Về loạt bài "Thiền sư Lê Mạnh Thát ...":

Không thể chỉ dựa vào một tài liệu...

Trong loạt bài gây “chấn động” của Báo Thanh Niên, hầu hết các luận cứ quan trọng nhất mà Thiền sư Lê Mạnh Thát đưa ra và đi đến khẳng định đều được trích dẫn từ kinh Phật hoặc những tài liệu liên quan đến Phật giáo. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Đỗ Quang Hưng – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện KHXH Việt Nam).

* Phóng viên: Với tư cách từng là một Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo trong nhiều năm, Giáo sư đánh giá như thế nào về các công trình nghiên cứu Phật giáo của Thiền sư Lê Mạnh Thát từ trước đến nay?

* GS Đỗ Quang Hưng: Với cương vị của mình, trong một thời gian khoảng 9-10 năm nay, tôi có điều kiện tiếp xúc với cá nhân Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng như tiếp cận với những công trình nghiên cứu của ông. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp, đều cho rằng, những công trình nghiên cứu của Thiền sư, có thể khu biệt thành 3 mảng chính: Mảng thứ nhất, nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam và đi liền theo đó là lịch sử dân tộc buổi đầu dựng nước.

Theo tôi, đây là một mảng rất quan trọng mà Thiền sư có những đóng góp rõ rệt. Gần đây, công trình Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1 ra đời, cũng gây nên trong giới nghiên cứu tôn giáo của chúng tôi những suy nghĩ. Với một lợi thế về nghiên cứu văn bản, Thiền sư đã công bố những kết quả nghiên cứu bước đầu, hé mở cho người đọc những điều rất hay. Ví dụ, có thể “đẩy” lịch sử Phật giáo Việt Nam sớm hơn vài ba thế kỷ, chứ không chỉ dừng lại ở thế kỷ II sau Công nguyên như chúng ta biết hiện nay.

Tất nhiên đây là vấn đề còn đang phải nghiên cứu. Viện chúng tôi năm 2006 đã cùng với Sở Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc mở cuộc tọa đàm khoa học về “Phật giáo Tây Thiên” nhân lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên rất đẹp và bề thế ở chân núi Tam Đảo. Tuy thế khi kết luận hội nghị, chúng tôi cũng cho rằng, trong điều kiện tư liệu hiện tại vẫn chưa có thể khẳng định “Phật giáo Tây Thiên” đã có thể thay thế các mốc của “Phật giáo Luy Lâu”. Mảng thứ 2, theo tôi cũng rất thú vị là những nghiên cứu về lịch sử văn học Phật giáo với một bộ Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam rất là đồ sộ. Mảng thứ 3 là những công trình nghiên cứu về những tác phẩm kinh điển, thư tịch liên quan đến Phật học. Tiêu biểu là cuốn “Lục độ Tập kinh” vừa được loạt bài của Báo Thanh Niên đề cập.

Cả 3 mảng này, ở mức độ khác nhau đều được giới nghiên cứu tôn giáo chúng tôi rất quan tâm, dù những năm qua chúng tôi chưa thể có điều kiện mời Thiền sư đến thuyết trình ở Viện.

Chứng minh sự tồn tại đã khó, nhưng bác bỏ còn khó hơn rất nhiều

* Theo như Báo Thanh Niên, thì trong quá trình nghiên cứu và công bố những kết quả nghiên cứu liên quan đến vấn đề lịch sử dân tộc, Thiền sư Lê Mạnh Thát đều dựa chủ yếu vào các tài liệu Phật giáo. Giáo sư nhận xét như thế nào về vấn đề này?

* Đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam, có một nhận định, mà từ xưa đến nay, ai cũng thống nhất và càng suy nghĩ thì càng rất là đúng, đó là lịch sử Phật giáo Việt Nam có sự gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc! Từ sự hình thành, tồn tại và phát triển của một tôn giáo có vị trí lớn bậc nhất nước ta, trong đó có những giai đoạn lịch sử như thời kỳ Lý – Trần, vai trò của Phật giáo đã nổi trội đến mức mà cho đến nay, không ít người vẫn quan niệm là đạo Phật là quốc giáo thời kỳ đó! Vậy, phải chăng, khi nói về lịch sử Phật giáo thì chúng ta đã “nói hết” về lịch sử dân tộc Việt Nam? Thực ra trên thế giới này, có những dân tộc mà lịch sử của một tôn giáo gần như trùng khít với lịch sử dân tộc, tâm thức tôn giáo ấy cũng là tâm hồn của dân tộc ấy.

