Slovakia

Thành phố Levice

Slovakia

Panorama: Quảng trường Namestie Karaffa Romana

Di tích

Hrad Levice được xây dựng theo phong cách Gothic như một pháo đài bảo vệ con đường giao thương ở Trung Âu vào cuối thế kỷ 13. Còn Dobo Château được xây dựng trong thập niên 1560 bởi István Dobó người anh hùng chống trả cuộc bao vây Eger của quân Thổ. Namestie Karaffa Romana được coi như quảng trường trung tâm thành phố, nơi có các tòa nhà theo trường phái Art-Nouveau và chiết trung. Ngoài ra Levice còn có toà thị chính, Học viện sư phạm và 9 nhà thờ thuộc các tôn giáo khác nhau.

Địa lý

Levice (tiếng Hungary: Léva, tiếng Đức: Lewenz) là thành phố thủ phủ của huyện cùng tên Levice, huyện lớn nhất nước với diện tích 1.551 kilômét vuông. Thị trấn Levice toạ lạc bên bờ trái của hạ lưu sông Hron, thuộc tỉnh Nitra ở phía tây nước Cộng hoà Slovakia. Thành phố có tên Slavơ cổ là Leva (Bên Trái). Màu biểu trưng của thị trấn gồm sắc xanh lá cây và sắc vàng. Linh vật là con sư tử (tiếng Slovak là "Lev").

Thị trấn Levice nằm tại toạ độ 48°12′59″N 18°36′29″E. Đó là góc đông bắc vùng đồng bằng đất thấp của sông Danube, cách 110km về phía đông thủ đô Bratislava, 40km về phía đông-nam thành phố Nitra, 32km về phía tây-nam thành phố Banska Stiavnica, 55 km về phía tây-nam thành phố Zvolen và 25km từ biên giới với Hungary.

Ngày nay Levice có các sản phẩm dệt may, mỹ phẩm, đồ nội thất, máy móc và vật liệu xây dựng, ngũ cốc, thịt, trứng, sữa, nước giải khát, mạch nha, rượu vang đỏ. Một trong hai nhà máy điện hạt nhân của Slovakia được đặt tại Mochovce, cách 12km về phía tây-bắc Levice.

Lược sử

Levice lần đầu tiên được lịch sử ghi chép vào năm 1165 như Leua, một trong những ngôi làng thuộc giáo xứ của Nhà thờ Thánh Martin ở Bratka. Bốn thế kỷ sau (1544) quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Levice, đốt phá tất cả thị trấn nhưng toà lâu đài đã được bảo toàn không hề hấn gì. Trong những năm từ 1581 đến 1589, Levice từng là thủ phủ của vùng Hạ Hungary.

Thị trấn đã bị người Thổ chiếm đóng trong hai thập niên từ 1663 đến 1685. Dưới quyền quản lý của đế quốc Ottoman, Leva trở thành một trung tâm đô thị quan trọng. Ách cai trị của đế quốc Ottoman đã kết thúc vào mùa hè năm 1685, khi Quân đội Hoàng gia Áo do tướng Souches lãnh đạo giành được một chiến thắng quan trọng trong trận đánh Levice, diễn ra xung quanh toà lâu đài của thị trấn.
 
Trong cuộc cách mạng chống lại triều đại Habsburg năm 1709, pháo đài đã bị phá hủy. Sau sự tan rã của đế quốc Áo-Hung, thị trấn trở thành một phần của nước Cộng hoà Tiệp Khắc (được Hiệp ước Trianon xác nhận vào năm 1920). Là một phần của sự chia tách Tiệp Khắc theo Hiệp định Munich trong Thế chiến II, thị trấn một lần nữa thuộc về Hungary, đồng minh của Hitler từ 1938 đến 1945.

Vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Levice đã được trả lại cho Tiệp Khắc nhưng 75% số dân gốc Hungary của thị trấn đã bị trục xuất và thay thế bởi người Slovak, do đó tỷ lệ người Hungary giảm từ 89% xuống còn 12%. Năm 1993, Levice trở thành một phần của nước Cộng hoà Slovakia.

NCCong