Đôi điều suy ngẫm từ một cuốn sách

Khoa học và cổ học Phương Đông

Cách đây vài tuần, tôi tình cờ được đọc tập lý luận – phê bình Ngày văn học lên ngôi của tác giả Đỗ Minh Tuấn (NXB Văn học, 1996) trong thư viện trường. Đã từng được đọc những cuốn sách rất thú vị của tác giả Đỗ Kiên Cường về các hiện tượng tâm linh, trong đó có nhắc nhiều đến tác phẩm trên, nên tôi rất háo hức mượn thư viện cuốn sách này cùng với cuốn Cái vô hạn trong lòng bàn tay của hai tác giả Trịnh Xuân Thuận và Richard Mathieu. Và, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, tôi vẫn ngạc nhiên khi thấy rằng tác giả Ngày văn học lên ngôi đã đề cao Phương Đông với nhất nguyên luận, hạ thấp Phương Tây với nhị nguyên luận đến mức cực đoan, khó hiểu. Tuy còn hiểu biết hạn hẹp về nhiều lĩnh vực, song vẫn muốn trình bày một số ý kiến cá nhân đối với quan điểm của tác giả Đỗ Minh Tuấn.

Tác giả viết “Dương và Lý, hai nhà bác học Mỹ người Trung Quốc đã dựa vào Kinh Dịch để phát minh ra thuyết Bất đối xứng lừng danh. Lepnit đã nhờ Kinh Dịch mà phát minh ra nguyên lý toán học nhị phân. Jung – một nhà phân tâm học nổi tiếng sau Freud cũng đã căn cứ vào Kinh Dịch để phát hiện ra tầng tiềm thức thứ bảy” (trang 35-36). Điều dễ nhận thấy là tác giả chưa hiểu được bản chất của những ngành khoa học mà ông đề cập, theo quan điểm duy vật biện chứng, vật lý, toán học hay bất cứ một ngành khoa học nào đều tồn tại độc lập với ý thức, đó không phải là sản phẩm thuần túy của bộ não mà chỉ là các đối tượng được bộ não phản ánh thông qua tư duy. Nói theo cách mà Platon đã nhận xét về Toán học, thì tất cả các lý thuyết khoa học đã và đang tồn tại ở đâu đó và nhiệm vụ của những nhà khoa học là tìm ra chúng, vì vậy nên thay từ “phát minh” bằng từ “tìm ra”. Đó chỉ mới là vấn đề về ngôn ngữ, còn về quan điểm, tôi e rằng tác giả đã ngộ nhận. Lý thuyết bất đối xứng phải trái của tương tác yếu không thể bắt nguồn từ nguyên lý âm dương cho dù có ví von tứ tượng trong Kinh Dịch ứng với 4 tương tác trong vật lý đi nữa, vì âm dương chung cho cả vũ trụ. Không có cơ sở bắt Leibnitz phải dùng Kinh Dịch để khám phá khoa học, riêng tôi chưa từng nghe nói về cụm từ “nguyên lý toán học nhị phân” mặc dù là người học về toán và cũng đã đọc về hệ nhị phân – cơ sở cho các phép tính toán bằng máy tính. Riêng tầng tiềm thức thứ bẩy là một khái niệm xa lạ với tôi, tuy vậy, nếu không nhầm lẫn về ngôn ngữ, thì theo tôi tác giả đã rất ậm ờ, cứ cho Kinh Dịch là hoàn hảo thì nó vẫn chỉ là một lý thuyết tồn tại ngoài ý thức trong khi đó tầng tiềm thức thứ bẩy là một phạm trù thuộc về tâm trí, vậy thì làm sao lại có hệ quả ngược như vậy !

Tác giả cũng quan niệm, lý thuyết tai biến, lý thuyết các cấu trúc tiêu tán “chỉ là cái nhòm của khoa học duy lý qua lỗ khóa của cánh cửa huyền học của phương Đông” (tr 36). Những tưởng chủ nghĩa siêu hình đã bị đào thải từ lâu vậy mà tác giả vẫn đứng trên quan điểm lỗi thời đó để phán xét. Lý thuyết tai biến của nhà toán học Thom là lý thuyết về các biến đổi nhảy vọt hành vi của một hệ tại một điểm nút khi các tham số đặc trưng thay đổi không đột ngột (giọt nước làm tràn ly). Ứng dụng lý thuyết này thật rộng rãi và đa dạng, nhất là trong sinh vật học, và đặc biệt trong y học người ta đã ứng dụng lý thuyết này để biết cách tránh các quái thai. Cũng cần nói thêm rằng, nhờ các tai biến đó, mới có sự đa dạng hóa, phát triển, mới có cái trí đa từ cái trí nhất. Nhờ đó mà triết lý “cùng tất biến, biến tất thông” của Dịch mới có cơ sở khoa học chặt chẽ, chứ không phải là sản phẩm chiêm nghiệm. Lý thuyết các cấu trúc tiêu tán của nhà hóa học được giải Nobel Prigogine còn có ý nghĩa khoa học và triết học thâm thúy hơn. Đó là các cấu trúc được hình thành và duy trì nhờ việc tiêu tốn năng lượng tự do, như cơ thể sinh vật chẳng hạn. Bằng lý thuyết đó, nhân loại đã hiểu nguyên tắc của sự hình thành cấu trúc, của quá trình biến đổi từ hỗn loạn sang trật tự, một quá trình không tránh khỏi của vật chất nếu không có chi phí năng lượng đi kèm. Nếu lý thuyết tai biến cho biết vì sao có “biến”, thì lý thuyết các cấu trúc tiêu tán, cùng kết năng luận của nhà vật lý Haken… cho biết biến xảy ra như thế nào. Đó là những lý thuyết vừa phức tạp về kỹ thuật, vừa vĩ đại ở tầm cao tư tưởng, không nên vì yêu mến phương Đông mà xem chúng chỉ là trò lén lút nhòm qua lỗ khóa.

