Lần đầu tôi được gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp (kỳ 1)

LTS: Bạn đọc thân mến, ĐÔNG TÁC đăng các bài báo của Nhật Hoa Khanh chỉ để tham khảo. Tác giả có nhiều thông tin mới lạ, đáng tiếc toàn là lời kể của người khác và không đưa ra bằng chứng.

Cách đây mười lăm năm, đầu tháng 4 năm 1992, tại một căn hộ tầng ba (tức lầu hai) trong một khu tập thể khá lớn trên đường Hải Thượng Lãn Ông – quận 5 – TP Hồ Chí Minh, theo lịch hẹn, Nguyễn Đình Thi đã tiếp tôi [1] ba buổi chiều.

Trước đó, tôi đã gửi thư đến ông mong ông kể lại: 1. Cuộc gặp đầu tiên của ông tại Tân Trào với Bác Hồ và Võ Nguyên Giáp; 2. Cảm nghĩ của ông về hai nhân vật lịch sử đó; 3. Tâm sự của ông về một số sáng tác và về cuộc đời của ông, người nghệ sĩ và một trong những người lãnh đạo nền văn nghệ cách mạng.

Suốt ba buổi chiều ấy, dựa theo những câu hỏi nói trên, người đại biểu trẻ nhất của Quốc dân Đại hội Tân Trào đã chiếu cho tôi xem một “bộ phim” xúc động và sống động.

Phần thứ nhất của bộ phim là câu chuyện lần đầu tiên tác giả Diệt phát xít được gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

***

Trước mắt tôi là một người khá cao lớn, cặp lông mày rậm, khoé miệng vừa tươi vừa duyên dáng, chưa lộ ra một vẻ già yếu mặc dầu ông sinh năm 1924 và năm nay, 1992, đã 68 tuổi! Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao ông lại nhiệt tình đến mức đứng sẵn ở cửa phòng đón tôi. Đó là lúc 14 giờ.

Sau khi mời tôi ngồi và rót một chén trà mời tôi uống, ông chủ động thân mật nói trước: Anh có mang theo tập bản thảo của anh viết về tôi đấy chứ?

Tôi lễ phép trả lời: Thưa anh có. Kính gửi anh. Bản thảo mang tên “Đất Việt yêu dấu ngàn năm và tác phẩm Nguyễn Đình Thi”. Đây là luận văn sau đại học của tôi. Xin anh vui lòng xem và cho ý kiến.

Đỡ lấy tập bản thảo, nhìn qua đầu đề, Nguyễn Đình Thi đặt sang một góc bàn. Tiếp đó, ông hỏi: Ta nói chuyện gì trước hết?

Tôi chưa kịp trả lời, tác giả Diệt phát xít nói luôn: Trước hết là chuyện lần đầu tiên tôi được gặp người Cha nền Độc lập dân tộc ta thế kỷ hai mươi và người Anh Cả các lực lượng vũ trang cách mạng.

***

Nhíu cặp lông mày rậm rồi im lặng một lúc khá lâu như để nhớ về những ngày bất diệt thời trai trẻ của mình, Nguyễn Đình Thi bắt đầu chầm chậm kể:

Những năm đầu thập niên 40 (thế kỷ 20), đang học đại học Luật khoa Hà Nội, do tham gia phong trào yêu nước của sinh viên, tôi bị bắt giam cũng tại Hà Nội. Ra khỏi nhà giam, tôi lại tiếp tục hoạt động.

Đầu tháng 8-1945, tình hình thế giới càng sôi động và càng có nhiều thay đổi lớn. Tin tức về việc trục phát xít Đức – Ý – Nhật đầu hàng không điều kiện Đồng Minh Mỹ Anh Pháp loang ra khắp nước, nhất là Hà Nội.

Khắp nước, nhất là Hà Nội, lúc đó bùng lên cuồn cuộn phong trào đánh Pháp đuổi Nhật, giành lại độc lập.

Cũng chính trong nửa đầu tháng 8-1945 ấy, Hội Văn hoá Cứu quốc cử tôi và anh Khuất Duy Tiến, một trong những chiến sĩ cộng sản bạn thân của giới trí thức Hà thành, một trong những nhân vật lãnh đạo của Thành uỷ Hà Nội và Xứ uỷ Bắc Kỳ, làm đại biểu chính thức của giới văn hoá lên chiến khu giải phóng dự một hội nghị đặc biệt tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) do Tổng bộ Việt Minh triệu tập.

Tôi chỉ biết đây là một hội nghị đặc biệt, một hội nghị lớn lắm, một hội nghị trọng đại tầm cỡ cả nước, tất nhiên là để bàn việc cứu nước, nhưng không hề biết hội nghị sẽ bàn về nội dung cụ thể gì.

Theo sự phân công của Hội, tôi viết gấp một bản báo cáo nhan đề “Một nền văn hoá mới” để trình bày tại hội nghị. (Mấy ngày trước khi chúng tôi đi dự hội nghị Tân Trào, bản báo cáo đã được Hội nghị Văn hoá Cứu quốc họp tại La Khê, thuộc Hà Đông, thông qua).

Sau đó mấy ngày, một buổi chiều, đúng hẹn, anh Khuất Duy Tiến và tôi cùng sang bên kia cầu Đuống, vào một quán cơm. Gọi là quán cơm nhưng thực ra là một địa điểm liên lạc của cách mạng.

