Inflation and Factors Troubling the Poors

Lạm phát và những yếu tố làm khổ người nghèo

Những bài báo, những phân tích, đề xuất của các chuyên gia và của các quan chức, những thông tư, chỉ thị trong năm nay và một số năm gần đây về lạm phát có thể gom lại thành một đại bách khoa toàn thư về cách thức chống lạm phát đặc thù ở Việt Nam.

Thiết nghĩ như thế đã là quá đủ cho việc lựa chọn các toa thuốc đặc trị chống lạm phát! Nhưng đó là chuyện của Nhà nước. Bất chấp tăng trưởng có là con số đẹp đến mấy, vấn đề còn lại để người dân, cũng chỉ là người dân có thu nhập thấp mà thôi, có thêm động lực để sống và lao động là liệu cuộc sống của họ có ngày càng bần cùng đi hay không.

Họ, hoặc không có thời gian và điều kiện để nghe các lý giải hàn lâm của các quan chức nhà nước, hoặc đã quá quen với các lý giải này vì nó cứ được lặp đi lặp lại, hoặc có lẽ họ chẳng thể nào hiểu nổi những lý giải này.

Thật đơn giản, để người dân có niềm tin vào cách thức chống lạm phát thì họ phải “thấy” những gì Nhà nước làm và những gì thật sự “đến” với họ, chứ không phải đến với một bộ phận hưởng lợi từ việc giá tăng. Và những điều nghe [thấy] mà [đến] đau đớn lòng đó đã xảy ra với người dân nghèo như thế nào?

Tất nhiên, trước hết, nhìn bên ngoài thì những gì thấy được phần lớn toàn là màu hồng. Và hiển nhiên nó đem lại niềm vui sướng cho những ai vĩ cuồng các con số. Đại loại như GDP tới 9%, ấn tượng lắm, hay chỉ số này chỉ số nọ liên tục lên điểm. Ấn tượng nhất là thị trường chứng khoán phát triển khởi sắc, tiền ngoại đổ vào như nước, nhưng điều lạ là chỉ có một số ít người giàu lên khủng khiếp, không ít trong số đó là từ rút ruột tài sản nhà nước. Tiền ngoại ào ạt vào thị trường chứng khoán và chính sự buông lỏng quản lý của Nhà nước đã làm giá tiêu dùng tăng lên từ sự dư thừa quá mức của luồng tiền này.

Rồi đến chuyện các tập đoàn nhà nước như cao su, than, thép, xăng dầu, điện... đáng lý phải lo chuyện sở trường là gia tăng sản xuất, giảm giá thành để góp phần kiềm chế lạm phát thì họ lại đi vào sở đoản tập tễnh làm nghiệp vụ ngân hàng, chơi chứng khoán và bất động sản. Không lạ gì nếu đặt vấn đề về mối liên hệ mật thiết giữa những cái tên ngồ ngộ như “công ty chứng khoán cao su” hay như “ngân hàng điện” gì gì đó với cơn lốc giá tiêu dùng cũng tăng nhanh như điện xẹt trong năm 2007.

Vì lẽ, tiền vốn thay vì tập trung toàn lực cho sản xuất kinh doanh để người dân được lợi, thì cứ chạy lòng vòng theo kiểu [công ty] con lén dúi tiền cho [công ty] mẹ, rồi mẹ lại đổ tiền về con để lách đi dễ dàng những qui định kiểm soát của Nhà nước, và sau đó tất cả tiền của cả mẹ lẫn con đều tăng lên theo cấp số nhân nhờ mua lại cổ phiếu ảo của nhau và lại “cháy” hết vào chứng khoán và gần đây là cơn lốc bất động sản. Giá bất động sản tăng cao ngoài việc góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên cao, thì càng khiến người nghèo ở các đô thị thêm khổ, do giấc mơ có được căn nhà nhỏ mãi mãi chỉ là mơ ước.

