Ì trệ từ cơ quan chuyên trách

state

Ngày 18.2, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 2014 – 2015 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mặc dù hội nghị này nêu ra được những việc đã làm được và những vướng mắc, cản trở quá trình tái cơ cấu (TCC) khối DNNN, nhưng theo một số đại biểu, một số cơ chế, chính sách dự thảo mới vẫn chưa cụ thể để đẩy nhanh quá trình TCC, mới bắt đầu nhưng đã có dấu hiệu ì ạch…

Các con số thống kê về kết quả thực hiện TCC, cổ phần hoá (CPH) khối DNNN đều cho thấy, việc sắp xếp, CPH khối DNNN luôn khiến cho các DNNN hoạt động hiệu quả hơn so với thời kỳ chưa TCC, CPH. Theo bộ Tài chính, việc TCC giúp các DNNN đi đúng hướng, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, tài chính... Theo báo cáo của 3.576 doanh nghiệp sau sắp xếp, CPH gửi bộ Tài chính thì có 85% doanh nghiệp có doanh thu cao hơn trước khi TCC, CPH; 90% số doanh nghiệp sau sắp xếp, CPH có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, 86% có số nộp ngân sách tăng cao hơn năm trước...

Tuy nhiên, một vấn đề lớn diễn ra trong ba năm qua là tiến độ CPH các DNNN diễn ra quá chậm. Theo ông Phạm Viết Muôn, phó ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp Trung ương, từ năm 2011 – 2013, cả nước chỉ sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó, CPH 99 doanh nghiệp. Nếu so với con số DNNN đã CPH từ trước đến nay là 4.065 doanh nghiệp thì con số doanh nghiệp được CPH này rõ ràng là quá thấp. Tốc độ phê duyệt đề án TCC chậm, chủ yếu được thực hiện trong năm 2013. “DNNN vẫn dàn trải trong nhiều ngành lĩnh vực Nhà nước không còn nắm giữ”, ông Muôn nói.

Một trong những hoạt động cần thiết để thực hiện TCC là thoái vốn ngoài ngành, hoạt động này tiến độ cũng không được nhanh. Theo ông Phạm Viết Muôn, hiện các doanh nghiệp đã thoái được 4.164 tỉ đồng trên tổng số 21.797 tỉ đồng đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính, đạt 19%. Nhưng đáng nói là trong số vốn đã thoái, chỉ có 267 tỉ đồng bán ra được bên ngoài, còn lại là giao dịch nội bộ.

1.001 lý do… chậm

Theo lãnh đạo bộ Tài chính, những chậm trễ của quá trình TCC khối DNNN tuy có những nguyên nhân khách quan như thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm khiến tiến độ bán cổ phần, cổ phiếu ra công chứng và thoái vốn đầu tư khó khăn nhưng cũng có nhiều nguyên nhân thuộc về chủ quan. Bên cạnh thực tế chính sách sắp xếp, đổi mới DNNN liên quan nhiều đến các bộ luật khác nhau, phải chờ sửa đổi... thì có một thực tế khác là các cơ quan chuyên trách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phối hợp chưa tốt. “Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty... chưa quan tâm đúng mức, chưa tích cực, quyết liệt triển khai lộ trình TCC và chưa báo cáo kịp thời Chính phủ các vướng mắc để kịp thời xử lý”. Bộ này cũng thừa nhận: “Cơ chế quản lý nhà nước chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, chức năng đại diện chủ sở hữu DNNN còn chồng chéo...” Bộ Tài chính nhận định: “Cơ chế giám sát, đánh giá hoạt động DNNN chưa có tác dụng cảnh báo, ngăn chặn việc sử dụng, quản lý yếu kém vốn và tài sản nhà nước”.

