Văn học Trung Quốc

Lã Khánh Canh (1923-2012)

Nhà văn Trung Quốc

Tiểu sử

Lã Khánh Canh (吕庆庚, 1923-2012) còn có biệt danh là Cần Canh (勤耕) . Ông là nhà văn Trung Quốc, đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc; quê ở Ký Châu, Hà Bắc. Năm 1944, ông tham gia công tác cách mạng. Từng trải nhiều chức vụ như chủ nhiệm ban huấn luyện cán bộ huyện An Lục, tỉnh Hồ Bắc; tổng biên tập báo "Văn nghệ Hồ Bắc"; tổng biên tập tạp chí văn nghệ "Cây cầu"; phó tổng biên tập NXB Nhân dân Hồ Bắc. Bắt đầu công bố tác phẩm từ năm 1951. Năm 1960 gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc. Ông mất ở Vũ Xương, thọ 89 tuổi. Tác phẩm: "Vào núi" (进山, truyện ngắn), "Người bạn xứ lạ" (异邦朋友, truyện ngắn) , "Tôi và Tiểu Châu" (我和小州, truyện ngắn) v.v...

Tác phẩm

Vào núi

Mùa đông năm 1937, tôi theo tổ công tác tới núi Bạch Triệu. Nhiệm vụ của chúng tôi dạo đó là phải nhanh chóng phát triển cơ sở vùng này để làm hậu phương mặt trận.

Đồng chí tổ trưởng của tôi họ Triệu. Anh là người vùng này. Hồi kháng Nhật, anh đã đánh du kích ở đây. Mấy hôm nay, anh miệt mài nghiên cứu tình hình trong núi. Ví dụ lũng núi này có bao nhiêu xóm, xóm nào có cơ sở cũ của ta, thậm chí chỗ nào có hang, chỗ nào có đền miếu cũng đều nghĩ tới. Dựa vào trí nhớ của mình và tình hình trao đổi với đồng bào trong mấy hôm nay, anh Triệu vẽ từng lũng núi một thành bản đồ tỉ mỉ.

Rừng núi là như thế. Khi chưa hiểu kỹ nó, anh sẽ cảm thấy như chỗ nào cũng có cạm bẫy, đến nỗi không dám cất chân nhấc bước. Nhưng khi anh đã quen thuộc nó, nó sẽ trở thành nơi an toàn nhất. So với những hầm bí mật dưới đồng bằng, không biết còn an toàn gấp bao nhiêu lần kia đấy.

Tình hình đã nghiên cứu tạm đủ, tiếp đến nghiên cứu việc phân công.

Vùng tôi được cử tới gọi là lũng "Cối xay". Theo lời tổ trưởng thì đây là lũng núi lớn nhất. dài trên hai chục dặm. Hồi sư đoàn 5 phá vòng vây còn để lại một đồng chí thương binh trong lũng, tên gọi là Trương Lam. Trương Lam là người lũng đó, lại là đảng viên, tìm được đồng chí ấy thì coi như nắm chắc được mọi tình hình của cả vùng núi này.

Tôi gói ghém cái ba lô sơ sài, xem lại khẩu súng mô-de, đẩy viên đạn 403 mới toanh vào nòng, lên cò sẵn rồi khóa chốt an toàn lại. Mọi việc xong xuôi, tôi bắt đầu xuất phát.

Ban mai, tuyết bay giỡn, từ xa nhìn lên núi, tối mò mò, mây mù phủ kín. Ngang lưng núi, mây đen ba tầng bảy lớp vây quanh mênh mông mờ mịt. Rừng núi đối với tôi vẫn còn là một sự bí mật. Tôi lớn lên ở đồng bằng, từ bé nghe người ta kể rất nhiều chuyện rừng núi, tôi muốn vào rừng chơi quá! Nhưng giờ đây khi bước vào tới rừng, tôi đâm ra hồi hộp vô cùng, không hiểu vì mừng hay vì sợ.