Hiện tượng hay sự cấu kết này không khó để nhận ra, thế nhưng tại sao nó lại xảy ra và vẫn có xu hướng tiếp diễn? Cũng không khó để thấy được có những nhóm lợi ích nào đó đang tham gia quá trình này. Mà nguồn tiền lòng vòng trong nội bộ và giữa các tập đoàn nhà nước với nhau có nguồn gốc khởi thủy từ đâu? Suy cho cùng bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp là đều từ ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế của dân.

Các nguồn tài chính khổng lồ này, còn nói rộng ra hơn nữa là các khoản đầu tư kém hiệu quả, chẳng những làm chất lượng tăng trưởng giảm đi mà chắc chắn còn góp phần đáng kể vào con số thâm hụt ngân sách mà Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) phát hiện và công bố mới đây. Theo đó, các khoản chi tiêu bí hiểm đáng kể “ngoài ngân sách” có thể góp phần vào con số thâm hụt thêm vào 3-5% GDP của Việt Nam. Mà chi tiêu tràn lan như thế chắc chắn góp phần không nhỏ làm giá tiêu dùng tăng lên đến mức vô phương kiểm soát.

Một vài những tình huống lạ phát sinh trong năm 2007 để thấy vì sao giá tiêu dùng tăng lên như điện, không tăng nhanh mới là lạ.

Nhưng sao ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu? Hay bất lực?

Một điều người dân thấy và may lại rất vui vì năm nay các bộ ngành rút kinh nghiệm từ các năm trước, ít đổ thừa cho giá tăng là tại giá thế giới tăng. Vì nhìn qua nhìn lại trong khu vực nước nào cũng lạm phát thấp hơn ta nên nếu nói như thế là không ổn, dân không tin. Thế là có lý do khác làm con tin, năm nay là năm đầu tiên vào WTO nên không lường hết được hiệu ứng của WTO lại quá lớn đến như thế: vốn ngoại chảy vào nền kinh tế quá nhiều làm cho lạm phát. Và các bộ ngành còn nói thêm là do tầm dự báo của ta còn yếu kém.

Nhưng có thật sự là như thế?

Nói như vậy thì những người biết chuyện họ cười cho. Cái này mấy ông doanh nghiệp rành dữ lắm. Năm nào mà các doanh nghiệp không dự báo, cả thế giới này đều như thế, nhưng cũng hầu như không bao giờ các dự báo đó là đúng, thậm chí có lúc sai gần hết. Thế nhưng tại sao các doanh nghiệp vẫn vượt qua và phát triển? Ở tầm vĩ mô, cũng không có chính phủ nào tự hào là mình dự báo đúng, thậm chí là đúng ở mức tương đối, nhưng vì sao chính phủ các nước vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức khả dĩ?

Vì dự báo chỉ là dự báo, bản thân khái niệm dự báo đã nói lên tính bất ổn và không chính xác ngay từ đầu của nó. Điều quan trọng của dự báo là để nhận diện nếu như có những yếu tố nào đó (thậm chí có thể là chưa biết chính xác) xuất hiện để phá hủy hay làm chệch hướng các dự báo thì phải làm gì. Phải thiết lập cơ chế phản ứng với những bất ngờ đó như thế nào mới là điều quan trọng của dự báo, chứ dự báo không phải là con số để so sánh lấy thành tích.

Nếu sau này những yếu tố mới chưa được nhận diện trước đây như giá thế giới tăng quá mức hay như vốn vào quá nhiều làm lạm phát tăng thì bộ ngành nào phải phản ứng như thế nào, và ngay lập tức, chứ không phải đợi đến lúc đó mới họp hành và xin ý kiến thượng cấp.

Tất nhiên là có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá tiêu dùng thăng thiên như điện trong năm vừa qua, nhưng những gì được viện dẫn ở phần trên chính là những xu hướng lạ mà nếu nó vẫn được “thấy” và “đến” giống như năm 2007 thì cơn lốc giá tiêu dùng năm 2008 vẫn tiếp diễn theo quán tính, để nó vẫn mang lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ và tiếp tục làm khổ người nghèo.

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ (TT)