Làng Lỗ Giao

Làng Lỗ Giao thuở xa xưa là “Lỗ Giao trang”, là một làng nhỏ (năm 1928 chỉ có 684 nhân khẩu, hiện nay cũng chỉ có trên 1560 người); diện tích chừng 30 héc ta (chưa đầy 90 mẫu).

Tuy là làng nhỏ, nhưng đầu thế kỷ thứ XIX, Lỗ Giao vẫn là một xã độc lập thuộc tổng Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ năm Minh Mạng thứ ba - 1822 đổi làm trấn Bắc Ninh, năm thứ 12 - 1831 đổi làm tỉnh Bắc Ninh).

Năm Tự Đức thứ 29 (1876), cả tổng Cổ Loa được tách khỏi huyện Đông Ngàn, để nhập huyện Đông Anh mới được thành lập. Từ tháng 10-1901, huyện này được chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về tỉnh Phù Lỗ (tháng 2-1904, đổi tên thành tỉnh Phúc Yên).

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Lỗ Giao nằm trong xã Âu Lạc, đến tháng 4-1949 xã này nhập với xã Uy Sơn thành xã Việt Hùng thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (từ năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc). Sau Cải cách ruộng đất, xã Việt Hùng được chia thành hai xã : Việt Hùng và Uy Nỗ. Xã Việt Hùng gồm các thôn : Lỗ Giao, Dục Nội, Gia Lộc, và Lương Quán. Tháng 5-1961, xã cùng các xã khác trong huyện Đông Anh được chuyển về thành phố Hà Nội.

Lỗ Giao là một làng nông nghiệp nửa chiêm nửa mùa, song phần lớn ruộng đất đều là ruộng công (trước Cải cách ruộng đất còn 28 mẫu ruộng công, 44 mẫu ruộng đặt hậu; số ruộng này dùng để đấu thầu hàng năm, phục vụ vào việc hành chính và tế tự ; ngoài ra còn có 3 mẫu ruộng giao cho nhà giàu quản lý) nên người nông dân trong làng thường phải nhận làm tô trên ruộng của các địa chủ.

Làng Lỗ Giao có ngôi đình đã được xếp hạng năm 1998, song là đình nhỏ, kiến trúc và điêu khắc không có gì nổi bật. Đình thờ ba vị thần là Cao Sơn và Quý Minh (anh em con chú con bác với Tản Viên Sơn Thánh). Theo bản khai thần tích còn lưu thì hai vị thần cùng sinh ngày mồng 4 tháng Giêng và cùng hóa ngày 11 tháng Một. Vị thần thứ ba là ả nương Chĩnh Tĩnh phu nhân - một tướng của Hai Bà Trưng, giúp Hai Bà đánh đuổi Tô Định, giành lại quyền độc lập cho đất nước năm 40 sau Công nguyên. Thần không rõ ngày sinh, chỉ biết ngày hóâ là mồng 10 tháng Ba.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, lệ tục của làng Lỗ Giao khá phiền phức. Bản hương ước lập năm 1925 quy định mỗi năm ngoài các kỳ sóc, vọng, làng có 10 kỳ lệ tục, tổng chi phí hết 271 đồng, trong đó lễ đại kỳ phúc vào ngày 10 tháng Tám là lớn nhất (chi phí hết 30 đồng). Việc khao vọng cũng rất nặng nề và điều đáng nói là nặng với cả người lên lão (ở tuổi 50, phải nộp cho làng 10 đồng, không kể lễ khao) và người 18 tuổi muốn có chân trong hội tế lễ (nộp cho làng 8 đồng), nhiều hơn cả mức nộp của những người được bầu làm chánh phó hội. Về tang lễ, làng chia thành ba lệ (ba bậc nộp tiền) để cắt cử chấp hiệu và số đô tùy (bậc 1 nộp 3 đồng, cử 2 chấp hiệu và 20 đô tùy; con số tương ứng với bậc 2 và bậc 3 là 2 đồng - 1 đồng, 2 - 1 chấp hiệu và 18 - 12 đô tùy). Tuy nhiên, làng có một tục hay là trọng người già cả. Trong đình chia làm hai ban ngôi thứ, ban bên trái dành cho những người có chức tước, học vị (theo các thứ bậc trên xuống); ban bên phải gồm hai bậc, bậc một dành cho các cụ từ 60 tuổi trở lên, bậc hai dành cho các cụ dưới tuổi 60.

PGS.TS Bùi Xuân Đính