Ví dụ, chúng ta không thể hiểu được người Do Thái, đất nước Israel hiện nay nếu không hiểu đạo Do Thái (Judaisme). Cũng như vậy, nếu chúng ta không hiểu đạo Hindu, thì quả thật khó mà hiểu được người Ấn Độ cũng như lịch sử quốc gia này. Nhưng ngược trở lại, không phải vì thế mà hoàn toàn đồng nhất Do Thái giáo với dân tộc Do Thái, với quốc gia Israel hiện nay. Cũng như vậy, không thể đồng nhất đạo Hindu với lịch sử dân tộc và nhà nước, đất nước Ấn Độ!

Vì vậy, tôi cho rằng, không thể coi lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc là một, càng không thể lấy một tác phẩm dù là quan trọng đến đâu trong kinh điển của Phật giáo để rồi coi đó là tài liệu cơ bản để phục hiện lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhất là đối với lịch sử buổi đầu dựng nước của dân tộc ta. Chúng ta đã từng trải qua những trăn trở của việc nghiên cứu nhằm cung cấp những cứ liệu khoa học về thời đại Hùng Vương.

Tranh luận nhiều, cố gắng nhiều, tìm tòi nhiều... bằng sự nỗ lực của cả giới khoa học xã hội, trước hết là khảo cổ học và lịch sử cổ trung đại, lại được sự ủng hộ của Nhà nước trong suốt mấy chục năm của thế kỷ trước, chúng ta đã có thêm được những cơ sở khoa học để khẳng định thêm được về thời đại Hùng Vương, buổi bình minh dựng nước của dân tộc ta. Điều này thì chính Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng thừa nhận như vậy.

Dưới góc độ một nhà nghiên cứu, tôi cho rằng, việc chứng minh thời đại Hùng Vương, hay hẹp lại là triều đại An Dương Vương là có thực đã khó, nhưng nếu ai đó, với bất kỳ một tài liệu nào đã có trong tình hình hiện nay mà muốn bác bỏ triều đại An Dương Vương chẳng hạn thì càng khó hơn rất nhiều!

Vì sao vậy? Những khó khăn lớn về mặt sử liệu, ngôn ngữ chữ viết, văn bản, hiện vật khảo cổ học luôn là những thách đố lâu nay cho công việc này. Nhưng dù sao, những “phát hiện” dẫn tới việc bác bỏ sự tồn tại của triều đại An Dương Vương đã không dễ dàng về mặt cứ liệu lịch sử để chứng minh nhưng nó còn vấp phải khó khăn hơn là triều đại ấy đã hằn sâu trong tâm thức của dân tộc. Thành Cổ Loa còn đó, đền Cuông (Diễn Châu – Nghệ An) còn đó, lễ hội dân gian hàng năm còn đó...

Trong nghiên cứu tôn giáo của chúng tôi có “lý thuyết” rằng, tâm thức tôn giáo, tâm linh nhiều khi ảnh hưởng quyết định đến bản sắc của tộc người. Vì thế, ít ai đặt vấn đề mà dù có đặt vấn đề để chứng minh sự “phi lý” của các di tích vật thể và phi vật thể nói trên cũng là chuyện tày đình!

Chưa chắc cái nào là dị bản của cái nào!

* Không chỉ cho rằng, triều đại An Dương Vương là một “biến thể”, một “hư cấu” dựa theo sử thi Mahabharata của Ấn Độ, mà Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng cho rằng chuyện mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng nở trăm con được viết trong kinh Phật và nó có nguồn gốc từ nước Phật. Giáo sư suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

* Về điểm này, tôi cho rằng, các nền văn minh, hẹp lại là các tôn giáo của nhân loại thì rất đa dạng, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung, hay còn gọi “căn tính” là tính nhân bản. Như các nhà nghiên cứu văn học đã khẳng định ấy, những chuyện như Tấm Cám, Trầu Cau đều có những mô típ tương tự ở nhiều nước, nhiều dân tộc khác nhau, chứ không phải là duy nhất chúng ta có.

Cũng như vậy, nếu có tài liệu để so sánh triều đại An Dương Vương với một triều đại nào đó trong sử thi Mahabharata của Ấn Độ, thì tôi nghĩ cũng có thể so sánh. Chuyện đó là bình thường. Nhưng nếu từ sự so sánh đó để đến mức là hạ nó xuống, xem đó là một dị bản của Ấn Độ đó là chuyện lớn! Chưa chắc cái nào là dị bản của cái nào, điều đó không thể khẳng định được. Mặt khác, không có nghĩa người có sau là dị bản, là hư cấu theo người có trước. Nó có thể ra đời độc lập và tồn tài song song với cái có trước và nó có những giá trị riêng của nó.

