“Khổng Tử bị xua đuổi vì không có hộ khẩu Bắc Kinh”

Khổng

Như Đông Tác net đã đưa tin, ngày 11/1 năm nay, Nhà Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc long trọng làm lễ khánh thành tượng đài Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn chỗ cổng phía Bắc Nhà Bảo tàng.

Việc này đã gây ra một cuộc tranh cãi om xòm trong dư luận cả nước; đó là do quảng trường này là nơi linh thiêng nhất trong lòng dân Trung Quốc, xưa nay chưa hề có bất cứ tượng đài nào (trừ các bức tượng đặt trong nhà), từ năm 1949 trở đi chỉ có duy nhất một bức ảnh khổ lớn Chủ tịch Mao Trạch Đông “độc quyền” ngự trị trên thành lầu Cổng Thiên An. Việc đưa hình ảnh đức Khổng, người từng bị Mao Trạch Đông lên án nặng nề nhất, vào nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” này có thể bị coi là một biến đổi lớn về chính trị-tư tưởng: phải chăng nó báo trước sự kiện học thuyết của cụ – còn gọi là Nho giáo – sẽ thay thế chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Mao suốt đời theo đuổi?

Ngày 22/4, website msnbc.msn.com dẫn tin hãng Reuters cho biết pho tượng nói trên “đã biến mất” và Nhà Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc không cho biết lý do của sự việc động trời này. Một số người dân pha trò nói Khổng Tử bị xua đuổi vì ngài không có hộ khẩu Bắc Kinh – bản tin viết.

Bạn có thể xem hai bức ảnh chụp nơi đặt tượng đài này trước và sau ngày 21/4 đăng trên bản điện tử Thời báo New York theo link : http://www.nytimes.com/2011/04/23/world/asia/ 23confucius.html.

Trang mạng sina.com.cn tiết lộ một chi tiết: Hôm 21/4 pho tượng đã được dời vào khu vườn tượng bên trong Nhà Bảo tàng. Vuông đất xây cái bệ cao 1,6 m dựng tượng Khổng Tử nay được bọc một hàng rào tôn màu xanh.

Trang mạng club.kdnet.net nói rõ hơn: Đêm 20/4, tượng đức Khổng được lặng lẽ dời vào bên trong Nhà Bảo tàng; tổng cộng ngài chỉ được đứng trên quảng trường Thiên An Môn chẵn 100 ngày.

Từ nay không ai còn thấy pho tượng đồ sộ với khuôn mặt nghiêm nghị của Đức Khổng Phu Tử ở chỗ nó từng đứng sừng sững như một hòn núi nhỏ sau hôm khánh thành.

Theo website ifeng.com thì cán bộ phụ trách hữu quan của Nhà Bảo tàng Quốc gia giải thích: theo thiết kế tổng thể cải tạo Nhà Bảo tàng này thì tại khu sân phía Tây bên trong khuôn viên Nhà Bảo tàng có lập Vườn điêu khắc dùng làm nơi đặt tượng các danh nhân văn hoá Trung Quốc. Do việc xây dựng khu sân chưa hoàn tất nên bức tượng đầu tiên làm xong (là tượng Khổng Tử) phải “tạm đặt” trên quảng trường chỗ bên ngoài cổng phía Bắc Nhà Bảo tàng.

Cách giải thích này thật khó tin, rõ ràng là sự ngụy biện, bởi lẽ lễ khánh thành pho tượng đồng đen đồ sộ cao 9,5 m (cả bệ), nặng 17 tấn này được Nhà Bảo tàng Quốc gia long trọng tổ chức hôm 11/1 có sự tham dự của một Phó Chủ tịch Quốc hội, một Phó Chủ tịch Chính Hiệp cùng một Thứ trưởng Bộ Văn hoá, chả lẽ là sự “tạm đặt” để rồi sau đấy cất pho tượng vào một khu vườn bên trong khuôn viên khu nhà Bảo tàng?