Trong quán, tôi gặp mấy bạn cũ nay là đảng viên đảng Dân chủ và mấy anh nữa mà tôi chưa từng quen biết.

Ai nấy đều ăn mặc rất giản dị vì tất cả đều biết rằng mình đang trên đường lên mật khu giải phóng của tổ chức cứu nước lớn nhất và có uy tín nhất: Việt Minh. Tuy nhiên, trong hành lý của người nào cũng có một bộ quần áo lịch sự để mặc trong những ngày họp vì ai nấy đều hiểu rõ tầm quan trọng của hội nghị sắp tới.

Đang chuẩn bị ăn cơm trưa, Khuất Duy Tiến gọi tôi ra một chỗ riêng, giới thiệu tôi với một đại biểu đứng tuổi: Giới thiệu với anh Trần Huy Liệu, đây là anh Nguyễn Đình Thi, sinh năm 1924, đại biểu trẻ nhất của hội nghị nay mai sắp họp.

Danh tiếng Trần Huy Liệu, tôi biết từ lâu nhưng giờ đây mới được lần đầu gặp mặt. Tôi cúi chào nhà cách mạng thuộc hàng cha chú với một cử chỉ hơi rụt rè.

Phá tan không khí ấy, Trần Huy Liệu bắt tay tôi thật chặt và chuyện trò vui vẻ.

Tôi rất ngạc nhiên khi được anh cho biết: trong thời gian bị tù ở Nghĩa Lộ, anh có đọc và đánh giá cao mấy cuốn sách giới thiệu triết học phổ thông của tôi.

Anh bảo tôi: Viết khá lắm. Sâu sắc cả về nội dung lẫn style (tức phong cách, nguyên văn tiếng Pháp của anh Liệu). Tôi (Trần Huy Liệu) không ngờ tác giả khi viết mới chưa đầy hai mươi tuổi.

Tôi nhớ mãi lời anh Liệu: Rất có thể toàn dân sẽ cướp được chính quyền ngay trong tháng Tám này. Vấn đề là: ai sẽ lãnh đạo toàn dân cướp được chính quyền từ tay Nhật. Nhật, trên thực tế, đã đầu hàng Đồng Minh. Chỉ mấy hôm nữa, Thủ tướng Phù Tang sẽ phải ký Hiệp ước đầu hàng không điều kiện. Pháp thì chưa nắm lại được chính quyền ở Hà Nội và cả nước. Anh Liệu nói tiếp: Kỳ này, lên mật khu giải phóng dự hội nghị lớn do Tổng bộ Việt Minh chủ trì, ta sẽ biết mọi chuyện.

Tôi cảm thấy mình sắp được tham gia một sự kiện thiêng liêng và vĩ đại của dân tộc.

Tôi cũng cảm thấy Trần Huy Liệu là một trong những nhân vật trọng yếu của hội nghị lớn sắp tới.

Nghỉ tại quán cơm một đêm, sáng hôm sau, tất cả chúng tôi cùng lên đường dưới sự điều khiển của Khuất Duy Tiến. Tất nhiên là đi bộ. Một liên lạc viên trẻ dẫn đường. Anh là người tận tình và thông thuộc các lối đi bí mật. Thỉnh thoảng, anh hỏi chúng tôi có mệt không, có mỏi chân không.

Chúng tôi rảo bước trên những con đường nhỏ đi tắt qua một cánh đồng rộng sang chợ Chờ, tới sông Cầu, rồi tới huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang), nghỉ tại đó mấy ngày.

Trong thời gian nghỉ, tôi đưa anh Trần Huy Liệu xem và góp ý kiến cho bản báo cáo “Một nền văn hoá mới ”. Anh Liệu góp nhiều về vấn đề tính dân tộc trong văn hoá Việt Nam. Anh nói: tính dân tộc trong văn hoá Việt Nam là một di sản lớn của tiền nhân. Là con cháu, chúng ta phải đào sâu suy nghĩ về di sản lớn ấy và phải sáng tác, nghiên cứu trên nền tảng của di sản lớn ấy. Khi sáng tác và nghiên cứu, một mặt tuy không lệ thuộc văn hoá Pháp và Trung Quốc nhưng mặt khác, vẫn cần phải học cái hay của hai nền văn hoá lẫy lừng này.

Dọc đường, Trần Huy Liệu mấy lần nói đến vai trò quyết định của trí tuệ, của người trí thức trong tiến trình phát triển xã hội Việt Nam từ trước đến tận bây giờ. Anh đánh giá rất cao tính chất yêu nước chống Pháp của trường Đông Kinh Nghĩa Thục và bản chất yêu nước của các nhà nho nói chung, ngành giáo dục nói riêng của nước ta trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Anh bảo: chống hủ nho, chứ không chống nhà nho; chống trí thức tây học lai căng, chống trí thức tây học bán nước hoặc làm tay sai cho thực dân Pháp, chứ không chống trí thức tây học nói chung, càng không chống trí thức tây học cứu nước.

Cũng trong thời gian nghỉ vài ba ngày tại Hiệp Hoà, chúng tôi nhận được mấy gánh gồm nhiều tài liệu và lựu đạn.

