KHOA HỌC CỦA NHỮNG SỰ NHƯỢNG BỘ

“Ngoại giao là khoa học của những sự nhượng bộ” (la diplomatique est la science des concessions), đó một phương ngôn rất nổi tiếng dường như bất khả thay thế về nguyên lý và mục tiêu của ngành ngoại giao. Vậy thì, hoà giải vừa là phương tiện vừa là cứu cánh (tức mục đích) của ngoại giao.

Khi hai bên lâm trận, không thể tránh khỏi hy sinh, mất mát, thương vong, người ta sẽ tìm cách để đình chiến để hoà giải. Tiếng súng ở cả hai phía đã im bặt. Hai bên cử hai đoàn cấp cao đi đàm phán. Nhưng ngay sau đó, bên này hay bên kia, người ta nhận được tin, đối phương đã nhân cơ hội đình chiến để hoà đàm mà tấn công mục tiêu nào đó. Người ta liền hủy ngay đàm phán, thế là chiến tranh vẫn tiếp diễn. Vì thế muốn có hoà đàm, người ta phải tay không, giải giáp khí giới, đến với điều kiện đầu tiên là hoà giải. Hoà giải vì thế là phương tiện đầu tiên của ngoại giao. Bởi vì không có hoà giải, người ta sẽ không thể nào xúc tiến cuộc gặp mặt đầu tiên. Nhưng hoà đàm rồi tiến đến bình thường hoá quan hệ ngoại giao để làm gì? Để hai bên được sống trong hoà giải thường trực mãi mãi. Khi đó, hoà giải cũng đóng vai cứu cánh cuối cùng cho hoà đàm ngoại giao.

Thời điểm đình chiến để hoà giải, là cách bắt đầu giúp chúng ta dễ hiểu, nhưng không có cuộc tiếp xúc ngoại giao nào lại bắt đầu từ phía đuôi như vậy. Binh pháp Tôn Tử có nói đại ý rằng: Thượng sách là đánh bằng ngoại giao, không hao tổn binh mã mà địch phải tan. Trung sách là dụng binh, không tránh khỏi mất mát thương vong. Hạ sách là đánh công thành, mất mát hy sinh cao nhất. Hầu hết các cuộc chiến tranh xảy ra trên đời, là do công việc ngoại giao xúc tiến của hai bên thất bại. Bên A đòi ưu thế hơn so với bên B, bên B không chịu, bên A đòi dụng binh đánh tới hòng dùng áp lực uy hiếp bên B phải khuất phục và nhường bước. Bên A mạnh, tấn công, nhưng quái ác thay, bên A đã đánh đòn hạ sách, dụng binh nhiều nhưng lại đánh công thành, tức là đánh vào đất đai của bên B, nơi bên B đã đắp chiến lũy và bày binh bố trận. Lịch sử hiện đại đã chứng kiến, quân đội Quốc Xã của Hitle, với hàng ngàn xe tăng và máy bay, tưởng rằng có thể nuốt chửng Max-cơ-va một cách chóng vánh, nhưng đã chặn đứng trước các chiến lũy của hồng quân Xô Viết, vũ khí kém thua.

Chiến tranh làm cho cả hai bên đều hao tổn, mất mát thương vong. Và để chấm dứt chiến tranh trước cuộc chiến cuối cùng, đó là trận chung kết bao giờ cũng mất mát thương vong nhiều nhất, người ta phải tìm cách đình chiến để hoà giải. Nhưng còn sớm hơn thế, sớm hơn ngay cả trước khi điều chuyển quân, người ta đã phải tiến hành hoà giải ngoại giao. Và bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra thì cũng gần như đồng nghĩa : công cuộc xúc tiến ngoại giao đã thất bại.

Tại sao thất bại? Giờ là lúc chúng ta giở lại bài học nguyên lý xuyên suốt “Ngoại giao là khoa học của những sự nhượng bộ”. Khi bước vào đàm phán hai bên phải có một tinh thần hoà giải. Chứ không thể kẻ mạnh hơn sẽ bảo “anh phải nhường tôi vì tôi mạnh hơn anh!”

Mạnh hơn ư, bên yếu nghĩ, “ nếu anh muốn chơi trò hạ sách là đánh công thành, thì cứ xin mời. Anh nên biết chúng tôi có núi non hiểm trở hay xa mạc rát bỏng, anh thử vào xem có đường ra không?” Nếu nghĩ như vậy, thì cuộc hoà đàm đã mang mầm mống thất bại. Mà muốn thành công, thì bên kia căng một tí, bên này phải chùng xuống. Bên kia không chịu điều kiện của bên này, thì bên này nên hạ định mức để điều đình với bên kia. Người Việt có câu:

Bên thẳng thì bên phải chùng
Hai bên cùng thẳng thì cùng đứt dây

Người thợ lên dây đàn nào cũng đều mang theo một chiếc “la mẫu”, (diapason) giờ lại có cả đồng hồ đo âm thanh nữa, nhưng ai cũng hiều, nếu không lên dây từ từ thì dây sẽ đứt. Vì thế người thợ từ từ kéo cần lên dây (hoặc khoá đàn), kết quả âm thanh vẫn đạt đến chuẩn cho phép mà không đứt. Qua bài học đó, người Việt muốn đưa ra thông điệp về việc người ta phải biết nhường nhịn, co rãn cùng nhau, từ nhà ra xã hội, có như vậy mọi việc mới được bình anh vẹn toàn.