Đi được một lúc lâu thì bỗng nghe thấy những tiếng "u u" khác thường. Âm thanh đó chỉ mới nghe thấy ở hai nơi, một lần lúc vượt Hoàng Hà, đó là tiếng nước chảy xiết; một lần nữa khi gặp đơn vị xe tăng của địch, muôn vàn tiếng động cơ hòa lẫn tiếng va chạm của sắt thép. Ngẩng đầu lên nhìn thì ra đã tới cửa rừng. Từ trong lũng, một con sông nhỏ chảy ra, tới đây tràn qua một bậc đá, đổ thẳng xuống vách núi cao hàng mấy trượng chảy vào một vực nước sâu thăm thẳm.

Trên bậc đá, nước chỉ ngang bàn chân, nhưng chảy xiết, cả đến tảng đá rắn như thế mà cũng bị nước mài mòn nhẵn như một tấm gương. Một lớp rêu xanh trơn như mỡ, phủ kín mặt đá bóng loáng. Ai đi trên bậc đá, nhỡ vô ý là có thể lăn tòm xuống vực sâu. Nhưng muốn vào rừng bắt buộc phải bước qua bậc đá đó, nếu không chỉ còn cách leo lên sườn núi cao hàng mấy trăm trượng mà đi. Người ta thường nói: "Thà vòng xa mươi dặm còn hơn liều một bước đi". Đối với tôi leo núi tuy có mệt nhưng còn đỡ nguy hiểm hơn nhiều. Tôi đi vào những dãy núi trùng trùng điệp điệp. Trên núi, lá tùng vàng óng ánh phủ khắp mặt đất, đạp lên trơn tuồn tuột và nhùn nhũn như đi trên tấm thảm mềm mại. Đây toàn là rừng già, có những cây tùng thẳng tắp cao vút, có cả những cây bách gai góc tua tủa. Trên cây hạt dẻ rụng gần hết lá, giữa những chiếc lá vàng thưa thớt, thỉnh thoảng còn treo một vài quả xù lông, trông như những con nhím đang nhe răng. Bạn hãy trông những cây núc nác kia. Trên những cây cao vút trơ trụi, từng chùm quả núc nác lủng lẳng, mới đầu tôi tưởng đó là những quả chi mai. Còn biết bao nhiêu thứ cây cối mà hiện nay tôi vẫn không biết tên gọi là gì. Rừng núi giàu đẹp biết bao! Nơi đây còn cất giấu bao nhiêu của cải quý giá. Lúc đó tôi không còn bụng dạ nào mà thưởng thức cảnh đẹp của núi rừng. Đi một mình trong chốn rừng sâu hoang vắng, lòng tôi cứ lo ngay ngáy. Chung quanh không biết đến bao nhiêu cặp mắt đang theo dõi tôi. Bạn nghe xem, tiếng gầm gừ kia là tiếng gì? Tiếng báo đấy. Nghe nó gầm mà rợn cả người! Mỗi tiếng báo gầm lại làm tôi giật mình đánh thót một cái. Chao ôi! Tôi thấy nó kia rồi, một con báo đốm đen to bằng con bê, ngồi bên sườn núi đối diện, đang nhìn tôi chòng chọc, há mõm ngáp dài. Tôi lùi lại hai bước, bàn tay nắm báng súng vội mở chốt an toàn nhưng tôi đóng lại ngay. Người ta bảo rằng bất cứ loài thú rừng nào, nếu mình không động đến nó thì nó không làm hại mình. Nhưng nếu bắn một phát, nó sẽ lập tức xông tới cắn bạn chết tươi. Quả nhiên, một lát sau, con báo đứng dậy, vươn vai uể oải bước đi.

Tôi giở tấm bản đồ của tổ trưởng vẽ ra xem, biết rằng còn xa lắm mới tới địa điểm. Tôi cần phải đi nhanh. Tôi nghĩ tới người mà tôi phải tìm, vết thương của anh đã khỏi chưa? Một năm rưỡi trời nay, anh sinh sống ra sao? Có bị địch ám hại không? Xa Đảng lâu như vậy anh có thay lòng đổi dạ không? Nếu không tìm thấy thì làm thế nào? Bao nhiêu câu hỏi đó cứ lờn vờn trong đầu óc tôi. Bỗng một tiếng rú làm tôi toát mồ hôi. Tiếng rú gần quá. Ngẩng đầu lên nhìn, một con vật vàng khè treo mình trên chạc cây trước mặt, chốc chốc rú lên ghê rợn. Khi tôi tới gần, con vật co cẳng bật lên như một mũi tên rời khỏi dây cung, rú một tiếng rồi chạy mất. Một lát sau nó lại kêu ở chỗ khác. Đó là con sơn dương có cặp gạc rất đẹp. Nó thường móc sừng lên cành cây thấp rú một mình.