Một tổ du kích (gồm cả nam lẫn nữ) dẫn đường cho chúng tôi vượt đường số 3, sang Ba Vân.
Sau đó, ở mỗi trạm, các tổ du kích khác lần lượt dẫn đường cho chúng tôi đi dưới chân dãy núi Tam Đảo sang Quân Chu (Thái Nguyên).

Từ Quân Chu, ai nấy đều nhìn thấy một cảnh rừng núi vừa rộng lớn, vừa oai hùng, vừa thơ mộng của chiến khu Tân Trào.

Nhưng vẫn chưa đến địa điểm cuối cùng.

Chúng tôi phải đi nhanh hơn và nhiều hơn trong mấy ngày tiếp theo. Tình hình rất khẩn trương. Tin tức dồn dập ở các trạm liên lạc cho biết Nhật sắp ký hiệp ước đầu hàng Đồng Minh không điều kiện.

Dưới trời đêm gió lạnh và mưa như trút, mặc dầu ngã dúi dụi nhưng với sức mạnh của tuổi thanh niên và của lòng yêu nước, chúng tôi vẫn đốt to đuốc, vẫn đi, vẫn trèo đèo, vẫn vượt suối.

Cuối cùng, sau một cuộc “trường chinh” gian khổ nhưng đầy hứng khởi, đoàn đã tới Cao Vân.
Trên bốn mươi tuổi, lớn tuổi hơn cả, nhưng anh Trần Huy Liệu đi bộ đường núi rất giỏi, giỏi nhất.

Mấy ngày đi bên Trần Huy Liệu, tôi nhận thấy anh là cả một pho kinh nghiệm đấu tranh cách mạng trong các nhà tù khét tiếng dã man: Nghĩa Lộ, Sơn La, Côn Đảo.

Mấy ngày đi bên Trần Huy Liệu, tôi còn nhận rõ: anh đúng là nhà cách mạng vững vàng, nhà trí thức uyên bác, rất sắc sảo về phân tích địch ta, phân tích tình hình xã hội. Trần Huy Liệu kể cho chúng tôi nghe một số chuyện giàu ý nghĩa trong thời gian anh bị tù tại Côn Đảo và chuyện tại Côn Đảo, anh đã chuyển từ Việt Nam Quốc dân Đảng sang Đảng Cộng sản Đông Dương như thế nào.

Ngay buổi sáng tới Cao Vân, chúng tôi lập tức rẽ vào một đường mòn dưới chân đèo, băng rừng vượt dốc suốt sáng hôm ấy. Khoảng 12 giờ trưa, khi mặt trời tới đỉnh đầu, cả đoàn tới một bản nhỏ sạch sẽ!

Chú thiếu niên dẫn đường cho biết: đã đến TÂN TRÀO. (Lúc đó Tân Trào là tên gọi mới của bản Kim Lộng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nhưng tên gọi mới này, vì chưa quen, nên ít người dùng).

TÂN TRÀO !!!

Một không gian lớn rộng! Một không khí thanh bình! Một bầu trời trong mát! Một làng bản êm đềm!

Giây phút đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Tân Trào, tất cả chúng tôi đều có cảm tưởng như thế!

Tân Trào là Sóng Mới!

Chúng tôi, tất thảy đều ngẩng cao đầu, hít thở thật sâu, căng lồng ngực của tuổi trẻ để đón chào giây phút huyền diệu được đến với chiến khu giải phóng, mảnh đất xa lạ giữa núi rừng mang tên Tân Trào, mang tên Sóng Mới !

Khi đoàn được dẫn tới cây đa cuối bản, ai nấy đều trông thấy một anh du kích áo chàm người Thổ (hồi đó, chúng tôi gọi người Tày là người Thổ) khoác tiểu liên ngồi cạnh một chiếc … tê-lê-phôn!!! Anh tươi cười đứng dậy ra đón khách, sau đó, trở lại chỗ ngồi, nhấc tê-lê-phôn và quay số, nói a lô … a lô báo tin có “khách miền xuôi” mới lên.

Tôi không ngờ chiến khu lại có cả tê-lê-phôn. (Hồi ấy, chúng tôi gọi điện thoại là tê-lê-phôn).

Mấy phút sau, một người đàn ông nhỏ nhắn, hơi gày, khoảng trên ba mươi tuổi, gương mặt đẹp và thông minh, đôi mắt sắc sảo và thân thiện, phong cách rõ là trí thức, dáng lanh lẹn, sải bước rất nhanh từ trong dãy núi, bất ngờ xuất hiện và đi về phía chúng tôi.

Người đàn ông hướng ngay về anh Trần Huy Liệu. Hai người vừa thân mật vừa mừng rỡ siết tay nhau và nói với nhau mấy câu chào hỏi vội vã.

Tiếp đó, người đàn ông bắt tay Khuất Duy Tiến rất chặt, rất lâu, rồi lần lượt bắt tay các anh em khác trong đoàn.

Anh Tiến nói nhanh gọn với chúng tôi: Đây là anh Võ Nguyên Giáp, cựu giáo sư trường Thăng Long, cử nhân xuất sắc Đại học Luật khoa Hà Nội, nhà báo, cựu Chủ tịch Báo giới Bắc Kỳ hồi Mặt trận Bình dân 1936 – 1939, một trong những nhân vật quan trọng nhất của Tổng bộ Việt Minh, người đặc trách quân sự của Tổng bộ, người trực tiếp chỉ huy toàn thể lực lượng Giải phóng quân cả nước.

