"The Myths of Innovation"

"Huyền thoại về sự phát minh"

Ngày 28-6-2007, Guy Kawasaki, tác giả cuốn sách "Nghệ thuật khởi đầu" [1], đã phỏng vấn Scott Berkun, tác giả cuốn "Huyền thoại về sự phát minh" [2] và cả cuốn sách bán chạy nhất Mỹ năm 2005 "Nghệ thuật quản trị dự án" [3].

Hỏi: Phải mất bao nhiêu thời gian trong thế giới hiện thực - so với thế giới của "báo chí hồi tưởng" [4] - để có thể đi đến giây phút hiển linh ?

Đáp: Giây phút hiển linh chỉ là cái đỉnh trên núi băng trôi của sự sáng tạo, và mọi sự hiển linh đều bắt rễ từ lao động.

Nếu bạn lấy bất kỳ thời điểm kỳ diệu nào về sự khám phá trong lịch sử và lần ngược thời gian, bạn sẽ thấy có nhiều quan sát nho nhỏ, những nghi vấn, sai lầm hoặc những cảnh hài kịch đã phải xảy ra để cho giây phút hiển linh ấy có thể thành hiện thực.

Tất cả những nhà sáng tạo vĩ đại đã từng biết điều ấy - và thường thì họ coi nhẹ những giây phút kỳ diệu hơn là ta hằng tưởng. Nhưng, chúng ta ai lại chẳng khoái những câu chuyện kích thích như Newton bị quả táo rơi vào đầu, hoặc những người cầm sô-cô-la và lạc rang bơ tình cờ va vào nhau ngoài hành lang - những mẩu chuyện quả là thú vị hơn để mà nghĩ đến. Một cuốn phim với tựa đề "hãy xem Einstein dán mắt vào tấm bảng đen trong vòng 90 phút" dĩ nhiên sẽ không gợi cảm hứng gì mấy cho người xem.

Hỏi: Có phải sự tiến triển về phát minh xảy ra theo một đường thẳng? Ví dụ: từ transistor đến con chip, đến máy tính cá nhân, đến web, rồi đến mạng MySpace?

Đáp: Phần đông chúng ta muốn lịch sử giải thích rằng loài người xuất hiện như thế nào, hơn là muốn nó phải dạy ta cách biến đổi tương lai. Và để phục vụ cho mục đích ấy, các mẩu chuyện dân dã thường được kể bằng những giọng điệu hùng tráng và có lý lẽ: họ đã chế ra transistor, cái dẫn đến con chip, rồi chip tạo khả năng cho máy vi tính, v.v... Nhưng dĩ nhiên, nếu bạn hỏi William Shockey [5] hoặc Steve Wozniak [6] rằng những sáng kiến và sự thành công của họ đã hiển nhiên như thế nào, thì bạn sẽ được nghe những mẩu chuyện rất khác nhau về sự rối mù, sự không chắc chắn, và cảm giác các kỳ dị đang chống lại họ.

Nếu ta tin rằng sự việc đang không chắc chắn tí nào đối với những nhà phát minh trong hiện tại, thì cũng phải nhớ rằng sự việc cũng đã không kém chắc chắn cho những người trong quá khứ. Đó là một mục đích lớn cho quyển sách của tôi: dùng những câu chuyện gây kinh ngạc trong lịch sử phát minh như công cụ dành cho những ai hiện đang thử tìm phát minh mới.

Hỏi: Các nhà phát minh xuất hiện do bẩm sinh hay luyện tập?

Đáp: Cả hai. Hãy xét trường hợp Mozart. Vâng, ông ta đã có một tiềm năng sáng tạo kinh ngạc về âm nhạc nhưng cũng đã sinh trưởng ở một quốc gia giữa tâm điểm của thế giới âm nhạc thời bấy giờ, ông có người cha là giáo viên âm nhạc và ông bị buộc phải luyện tập nhiều giờ mỗi ngày ngay từ trước khi được vào lớp tương đương mẫu giáo. Tôi đã nghiên cứu tiểu sử của nhiều bậc thiên tài và nhà sáng chế và tôi luôn luôn tìm thấy rất nhiều yếu tố - cả trong lẫn ngoài vòng tự chủ của họ - để có thể dẫn đến thành công.

Hỏi: Thử thách lớn nhất có thể đối diện một nhà sáng tạo là gì?

