền thoại ngày xưa, bây giờ xuất hiện dưới hình thức truyện trinh thám giáo dục.

Huyền thoại người lớn

Khi dạy dỗ con cái, cha mẹ, thầy giáo nhân danh tiêu chuẩn gì?

Cha mẹ muốn đào tạo con cái theo khuôn mẫu nào? Cha mẹ thường mong con cái giống mình. Nhân danh những tiêu chuẩn của xã hội người lớn để đào tạo con trẻ trở thành người lớn. Nhưng phải chăng người lớn là một huyền thoại?

Người ta đề nghị với trẻ con một lý tưởng: trở thành người lớn. Người lớn là cái đích của học vấn, giáo dục. Người lớn là người hiểu biết, người hiểu đời, người trưởng thành, người đứng đắn, coi việc làm lụng, ăn nói, giao thiệp lập công danh sự nghiệp là quan trọng.

Trước khi trở thành người lớn, trẻ con chỉ tiêu biểu cho thời kỳ ấu trĩ, thời kỳ chưa phải là người hoàn toàn và thân xác còn cần được nuôi nấng cho lớn và về tinh thần, còn cần được dạy dỗ cho khôn ngoan, hiểu đời.

Tuổi trẻ là tuổi còn vô tư chưa suy nghĩ, đắn đo, chẳng coi cái gì là quan trọng. Do đó, để chỉ thị một cách khinh miệt tất cả những gì không phải của người lớn, người ta nói: đồ trẻ con, hay truyện đàn bà, con nít. Đứng ở quan điểm của người lớn, và rõ hơn của người đàn ông tuổi trẻ không có một ý nghĩa
tự tại, một giá trị riêng biệt của nó, nhưng chỉ có ý nghĩa như một sự sửa soạn tiến tới tuổi trưởng thành, tuổi người lớn. Cho nên phải mau chóng qua thời sửa soạn để đến đích, tuổi trưởng thành là người lớn được giao thiệp với người lớn, được ăn nói đi lại với người lớn…

Xã hội con người, được tổ chức, theo quan niệm, quy luật của người lớn và đôi khi trong một hoàn cảnh tệ hại hơn nữa của người đàn ông, về mọi phương diện: luân lý, giao tế, chính trị, văn hoá, giải trí…

Giáo dục trẻ con là dạy cho trẻ con biết những quy luật đó và tập cho chúng giữ gìn thực hiện. Quan điểm, quy luật của người lớn chi phối, hướng dẫn đời sống trẻ con, không những về phương diện “những gì được coi như là đứng đắn: ăn học, giao thiệp…” mà còn cả những gì về phương diện chơi đùa.

Người lớn coi trẻ con như mình, chỉ nhỏ hơn về thân xác mà thôi. Cho nên những đồ chơi làm cho trẻ con đúng là những đồ dùng của người lớn, ở cỡ trẻ con. Những đồ dùng này phản ảnh những sở thích, trình độ kỹ thuật của người lớn ở một giai đoạn nào đó. Thế giới trẻ con là thế giới người lớn ở cỡ nhỏ. Thế giới đó phản ánh đúng hệt những tương quan xã hội người lớn, đồ chơi nhằm làm cho con tre quen với thế giới người lớn, sửa soạn cho nó trở thành người lính, người phi công, người tài xế, người mẹ, người nội trợ… sau này.

Đồ chơi người lớn làm cho trẻ con là đồ chơi bắt chước đồ dùng của người lớn, lấy xã hội người lớn làm lý tưởng vươn tới do đó chỉ đòi hỏi trẻ con vâng phục, bắt chước, trong khi đáng lẽ phải tạo ra những đồ chơi nhằm phát triển óc sáng kiến của trẻ con. Chính vì những đồ chơi bắt chước đồ dùng của người lớn chỉ tập cho trẻ con thành một người sử dụng cái đã có sẵn, do đó, bóp chết óc sáng tạo, hứng thú của sáng tạo mà thật ra cũng không được sử dụng thực sự vì chỉ là đồ chơi, nên trẻ con chóng chán và rất dễ vứt bỏ những đồ chơi đã chán mà không thương tiếc.