Khuất Duy Tiến nói tiếp: Anh Giáp, anh Liệu và tôi (tức Khuất Duy Tiến), trước năm 1940, là bạn chiến đấu của nhau trên mặt trận báo chí.

Sau đó, Khuất Duy Tiến giới thiệu các anh trong đảng Dân chủ với Võ Nguyên Giáp.

Cuối cùng, quay sang phía Võ Nguyên Giáp, Khuất Duy Tiến giới thiệu: Đây là Nguyễn Đình Thi, tác giả bài hát Diệt phát xít.

Siết chặt tay tôi, Võ Nguyên Giáp nói: Tôi đã nghe bài hát Diệt phát xít bừng sôi lửa chiến đấu của anh. Chúc mừng anh.

Tên tuổi Võ Nguyên Giáp, tôi (tức Nguyễn Đình Thi) đã biết từ hồi anh dạy trường tư thục Thăng Long (Hà Nội). Tôi cũng nghe phong thanh anh hoạt động bên Trung Quốc. Nhưng hôm nay, lần đầu tiên tôi mới được gặp nhà giáo – nhà báo – nhà cách mạng – vị cử nhân luật nổi tiếng đó.

Tôi hơi ngỡ ngàng và hơi lúng túng.

Nhưng cái bắt tay thật chặt và lời biểu dương của Võ Nguyên Giáp đối với bài Diệt phát xít đã nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh cho tôi.

Trước mắt tôi là một người trí thức cách mạng – một nhà cách mạng chuyên nghiệp có uy tín cao và lừng danh mà tôi từng biết tiếng trong những năm tháng học tại trường trung học Bon-nan Hải Phòng, tại đại học Luật khoa Hà Nội và trong mấy năm hoạt động giữa phong trào sinh viên Hà Nội.

Tôi không thể ngờ lần đầu tiên được lên Tân Trào, một trong những tổng hành dinh của cách mạng, thì người đầu tiên thay mặt Ban lãnh đạo cách mạng toàn quốc mà tôi vinh dự được gặp lại là Võ Nguyên Giáp!

Nếu có cái gọi là “số mệnh” thì chính “số mệnh” đã tạo ra cho tôi một sự may mắn: từ giờ phút đó, từ 12 giờ trưa ngày 15 tháng 8 năm 1945, tôi đã thật sự được tự do đứng dưới bầu trời tự do của một vùng đất tự do: Tân Trào; từ giờ phút đó, thông qua một chiến sĩ cứu nước lớn: Võ Nguyên Giáp, tôi đã trở nên một thành viên chính thức của đại gia đình cách mạng giải phóng dân tộc.

Sau lời giới thiệu vắn tắt về Võ Nguyên Giáp của Khuất Duy Tiến, Võ Nguyên Giáp nói chuyện với chúng tôi, cũng rất ngắn gọn: Nhận được tê-lê-phôn của liên lạc viên báo tin các anh vừa mới tới, tôi vội ra đây ngay. Thay mặt Tổng bộ Việt Minh, tôi chào mừng anh Trần Huy Liệu và tất cả các anh, những đại biểu đã lặn lội từ Hà Nội lên đây dự hội nghị lớn do Tổng bộ Việt Minh triệu tập. Ngoài các anh, còn nhiều đại biểu từ nhiều thành phố và các miền khác của đất nước đang trên đường lên đây. Kế hoạch làm việc cụ thể của hội nghị, sáng mai, 16 tháng 8-1945, trong lễ khai mạc, sẽ có người thông báo.

Võ Nguyên Giáp nói tiếp: Đất nước đang ở trong tình hình vô cùng khẩn cấp. Cơ hội ngàn năm có một của toàn dân đã đến! Hội nghị sắp tới chính là Quốc dân Đại hội, hội nghị Diên Hồng của thời đại mới. Quốc dân Đại hội sẽ cất lên tiếng nói đại đoàn kết của toàn dân về vận mạng của dân tộc, sẽ quyết định tổng khởi nghĩa khắp nước, sẽ quyết định thành lập Uỷ ban Dân tộc Giải phóng. Tại Quốc dân Đại hội, tại hội nghị Diên Hồng của thời đại mới, các anh sẽ được gặp một con người mà toàn dân bấy lâu trông đợi. Riêng tôi (tức Võ Nguyên Giáp), vì được trao đặc trách quân sự, cho nên chỉ gặp mặt được sơ qua một số vị đại biểu, sau đó, phải lập tức dẫn Giải phóng quân từ Tân Trào xuống Thái Nguyên, rồi từ Thái Nguyên, thẳng tiến về Hà Nội, cùng toàn dân tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền từ tay Nhật.

Nói xong, Võ Nguyên Giáp giơ một nắm đấm tay phải lên thái dương (lối chào của Việt Minh thời ấy). Anh lần lượt siết chặt tay ba người: Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến và tôi.

Ngay sau đó, Võ Nguyên Giáp sải những bước dài, lướt nhanh về phía sau dãy núi, rồi giữa núi rừng, bóng dáng anh nhanh chóng khuất chìm ...

