Làm sao để Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu năng lượng ?

Đang xuất khẩu than đá và dầu thô, nhưng đến năm 2015, Việt Nam có thể trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Việt Nam vốn dồi dào nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên chỉ mới sử dụng 11% năng lượng tự nhiên...
Nguồn năng lượng điện ở nước ta hiện chưa được sử dụng hiệu quả, còn tổn thất và lãng phí nhiều. Mức độ tổn thất có thể đến 15.8%, trong khi ở nhiều nước trên thế giới mức tổn thất chỉ vào khoảng 7-9%.
Mức độ tổn thất điện nhiều đến mức trong 5 năm tới, cứ giảm bớt tổn thất 1%, VN sẽ dôi ra 3,4 GWh (Giga watt-giờ), tương đương với sản lượng của một nhà máy công suất 500-600 MW.
Để làm ra 1 USD giá trị gia tăng, VN tiêu tốn năng lượng nhiều hơn các nước trong khu vực khoảng 30-40%. VN không thể duy trì tăng trưởng GDP cao với mức độ tiêu hao năng lượng như hiện nay.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng từng cho biết, không lâu nữa khi đã sử dụng hết các nguồn năng lượng truyền thống, Việt Nam có thể sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng.
Thuỷ điện hiện đã khai thác hết tiềm năng, các nguồn năng lượng như khí đốt và than thì lại có hạn. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, nhất định phải phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tính đến năm 2008, lượng năng lượng tái tạo hoà lưới điện quốc gia mới chỉ đạt 1,8%, tương đương 1,3 tỉ kWh, và chủ yếu là từ thuỷ điện. Các nguồn năng lượng khác như điện gió, thuỷ điện nhỏ, điện mặt trời, và năng lượng sinh khối mặc dù đã có khai thác, nhưng không hoà lưới điện và sản lượng chỉ đạt khoảng 45 – 60MW.
Trong chiến lược đến năm 2015 phát triển các nguồn năng lượng tái tạo hoà lưới điện quốc gia với mức giá kinh tế các nguồn được khai thác sẽ là thuỷ điện nhỏ (1.016MW), nhiệt điện từ lò đốt trấu (55MW), bã mía (105MW), rác thải (42MW), địa nhiệt (59MW), và điện gió (30MW).
Tuy nhiên, dù năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng chiến lược, việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam đang gặp khó khăn. Ước tính, từ nay đến năm 2019, sản lượng điện của Việt Nam sẽ tăng trên 125%, dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với dự báo dân số Việt Nam sẽ tăng lên 94 triệu người vào năm 2014, nhu cầu về điện sẽ tăng lên 65% và sự phục hồi của kinh tế thế giới đang đặt Việt Nam đứng trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung điện năng.

Gần như bỏ không năng lượng tái tạo

Việt Nam chỉ mới sử dụng 11% năng lượng tự nhiên - bao gồm 12% năng lượng từ thủy điện, 30% từ điện mặt trời, 15% từ nguyên liệu sinh học…
Tiến sĩ Hermann Scheer, Chủ tịch ủy ban quốc tế về năng lượng tái tạo đã công bố tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam theo điều tra của Ngân hàng Thế giới. Theo đó, Việt Nam là một nước dồi dào nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên gần như “bỏ hoang”.
Trong khi đó, kế hoạch 5 năm tới của Tổng Cty Điện lực Việt Nam là xây dựng thêm hàng loạt nhà máy điện đốt bằng than có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn năng lượng hoá thạch, đồng thời góp phần làm khu vực Bắc Bộ vốn đã ô nhiễm bụi than nặng nề càng thêm ô nhiễm.
Việt Nam vẫn chưa có chiến lược tổng thể về vấn đề này và hiện Bộ Công Thương mới đang soạn thảo chính sách phát triển năng lượng tái tạo để trình Chính phủ. Dự kiến, Việt Nam sẽ phấn đấu để tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 3% tổng công suất điện năng tới năm 2010 và 6% vào năm 2030. Tỷ lệ này thấp hơn so với Thái Lan (8-9% tới năm 2020).

