Làng Nam Đồng

Đầu thế kỷ XIX Nam Đồng còn là một trại (chưa trở thành phường hay xã), thuộc tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Năm 1831 thuộc tỉnh Hà Nội); đến năm 1915 thuộc tổng Yên Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông; năm 1942 lại cắt về Đại lý Đặc biệt Hà Nội.

Đất làng Nam Đồng kéo từ Cống Đá (cống sông Lừ trên đường Hà Nội - Hà Đông) ở phía Bắc; phía Nam giáp làng Khương Thượng; phía Đông là sông Lừ, cũng là ranh giới với làng Trung Tự; phía Tây là làng Thịnh Quang (tiếp giáp khu nhà thờ Nam Đồng).

Làng Nam Đồng có ba xóm : xóm Đầu, xóm Giữa và xóm Ngoài. Dân làng thuộc năm họ gốc là : Nguyễn (ba họ khác nhau), Đặng và Phạm. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Nam Đồng là một làng ít dân (năm 1928 có 540 người), diện tích hẹp hơn các làng bên; đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX). lại bị cắt khá nhiều đất để lập ấp Thái Hà, mở rộng đoạn đường từ thị xã Hà Đông vào Hà Nội qua làng (phố Nam Đồng cũ, nay là phố Nguyễn Lương Bằng) và xây nhà thờ Nam Đồng. Ruộng công chia cho mỗi suất đinh được 2 sào, song đa số dân làng thường đem ruộng cho bán thuê để nam giới thì đi làm thợ xây, phụ nữ làm phu hồ. Một số người từ thợ xây dần dần làm thầu khoán, làm ăn khá phát đạt, mua được cả nhà ngoài phố. Song nhìn chung, đa số dân làng xưa kia rất nghèo.

Làng Nam Đồng có ngôi đình ở xóm Đầu (nay ở số nhà 73 phố Nguyễn Lương Bằng), thờ Lý Thường Kiệt -vị anh hùng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống năm 1076-1077. Hội làng tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Hai. Làng còn có ngôi chùa mang tên “Càn An”. Trong chùa còn hai tấm bia, một tấm có niên hiệu Vĩnh Tộ thứ ba (năm Tân Sửu -1621), một tấm có niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1897) nói về quá ttình xây dựng chùa.

Đầu phố Nguyễn Lương Bằng có ngõ Đình Đông, bên trong có ngôi đình Đông Các, tức đình của giáp Đông Các, phường Thịnh Quang. Trong đình còn còn hai tấm bia cổ, một tâm do Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho soạn năm Chính Hòa thứ 13 (1692), một tấm do Tiến sĩ Đỗ Công Quỳnh -người làng Thái Bình-Hoa Lâm, nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh soạn năm Chính Hòa thứ 25 (1704) đều nói về việc dựng và tu bổ đình. Đình thờ Tây Hưng đại vương (không rõ lai lịch) và ba nhân vật huyền thoại là Anh Đoàn đại vương, Hoàng Thái hậu Phương Dung và Bảo Hoa công chúa.

Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, Nhà Chung mua lại một trại nuôi bò sữa của một người Pháp lấy vợ Việt để dựng tại phố Nam Đồng một Tu viện để đào tạo các thầy dòng. Đến cuối thập kỷ này, Tu viện được mở rộng. Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, người ta cho lập một bàn thờ nhỏ, giáo dân các nơi về đây làm lễ rất đông, Tu viện biến thành Nhà thờ.

Vào những năm 1926-1926, ngôi nhà 68 phố Nam Đồng là một điểm liên lạc và hội họp của Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Làng Nam Đồng từ sau hòa bình lập lại hình thành nhiều khu tập thể, trong đó, đông đúc nhất là khu tập thể của quân đội.

TS Bùi Xuân Đính