Cuộc gặp gỡ vừa nghiêm trang, vừa vui vẻ, vừa sôi động pha chút huyền ảo nói trên chỉ diễn ra trong khoảng mười lăm phút!!!

Ấn tượng mạnh nhất mà người thày giáo dạy sử Võ Nguyên Giáp để lại trong tôi (Nguyễn Đình Thi) sau cuộc gặp gỡ chớp nhoáng ấy chính là đôi mắt sắc sảo và thân thiện, những câu nói ngắn gọn và hùng hồn, những nhận xét chính xác, một tư duy độc lập cùng những bước chân sải dài, rất nhanh, rất vững !!!

***

Võ Nguyên Giáp đi rồi, đoàn chúng tôi chia ra mấy nhóm, nghỉ trong mấy căn nhà sàn.

Nhóm ba người: tôi, anh Liệu và anh Tiến ở trong nhà sàn của cụ Hiên, một ông cụ tám mươi tuổi nhưng răng còn tốt, nhai ngô khoẻ như thanh niên.

Trần Huy Liệu nói với Khuất Duy Tiến và tôi: Anh Tiến và chú Thi có thấy ở Võ Nguyên Giáp những điểm gì nổi bật hay không? Riêng tôi (Trần Huy Liệu), tôi thấy một trong những điểm nổi bật ở Võ Nguyên Giáp chính là những bước chân bước rất nhanh, rất vững và sải dài. Đó là bước chân và dáng đi của một con người biết vượt thác ghềnh tiến thẳng đến đích, của một grand homme (vĩ nhân). Trần Huy Liệu nói tiếp: Con người ấy nắm quân sự là đúng. Từ sau khi Quang Trung đột ngột qua đời đến nay, quân đội của triều đình nước ta sa sút trầm trọng về mọi mặt. Muốn quật ngã đội quân xâm lược thiện chiến và hùng mạnh của thực dân Pháp, giải phóng quân của ta phải giỏi về mọi mặt, phải có một vị tổng chỉ huy toàn năng. Tôi (tức Trần Huy Liệu) đã làm việc nhiều trước đây với Võ Nguyên Giáp. Hồi 1936 – 1939, trong Ban lãnh đạo Báo giới Bắc Kỳ, Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch, nhân vật số 1; tôi, Phó chủ tịch, nhân vật số 2 và anh Khuất Duy Tiến, nhân vật số 3, Uỷ viên. Tôi rất hiểu Giáp. Tôi khẳng định: Võ Nguyên Giáp sớm muộn sẽ là một tổng chỉ huy, một tổng chỉ huy kỳ tài của Giải phóng quân Việt Nam trên chặng đường muôn triệu chông gai trước mắt!

Trần Huy Liệu nói tiếp: Một nhân vật có con mắt tinh đời đã chọn Giáp. Nhân vật đó là ai, sớm muộn các anh sẽ biết.

Khuất Duy Tiến đồng tình: Cũng từng công tác khá nhiều với Võ Nguyên Giáp, tôi cũng cho rằng Võ Nguyên Giáp hôm nay có dáng dấp một grand homme (1) ngày mai.

Khuất Duy Tiến nói thêm: Võ Nguyên Giáp nhận xét đúng: Quốc dân đại hội chính là hội nghị Diên Hồng của thời đại mới.

Trong óc tôi (tức Nguyễn Đình Thi) chợt loé lên ý nghĩ: vị giáo sư sử học, vị cử nhân luật trẻ tuổi đó có thể sẽ ghi một dấu son rực rỡ trong lịch sử cứu nước của dân tộc.

Tối hôm ấy, có mấy nhóm không phải người thuộc đoàn chúng tôi đến thăm. Đó là nhóm các anh Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp từ Nam Bộ ra; nhóm các anh Lê Giản, Hoàng Hữu Nam cũng từ Hà Nội lên.

Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp cùng cho biết: Lưu Hữu Phước ở Sài Gòn xa quá và bận nhiều công tác khác, không thể ra được. Ai nấy đều rất tiếc về sự vắng mặt của người thanh niên sinh viên đại học Y khoa Hà Nội tài giỏi, tác giả hàng chục bài hát bùng bùng ngọn lửa cứu nước trong phong trào học sinh – sinh viên cả nước lớn mạnh hồi ấy.

Mọi người cùng ngồi quanh bếp lửa bập bùng trò chuyện thật vui.

Bên bếp lửa, theo gợi ý của hai anh Trần Huy Liệu và Ung Văn Khiêm, chúng tôi cùng hát Hội nghị Diên Hồng, một trong những bài hát hay nhất, trầm hùng nhất của dòng âm nhạc cứu nước, một trong những bài hát được học sinh sinh viên hồi đó hát khắp nơi nơi từ Bắc chí Nam. Tất cả cùng hát thật to: Trước nhục nước, nên hoà hay nên chiến? – Quyết chiến!!! Thế nước yếu, lấy gì lo chiến chinh? – Hi sinh!!!

Hà Huy Giáp vừa cười ha hả vừa kể chuyện anh và Ung Văn Khiêm khi qua Bắc Ninh bị tự vệ bắt giam vì bị tình nghi là mật thám của Nhật.