Đáp: Nó tùy theo mỗi nhà phát minh, nhưng có một thử thách thường đè bẹp rất nhiều người, là việc thế giới còn lại hờ hững các sáng kiến của họ. Tìm được người ủng hộ cho ý tưởng của mình - dù là ủng hộ tinh thần, tài chính hay chất xám - là một vấn đề khó, và còn tùy thuộc vào những kỹ năng không ăn nhập gì với trí tuệ siêu quần hoặc khả năng sáng tạo. Đó là điều dễ làm tê liệt nhiều kẻ lẽ ra là thiên tài: họ phải mất khá nhiều thời gian - nhiều hơn khoảng thời gian dành cho việc sáng tạo - để thuyết phục người khác về ý tưởng của họ, và họ không có đủ kỹ năng và tính nhẫn nại cho việc đó.

Hỏi: Các nhà phát minh và sáng chế lấy ý tưởng từ đâu?

Đáp: Tôi dạy môn tư duy sáng tạo ở Đại học Washington và môn này cho rằng ý tưởng là tổ hợp của những ý tưởng khác. Những người đạt được tiếng "sáng tạo" thực ra chính là những người đi đến có nhiều hơn các tổ hợp của những ý tưởng, tìm thấy nhanh hơn những ý tưởng thú vị và ham muốn thử nghiệm chúng. Vấn đề là phần lớn các trường học và tổ chức lại dạy ta các thói quen.

Hỏi: Tại sao các nhà phát minh và sáng chế hay gặp phải nhiều chống đối hoặc tiêu cực?

Đáp: Bản tính con người là tự bảo vệ chính mình trước sự đổi mới. Chúng ta thích nghĩ rằng mình là một người cấp tiến, nhưng mọi cơn sóng sáng tạo trong lịch sử đã lan chậm hơn ta được biết: máy điện tín, máy điện thoại, máy vi tính, và mạng Internet, đều đã phải trải qua hằng thập niên để từ ý tưởng biến thành những công cụ được người thường dân dùng đến. Như các loài vật, chúng ta thường cảm thấy bị đe dọa đối với sự đổi mới, và phải tốn một thời gian rất lâu để thuyết phục người ta thay đổi lối cư xử , cũng như xa lìa đồng tiền của họ.

Hỏi: Làm sao anh biết được nếu anh có một ý tưởng có vẻ ngu ngốc theo các "chuyên gia" rằng nó sẽ thành công hoặc thật sự chỉ là ý tưởng ngu ngốc ?

Đáp: Đừng "bắn" tôi nhưng câu trả lời là chúng ta không thể biết. Chắc chắn là không. Đó chính là nơi mà mọi thứ vui vẻ và khốn khổ đều đi vào. Nhiều ý tưởng ngu ngốc đã thành công và nhiều ý tưởng lớn đã chết yểu trên gốc nho, đó là vì thành công lại phụ thuộc vào những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta.

Cách cá cược tốt nhất là trở thành một nhà thực nghiệm, một kẻ mày mò - để học hỏi thử nghiệm các ý tưởng một cách rẻ và nhanh, và để đi đến đó với con người thay vì mơ mộng viển vông trong tháp ngà. Kinh nghiệm với những người thực thường ăn đứt các phân tích chuyên gia trong phần lớn thời gian. Sáng chế là một thực tiễn - một tập hợp các thói quen - bắt ta làm ra hàng đống sai lầm và luôn có ham muốn học hỏi từ đó.

Hỏi: Nếu anh là một nhà tư bản mạo hiểm thì chủ ý đầu tư của anh là gì ?

Đáp: Có hai ý: chẳng có gì là độc đáo ngoài việc chúng sinh ra từ lịch sử. Một ý là phần đầu tư. Hãy đầu tư khi biết đa số các mạo hiểm, cả những cái tốt, sự thất bại và hãy phân bố rủi ro theo một tỷ lệ nào đó (thí dụ 1/3 rất rủi ro, 1/3 rủi ro cao, và 1/3 rủi ro trung bình). Đôi khi những sáng chế có vẻ nhỏ, rủi ro/hoàn trả thấp lại có ảnh hưởng rộng rãi và sẽ là sai lầm nếu chỉ cá cược lớn.