Trong rừng thường gặp những việc lạ đời. Có khi bạn thấy một đàn lợn rừng đông vô kể xông tới. Có khi một con gà rừng bỗng từ bên bạn bay vụt lên kéo theo một cái đuôi hoa đẹp đẽ, bay vù như một quả đạn đại bác.

Tôi thấy yêu tha thiết khu rừng này rồi, nó có thể đem tới bao nhiêu điều hiểu biết! Tôi nghĩ, sau này thắng lợi rồi, tôi nhất định sẽ vào núi ở. Lúc đó, tôi sẽ mua một khẩu súng săn thật tốt, để săn bắn trong rừng. Tôi còn nghĩ đến khi trở về nhà, tôi sẽ nói với những người đã kể chuyện núi rừng cho tôi nghe rằng: "Những điều anh kể chưa thấm vào đâu!".

Đi mãi, đi mãi, bỗng nhiên trước mắt tôi lóe sáng, dải núi lớn đứt ngang, chỗ này là một quả núi thấp lè tè, trên núi là một vạt rừng trẩu không cao lắm, lưng sườn núi có những khoảnh ruộng bậc thang nho nhỏ, những khóm dâu tằm mới mọc xanh mơn mởn. Tất cả những thứ đó bảo cho tôi biết rằng, gần đây nhất định có bản làng.

Trên phiến đá xanh to dưới gốc trẩu, một người đàn bà trẻ tuổi đang ngồi. Chị ta đội nón, mặc chiếc áo bông vá chằng vá đụp, chân đi đôi dép cỏ, tay cầm chiếc gậy gỗ. Gần chỗ chị ta ngồi, một con trâu lớn đang chậm rãi gặm cỏ khô dưới gốc cây.
— Chị ơi, ngôi nhà lẻ họ Trương ở đâu? Tôi dừng lại một lúc, tới gần hỏi chị.
— Không biết! Rõ ràng chị ta sợ cái giọng trọ trẹ lạ tai của tôi, cặp mắt to trừng trừng nhìn tôi.
— Chị ơi, tôi hỏi thăm ngôi nhà lẻ họ Trương! Sợ chị ta không hiểu tiếng nói của mình thật, tôi nhắc lại từng tiếng một. Lần này hình như chị ta đã hiểu chút ít, bèn chỉ tay về phía sườn núi trước mặt, bảo: "Kia!". Tôi nhìn theo tay chị, bên kia lũng trong khu rừng nứa xanh um, thấp thoáng hiện ra một góc mái nhà, nếu chị không chỉ thì tôi không thể nào biết được rằng ở đó lại có nhà.

Tôi lại hỏi: — Đi đường nào tới đó? Chị ta nói líu ríu hồi lâu, giơ tay vẽ một cái vòng rộng, ý bảo tôi vòng ven chân núi. Tôi cám ơn rồi đi theo hướng chị ta chỉ. Vất vả lắm tôi mới tìm thấy ngôi nhà lẻ họ Trương. Đến nơi, trời đã về chiều. Gọi là ngôi nhà lẻ quả không sai. Hai gian nhà nhỏ xây bằng đá chơ vơ lưng sườn núi; mái lợp cỏ gianh, cửa mở ngỏ, tôi gọi:
— Có ai ở trong nhà không? Không ai đáp lại. Tôi chậm rãi bước vào. Trong nhà trống trải, chỉ có mấy thứ đồ đạc đơn sơ: một chiếc bàn gỗ thấp, hai chiếc ghế tre thấp chân. Ở góc nhà, một gộc củi lớn đang cháy, trên bếp treo chiếc nồi bốc hơi nghi ngút, rõ ràng vừa có người ngồi sưởi ở đây.