Anh Hoàng Hữu Nam chầm chậm kể lại chuyện khi đang bị đầy ở đảo Ma-đa-gát-xca thì quân Anh chiếm được đảo. Vì nước Anh là một nước Đồng Minh cho nên sau khi chiếm được đảo, quân Anh đã chuyển chính trị phạm Hoàng Hữu Nam từ Ma-đa-gát-xca về Ấn Độ, rồi đưa lên máy bay, thả dù xuống Việt Bắc để anh gặp Việt Minh tham gia chống Nhật.

Hoàng Hữu Nam cho biết thêm: một số đoàn đại biểu đã nhận được lệnh của Tổng bộ Việt Minh không lên Tân Trào nữa hoặc nếu đang đi thì quay về vì nếu tiếp tục đi thì khi tới nơi, Quốc dân Đại hội đã họp xong!

Sáng hôm sau, 16-8-1945, tất cả chúng tôi, ai nấy đều thay quần áo cũ, mặc những bộ quần áo sạch sẽ và lịch sự, rồi đến gốc một cây đa lớn, cành lá sum suê làm tôn thêm vẻ u trầm của rừng núi Tân Trào (sau này, gọi là cây đa Tân Trào). Tại đây, mấy nữ đại biểu Hà Nội mặc áo dài đang trò chuyện với một bà cụ Việt Nam từ Thái Lan về.

Vừa lúc đó, tôi trông thấy Dương Đức Hiền, luật sư, người bạn thân của mình trong phong trào sinh viên Hà Nội, một trong những cán bộ xuất sắc nhất và mẫu mực nhất trong ban lãnh đạo đảng Dân chủ và ban lãnh đạo phong trào sinh viên Việt Nam hồi ấy. (Trong Chính phủ Hồ Chí Minh sau cách mạng Tháng Tám, Dương Đức Hiền là Bộ trưởng Thanh niên.)

Mấy phút sau, anh Phan Mỹ cùng một sĩ quan da trắng dáng người khá cao mặc quân phục Mỹ đi tới.

Tôi chợt nhớ là tối qua mới được biết có một nhóm nhỏ người Mỹ đang ở Tân Trào (Tuyên Quang) hợp tác với Việt Minh.

Anh Phan Mỹ giới thiệu viên sĩ quan tình báo có tên Tô-mát (Thomas), người Mỹ, cấp bậc thiếu tá. Tôi và anh Hiền cùng bắt tay thân thiện chào ông Tô-mát.

Bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, ông tươi cười nói: Cảm ơn! Rất cảm ơn!

Bằng tiếng Pháp, anh Hiền nói: Xin chúc mừng ông, xin chúc mừng thắng lợi to lớn của Đồng Minh.

Bằng tiếng Anh phổ thông, học được trong mấy năm là sinh viên Đại học Luật khoa Hà Nội, tôi nói: Thiếu tá Tô-mát thân mến, tôi cũng chúc mừng ông và chúc mừng thắng lợi của Đồng Minh Mỹ – Anh – Pháp trong cuộc chiến tranh chống trục phát xít. Với các ông, chiến tranh đã chấm dứt. Nhưng với chúng tôi, chính từ giờ phút này, cuộc-chiến-đấu-mới, cuộc-chiến-đấu-mới vì độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, mới thật sự bắt đầu!
Tiếng Anh của tôi tuy không giỏi nhưng cũng đủ để diễn đạt câu trên.

Thiếu tá Tô-mát tiếp tục nở một nụ cười rất tươi, nhắc đi nhắc lại bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp câu nói: Chúc cuộc-chiến-đấu-mới giành độc lập của Việt Nam thắng lợi, sớm thắng lợi!

Khoảng 7 giờ sáng, đại biểu từ các nhà sàn quanh đấy kéo về phía cây đa Tân Trào gần đủ. Tất cả được mời đến một ngôi đình rất đẹp khá lớn gồm ba gian sàn gỗ ven bờ một con suối êm đềm chảy qua bản. Trong đình có hai phần. Một phần dùng làm phòng họp kê những hàng ghế dài bằng thân cây (không sơn, không đánh véc-ni) ghép lại. Một phần dùng làm nơi trưng bày sách, báo, tranh, ảnh và một ít vũ khí do Việt Minh tự chế tạo, một ít chiến lợi phẩm trong những trận đánh Nhật.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, hơn sáu mươi đại biểu hầu hết đều ở tuổi hai mươi và tuổi ba mươi, đa số là trí thức, từ nhiều địa phương trong cả nước đã có mặt đông đủ và ngồi trang nghiêm trên những hàng ghế dài ghép bằng thân cây như đã nói trên.

Nhìn thấy tôi ngồi ở hàng ghế đằng sau, anh Huy Cận vội quay lại bắt tay chào và nói nhỏ: Nghe nói Nguyễn Ái Quốc đã về nước từ lâu và sẽ dự hội nghị này, do đó, tình hình sẽ xoay chuyển, vận nước sẽ cất cánh. (Huy Cận, trong Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu, là Bộ trưởng không bộ cùng với Nguyễn Văn Xuân).

Đến giờ khai mạc.

Hai anh Toàn (tức Trường Chinh) và Tống (tức Phạm Văn Đồng) chia nhau điều hành đại hội. Đoàn thư ký gồm tôi (tức Nguyễn Đình Thi) Thư ký trưởng và hai uỷ viên thư ký là Khuất Duy Tiến và Huy Cận.

Anh Toàn (tức Trường Chinh) trịnh trọng tuyên bố: Thể theo nguyện vọng của quốc dân đồng bào, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Quốc dân Đại hội gồm đại biểu tất cả các đảng phái, các giai cấp, các giới, các ngành, các lứa tuổi, v.v… để bàn luận và để quyết định về việc tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, giành độc lập cho đất nước. Quốc dân Đại hội sẽ bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng để lãnh đạo tổng khởi nghĩa trên toàn cõi Việt Nam. Quốc dân đại hội làm việc trên nguyên tắc đại đoàn kết và dân chủ, đại đoàn kết và dân chủ!

Đồng chí Trường Chinh đặc biệt nhấn mạnh: do toàn bộ quân đội phát xít Đức – Ý – Nhật bị tiêu diệt, tình hình khẩn cấp của đất nước và thời cơ ngàn năm có một để toàn dân cướp chính quyền dưới sự lãnh đạo của Việt Minh đã xuất hiện. Vì vậy, đại hội sẽ làm việc trong tinh thần hết sức khẩn trương. Đồng chí nói tiếp: Chúng ta sẽ họp cả thảy ba ngày nhưng nếu tình hình đòi hỏi, đại hội sẽ kết thúc vào chiều mai, 17-8-1945, sớm hơn một ngày so với dự định.

Một số đại biểu thay mặt các đảng phái và các hội cứu nước lần lượt đọc báo cáo.

Không khí đại hội thật là hào hứng và sôi động không tưởng tượng nổi!

Bản báo cáo của tôi nhan đề “Một nền văn hoá mới”, do thời gian quá gấp, không thể đọc được, vì vậy, theo đề nghị của anh Toàn (tức Trường Chinh), tôi chỉ nêu lên trước đại hội một số điểm chính.

Lúc này, hết buổi sáng, đến giờ giải lao, anh Tống (Phạm Văn Đồng) thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội thông báo đúng một câu hết sức ngắn gọn, thân mật nhưng không thiếu phần trịnh trọng: “ Chiều nay, đồng chí Hồ Chí Minh sẽ tới báo cáo về công tác ngoại giao”. Ngoài câu đó, anh không nói gì thêm về “đồng chí Hồ Chí Minh” nữa.

Anh Tống thông báo xong, nhiều tiếng xì xào nổi lên. Hầu hết các đại biểu đều hỏi nhau: đồng chí Hồ Chí Minh là ai. Mọi người đều thừa nhận: Hồ Chí Minh, cái tên rất hay nhưng rất lạ.

Giờ nghỉ trưa, các anh Dương Đức Hiền, Phan Mỹ, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Hoàng Đạo Thúy, Huy Cận, tôi và một số anh khác đều nói cho nhau biết: ai nấy, từ hôm qua đến hôm nay, đều không thấy Nguyễn Huy Tưởng trong đại hội mặc dầu anh Tưởng có tên trong danh sách đại biểu. Chúng tôi đều ngóng đợi và đều nghĩ: tuy lên chậm nhưng may ra Nguyễn Huy Tưởng có thể dự được phần cuối của đại hội.

Sau giờ giải lao, ăn trưa và nghỉ ngơi, khoảng một giờ chiều, mọi người trở lại ngôi đình.
Trong khi Ban tổ chức chưa có ai lên giới thiệu chương trình làm việc buổi chiều thì ... thì …
…một cụ già gày gò, dong dỏng cao, chòm râu cằm lưa thưa còn đen chưa bạc, vầng trán cao, đôi mắt hiền từ nhưng đặc biệt sáng vận bộ quần áo Nùng màu chàm giống hệt một ông ké người Nùng bất ngờ chống gậy, dáng yếu mệt, không rõ từ đâu, bỗng nhiên từ từ bước vào hội trường.

Không ai bảo ai, toàn thể các đại biểu đều bị hút theo cái hình bóng vừa lạ lùng vừa quen thuộc – vừa cao siêu vừa gần gũi – vừa trí thức vừa bình dân – vừa miền xuôi vừa miền ngược – vừa gày yếu vừa cứng cỏi ấy!!!

Sự thống nhất giữa những nét tương phản toát ra một cách tự nhiên từ phong thái của cụ già làm cho không khí hội trường đã ấm cúng càng trở nên ấm cúng!

Hai đồng chí Trường Chinh và Phạm Văn Đồng đã ngồi xuống bên một vài vị trong Đoàn chủ tịch. Nhưng Cụ già không ngồi. Cụ đứng ngay cạnh, phía sau đồng chí Trường Chinh.

Ngồi gần tôi, anh Hoàng Đạo Thuý ghé sang nói nhỏ: Đúng rồi! Đúng rồi! Đúng là Nguyễn Ái Quốc, nhân vật mà mình đã từng được nhiều lần nhìn thấy qua ảnh chụp trên báo chí từ hồi mình còn trẻ!

Cả hội trường đột nhiên xôn xao một lúc, khoảng vài ba phút. Nhiều tiếng xì xào rất nhỏ: Nguyễn Ái Quốc! Nguyễn Ái Quốc! Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc!

Cụ Hồ thản nhiên trước những lời bàn tán, xì xào.