Về mặt nghiên cứu, tôn giáo có những giá trị rất lớn, bởi tôn giáo là một hình thái rất đặc biệt của thực tại xã hội. Từ thế kỷ 15 đổ về trước, từ châu Âu đến châu Á, đều giống nhau ở một điều: đều là nền văn minh của nông nghiệp và tôn giáo. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, tôn giáo góp phần rất quan trọng vào sự hình thành tư tưởng, triết học, triết lý sống của con người ấy, của dân tộc ấy. Nhưng chuyện trăm trứng, trăm con của mẹ Âu Cơ lại quy vào điển tích Phật giáo thì lại là chuyện khác.

Chuyện mẹ Âu Cơ của nước ta cũng giống như nhiều huyền thoại hình thành dân tộc của nhiều tộc người trên thế giới còn phản ánh những quy luật khác, không chỉ là “quy luật” của tôn giáo. Đó là những huyền thoại mà con người cổ xưa tạo dựng, lý giải theo lối “Bà mẹ Văn hóa”, sau này còn có những mô típ “Anh hùng Văn hóa” như kiểu Thánh Gióng mà chúng ta rất khó có thể kết luận nó bước ra từ tâm thức nhà Phật!

* Theo các nhà nghiên cứu, tất cả những vấn đề mà Báo Thanh Niên nêu ra không phải là quá mới mẻ đối với giới học thuật. Những công trình nghiên cứu của Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng đã công bố đã lâu. Là một nhà sử học, Giáo sư có thể cho biết vì sao giới khoa học không lên tiếng từ trước hay là khi Báo Thanh Niên đăng đã tạo ra một dư luận xã hội lớn?

* Việc tạo ra dư luận xã hội xung quanh chuyện này thì đúng là Báo Thanh Niên đã làm được. Nhưng nói là “chấn động” thì cũng không hẳn với giới nghiên cứu chúng tôi. Đúng là những nghiên cứu này của Thiền sư Lê Mạnh Thát đã có từ lâu, trước khi miền Nam giải phóng. Tôi chắc là nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu tôn giáo đã biết đến những công trình này.

Nhưng tại sao đến thời điểm này nó mới gây ra những “chấn động”? Theo tôi, trước hết cũng như một số tác phẩm của một số học giả khác ở miền Nam trước đây (cũng có những “phát hiện” về nguồn gốc dân tộc, nhà nước, các mô hình kinh tế xã hội của nước ta trong lịch sử) không được đem ra bàn luận vì rất đơn giản là các cuốn sách ấy, các tác giả ấy cũng chấp nhận quy luật thông thường của một tác phẩm là “chờ đợi” sự công nhận của người đời hoặc của giới chuyên ngành.

Hoặc có thể các tác phẩm như thế, tự nó cũng chưa đủ sức thuyết phục đám đông trong đó có những người đồng nghiệp. Tôi cũng là một thành viên của Ban chấp hành Hội Sử học Việt Nam, trước khi có loạt bài của Báo Thanh Niên về những phát hiện lịch sử của Thiền sư Lê Mạnh Thát, có lẽ cũng theo “quy luật” trên chưa thấy khi nào những vấn đề đó được nêu ra hội thảo, trao đổi. Còn chuyện thời điểm này, nếu Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức những cuộc trao đổi như thế thì bản thân tôi rất tán đồng.

Riêng “vai trò” của loạt bài viết nói trên của Báo Thanh Niên về những phát hiện lịch sử của Thiền sư Lê Mạnh Thát, tôi nghĩ rằng, rõ ràng là đã có những điểm đi quá mức độ cần thiết của nghề nghiệp báo chí. Tôi nghĩ rằng Thiền sư Lê Mạnh Thát không chỉ là một học giả uyên thâm mà còn là người tu hành từ hình tướng đến ứng xử, đều thống nhất một sự khiêm nhường của nhà Phật.

Vả lại tôi cũng nghĩ rằng, các nhà khoa học chân chính, dù trong tôn giáo hay ngoài tôn giáo, cũng thấy đều lấy chữ khiêm tốn làm đầu, rất kiêng kỵ sự cao ngôn. Có lẽ, khi sử dụng quá mức cần thiết của “nghệ thuật báo chí”, loạt bài nói trên của Báo Thanh Niên đã vô tình phá vỡ điều này?

* Xin cảm ơn Giáo sư!

(Theo SGGP)