Nhìn cảnh tượng đó, tôi chợt có cảm giác lành lạnh. Ở đây giống cái cảnh tu tiên học đạo tả trong tiểu thuyết ngày xưa, tựa hồ như ở thế giới khác vậy. Một người quen sống cuộc đời bộ đội làm sao sống nổi hơn một năm trời nay giữa cảnh này!

Một cơn gió lạnh thổi tới làm tôi rùng mình. Ngẩng đầu lên nhìn thì phía bên kia còn có cái cửa sau nữa, lúc nãy cửa đóng, sau bị gió thổi bật ra.

Tôi tới chỗ cửa sau nhìn ra ngoài, chỉ thấy một khu rừng bương nứa rậm rạp trên sườn núi. Bao nhiêu là bương với nứa. Có những cây to bằng miệng bát, cây bé nhất cũng bằng quả trứng gà. Gió núi luồn qua rừng nứa kêu vi vu. Lúc này tôi như một người đứng giữa biển cả mênh mông, trời rét mà cũng vã mồ hôi, tưởng chừng như mỗi một cái lông đều dựng đứng cả lên vậy.

Tôi lao vào rừng nứa gọi liền mấy tiếng, vẫn không có ai thưa. Tôi bối rối, hồi hộp không hiểu đầu đuôi ra sao. Nhưng tinh thần trách nhiệm bắt buộc tôi phải tìm bằng được anh ấy. Men theo đường mòn, tôi đi từng bước một vào sâu trong rừng.

Đột nhiên, một giọng nói ồm ồm vang lên:
— Thằng này to gan thật! Thiên đường không lên lại đâm đầu xuống địa ngục! Cô Ma đâu, đem thừng ra đây!

Cuộc tấn công bất ngờ đó làm tôi khiếp vía. Tôi cố giãy giụa thoát khỏi hai cánh tay đang ghì lấy tôi, nhưng hai cánh tay đó như đánh đai chặt ngang lưng tôi. Tôi chỉ biết nói:
— Thả tôi ra! Đừng nhầm, người của ta đây mà!
— Hừ! Người của ta, mày giả vờ khá lắm. Ông biết rõ mười mươi cái cặp mắt quỷ sứ của chúng mày rồi.

Lúc đó, từ trong rừng sâu, một người đàn bà trẻ tuổi đi ra. Tay phải chị ta cầm cái gậy gỗ; tay trái cầm dây thừng. Chị ta vừa đi vừa nói:
— Đúng thằng này vừa hỏi đường tôi lúc nãy.
— Được, trói nó lại để tra hỏi đã, rồi cho hắn biết tính khí mấy năm nay của ta.

Nghe giọng nói của anh ta, tôi đã ngầm hiểu được đôi phần, liền nói:
— Các đồng chí thả tôi ra, anh Tư bảo tôi tới đây.
— Anh Tư nào? — Tay anh ta hơi nới ra nhưng lại ghì chặt ngay vào — Anh tìm ai?
— Tôi tìm anh Trương Lam.

Nghe tôi nói đến tên mình, hai tay anh buông lỏng dần, vì cả vùng này không ai biết cái tên đó của anh, chỉ trong đơn vị mới có người biết. Lúc đó, anh vòng ra trước mặt tôi, hai tay run run nắm chặt lấy vai tôi, cảm động hỏi:
— Đồng chí Triệu Thuỵ đến rồi à?

Anh ta hỏi đúng tên đồng chí tổ trưởng. Tôi mừng quá bèn buột miệng:
— Đến rồi! Đồng chí ấy là tổ trưởng của chúng tôi.

Vừa mới là con người cứng rắn như thế mà bây giờ anh đã như con gái, đôi mắt sâu thăm thẳm nhìn tôi chằm chằm, nước mắt chảy quanh, bỗng anh ôm chầm lấy cổ tôi, giọng run run:
— Các đồng chí... đã về... Dòng nước mắt rỏ xuống theo giọng nói run run thấm ướt đầm vạt áo trước ngực tôi.

Doãn Trung dịch

Nguồn: Hoa bách hợp (truyện ngắn Trung Quốc), NXB Văn học, 1960