New Year Rites of Viets

Lễ Tết của người Việt

Lễ cúng giao thừa (lễ trừ tịch)

Tết Nguyên Đán chính là điểm giao thời, đúng vào khoảnh khắc năm cũ và mới, gặp nhau và tiễn biệt.

Người xưa cho rằng: vào giao thừa, phút giây cuối cùng của năm cũ, phút giây mở đầu của năm mới, tất cả mọi sự vật trong vũ trụ đều có sự thay đổi vô cùng kỳ lạ . Mọi người hồi hộp chờ đón giây phút thiêng liêng với bao trân trọng, phấn chấn... Đó chính là thời điểm quan trọng và linh thiêng nhất của năm. Đồng thời cũng là thời khắc chuyển từ mùa đông giá rét, khô cằn sang mùa xuân ấm áp, cây cối xanh tươi đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh sôi phát triển. Chính vì vậy lễ cúng giao thừa là một lễ thức rất quan trọng, được tiến hành trịnh trọng với ý nghĩa nhằm "Tống cựu, nghênh tân".

Từ nghìn xưa, người ta sửa soạn lễ vật chu đáo để cúng giao thừa. Tại đình đền (miếu) và tại các gia đình dâng cúng thần linh bằng cỗ mặn, ở các chùa chiền thì dâng Trời Phật cỗ chay. Trước đây, việc cúng lễ giao thừa ở các đình làng do ông Tiên chỉ hoặc Thủ từ làm chủ lễ, ở các thôn xóm cúng giao thừa ở miếu, văn từ hay văn chỉ của xóm do các vị trưởng lão hoặc người có chức vị cao nhất làm chủ lễ.

Luộc bánh chưng

Bàn thờ được dựng ngoài trời đủ cả hương án, hương, nến; lễ vật có xôi, thủ lợn hay xôi gà, bánh chưng, hoa quả rượu nước, mứt kẹo, cau trầu và vàng mã, thêm bộ mũ áo của quan Hành khiển. Đến giờ giao thừa, trống đình và chuông chùa vang lên thì ông chủ lễ ra khấn lễ thần linh, Thổ công, Thành hoàng làng, sau đó đến lượt dân làng khấn lễ với tất cả lòng tin tưởng đón quan Hành khiển mới về hành sự, cầu xin ngài phù hộ cho dân làng vạn sự may mắn....

Tại chùa làng, các tăng ni, Phật tử cũng tổ chức cúng giao thừa; dâng lễ vật bằng cỗ chay. Lễ cúng gồm có: hương đăng, quả thực, trà nước, cau trầu, vàng mã... sau đó các già, các vãi tụng kinh niệm phật suốt đêm.

Các gia đình thì lập bàn thờ để cúng giao thừa ngoài trời hoặc trước cửa nhà. Lễ vật dâng cúng thần linh gồm xôi gà, trà rượu, hương đăng, hoa quả, cau trầu... Đến lúc giao thừa thì chủ nhà thắp hương khấn vái thần linh, thổ công và mời quan Hành khiển mời cùng táo quân về nhận công việc điều hành của năm mới và cầu xin các ngài phù hộ độ trì cho cả gia đình được bình an khoẻ mạnh, vạn sự như ý...

Ngoài ra, trong đêm giao thừa dân gian còn có tục xông nhà, một người hợp tuổi, vốn hiền lành, có đời sống đầy đủ, gia đình song toàn được gia chủ chọn đến xông nhà sau giao thừa để lấy phước, lấy may.

Lễ cúng tổ tiên ông bà

Chiều 30 tết, các nhà chuẩn bị lễ vật để cúng bái tổ tiên ông bà và cúng Thổ công. Đây chính là lễ cúng tất niên và từ đó đèn nhang phải thắp sáng mấy ngày tết cho đến khi hoá vàng. Việc cúng lễ gia tiên được tiến hành trọng thể nhất là chiều 30 tết để đón tổ tiên ông bà và những người đã khuất về nhà ăn tết. Sáng mùng 1 tết lại long trọng cúng gia tiên (Lễ tân niên).

Lễ hoá vàng, kết thúc việc ăn Tết Nguyên Đán thường được phần lớn các gia đình tổ chức vào ngày mùng ba tết (miền Bắc) hoặc mùng bốn tết (miền Nam). Vào ngày này, mọi nhà đều làm cỗ để cúng tiễn tổ tiên ông bà với đầy đủ con cháu.

Vào dịp tết còn có tục đi chúc tết mừng tuổi, đây là một mỹ tục của người dân đất Việt. Sáng mồng một, các cụ sau khi làm lễ cúng tổ tiên thì ngồi ở nhà thờ họ để con cháu tới lạy mừng chúc tết. Con cháu cầu chúc sức khoẻ rồi dâng lễ vật là món quà hay món tiền đặt trong bao giấy hồng điều để thể hiện sự kính trọng và biết ơn. Món quà hay số tiền mừng tuổi tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa sâu xa là "uống nước nhớ nguồn". Tục đó gọi là "tiền mở hàng", sẽ đem lại nhiều may mắn cho các cụ trong năm mới. Sau đó, các cụ lại chia tiền mừng tuổi cho con cháu để con cháu sẽ gặp điều tốt đẹp và may mắn cả năm.

Cũng theo phong tục cổ truyền, mọi người đi chúc tết gia đình, họ hàng, bạn bè. Ngày mồng một mọi người đều ăn tết và chúc tết ở nhà họ nội, ngày mùng hai thì đi chúc tết ở nhà họ ngoại, ngày mồng ba học trò rủ nhau đi chúc tết các thầy cô giáo.

Tết Thượng Nguyên

Trong dịp tết Nguyên Đán còn có tết Thượng Nguyên (tết ngày rằm tháng riêng âm lịch) được tổ chức trọng thể tại các chùa chiền trong cả nước. Dân chúng nô nức ra chùa đi lễ chùa lễ Phật, đông đủ như dự hội. Dân gian cho rằng, trong ngày rằm tháng giêng Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng kiến độ lòng thành của các Phật tử và dân chúng. Do đó nhân dịp này rất nhiều người lên chùa lễ Phật để cầu phúc, cầu lộc, cầu tài... Dân gian vẫn truyền tụng câu: Lễ Phật quanh năm không bằng lễ ngày rằm tháng giêng.

Có thể nói đến Tết Nguyên Đán là sự tổng hoà của mọi mối quan hệ ứng xử của người Việt Nam với tổ tiên và thế giới tâm linh. Vì vậy, Tết đã tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng. Đó chính là một đặc trưng cơ bản nhất của bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam.

Theo Nguyễn Quang Lê (AU)