Thuỷ điện nhỏ và phong điện

Các đề tài nghiên cứu đang được tiến hành cho thấy Việt Nam có thể phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo, đó là thuỷ điện nhỏ, gió, mặt trời và sinh khối (biomass). Từ lâu, thuỷ điện nhỏ đã được sử dụng ở Việt Nam nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ, chủ yếu là vùng trung du miền núi. Thuỷ điện nhỏ có sức cạnh tranh so với các nguồn năng lượng khác do thủy điện có giá thành cạnh tranh, trung bình khoảng 4 cent (600 đồng)/KWh. Ước tính Việt Nam có khoảng 480 trạm thuỷ điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt là 300MW, phục vụ hơn 1 triệu người tại 20 tỉnh. Trong số 113 trạm thuỷ điện nhỏ, công suất từ 100KW-10MW, chỉ còn 44 trạm đang hoạt động. Con số 300MW quả là quá nhỏ bé so với tiềm năng của thuỷ điện nhỏ ở Việt Nam là 2.000MW, tương đương với công suất của nhà máy thuỷ điện Hoà Bình.
Một loại năng lượng tái tạo nữa là gió. Theo thống kê của ngành điện, sản lượng điện năng sản xuất từ sức gió hiện nay trên thế giới tăng liên tục, năm 1994 là 3.527,5MW; năm 1997 là 7.500MW và hiện nay là trên 10.000MW... Sử dụng nguồn điện bằng sức gió không lo hết nhiên liệu hay cạn kiệt nguồn nước như thủy điện và nhiệt điện, đặc biệt là không gây những tác động đáng kể đến môi trường. Mặc dù Việt Nam không có nhiều tiềm năng gió như các nước châu Âu song so với Đông Nam Á thì lại có tiềm năng tốt nhất.

Sinh khối và mặt trời

Ngoài phong điện, tiềm năng sinh khối trong phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam cũng khá lớn. Lợi thế to lớn của sinh khối so với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng gió và mặt trời là có thể dự trữ và sử dụng khi cần, đồng thời luôn ổn định, tình hình cấp điện không bị thất thường. Nguồn sinh khối chủ yếu ở Việt Nam là trấu, bã mía, sắn, ngô, quả có dầu, gỗ, phân động vật, rác sinh học đô thị và phụ phẩm nông nghiệp. Theo nghiên cứu của Bộ Công nghiệp, tiềm năng sinh khối từ mía, bã mía là 200-250MW trong khí chấu có tiềm năng tối đa là 100MW. Hiện cả nước có khoảng 43 nhà máy mía đường trong đó 33 nhà máy sử dụng hệ thống đồng phát nhiệt điện bằng bã mía với tổng công suất lắp đặt 130MW. Tuy nhiên, nếu thừa điện thì các nhà máy này cũng không bán được.
Việt Nam hiện có hơn 25 triệu tấn sinh khối gỗ, hơn 53 triệu tấn sinh khối phụ phẩm nông nghiệp… có thể cho ra năng lượng tương đương hàng chục triệu tấn than.
Về dầu thực vật, trong khi một số nước đã nghiên cứu từ dầu thực vật để cho ra nhiên liệu sinh học (biodiesel) pha trộn với xăng để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ thì ở ta chưa có nghiên cứu, đánh giá toàn diện về nguồn năng lượng này.
Về năng lượng mặt trời, Việt Nam có số giờ nắng trung bình khoảng 2000-2500h/năm với tổng năng lượng bức xạ mặt trời trung bình khoảng 150kCal/cm2/năm. Tiềm năng từ năng lượng mặt trời có thể lên khoảng tương đương 43,9 triệu tấn than/năm.
Hiện có trên 100 trạm quan trắc toàn quốc để theo dõi dữ liệu về năng lượng mặt trời. Tính trung bình toàn quốc thì năng lượng bức xạ mặt trời là 4-5kWh/m2 mỗi ngày. Tiềm năng điện mặt trời là tốt nhất ở các vùng từ Thừa Thiên Huế trở vào miền Nam và vùng Tây Bắc. Vùng Đông Bắc trong đó có Đồng bằng sông Hồng có tiềm năng kém nhất. Do giá thành còn cao (60cent hay 8000 đồng cho 1kWh) nên điện mặt trời chưa được dùng rộng rãi.
(Theo TP, VNN, SGTT)