Chẳng hạn, Đại văn hào Leo Tolstoi có đưa ra một dẫn chứng về sự thất bại của ngoại giao do không biết thoả hiệp, trong tác phẩm “Chiến tranh và hoà bình”, ông viết: đội quân của Napoleon đã sang bên này bờ sông. Sứ giả của Nga hoàng đến gặp, yêu cầu Napoleon hãy rút quân về phía bên kia bờ sông, thì Nga hoàng mới có thể gặp gỡ hoàng đế Napoleon để đình chiến. Nhưng Napoleon sĩ diện không rút về bên này bờ sông, Nga hoàng cũng sĩ diện không lép vế để đàm phán. Kêt quả, Napoleon kéo quân vào đốt cháy Mat-xcơ-va. Còn đội quân chiến thắng vài chục vạn của Napoleon rút về dù được mệnh danh là cuộc rút binh thần kỳ, nhưng khi về đến Pháp chỉ còn có vài nghìn. Họ bỏ lại vô vàn người hy sinh trên những con đường dài biền biệt của nước Nga trong băng tuyết giá lạnh bậc nhất thế giới. Một bài học quá rõ ràng cho cả hai phía. Vì sĩ diện, vì không biết đến khoa học nhượng bộ của ngoại giao, mà cả hai bên đều tổn thất nặng nề.

Hoà giải không thể có, nếu người ta không biết nhượng bộ. Bài học này đã được triết gia Socrate lý giải rất kỹ từ thời cổ đại. Nếu kẻ bán muốn bán đắt hàng, thì người mua sẽ không mua. Nếu kẻ mua muốn mua rẻ thì kẻ bán sẽ không bán. Vì thế hai bên sẽ mặc cả, cũng là cách điều đình với nhau, để tìm ra cái giá hợp lý nhất có lợi cho cả đôi bên. Trong trường hợp không điều đình được, thì người bán sẽ không bán được hàng, ế hàng, đem về nếu là thực phẩm sẽ thiu thối rồi đành vứt đi. Còn người mua, không mua được đồ ăn sẽ phải nhịn đói. Như thế cả hai bên đều thiệt. Vì thế muốn cho cả hai bên đều có lợi, người ta phải biết tìm cách điều đình, làm sao mình lợi nhưng người khác không thiệt và ngược lại.

Chính thế mà nền ngoại giao trong thời đại mới đã có một phương châm rất chính xác và cụ thể, đó là Win – Win, tức là cả hai bên đều cùng chiến thắng, cả hai cùng có lợi, cả hai đều không bị thiệt hại. Thoả hiệp luôn luôn là một tinh thần chi phối xuyên suốt của các nền ngoại giao. Nếu không có tinh thần xuyên suốt đó, người ta có thể buông thả đánh mất lý trí kiểm soát của mình, rồi để cho các cơn cơ giật của cảm xúc và tâm lý chiến thắng, dẫn đến đột ngột đưa ra các quyết định sai lầm, người lãnh đạo, hay nhà ngoại giao chỉ cần vung tay quyết định sai lầm một cái, có thể dẫn cả dân tộc chui vào nạn can qua khói lửa tổn thất khôn xiết kể.

Vậy thì, chắc chắn không thừa để chúng ta ghi nhớ, hoà giải vừa là phương tiện vừa là cứu cánh của ngoại giao. Người ta bước tới bàn ngoại giao bằng một tâm hồn hoàn toàn đã và đang sửa soạn hoà giải, với một mục tiêu luôn luôn chú mục rằng “hãy hoà giải, hoà giải liên tục, và cùng đích vẫn là hoà giải”. Biết nhượng bộ, nghĩa là biết làm ngoại giao, và biết tránh khỏi các nguy cơ xung đột. Điều đó không chỉ giành cho tầm vóc quốc gia, mà mỗi cá nhân hay gia đình, hoặc các tổ chức xã hội là một quốc gia thu nhỏ, chúng ta cũng nên học biết khoa học của sự nhượng bộ, để mà không bao giờ phải rơi vào tình huống đánh nhau sứt đầu mẻ chán, hay thâp tử nhất sinh, sau rồi lại còn mưu thù chuốc oán, tìm cách chơi nhau đến thân bại danh liệt.

“Một sự nhịn chín sự lành”, người Việt nói vậy, đó hình như cũng là bài học nhượng bộ đầu tiên của nền ngoại giao cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia, và toàn nhân loại.

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC