Lo ngại khi VN làm điện hạt nhân là có căn cứ

"Những ý kiến lo ngại tương tự, nhất là về vấn đề an toàn hạt nhân, về năng lực quản lý... khi Việt Nam làm điện hạt nhân đều là có căn cứ. Vì vậy Việt Nam không được chủ quan, đốt cháy giai đoạn trong tất cả các bước triển khai dự án".

[navy]Điện hạt nhân mang lại nhiều kỳ vọng cho nền kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn những mối nguy lớn[/navy]

Dừng là quyết định sáng suốt

Vào sáng 16/9/2013, Nhật Bản đã chính thức đưa ra thông tin dừng lò phản ứng điện hạt nhân cuối cùng tại Ohi và không đưa ra khung thời gian có thể tái khởi động.

Đây là đất nước được xem là có bề dày kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân cùng với tiềm lực đáng nể cả về nhân lực, công nghệ cũng như ý thức kỷ luật lao động. Thế nhưng sự cố không lường trước đã xảy ra sau trận động đất và sóng thần Sendai năm 2011 đã khiến nổ lò phản ứng, nhiều người thương vong và hiện tượng rò rỉ phóng xạ đã xảy ra.

Cách đây khoảng 3 tháng, cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản chính thức đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia mới về an toàn hạt nhân, theo đó các nhà máy ĐHN ở Nhật Bản phải hoàn thiện một số phần thiết bị kỹ thuật và các yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn mới được cấp phép vận hành trở lại.

Vì vậy mặc dù có 12 tổ máy đã nộp đơn xin vận hành lại, nhưng vẫn chưa được cấp phép. Ngoài ra 2 tổ máy duy nhất được cho vận hành từ cuối năm 2012 là Ohi 3 và 4 đến tháng 9 này là hết hạn phép.

Như vậy 2 tổ máy này cũng phải dừng để bảo dưỡng theo quy định thông thường, đồng thời nâng cấp thêm như yêu cầu an toàn mới đặt ra, trước khi xin vận hành trở lại. Điều này có nghĩa từ nay đến cuối năm 2013 sẽ không có tổ máy ĐHN nào ở Nhật vận hành.

Theo GS.TSKH Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ và đào tạo Viện Năng lượng Nguyên tử Hạt nhân, việc dừng hoạt động toàn bộ các nhà máy ĐHN ở Nhật Bản là một quyết định sáng suốt và hết sức có trách nhiệm của Chính phủ Nhật Bản, mặc dù không hề dễ dàng.

"Sự cố hạt nhân Fukushima và những hệ lụy đang tiếp diễn của nó chứng tỏ rằng cần xem xét lại một cách thật nghiêm túc vấn đề an toàn hạt nhân trên cả hai phương diện kỹ thuật và quản lý, trong đó yếu tố quản lý và con người đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Bất cứ sự chủ quan nào của nhà quản lý các cấp cũng như của người điều hành trực tiếp nhà máy đều có thể dẫn đến thảm họa”, GS Phát nói.

Còn TS Võ Văn Thuận cho rằng, việc dừng như vậy là để chuẩn bị tốt hơn yêu cầu đảm bảo an toàn hạt nhân, chứ không phải là vì tình huống bị đình chỉ do tai nạn. Tuy nhiên đa số dư luận Nhật Bản hiện đang tiếp tục phản đối ĐHN, vì nhiều người vẫn rất lo lắng sau tai nạn Fukushima.

“Chính phủ Nhật Bản sẽ phải có nhiều cố gắng để nâng cao an toàn hạt nhân, đồng thời có thông tin đầy đủ, rõ ràng về những cố gắng nâng cấp quản lý an toàn, thì mới có thể thuyết phục được nhân dân, khôi phục được hoạt động của các nhà máy ĐHN”, TS Thuận nói.

TS Thuận cho rằng, bài học Fukushima rất đắt giá, nhưng cũng cho nhiều kinh nghiệm rất quan trọng để Nhật và các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn các tai nạn tương tự, nhất là tai nạn ở mức gây ô nhiễm phóng xạ ra môi trường.

Chưa thực sự yên tâm

Từng phát biểu trên báo chí, GS Nguyễn Khắc Nhẫn, Nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF), cho rằng Việt Nam có thể sẽ bị chia cắt ra làm đôi, trong khi xuất khẩu, kinh tế bị tê liệt ngay tức khắc và toàn bộ dải đất miền Trung sẽ bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm trong nhiều năm nếu xảy ra một thảm họa hạt nhân như vụ Tchernobyl hay Fukushima.

GS Trần Hữu Phát cho rằng ý kiến này cũng cần được quan tâm đúng mức. Vấn đề là Chính phủ phải chỉ đạo để không để xảy ra sự cố hạt nhân đáng tiếc tại Ninh Thuận. “Bản thân cá nhân tôi cũng chưa thực sự yên tâm với cách điều hành dự án ĐHN hiện nay”, GS Phát nói.

Sở dĩ những lo ngại này vốn xuất phát từ câu chuyện chúng ta vẫn còn thiếu nhiều thứ cần thiết khi bước vào phát triển ĐHN.

Song TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam lại không tin giả thiết như vậy sẽ xảy ra. Theo TS Thành, đã làm điện hạt nhân thì phải đảm bảo được an toàn, nếu không thì chẳng làm để làm gì cả. "Giả thiết giống như thiên thạch rơi vào trái đất", TS Thành nhận định.

Còn TS Võ Văn Thuận thì lo ngại: chúng ta còn nhiều vấn đề khó khăn phải giải quyết trước khi có thể yên tâm là Việt Nam có đủ năng lực sử dụng ĐHN, trong đó có vấn đề thiếu nhân lực, thiếu kiến thức, kinh nghiệm v.v.

Chủ trương chấp nhận sử dụng ĐHN ở Việt Nam là kết quả nghiên cứu cân nhắc gần 30 năm, trong đó có sự thảo luận của các chuyên gia Việt Nam và hợp tác với IAEA và với các nước.

Dù cho rằng Việt Nam đã làm được rất nhiều việc cụ thể như: đã cử đi đào tạo khoảng 200 sinh viên về ĐHN, cử nhiều công nhân đi làm việc, thực tập trên công trường xây dựng ĐHN ở Nga; xây dựng được rất nhiều văn bản pháp quy và một số tiêu chuẩn cụ thể về hướng dẫn an toàn hạt nhân và đánh giá lựa chọn địa điểm… song TS Thuận vẫn bày tỏ lo ngại.

Theo ông Thuận, đối với nước đang phát triển như Việt Nam, vốn là nước còn nghèo, lại đang trong tình hình chung khủng hoảng kinh tế toàn cầu, không thể quá nhanh chóng có được đầy đủ những yếu tố, phẩm chất để làm chủ ngay ĐHN.

“Những ý kiến lo ngại, nhất là về vấn đề an toàn hạt nhân, về năng lực quản lý v.v. đều là có căn cứ”, TS Thuận nhấn mạnh.

Vì vậy TS Thuận cho rằng, Việt Nam không được chủ quan, đốt cháy giai đoạn trong tất cả các bước triển khai dự án.

“Nếu nghiêm túc chuẩn bị trong 10 năm, chúng ta sẽ có những tiến bộ rõ ràng, có thể vận hành nhà máy với sự trợ giúp của các chuyên gia đối tác và từng bước sẽ chủ động trong quản lý mọi mặt của nhà máy ĐHN”, TS Thuận tin tưởng.

Bích Ngọc, ĐV