Nhưng đến đây lại hỏi, có tuổi trưởng thành, có người lớn như một lý tưởng không? Người lớn khác trẻ con và hơn trẻ con vì là người đứng đắn, nghiêm nghị, khôn ngoan, đắn đo, lịch thiệp, sâu sắc… Nhưng có thực người lớn là đứng đắn, khôn ngoan, lịch thiệp hay chỉ làm ra vẻ đứng đắn đóng vai người lịch thiệp, giả vờ người khôn ngoan trong những chức vụ rất trịnh trọng, ông giám đốc, ông bác sĩ, ông thương gia, ông tướng lãnh?

Nói cách khác có một người lớn thật sự không hay chỉ có người đóng vai người lớn, nghĩa là cố mà hấp thụ lấy một số ý tưởng, cảm nghĩ, lề lối, ăn mặc, cư xử phù hợp với tư cách, vai trò mình đóng trong xã hội người lớn.

Hãy thử vào một hội trường chính trị, một giảng đường. Mọi người đều ngồi rất đứng đắn, nghiêm trang, chăm chú nghe những lời nghị luận rất quan trọng về chính trị, văn hoá, xã hội, kinh tế, luân lý. Thật có vẻ người lớn lắm, trẻ con đâu được bén mảng đến những nơi đó? Nhưng có thực họ đứng đắn nghiêm trang chăm chú nghe và tin ở những lời nói hay, đẹp không hay chỉ giả vờ đứng đắn, làm bộ nghiêm trang, chăm chú nghe? Hãy để ý người lớn bàn tán chuyện buôn bán, chuyện làm ăn, hãy xem họ giao tiếp, ăn nói, thật khôn ngoan đắn đo, lịch thiệp.

Một lúc sau, họ ngồi với nhau nhậu nhẹt tự do thế là nào văng tục, nào nói nhảm nhí bẩn thỉu rồi đến nói xấu người này, chửi bới người nọ, những người mà họ vừa rất lịch thiệp xã giao kính trọng. Dĩ nhiên, đó cũng là chuyện “Người lớn” không để cho đàn bà con nít nghe được. Họ nói đạo đức nhưng đọc sách khiêu dâm, đi xem phim dành cho những người lớn trưởng thành và cấm trẻ em dưới 16 tuổi, để được theo con người đích thực của họ trong bóng tối một chốc lát bằng ái tình gian lận, bằng ngoại tình trí óc hay ngoại tình chân tay.

Cho nên, người lớn chỉ làm ra vẻ người lớn để dụ dỗ, hướng dẫn, cai trị trẻ con, còn trong thực tế, xã hội người lớn thường là một xã hội bẩn thỉu, lường gạt, gian lận… Trở thành người lớn không phải là trở thành “con người” hơn mà chỉ biết đóng vai người lớn và càng đóng khéo, càng là “người lớn” bấy nhiêu.

Điều đó được chứng minh ngay trong việc người lớn giáo dục trẻ con. Chẳng hạn, khi mà có khách đến chơi, mang quà cho trẻ con, trẻ con trông thấy thèm, muốn ăn. Cha mẹ lừ mắt, rồi khi khách ra về, cha mẹ dạy con: “Từ nay trở đi, nếu có khách đến chơi, mang quà, thì dù có muốn ăn cũng phải lễ phép thưa: “Con không dám ạ”. Như thế mới là con nhà có giáo dục.” Giáo dục như thế phải chăng chỉ là khéo giả hình?

Do đó, có thể nói trong rất nhiều trường hợp, người lớn chỉ có sự khác biệt với trẻ con là sự khác biệt về hình thể thân xác. Người lớn là lớn hơn trẻ con về thân xác mà thôi. Người lớn không có một ý nghĩa luân lý, không phải là một lý tưởng để trẻ con vươn tới. Vì rằng người lớn không hề có nghĩa là trưởng thành đầy đủ về tinh thần hay về luân lý. Không bao giờ con người là “người” hoàn toàn về nhận thức, hay về đạo đức. Con người hoàn toàn vẫn là lý tưởng suốt đời phải vươn tới mà cũng không đạt tới được. Cho nên vẫn phải học làm người, vẫn phải trở thành mãi mãi.

Như thế, phải nhìn nhận rằng, người lớn là một huyền thoại vì thực ra không có người lớn như một mẫu người điển hình, một lý tưởng về con người. Huyền thoại người lướn là một công cụ người lớn dùng để bịp trẻ con, đồng thời, bịp cả chính mình, vì người lớn bịp mà không biết mình bịp, lừa dối người khác rôi rút cục lại tin sự lừa dối đó là thật.