Ý khác là con người: tôi thích đầu tư vào con người hơn là các ý tưởng hoặc các kế hoạch kinh doanh - mặc dù dĩ nhiên chúng cũng rất quan trọng. Một doanh nhân lớn sẽ không từ bỏ và sẽ giữ vững sự lớn mạnh và kiến thức nghiên cứu là vàng. Có một số rất ít các doanh nhân thành công thật sự ở vài đợt thử sức đầu tiên - 3M, Ford, Flickr đã thắng ở lần thứ hai hoặc thứ ba. Tôi cũng muốn tặng hàng triệu đô-la cho các tác giả của những cuốn sách mới đây về sáng chế với từ HUYỀN THOẠI ở tên sách. Tương lai quả thật đang trong tay họ.

Hỏi: Những gì là yếu tố quyết định hàng đầu cho tốc độ chấp nhận sáng chế?

Đáp: Sách nghiên cứu kinh điển về lĩnh vực này là Diffusion of Innovation (Khuếch trương sáng chế) của Rogers, xác định các yếu tố đã đứng được đến ngày nay. Điều làm ta ngạc nhiên là chúng đều thuộc về xã hội học: dựa trên sự cảm nhận của con người về giá trị và nỗi sợ các rủi ro của họ - thứ mà thường xuyên cách xa cái nhìn của chúng ta về việc một công nghệ gây kinh ngạc như thế nào. Những nhà sáng chế khôn ngoan hơn đều biết điều đó và chú ý đến việc họ đang thiết kế cho ai và cần thiết kế website hoặc sản phẩm như thế nào để hỗ trợ cảm tình và lòng tin của họ.

Hỏi: Điều gì là quan trọng hơn: xác định vấn đề hay giải quyết vấn đề ?

Đáp: Xác định vấn đề rõ ràng là bị đánh giá thấp nhưng cả hai đều quan trọng. Các ý tưởng mới thường xuất hiện khi đặt những câu hỏi mới và có một người đặt câu hỏi sáng tạo. Chúng ta cố định vào các giải pháp và sách báo phổ thông tập trung vào những người sáng tạo như là người giải quyết, nhưng sự sáng tạo thường là ở trong cách đặt lại vấn đề để nó trở nên dễ giải quyết hơn. Einstein và Edison là những người nổi tiếng về xác định vấn đề: họ xác định vấn đề khác với những người khác và do đó đã đi đến thành công.

Hỏi: Tại sao những ý tưởng tốt nhất lại không thành công ?

Đáp: Một trong các nguyên nhân là không hề có những ý tưởng tốt nhất. Tuỳ theo mỗi góc nhìn thì bạn có một ý tưởng tốt nhất hoặc sự lựa chọn tốt nhất cho một vấn đề riêng biệt. Tôi chắc chắn những người làm ra máy điện báo (telegraph) không nghĩ điện thoại là một ý tưởng tốt, điện thoại đã kết liễu nghề nghiệp của họ. Như vậy nhiều câu chuyện của sự tiến bộ đi chệch hướng là về sự ngạo mạn của nhận thức: điều một cá thể nghĩ là con đường đúng - thường là con đường có lợi nhất - lại không phải là điều mà những người khác, một nhóm người có ảnh hưởng hơn, đã nghĩ.

Hỏi: Sáng chế thường đến từ những người già hay người trẻ ? Hay đơn giản, tuổi tác không phải là một yếu tố?

Đáp: Sáng chế là công việc khó khăn và rủi ro, càng nhiều tuổi thì bạn càng nhận ra sự chênh lệch lớn hơn. Giải thích này chạy trơn tru nhất. Beethoven chỉ viết Bản giao hưởng số 9 khi về già, chúng ta biết nhiều nhà sáng tạo vẫn sáng tạo như không hề bị tuổi tác ảnh hưởng. Nhưng ý chí để họ vượt qua mọi sức ép và thách thức về việc mang đến một ý tưởng cho thế giới thì có giảm. Họ hiểu rõ hơn những cái giá từ kinh nghiệm sống. Người trẻ không biết cái gì với họ là đáng sợ, có sự thôi thúc mạnh hơn để tự khẳng định mình và có ít hơn các cam kết - thí dụ con cái và tài sản thế chấp. Những yếu tố này làm họ dám thử nghiệm những chuyên điên rồ một cách dễ hơn.

ĐT dịch từ Blog của Kawasaki

[1The Art of the Start

[2"The Myths of Innovation", chữ Innovation nghĩa đen là "đổi mới" nhưng ở đây phải hiểu là "phát minh" trong văn cảnh "khám phá" (discovery) hoặc "sáng chế" (invention) - Chú thích của ĐT

[3The Art of Project Management

[4retroactive journalism

[5Người giật giải Nobel vật lý do sáng chế ra transistor

[6Người làm ra máy vi tính Apple