Tự hào về cội nguồn văn hóa là lẽ tự nhiên của con người. Tuy nhiên lòng tự hào dẫn tới bài bác các giá trị có thật của các nền văn hóa khác thì lại là dấu hiệu chưa trưởng thành hay sai lầm cực đoan. Chúng ta nên tránh cái sai lầm của Thần Siêu thời Tự Đức, khi xem cột thu lôi chỉ là trò dâm xảo của người Tây Dương. Mặc cảm nhược tiểu, hoặc tự thị tự hào quá mức là hai thái cực nên tránh.

Nếu chưa từng đọc qua một vài sách về triết học cổ phương Đông và về Kinh Dịch thì khi đọc “Ngày văn học lên ngôi” của tác giả Đỗ Minh Tuấn, có lẽ tôi sẽ rất ngạc nhiên khi nghĩ rằng tư tưởng của người xưa quá uyên bác, tuy nhiên thực tại, dù rất thán phục và tự hào về những tinh hoa cổ học thì cũng khó có thể chấp nhận sự đề cao văn hóa phương Đông đến mức bài thị cả những tiến bộ khoa học của tác giả. Vậy thực chất của vấn đề là gì, liệu Kinh Dịch có thâm thúy đến mức được xưng tụng là “Đại số học vũ trụ”, là “Hòn ngọc trên vương miện khoa học” hay không ? Tôi không dám lạm bàn vì tốt hơn hết, nên nói, ít nhất một nửa con cừu màu đen hơn là nói con cừu màu đen nếu chưa đi vòng quanh nó. Mặc dù vậy, tôi vẫn thử đưa ra một vài thiển ý.

Về lịch sử của Kinh Dịch có lẽ không cần phải nói lại nhiều. Tóm lược thì trong Hệ từ viết: “Dịch có Thái cực, sinh ra lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh ra bát quái”. Rồi từ 8 quẻ Tiểu thành đó mà sinh ra 8x8=64 quẻ Đại thành. Đây chính là cơ sở, là logic nội tại của Dịch. Người xưa tin rằng, mọi biến dịch của vũ trụ đều không ngoài 64 quẻ đó, vì thế họ “ngồi trong nhà mà biết chuyện ngã ba đường”, việc gì cũng biết ! Người ta dùng đủ mọi phương cách để khoa học hóa hay huyền bí hóa các khái niệm và phạm trù đó mà không thể xóa đi một thực tế hiển nhiên. Rằng các logic trung tâm đó chính là hình ảnh khái quát và tập trung nhất của cái nhìn tuy đã mang tính duy vật và biện chứng nhưng còn đầy chất ngây thơ, chất phác, trực quan và cảm tính của người xưa đối với vũ trụ. Tất nhiên ta phải nghiêng mình trước trực giác của người xưa khi so sánh kho tàng tri thức khá thô sơ của nhân loại mấy ngàn năm trước với dòng thác thông tin của xã hội tri thức ngày nay. Thật lạ khi nhiều người cho rằng sở dĩ có 64 codon, mã di truyền xác định thứ tự các axit amin trong protein là vì Dịch có 64 quẻ hay có 4 axit amin, 4 mùa là do Dịch có tứ tượng. Sự trùng hợp trên chỉ là hình thức toán học, chứ không biểu đạt một mối quan hệ có tính bản chất nào cả, và thực tế đã bác bỏ nhận định trên khi người ta tìm thấy trên một thiên thạch rơi xuống nước Úc tới 74 loại axit amin. (Để hiểu thêm về mối liên hệ hình thức toán học, có thể đọc trong cuốn “Yang-Yin Theory” của TS Nguyễn Đình Phu). Về khả năng dự đoán của Dịch, theo nhiều nhà khoa học chỉ đạt khoảng 30-35%, một tỉ lệ có khi còn kém hơn cả đoán mò ! (Tôi còn nhớ trong thời gian diễn ra World Cup, trên báo Bóng đá hàng ngày thường có mục dự đoán diễn biến trận đấu bằng Dịch khá thú vị, tuy nhiên kết quả thường là “lệch qũy đạo”).