Chưa kể, không ít học giả đã lớn tiếng ca ngợi việc dựng tượng tại quảng trường Thiên An Môn, coi đây là một cái mốc lịch sử trên con đường phục hồi nền văn hoá truyền thống Trung Hoa. Sử gia Lưu Thân Ninh Phó hiệu trưởng trương Đảng Thành ủy Thâm Quyến, nhà bình luận thời sự Đài Truyền hình Phượng Hoàng ca ngợi đây là một sự việc “có ý nghĩa phi phàm”, cho thấy Trung Quốc đang tìm lại nền văn hoá của mình, dùng văn hoá để hội tụ niềm tin của đồng bào toàn dân tộc Trung Hoa, giúp họ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin hiện nay, tăng sức mạnh mềm cho đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dù nói thế nào đi nữa, ai cũng thừa hiểu tượng Khổng Tử phải dời đi vì việc dựng tượng ngài trên quảng trường Thiên An Môn bị đông đảo dân chúng phản đối kịch liệt.

Người Trung Quốc rất coi trọng Khổng Tử, nhà văn hoá vĩ đại của họ, nhưng học thuyết của cụ thì bị họ đối xử hoàn toàn khác. Từ ngày văn minh phương Tây tràn vào Trung Quốc, Nho giáo bị các nhà trí thức tân tiến nước này lên án là nhân tố cản trở tiến bộ lịch sử. Suốt trăm năm qua, nó bị chính người Trung Quốc đả phá tơi bời tưởng như đã chết hẳn.

Sau khi nước này thi hành cải cách mở cửa, dưới sự khuyến khích không ra mặt của chính quyền, Nho giáo mới bắt đầu được dần dần phục hồi, có lúc trở thành cơn sốt. Phái tôn thờ Khổng Tử cho rằng việc phục hồi Nho giáo có lợi cho công cuộc xây dựng xã hội hài hoà, chống lại tình trạng sa sút đạo đức hiện nay và tăng thêm sức mạnh mềm cho quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Nhưng giới học giả phái Mác-xít và giới học giả phái tự do mạnh mẽ phản đối trào lưu nói trên, coi đó là bước thụt lùi về tư tưởng, vì họ cho rằng Nho giáo đi ngược lại chủ nghĩa xã hội và tư tưởng dân chủ tự do, ngược với trào lưu tiến bộ của loài người. Cả tỷ dân Trung Quốc chưa quên lời Mao Trạch Đông: Học thuyết Khổng Tử danh cao, thực ra là rác rưởi.

Chủ tịch Mao từng phê phán Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc Quách Mạt Nhược chỉ vì ông này thờ cụ Khổng. “Người cộng sản mà lại tôn thờ Khổng Tử ư?” – ông Mao nói.

Vì vậy việc dựng tượng Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn đã lập tức gây ra tranh cãi om xòm, thậm chí rất gay gắt. Mạng Nhân dân tổ chức điều tra dư luận, kết quả cho thấy phái tán thành có 455 phiếu, phái phản đối có 10375 phiếu, phái trung lập 491 phiếu, chứng tỏ tuyệt đại đa số không tán thành dựng tượng tại nơi thiêng liêng này.

Sau khi tượng bị di dời, có dân mạng viết: Đưa Khổng Tử trở lại điện thờ thánh thần (ý nói dựng tượng cụ tại quảng trường Thiên An Môn) chẳng qua là việc các nhóm lợi ích muốn đưa xã hội nước này quay lại thời đại xã hội phong kiến sĩ tộc, cha truyền con nối làm quan, đời đời giàu có; đây là một chuyện rất tầm bậy.

Một người viết: Thế là cái đại diện cho gông cùm trên cổ người Trung Quốc đã được dời đi. Tôi thật sự không thích nền văn hoá truyền thống của nước ta.

Sự kiện dựng tượng Khổng Tử trên quảng trường Thiên An Môn được tuyên truyền ca ngợi om xòm một dạo rồi sau đó vài tháng tượng đài này lặng lẽ biến mất khỏi chỗ cũ cho thấy Trung Quốc quả là một đất nước thần bí, nội bộ kém ổn định, mọi chuyện đều có thể thay đổi xoành xoạch chẳng biết do đâu.

Nguyễn Hải Hoành