Khi không khí hội trường trở lại yên lặng, từ phía sau đồng chí Trường Chinh, Cụ Hồ chống gậy, từ từ bước ra phía trước dãy ghế của Đoàn chủ tịch. Rồi vẫn gắng gượng đứng và hướng về phía các đại biểu, Cụ bắt đầu phát biểu mà không có ai giới thiệu !

Toàn thể các đại biểu bị thu hút mãnh liệt bởi hình ảnh thân mật và bình dị khác thường đó!!!

Không theo thói quen của một diễn giả mới lạ trước người nghe, Cụ không tự giới thiệu vắn tắt mấy nét về bản thân mình. Trái lại, Hồ Chí Minh nói ngay một cách tự nhiên, cứ như giữa Cụ và toàn thể các đại biểu đã quen biết nhau từ trước. Cụ phát biểu từ tốn, thong thả, thân mật như nói chuyện bình thường. Giọng cụ ấm, gần gũi mà âm vang như những tiếng chuông. Tôi (Nguyễn Đình Thi) xin nhắc lại: giọng Cụ ấm, gần gũi mà âm vang như những tiếng chuông.

Không theo thói quen của các diễn giả, nghĩa là bắt đầu bài nói bằng những lời phân tích tình hình trong nước và quốc tế, trái lại, Cụ Hồ bắt đầu kể lại một câu chuyện. Đó là câu chuyện một trung uý phi công Mỹ bị pháo cao xạ Nhật bắn rơi, được Việt Minh cứu và đưa sang Trung Hoa gặp lại đơn vị của anh ta và vì vậy, vị Tư lệnh không quân Mỹ ở Trung Hoa đã mời đại biểu của Việt Minh sang gặp ông. Cụ kể tiếp: Ở Trung Hoa, vị đại biểu đó (chính là Hồ Chí Minh) đã gặp gỡ thân mật các nhân vật Mỹ, Pháp, Trung Hoa Dân quốc (tức Trung Hoa của Thống chế Tưởng Giới Thạch, cụ nói rõ: Thống chế Tưởng Giới Thạch) tại Trùng Khánh và Côn Minh.

Nói đến đây, Cụ Hồ mới bắt đầu đi vào thực tiễn Việt Nam những ngày cực kỳ khẩn cấp giữa tháng Tám 1945 đó.

Trong bầu không khí nghiêm trang, tất cả mọi người đều chăm chú lắng nghe.

Cụ nói tiếp: Thế nào đại diện của Đồng Minh cũng sẽ vào Đông Dương sau khi Nhật đầu hàng không điều kiện. Trong bối cảnh ấy, nền độc lập của Việt Nam chắc chắn sẽ bị đe doạ từ nhiều phía. Gần đây, Việt Minh có chuyển đến đại diện Chính phủ Pháp một bản yêu cầu gồm năm điểm với nội dung yêu cầu Pháp thực hiện ở Việt Nam một cuộc phổ thông đầu phiếu bầu ra một nghị viện. Nghị viện này có đại diện nước Pháp làm Chủ tịch, nghị viện này thực hiện các quyền tự do mà Hội Quốc liên đã đưa ra và sau năm năm, Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, nghĩa là Pháp phải thừa nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền.

Ngừng một lát, Cụ Hồ hỏi: có vị đại biểu nào hỏi gì không. Chưa ai kịp lên tiếng, Cụ đề nghị luôn: xin mời các vị tự do đặt câu hỏi với tôi, tôi sẽ cùng các vị thảo luận đến nơi đến chốn.

Không rụt rè, một vài đại biểu đưa ra những thắc mắc, những câu hỏi rất thiết thực và rất chân thành. Tôi còn nhớ một đại biểu đã hỏi tại sao Việt Minh lại yêu cầu Chính phủ Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam sau năm năm Việt Nam có một nghị viện do phổ thông đầu phiếu bầu ra.

Vị đại biểu đặt vấn đề một cách chân thành nhưng lời lẽ căng thẳng và có vẻ bực bội.
Mặc dầu không giấu nổi vẻ yếu mệt, Cụ Hồ vẫn tươi cười, từ tốn và nhã nhặn đáp lại. Đại ý: Bây giờ, chúng ta chưa có gì mạnh khiến cho Pháp chịu thương lượng. Muốn Pháp chịu thương lượng, ta phải có thời gian đoàn kết xây dựng lực lượng mọi mặt để đủ mạnh ở mức cần thiết. Thời gian ấy, theo Cụ và các đồng chí của cụ trong Tổng bộ Việt Minh, khoảng năm năm.

(còn nữa)

[1tức Nhật Hoa Khanh, tên thật là Nguyễn Huy Đức, sinh năm 1941 tại Hà Nội, hiện đăng ký nhân khẩu thường trú tại phường 3, quận 10, TP HCM. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1961, sau đó dạy học ở Tây Bắc một thời gian rồi chuyển về miền xuôi làm việc tại Sở Giáo dục tỉnh Hải Hưng (cũ) rồi Sở Giáo dục Hà Nội. Từ năm 1979, NHK chuyển sang làm phóng viên Báo Sài Gòn Giải phóng cho đến năm 1981 thì bị buộc thôi việc. Sau đó, ông làm việc cho một số tờ báo khác cho đến năm 2002 thì nghỉ, chuyển từ TP HCM ra Hà Nội.