Làng Thượng Đình

Thượng Đình (làng Mọc Thượng) là một trong 7 làng Mọc nổi danh của đất Thanh Trì xưa. Làng nằm kề cận đường Lai Kinh (đường Thiên lý từ phía Tây vào Kinh đô Thăng Long, tức Quốc lộ 6 hiện nay).

Từ xa xưa, hai làng Thượng Đình và Hạ Đình là một khối thống nhất, có chung hai ngôi đình: đình Thượng (sát chùa Tam Huyền) thờ Đức Thánh Từ Vinh và đình Hạ (khu vực Nhà máy Cao su Sao vàng hiện nay), thờ Đông Hải đại vương Đoàn Thượng - thế lực quân sự cuối thời Lý. Về sau, khối dân phía cuối làng tách ra thành làng riêng, gọi là Hạ Đình, có đình riêng, thành hoàng riêng.

Đầu thế kỷ XIX, làng Thượng Đình cùng với làng Hạ Đình nằm trong một xã mang tên Nhân Mục Cựu thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng; từ năm 1831, thuộc tỉnh Hà Nội. Khoảng giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, Thượng Đình tách thành xã độc lập, sang thế kỷ XX, lại nhập với Hạ Đình thành xã Nhân Mục Cựu.

Năm 1915, xã Nhân Mục Cựu thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, đến năm 1942 thuộc Đại lý đặc biệt Hà Nội.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Thượng Đình cùng với Hạ Đinh nằm trong một xã mang tên Thượng Đình. Trong kháng chiến chống Pháp, xã này nhập với xã Tam Kim (Kim Lũ, Kim Giang và Kim Văn) thành xã Kim Đình, huyện Thanh Trì. Tháng 5 - 1956, xã Thượng Đình được nhập vào xã Nhân Chính (quận VII).

Năm 1961, hai làng Thượng Đình và Hạ Đình lại được nhập vào xã Tam Khương (sau đổi thành Khương Đình) thuộc huyện Thanh Trì, gọi chung là thôn Hạ Đình, riêng xóm Tó và xóm Bồ của làng Thượng vẫn thuộc xã Nhân Chính.

Vào đầu thập kỷ 60, phần lớn thổ cư và đồng ruộng của làng Thượng Đình được thu lại để xây dựng các nhà máy xí nghiệp và khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên của cụm công nghiệp Thượng Đình (nay đã trở thành phường Thượng Đình).

Đầu năm 1997, thôn Hạ Đình (gồm cả phần thổ cư của Thượng Đình) được tách khỏi xã Khương Đình để trở thành phường Hạ Đình thuộc quận Thanh Xuân.

Làng Thượng Đình xưa có bốn xóm: Tó, Bồ, Đình và Chùa. Xóm Tó và xóm Bồ hiện nay thuộc địa phận phường Nhân Chính. Trai đinh của làng sinh hoạt trong tám giáp : Ngõ Tó, Ngõ Tiên, Nội Ngô, Nội Đậu, Trung Nhất, Trung Nhị, Tiệc, Ngõ. Năm 1928, làng có 677 nhân khẩu.

Chùa Tam Huyền (Sùng Phúc tự) của làng được dựng vào nửa sau thời Lý (đầu thế kỷ XII); được trùng tu lớn vào các năm 1614 và 1747. Chếch về phía tay phải lăng Từ Vinh xưa là Văn chỉ của làng, cũng là Văn chỉ hàng tổng.

Hội làng Thượng Đình từ mồng 7 đến ngày 10 tháng Giêng, có lệ thi xôi gà giữa các giáp của hai làng Thượng Đình và Hạ Đình vào ngày mồng 10. Dân làng, trai thanh gái lịch nô nức đi xem rước cỗ:

Mồng mười Đình Thượng thi xôi,
Em đi xem hội đôi môi thắm hồng.

Thời phong kiến, làng Mọc Thượng cũng nổi tiếng là đất học với 4 người đỗ Tiến sĩ là Đỗ Lệnh Danh (đỗ năm 1710), làm quan đến Thượng thư, tước Quận công, từng đi sứ sang nhà Thanh; Nguyễn Huy Ngọc (đỗ năm 1748); Nguyễn Quý Ban (con của Nguyễn Huy Ngọc) và Đỗ Lệnh Thiện (cháu nội Đỗ Lệnh Danh cùng đỗ năm 1787). Ngoài ra, còn nhiều người đỗ Hương cống thời Lê. Thời Nguyễn, làng có ít nhất 8 người đỗ Cử nhân.

Xóm Tó làng Thượng Đình là quê gốc của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai. Xóm này từ năm 1961 cắt về xã Nhân Chính (nay là phường), vì thế nhiều sách thường chép bà quê ở xã Nhân Chính.

TS Bùi Xuân Đính