Nếu những nhận xét trên là xác đáng chúng ta có thể rút ra những hệ luận liên quan đến thái độ đối với trẻ con và đến quan niệm về giáo dục

1) Phải trả lại cho trẻ con cái gì thuộc về trẻ con. Trả lại cho trẻ con quyền được sống đầy đủ trọn vẹn tuổi trẻ của chúng, chứ không phải coi tuổi trẻ chỉ là một giai đoạn sửa soạn cần phải man mau vượt qua để tới tuổi người lớn. Nguyên tắc đó tất nhiên quy định tổ chức xã hội trẻ về mọi phương diện, không còn phải theo luật lệ, tiêu chuẩn của xã hội người lớn, nhưng chính xã hội trẻ con.

2) Giáo dục không phải là vươn tới một ý tưởng nào về người lớn, thực ra không có, nhưng là làm sao duy trì được những đức tính của tuổi thơ ấu, không pahri ở bình diện vô thức, hồn nhiên mà là ở bình diện ý thức, tự giác. Lý tưởng của người lớn không phải là sống khác trẻ con, nhưng là sống như tinh thần trẻ con ở bình diện ý thức. Và ddso không phải là dễ.

Người lớn chúng ta có khi nuối tiếc thời thơ ấu. Có thể chỉ là thương tiếc cái duyên dáng, cái ngây thơ hồn nhiên của tuổi trẻ. Nhưng có thể còn nhớ tiếc cái tinh thần trẻ con mà xã hội người lớn đã bỏ mất. Cho nên những nhà cách mạng, cách mạng xã hội hay cách mạng tôn giáo đều ghét cái xã hội người lớn, và ngược lại, yêu quý xã hội trẻ thơ và yêu quý tinh thần trẻ con của cái xã hội đó.

Chẳng hạn, trường hợp Marx. Tất cả bạn bè thân thiết của Marx đều đồng ý nhận xét: Marx rất yêu thích trẻ con. Trong nhật ký của mình, người con gái Marx có kể lại Marx thường vừa làm ngựa cho ba đứa con nhỏ cưỡi vừa viết sách phê phán xã hội người lớn trong chế độ tư bản mà theo Marx, hoàn toàn là một xã hội vong thân về kinh tế, chính trị, tôn giáo, văn hoá… Là vong thân vì xã hội người lớn trong chế độ tư bản coi quyền tự hữu như một quyền linh thiêng, lợi tức như mục đích cuộc đời, luật đổi chác như một tiêu chuẩn chi phối tương giao nhân loại mua bán cả những giá trị tinh thần tôn giáo. Marx muốn lật đổ chế độ thờ tiền để thiết lập mọt xã hội lấy sự hiến dâng làm tiêu chuẩn quy định tương giao nhân loại. Tinh thần trẻ con là lòng ngay thẳng, chân thành, đơn thực, tín nhiệm, không tính toán khôn ngoan, láu cá tinh thần trẻ con, đó là điều kiện tìm thấy chân lý giải phóng đồng thời cũng là còn đường đưa tới giải phóng đích thực. Con đường giải phóng đó, những người lớn không thể thấy được vì sự khôn ngoan sáng suốt của họ.

Ở một dịp khác đức Kitô đã nói “tôi đội ơn Thiên chúa vì ngài đã che giấu những sự thật đó với những nhà hiền triết, kẻ khôn ngoan và đã chỉ bày tỏ cho những trẻ nhỏ’. Lý tưởng làm người, mục đích của giáo dục, của tu đức không phải là trở thành người lớn, mà chính là trở lại thời thơ ấu và duy trì tinh thần thơ ấu.

Đời sống hàng ngày

Đời sống hàng ngày của con người ngày nay mệnh danh là văn minh cũng còn đầy rẫy huyền thoại. Kỹ thuật càng tiến như về sách báo, phim ảnh, vô tuyến truyền thanh, truyền hình, nghệ thuật, quảng cáo càng tạo ra nhiều huyền thoại như Marx đã nhận xét trong một câu thơ gửi Kigelmann ngày 22/7/1871:

“Cho đến bây giờ người ta vẫn tin rằng việc hình thành những huyền thoại Kitô giáo đã chỉ có thể có vì chưa có máy in. Sự thực lại trái hẳn báo chí hàng ngày và điện tín phổ biến những sáng chế của mình bằng một nháy mắt trong khắp vũ trụ còn tạo ra nhiều huyền thoại trong một ngày hơn xưa kia trong một thế kỷ”. Chẳng hạn khát vọng cái tuyệt đối, nhu cầu một cái gì đó cao cả để tôn thờ, tưởng nhớ đó là một chủ đề rất phổ biến trong những thần thoại xưa.

