"Kịch bản" nào sau cái chết của bà Bhutto?

Pakistan

Cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto (ảnh: Reuters)

Các nhà phân tích chính trị đã đưa ra một vài “kịch bản” có thể xảy ra trên chính trường Pakistan sau khi bà Benazir Bhutto, lãnh đạo phe đối lập vừa bị ám sát trong một vụ đánh bom liều chết ngày hôm qua.

Đối với cuộc Tổng tuyển cử tại Pakistan ngày 8/1/2008:

Triển vọng để cuộc Tổng tuyển cử diễn ra đúng thời gian có vẻ không mấy sáng sủa, đặc biệt trong bối cảnh Đảng của cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif thông báo tẩy chay cuộc bầu cử này.

Trước khi vụ ám sát bà Bhutto xảy ra, cuộc chạy đua đang diễn ra giữa Đảng Nhân dân Pakistan của bà Bhutto, Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của ông Nawaz Sharif và Đảng của phe ủng hộ Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf. Không Đảng nào được trông đợi sẽ giành chiến thắng áp đảo.

Sự kiện bà Bhutto bị ám sát gây thất vọng nặng nề cho những người mong đợi cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi ông Musharraf từ chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Pakistan để trở thành một Tổng thống dân sự.

Tổng thống Musharraf không hề đề cập tới cuộc bầu cử khi ông có bài phát biểu ngắn cáo buộc những kẻ khủng bố đã sát hại bà Bhutto. Ông Musharraf kêu gọi người dân Pakistan đoàn kết và ủng hộ sự hòa giải.

Trong khi đó, chính quyền Pakistan đang thảo luận có nên hoãn cuộc Tổng tuyển cử sắp tới hay không?

Đối với bản thân Tổng thống Musharraf:

Cái chết của bà Bhutto dường như đặt ông Musharraf vào những áp lực nặng nề hơn.

Rất nhiều người dân Pakistan nghi ngờ sự lính líu của chính phủ trong vụ việc này. Một số khác đổ lỗi cho chính quyền Pakistan đã không đảm bảo an ninh thích đáng cho những người đối lập.

Biểu tình chống Tổng thống Musharraf có thể tiếp diễn rầm rộ và đưa đất nước Pakistan chìm vào bạo lực. Tổng thống Musharraf sẽ rất khó khăn để giữ cho tình hình an ninh Pakistan không trở nên rối loạn.

Tổng thống Musharraf có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trở lại nếu không kiểm soát được tình hình.

Đối với Đảng Nhân dân Pakistan:

Sự ra đi của bà Bhutto sẽ để lại một khoảng trống chính trị to lớn và làm suy yếu sức mạnh của Đảng nhân dân Pakistan. Điều đáng lo ngại hơn là Đảng này có thể bị chia rẽ vì các phe phái tranh giành quyền lực.

Đối với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu:

Bà Bhutto là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ. Chính bà đã lên tiếng mạnh mẽ về sự cần thiết chống lại chủ nghĩa khủng bố trong các bài phát biểu tranh cử.

Hy vọng của Mỹ về một sự chia sẻ quyền lực giữa Musharraf và bà Bhutto giờ đây đã tiêu tan. Cuộc chiến chống Al Qaeda, Taliban và các nhóm khủng bố khác của Mỹ có thể bị thất bại thảm hại, đặc biệt tại Pakistan- một đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo Huy Linh (TP)