Làm cách nào con người có thể nhớ lại những giấc mơ?

Ảnh: Giáo sư De Gennaro

Các nhà khoa học Italy vừa công bố trên The Journal of Neuroscience (Tạp chí Khoa học Thần kinh) của Mỹ số tháng 5-2011 một kết quả nghiên cứu mới về cách thức làm thế nào con người có thể nhớ lại những giấc mơ. [1]

Một nhóm nghiên cứu hỗn hợp thuộc 3 trường đại học Roma "Sapienza", Aquila và Bologna, đã phát hiện rằng con người chỉ nhớ lại được các giấc mơ khi ở não bộ xuất hiện một loại dao động điện lúc đang trong pha ngủ có máy mắt (REM: Rapid Eye Movement). [2]

Các nhà thần kinh học sử dụng những kỹ thuật mới nhất trong việc dựng ảnh não, phân tích những cấu trúc vi mô nằm sâu trong não và tìm ra cơ chế điện-sinh lý học của sự nhớ lại giấc mơ

Trả lời phỏng vấn báo chí, trưởng nhóm nghiên cứu là GS Luigi De Gennaro thuộc Đại học Roma "Sapienza" nói: "Chỉ khi nào ở vỏ não tràn ngập các sóng dao động chậm được gọi là sóng theta, con người mới nhớ lại được những giấc mơ khi tỉnh dậy."

Theo nghiên cứu trên, lúc đang tỉnh, hiện tượng tương tự cũng xảy ra khi chúng ta hình thành những ký ức vững chắc về các sự kiện mà đối với chúng ta là "thực hơn nhiều" so với những người khác. Cơ chế này được gọi là "nhớ sự kiện."

GS De Gennaro nói: "Khi bạn yêu cầu một người nào đó nhớ lại những sự kiện hoặc tình huống quan trọng, sự hiện diện của các dao động điện trong phần vỏ não phía trước sẽ làm cho tiến trình hồi tưởng trở nên khả thi. Nếu điều đó không xảy ra, bộ nhớ của sự kiện này rõ ràng sẽ bị mất đi mãi mãi".

Nghiên cứu cũng cho thấy một điều mà đến nay vẫn chưa được đánh giá là có thể xảy ra, đó là các giấc mơ được hình thành bên ngoài pha ngủ REM. "Nhưng cơ chế này khác. Tóm lại, chúng tôi thực sự không biết tại sao chúng ta lại nhớ hay quên những giấc mơ, nhưng cuối cùng chúng tôi đã xác định được cơ chế của hoạt động này," GS De Gennaro nhấn mạnh.

Phát hiện nói trên được công bố chỉ vài tháng sau một bước đột phá trước trong nghiên cứu liên quan đến giấc mơ mà cũng do nhóm khoa học này thực hiện. Hồi tháng 10 năm ngoái, nhóm của GS De Gennaro cho biết đã xác định được những vùng não nào có thể giúp con người ghi nhớ các giấc mơ sống động.

Phát biểu với tạp chí Human Brain Mapping, GS De Gennaro cho biết nhóm ông đã xác định được những vùng trong 2 thùy não Amygdala và Hippocampus có mối liên hệ với những giấc mơ kỳ lạ và sống động mà con người thường ghi nhớ. GS De Gennaro nói: "Chúng tôi nghĩ rằng đã giải mã được lý do tại sao một số người không bao giờ nhớ được giấc mơ của mình, trong khi những người khác thì lại nhớ rất chi tiết về giấc mơ, giống như một cuốn phim."

[1The Journal of Neuroscience, 4 May 2011, 31(18): 6674-6683; doi: 10.1523/​JNEUROSCI.0412-11.2011

http://www.jneurosci.org/content/31/18/6674.abstract

[2Giấc ngủ của chúng ta được chia ra thành 5 pha ngủ khác nhau: 4 pha ngủ không máy mắt và 1 pha ngủ có máy mắt.