Ngày nay, người ta không còn thực hiện ở thần linh, Thượng đế trước đây tiêu biểu cho cái cao cả, đối tượng của khát vọng tuyệt đối nhưng không phải vì thế mà con người ngay nay không còn ước muốn cái tuyệt đối và đòi hỏi cái cao cả mà chỉ thay đổi đối tượng mà thôi. Trước đây là thần linh, bây giờ là những ý thức hệ, nhưng thực tại trần gian được tuyệt đối hoá hoặc những vị thần mới cũng có thể là những hoa hậu, phụ nữ, biểu diễn y phục, những xe kiểu mới, mà ngày thi biểu diễn khai mạc được tổ chức không khác gì những nghi lễ của các dân tộc cổ sơ ngày xưa như Andrew Greely đã nhận xét:

“Chỉ cần đi xem phòng triển lãm xe hơi hàng năm sẽ thấy ở đó một biểu lộ tôn giáo rất nhiều tính chất nghi lễ. Các thứ màu sắc, ánh sáng âm nhạc, lòng kính cẩn của kẻ khâm phục sự có mặt của những nữ thần đền thờ (hình nhân), sự xa hoa lộng lẫy tất cả những cái đó đã tạo nên trong một nền văn hoá khác, một thứ nghi lễ đích thức có tính cách phục vụ… Có nhiều người tôn sùng xe hơi linh thiêng… chính vào thời kỳ triển lãm hàng năm mà các vị chủ tế - những tay buôn xe
– trở nên quan trọng đồng thời một đám đông cũng chờ đợi một cách sốt ruột sự xuất hiện một hình thức cứu rỗi mới”.

Huyền thoại về ăn uống, thuốc thang, đồ dùng

Huyền thoại vitamin, huyền thoại thuộc bách bệnh, trường sinh. Con người hiện đại, nhất là ở các tầng lớp có học, giàu có thành thị, đều lo lắng phải ăn thế nào, ăn những gì cho đủ vitamin lúc nào cũng sợ trong người thiếu vitamin, bị vitamin ám ảnh. Đó là vì ước mơ cố hữu được khoẻ mạnh, sống lâu, trẻ mãi không già của con người muôn thuở. Muốn thế cần ăn đồ bổ, uống thuốc bổ. Trước đây dùng sâm nhung, cao, bây giờ dùng vitamin. Vitamin là thuốc trường sinh của con người hiện đại cũng như những thuốc kháng sinh, trụ sinh là thần dược, bách bệnh, vì bệnh gì uống trụ sinh cũng khỏi. Thuốc như thần vì khả năng hiệu nghiệm vô hạn của thuốc.

Đối với người nghèo, ít tiền, cũng có những món ăn, vị thuốc vẫn bổ như sâm nhung mà rẻ tiền, chẳng hạn theo phép tân dưỡng sinh Ohsawa, chỉ ăn cơm gạo lức, mè rang với muối, và chỉ thêm ít rau, cá vụn tép kho, ít trái cây vậy thôi, mà đạt được những kết quả tốt đẹp về sức khoẻ, trừ được rất nhiều bệnh tật như phù tê, yếu tim, lao phổi, đái đường, đau dạ dày, thổ huyết, kinh nguyệt không đều, các chứng bệnh thần kinh.

“Có thể nào tưởng tượng được rằng chỉ cần một phép ăn rất rẻ tiền, mà tiêu trừ được bách bệnh, tạo được một sức khoẻ dồi dào và tăng hẳn ý nghĩa cho cuộc sống”? Đó là lời giới thiệu phép tân dưỡng sinh tuyệt diệu của một bài báo đăng trong mục y học (Văn nghệ tiền phong số 326).