Ở đây, xin dẫn một kỷ niệm nhỏ. Hồi còn học phổ thông, trong một giờ Văn, cô giáo đã hỏi gần nửa lớp, trong đó tôi là người được hỏi đầu tiên rằng cụm tù trái nghĩa với “Thực tiễn” là gì ? Và tất cả phải đứng trong suốt hai tiết học vì không trả lời được, đến cuối giờ cô mới trả lời hộ là “Lý luận”. Vào ĐH, khi được tiếp cận với triết học tôi mới có dịp tìm hiểu về cặp phạm trù “Lý luận-Thực tiễn”. Một lý thuyết tốt khi nó được gắn với thực tiễn và được thực tiễn kiểm nghiệm, nhà lý thuyết số người Anh G.H.Hardy đã từng cho rằng Lý thuyết số không có bất cứ một ứng dụng gì trong thực tiễn nhưng đến cuối đời đã kịp thấy được ứng dụng mạnh mẽ của lý thuyết số trong lý thuyết mật mã. Điều này muốn nói rằng, trong khi chủ nghĩa duy vật biện chứng đã khẳng định vai trò của mình là con đường độc đạo để tiếp cận và khám phá khoa học thì nhiều người vẫn đến với các luận thuyết bằng cách tiếp cận một chiều, máy móc. Cụ thể, đến với Kinh Dịch, nhiều người chỉ đi tìm những kết luận có sẵn, những kiến giải mang nặng tính siêu hình, chiêm nghiệm, để rồi muốn phán một địều gì đó họ chỉ cần viện “người xưa nói …” hay “ người xưa đã kết luận …” điều này cũng đi ngược với tư tưởng “đắc ý vong ngôn” tiến bộ của phương Đông từ ngàn xưa.

Cuối cùng, tôi thực sự thích thú khi đọc cuốn Cái vô hạn trong lòng bàn tay (bản in mới lấy tựa là “Lượng tử & hoa sen”), cuốn sách ghi lại cuộc đối thoại giữa nhà Vật lý thiên văn Việt kiều Trịnh Xuân Thuận – người từng là cố vấn khoa học cho tổng thống Pháp Mitterand, và nhà sư (đã từng là một nhà Khoa học) Richard Mathieu. Cuốn sách đã cung cấp rất nhiều điều lý thú, cho thấy sự song hành giữa Khoa học và Phật học. Một trong những vấn đề trọng tâm đó là những kiến giải về biến dịch của vũ trụ là ngẫu nhiên hay tất định ? Nếu hoàn toàn ngẫu nhiên thì mọi dự đoán là không thể. Nếu hoàn toàn tất định thì có thể dự đoán được tương lai xa tùy ý miễn là có lý thuyết tốt. Nếu vừa tất định vừa ngẫu nhiên thì có thể dự đoán theo phương hướng (theo kiểu người kia sẽ chết, mặt trời sẽ tắt) mà không thể đi vào chi tiết. Qua đó cho thấy, các sự biến trong vũ trụ, kể cả số phận con người, không được xác định hoàn toàn bằng các qui luật khoa học. Các thăng giáng ngẫu nhiên ít nhất cũng quyết định 50% tương lai vũ trụ. Về nguyên tắc, một lý thuyết lý tưởng cũng chỉ tiên đoán được 50% số phận vũ trụ mà thôi. Nếu tính tới độ phức tạp và tất loạn, khả năng tiên đoán còn giảm xuống nữa, tùy từng trường hợp cụ thể.

Tóm lại, khi phương Tây khủng hoảng các giá trị về tinh thần và kêu gọi quay về phương Đông, khi phương Đông vươn mình mạnh mẽ, khi Kisnamurti và Suzuki sừng sững như hai tượng đài, chúng ta có quyền tự hào về các giá trị truyền thống. Nhưng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapo… chỉ có thể phát triển nhờ sự kết hợp hài hòa Đông Tây. Không nên đặt những mâu thuẫn không có thực giữa Đông và Tây. Nhất nguyên luận hay nhị nguyên luận là hai mặt của đồng xu nhận thức, nhấn mạnh bất cứ mặt nào cũng là phiến diện. Phương Đông, do nhiều nguyên nhân, đã quá chú trọng tổng hợp (nhất nguyên) và hầu như bỏ quên phân tích (nhị nguyên). Đó là một lý do khiến triết học và khoa học phương Đông, nhất là trong lĩnh vực tự nhiên, không có tiến bộ đáng kể cả hàng ngàn năm nay. Mà sự tiến bộ không ngừng chính là tiêu chuẩn của một luận thuyết tốt.

(nguồn: Diễn đàn toán học)