Bài giảng Đông kinh nghĩa thục

Lòng ái quần

Một đứa trẻ con dù người mạnh khỏe cũng không dám lăng nhục, đâu phải vì sợ nó mà là sợ cha mẹ, bà con nó và những người quen biết nó. Cho nên giả sử chúng ta sống lẻ loi thì đứa sất phu có sức khỏe, mãnh thú có nanh vuốt, côn trùng có nọc độc đều có thể làm hại và loài người sẽ tuyệt diệt. Sở dĩ chúng ta tồn tại hàng ngàn năm nay là do quần tụ với nhau. Bẻ một mũi tên thì dễ, bẻ gãy mười mũi tên thì khó. Một người chèo thuyền thì chậm, mười người cùng chèo thì nhanh. Số người quần tụ đông thì sức mỗi người càng mạnh. Cho nên loài người chưa có ai xa lìa xã hội mà sống sót. Nhưng trong xã hội, sức đoàn kết mạnh hay yếu là do tinh thần ái quần của mỗi người cao hay thấp, rộng hay hẹp quyết định. Nước ta trước nay chỉ biết kết hợp từng nhóm nhỏ mà tu sửa chùa chiền, cúng bái, cầu đảo, chưa hề biết đoàn kết tất cả mọi người trong nước với nhau để giúp nhau chống lại bọn lăng nhục ta. Thậm chí có kẻ còn ỷ vào thế người khác mà xem nhờn đồng chủng. Than ôi! Nước ta hơn hai mươi triệu dân họp thành một khối lớn mà không thoát khỏi vòng nô lệ, chẳng phải vì như thế kia sao?

(Trích sách "Quốc dân độc bản", Đông kinh nghĩa thục)