Trong nghệ thuật quảng cáo đồ dùng, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh vào khả năng vô hạn của đồ dùng: không bao giờ mòn, hỏng, bền mãi mãi, hoặc nhanh chóng, sản xuất được nhiều…

Dĩ nhiên người mua vẫn biết quảng cáo không đúng sự thật nhưng vẫn bị mê hoặc quyến rũ và rút cuộc vẫn phải mua như thể tin thật đồ dùng là tốt thật, bền thật, không bao giờ hỏng, hoặc chạy rất nhanh, hoặc sản xuất được nhiều…

Huyền thoại tình yêu lý tưởng

Trong những tuần báo, đặc biệt tuần báo dành cho phụ nữ có những mục tâm tình, giải đáp thắc mắc, thư tín… dạy mách độc giả phụ nữ, nhất là thiếu nữ kỹ thuật lấy chồng, chiều chồng dựa trên niềm tin tình yêu tuyệt đối, người tình lý tưởng, người chồng lý tưởng, hôn nhân lý tưởng. Trong thực tế người ta thừa hiểu không có tình yêu lý tưởng, hôn nhân lý tưởng và thường là thất bại, nhưng người ta có thể tạo cho những người trẻ sắp biết yêu có hy vọng có người tình lý tưởng nếu biết theo những lời dặn sau đây về cư xử, làm dáng, trang điểm… và thực ra là những người trẻ đó tin thật như thế. Bằng cớ là những tuần báo trên thường giữ kỷ lục về số độc giả.

Sự kiện con người hiện đại vẫn sống bằng những huyền thoại của thời đại mình, chứng tỏ huyền thoại không phải là một biểu lộ của một thời đại đã qua thuộc về tiền sử, nhưng là một biểu lộ cách thế con người hiểu đời và xác định một thái độ trước cuộc đời. Do đó, cũng không còn vấn đề huyền thoại là kém văn minh hay không có văn minh, vì những dân tộc cổ sơ cũng có văn minh biểu lộ qua các thần thoại, huyền thoại của họ.

Những công trình nghiên cứu của nhiều nhà dân tộc học chẳng hạn của Lévi-Strauss (1908) đã chứng minh không những các dân tộc cổ sơ có văn minh, có tư tưởng luận lý như các nền văn minh hiện nay mà trong vài trường hợp, còn văn minh hơn những người ngày nay Người cổ sơ không phải là ấu trĩ chỉ biết sống bằng tình cảm, hoà đồng với thiên nhiên, vũ trụ, không có ý thức về mình và thân xác, chưa biết suy luận bằng trí óc và có tư tưởng trừu tượng, vì thực ra họ có tư tưởng, luận lý, có suy luận, ý thức nhưng chỉ tư tưởng suy luận khác ta và tư tưởng, lý luạn một cách khác ta mà thôi. Do đó những thần thoại của họ không phải chỉ bày tỏ những tình cảm căn bản của con người như yêu đương, sợ hãi, giận ghét mà là những nỗ lực giải thích những hiện tượng thiên nhiên địa lý, khí tượng, cuộc đời bằng những hình tượng cụ thể nhưng bao hàm một hệ thống luận lý, những luận đồ lý dựa trên những nguyên tắc luận lý rõ rệt nhằm thực hiện một sự mạch lạc hợp lý trong cái nhìn của họ về vũ trụ, cuộc đời như Lévi-Strauss đã viết: “Hình ảnh ta có về tích cách sơ khai phải được thay đổi. Không bao giờ và ở đâu người cổ sơ đã chỉ là một giống người vừa thoát khỏi tình trạng động vật, hãy còn bị trói buộc vào những nhu cầu và bản năng hay còn là một ý thức pha trộn tình cảm và chìm đắm trong sự lẫn lộn đồng hoá”.

Trong cuốn “Tư tưởng dã man” Lévi-Strauss cũng đã chứng minh nhiều dân tộc cổ sơ đã dùng những phương pháp phân loại, xếp hạng phức tạp, đã có nhiều từ ngữ phong phú để chỉ thị và hệ thống hoá những kiến thức của họ về động vật, khoáng vật, thực vật. Do đó, không thể nói thần thoại là thiếu trí thức vì nó chính là một cách biểu lộ trí thức.

Phê bình huyền thoại và huyền thoại phê bình

Nếu sang thời kỳ lich sử, chưa hẳn là chấm dứt thời kỳ thần thoại vì con người hiện đại vẫn sống bằng những huyền thoại của thời đại mình thì huyền thoại là một hiện tượng gắn liền với bản chất con người.