Bức tranh kinh doanh của khối DNNN do Chính phủ đưa ra tại hội nghị cho thấy nhiều mảng xám màu. Theo báo cáo này, năm 2012, tổng doanh thu hợp nhất khối DNNN trên 1,7 triệu tỉ đồng, lợi nhuận đạt trên 167.000 tỉ đồng (trên tổng tài sản trị giá gần 2,4 triệu tỉ đồng), tăng 12% so với năm 2011. Nhưng tổng số nợ phải thu cũng rất lớn với gần 276.000 tỉ đồng, nợ phải trả gần 1,35 triệu tỉ đồng. Trong khối tập đoàn, tổng công ty, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 là 16% nhưng có bảy tập đoàn, tổng công ty lỗ 5.380 tỉ đồng, chín công ty mẹ lỗ 1.448 tỉ đồng. Tổng hợp từ 25 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có số lỗ luỹ kế đến hết năm 2012 là 17.033 tỉ đồng, 16 công ty mẹ lỗ 11.820 tỉ đồng.

Nhận xét về quá trình TCC khối DNNN vừa qua, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch ngân hàng BIDV cho rằng, việc TCC chậm là do chưa có chiến lược, chưa có cách thức thực hiện tốt. Theo ông Trần Bắc Hà, áp lực lớn TCC rất lớn khi mục tiêu đến 2015 phải CPH trên 400 doanh nghiệp nữa trong khi một số cơ chế xử lý vướng mắc chưa làm rõ tuy đã có chính sách đưa giá trị sử dụng đất vào để xác định giá trị tài sản doanh nghiệp nhưng theo nguyên tắc, tiêu chí thị trường nào cũng chưa rõ ràng và chính cơ quan chỉ đạo cũng còn lúng túng. Hay quy định về thoái vốn ngoài ngành của DNNN, theo ông Trần Bắc Hà, việc thoái vốn chậm, nhưng muốn nhanh cũng không khả thi nếu không thay đổi cách thức, tư duy. “Thoái vốn mà dưới giá trị sổ sách rất dễ đến mất vốn. Quy định thoái vốn còn bao quát, chưa cụ thể với nhiều trường hợp”, ông Hà nói.

Càng chậm càng… xấu

Đáng chú ý, theo ông Trần Bắc Hà, hiện nay, tuy khối DNNN có đóng góp tới 32% GDP nhưng tổng dư nợ tín dụng dành cho khối này trên 60%. “Năng suất, sức cạnh tranh của DNNN đang có xu hướng suy giảm, không tăng lên, nợ đọng đã lên trên 145.000 tỉ, tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, dự báo khoảng 20 – 30% trong số đó là nợ không đòi được, ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng”, ông Hà nhận xét.

Báo cáo của ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp cũng thừa nhận: “Hiệu quả của doanh nghiệp (DNNN) chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh thấp”. Tuy vốn nhà nước ở doanh nghiệp tăng mạnh nhưng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, tỷ suất lợi nhuận trên vốn lại tăng không tương ứng.

Đây cũng là lần đầu tiên, bộ Tài chính đưa ra đánh giá về mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước: “Việc thí điểm chuyển các tổng công ty nhà nước sang mô hình tập đoàn kinh tế bộc lộ những bất cập: đầu tư dàn trải, số lượng thành viên tăng không tương xứng theo năng lực quản lý dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn nhà nước kém...nên cũng đã (đến lúc) kết thúc thí điểm, không nhân rộng để triển khai”.

Chính sách mới vẫn thiếu động lực

Cũng trong hội nghị này, Văn phòng Chính phủ đưa ra một số dự thảo chính sách mới để đẩy mạnh tiến trình TCC khối DNNN như quyết định ban hành tiêu chí, phân loại DNNN của Thủ tướng Chính phủ; chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh TCC các DNNN đến năm 2015; nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh, sắp xếp DNNN giai đoạn 2013 – 2015. Trong các văn bản này, có một số chính sách mới như cho phép đưa giá trị sử dụng đất vào định giá doanh nghiệp; cho phép thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách sau khi đã trừ chi phí dự phòng và đầu tư tài chính; xử lý trách nhiệm tập thể, cán bộ doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ TCC… Những điều này được hy vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình TCC. Tuy nhiên, nhận xét về những cơ chế chính sách này, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, quyền viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vẫn thiếu cái gì đó làm động lực cho quá trình TCC khối DNNN.

Mạnh Quân, SGTT