Con người hiện đại là nhà khoa học, nhà triết học duy lý, người văn minh không tin những thần thoại con người cổ sơ và coi những câu chuyện là chân lý đối với người cổ sơ chỉ là thần thoại, ngĩa là hoang đường, tưởng tượng lại tin vào khoa học, lý trí, kỹ thuật, tiến bộ… và chúng ta đã thấy những niềm tin đó cũng là những huyền thoại. Nhà khoa học, triết học đã nhân danh khoa học, lý trí để phê bình thần thoại nhưng vẫn không tránh được thái độ tạo ra huyền thoại. Vậy phải chăng phê bình huyền thoại rút cuộc đều phải dựa vào huyền thoại nào đó để có thể phê bình? Hoặc nói cách khác người không muốn tin ở bất kỳ huyền thoại nào và luôn luôn cảnh giác, nhận vai trò vạch mặt, tố giác những niềm tin chỉ là huyền thoại, có thực sự thoát khỏi được huyền thoại không và chính việc không tin huyền thoại có phải cũng là một huyền thoại không?

Chẳng hạn chúng ta bây giờ phê bình những niềm tin của nhà khoa học, triết lý vào khoa học, lý trí là huyền thoại, chúng ta có tránh được không dựa vào một huyền thoại nào không?

Muốn tố giác một huyền thoại, phải dựa vào một tiêu chuẩn mà ta tin là chân lý. Chúng ta tố giác một lời nói, một sự kiện, một niềm tin là huyền thoại bằng cách vẫn dựa vào một niềm tin khác mà bây giờ ta chưa biết là huyền thoại. Sau đó, chính chúng ta hay nwhgnx người kế tiếp ta mới thấy niềm tin ta đã dựa vào để phê bình một huyền thoại cũng là huyền thoại, cứ như thế… Vậy phải chăng tất cả nhận thức của nhân loại đề dựa vào huyền thoại và sự tiến bộ về nhận thức chẳng qua chỉ là ý thức sâu xa hơn sự lệ thuộc thiết yếu vào huyền thoại? Không bao giờ ta thoát khỏi huyền thoại. Mỗi một tố giác huyền thoại hình như nhằm mở rộng thêm lĩnh vực sựt hật và thu hẹp lại phạm vi huyền thoại, nhưng cũng có thể nói ngược lại, càng thấy huyền thoại mở rộng ra, vô hạn…

Do đó, không những tư tưởng, khoa học triết lý không chấm dứt thần thoại, huyền thoại mà còn có thể chỉ là một hình thái của thần thoại, huyền thoại.

Nói cách khác, phải chăng con người chỉ có một thái độ nhận thức là thái độ huyền thoại và mọi thái độ khác (khoa học, triết học, tôn giáo) chẳng qua chỉ là những hình thái khác nhau của thái độ huyền thoại?

Như thể sống bằng huyền thoại không phải là sống ở một giai đoạn ấu trị, sơ khai, mà là sống trong tình cảnh tự nhiên của con người ở đời, vì không bao giờ ta thực sự sống trong tình trạng chân lý. Nếu sống không thể không tin nghĩa là không thể được gạt bỏ huyền thoại thì vấn đề chỉ còn là lựa chọn những huyền thoại nào để sống cho xứng đáng hơn.

Có những huyền thoại xấu, do tầng lớp thống trị trong xã hội tạo ra để biện hộ duy trì một chế độ và có những huyền thoại tốt, mang tính chất phủ nhận, cách mạng, tiến bộ.

Chẳng hạn huyền thoại số mệnh, định mệnh. Đó là một huyền thoại có tác dụng bảo thủ, phản động nhằm mê hoặc (theo nghĩa xấu) những người bị bóc lột, áp bức chịu đựng tình cảnh bóc lột, áp bức vì cho là số phận, trời định… đặc điểm của huyền thoại phản động là nó có thể xuất hiện như một ý nghĩa phổ biến, siêu giai cấp, phi chính trị, vô hại. Chính vì thế mà nó có thể xâm nhập vào lớp người bị trị và làm cho họ chấp nhận về số phận, định mệnh là chung cho mọi người, không phân biệt giai cấp, tầng lớp xã hội.

Trái lại, những huyền thoại có tính chất phủ nhận, bao hàm động lực thúc đẩy hành động, là lợi khí của tranh đấu cách mạng, tiến bộ xã hội. Độc lập tự do, dân chủ, công bằng xã hội, hoà hợp giữa người và người có thể là huyền thoại, cũng mê hoặc người ta nhưng mê hoặc theo nghĩa tốt.

Những giá trị đó xuất hiện như những lý tưởng tuyệt đối để vươn tới. Nếu không tin và tin mãnh liệt, không thể tranh đấu cho những giá trị đó. Huyền thoại theo nghĩa đó, là huyền thoại tốt như Sorel đã viết:

“Những người tham dự vào những phong trào xã hội lớn lao, mường tượng hành động tương lai của họ dưới hình thức một trận tuyến đảm bảo cho lý tưởng của họ sẽ thắng. Tôi đề nghị gọi là huyền thoại những xây dựng trên mà sự hiểu biết những xây dựng đó rất quan hệ đói với nhà viết sử: Việc đình công của nghiệp đoàn và cuộc cách mạng không thể tránh được Marx là những huyền thoại”.

Đến một lúc nào đó, có thể chúng ta khám phá thấy những niềm tin trên là huyền thoại, nhưng không phải vì thế mà buông xuôi thụ động, trái lại phải để cho lòng ta bị lôi cuốn, mê hoặc bởi những niềm tin khác, hoặc cũng vẫn bởi những niềm tin đó nhưng mặc những hình thức khác, vì sống không thể không tin, mặc dầu niềm tin có thể sẽ là huyền thoại vì đó là cuộc sống, là phận làm người như đối thoại của hai nhân vật trong phim.

“Những bạn của tôi đều chết cho một lý tưởng: Cách mạng, đó là cái gì? Khi bạo động đã ngưng, những chính trị gia lại nắm lấy chính quyền và mỗi lần chằng còn gì ngoài một lý tưởng đã mất. Vấn đề không đơn giản như vậy. Chuyện cách mạng cũng như chuyện ái tình. Lúc đầu, người
đàn bà được yêu là một nữ thần, một thánh nhân, nhưng mọi chuyện ái tình đều có một kẻ thù đáng sợ đó là thời gian. Với thời gian, chúng ta mới thấy cạch mạng thật ra là gì: không phải một nữ thần, cũng không phải một thánh nhân, nhưng là một gái điếm như mọi gái điếm khác. Rồi chúng ta bỏ ra đi. Nhưng ước vọng là gì nếu không có tình yêu như cuộc đời còn nghĩa lý gì nếu không có một lý tưởng: không lý tưởng, chúng ta không là gì hết”.

Hơn nữa sống cũng còn là sống với, nghĩa là niềm tin, huyền thoại cũng là của một tập thể, có tính cách xã hội.

Sống trong huyền thoại là tham dự vào một cộng đồng, thông cảm với cộng đồng có huyền thoại đó. Tết là một huyền thoại. Dân Việt làm ăn vất vả quanh năm nên coi ngày Tết là linh thiêng. Trong những ngày đầu năm người ta kiêng làm, kiêng chửi nhau vì sợ phải làm một năm và chúc nhau đủ điều sang năm mới làm ăn được phát tài, may mắn, sống cao trăm tuổi… Người ta vẫn biết không thoát khỏi những khó khăn vất vả đang chờ đợi sau mấy ngày tết, nhưng vẫn tin ở những lời chúc, để hy vọng, vui sướng một chút, để thấy đời đáng sống.

Cho nên phủ nhận huyền thoại có thể là một can đảm, vì ta từ bỏ mọi thú vui, an tâm của niềm tin huyền thoại, nhưng phải chăng cũng là tách khỏi xã hội, trở thành cô độc?

Do đó, chúng ta sống cần huyền thoại và nếu theo một nghĩa nào đó, cần phải sống đích thực thì theo một nghĩa khác cũng cần phải sống mơ tưởng, không tưởng như thể đích thực và mơ tưởng niềm tin và huyền hoặc không phải là hai đòi hỏi mâu thuẫn nhau mà là bổ túc cho nhau và đều là cần thiết cả.

Trích: Đưa vào triết học, Nguyễn Văn Trung (Nam Sơn xuất bản - 1972)

Xem kỳ 2