Lược khảo NGUỒN GỐC THƠ MỚI

Khi một quốc gia nhược tiểu bị một quốc gia hùng cường từ vật chất (kinh tế, quân sự …) đến tinh thần (văn hoá) xâm lăng thì cái hậu quả đầu tiên mà quốc gia nhược tiểu phải hứng chịu là sự xáo trộn trong nền văn hoá của họ. Và trong cơn xáo trộn văn hoá đó, thi ca thường bị ảnh hưởng rõ rệt nhất. Ấy vì thi ca, một hình thức cao nhất của văn học, là tấm gương phản chiếu đầy đủ và đứng đắn nếp sinh hoạt tinh thần lẫn vật chất của dân tộc.

Cho nên ta có thể nói rằng nền văn học Việt Nam, đặc biệt thơ, là một nền văn học hội nhiều góc cạnh phối hợp đặc thù và ẩn tàng nhiều chất liệu tranh đấu mà ít nền văn hoá nào khác được vậy.

Suốt gần 5000 năm dựng nước, triền miên điêu đứng với "một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây" dân tộc Việt Nam đã lần lượt hấp thụ hai nền văn hoá phong kiến Tàu và thực dân Tây mà không hề làm mất bản chất, sắc thái riêng biệt của dân tộc:

- Sau một thời gian xâm nhập Việt Nam, chữ Hán liền bị biến thể thành chữ Nôm (1), Hàn Thuyên (2), một người việt đã can đảm khởi xướng phong trào làm thi phú quốc âm việt bằng chữ Nôm với những luật tự biến chế phỏng theo Đường Luật (luật nầy sau gọi là Hàn luật). Chữ Nôm đã cho ta những tác phẩm bất hủ, tuy nội dung vay mượn của Tàu, như Kim Vân Kiều của Nguyễn Du ; Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu …
Tóm lại chữ Hán đã đem một phần hùn lớn cho ta. Ngày nay đọc hay nói những chữ khái niệm, xã hội, quá khứ, quốc gia, độc lập v.v… ta không còn thấy sượng sùng, xa lạ nữa.

- Thời Pháp thuộc cũng vậy, những chữ Pháp nào lọt vào Việt Nam đều bị "nung nấu" Việt hoá cả. Ví dụ: cái bù-loong (boulon), cái tách (tasse), trái banh (balle) … Và cao hơn nữa trong địa hạt văn chương, thi ca Việt Nam bị ảnh hưởng thi ca Pháp nhiều. Có thể nói "hình ảnh Thơ Mới trong thi ca VN là hình ảnh thi ca Pháp thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20 thu hẹp lại". Thu hẹp ở đây xin hiểu là gạn lọc, thích nghi. Thật vậy, tuy bắt chước thi ca Pháp rất nhiều nhưng các thi nhân Việt Nam đã đào thải không tiếc nuối những lối thơ định thể như Ode, Ballade, Rondeau … vả ngay như lối thơ Alexandrin (thể thơ 12 chân) cùng lối Octosyllabique (thể thơ 10 chân) cũng đã chết yểu ở Việt Nam (3).

Vết tích rõ rệt còn lại của thực dân Pháp trong tâm hồn người việt chúng ta ngày nay, tựu trung, là Thơ Mới.

Nhà phê bình thi ca Hoài Thanh có nói: « Cái ngày người lái buôn phương tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng hàng hoá phương tây cái mầm sau nầy sẽ nảy thành Thơ Mới ». Câu nói đó tưởng viễn vông như hạc nội mây ngàn, nhưng xét kỹ lại thì thật là thông suốt và khám phá biết bao ! Song những người đi trước đã đồng ý lấy năm 1913 làm cái mốc lịch sử Thơ Mới, cho nên để tránh sự rườm rà, chẻ sợi tóc làm bốn, chúng ta cũng lấy năm 1913 làm bằng cớ và chỉ thêm năm 1932 là năm Thơ Mới được thể hiện trong thi ca Việt Nam.

Năm 1913, trong Đông Dương tạp chí số 40, người ta thấy xuất hiện lần đầu tiên bài thơ CON VE SẦU và CON KIẾN do ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ bài thơ ngụ ngôn LA CIGALE et LA FOURMI của J. De Lafontaine:

Con ve sầu

Kêu ve ve

Suốt mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi

Nguồn cơn thật bối rối

………

Ve rằng: " Luôn đêm ngày

Tôi hát, thiệt gì bác ? "

Kiến rằng: " Xưa chú hát

Nay thử múa coi đây ".

Trong mấy đoạn đầu bài thơ nầy, số chữ của năm câu đầu thoát khỏi quy luật dùng chữ của Thơ Đường và trong đoạn năm chữ sau, vần là vần ôm: Vần bình ôm vần trắc, là thứ vần chưa hề được dùng cho đến lúc đó (1913).

Bốn năm sau, Phạm Quỳnh, một học giả có tiếng bảo thủ, lên tiếng đả kích Thơ Đường. Họ Phạm cho Thơ Đường là lối thơ « bắt thi nhân không được tùy cái sống ngổn ngang ở trong lòng mà khi cao, khi thấp ; khi ngắn, khi dài » tức « làm mất cái giọng tự nhiên đi ít nhiều ». Kế đó ông phê bình bài Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan: « Rằng hay thì thật là hay. Nhưng hay quá, khéo quá phần nhân công nhiều mà vẻ tự nhiên ít, quả là một bức tranh cảnh vậy ».

Mãi đến năm 1932 (như đã nói trên), Phan Khôi, một nho sĩ có tây-học, đem vấn đề Thơ Mới ra bàn trong báo Phụ Nữ Tân Văn số 122:

Phan Khôi tự giới thiệu: « Trước kia, ít ra trong một năm tôi cũng có năm bảy bài, hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng chữ Nôm ; mà năm bảy bài của tôi, không phải nói phách, đều là năm bảy bài nghe được » (4). Ông kết án Thơ Cũ vì «bị câu thúc quá nên mất chơn» và ông bày ra một lối thơ « đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết và tạm mệnh danh là Thơ Mới ». Và cho đăng kèm bài Tình Già:

Hai mươi bốn năm xưa

Một đêm vừa gió lại vừa mưa …

Dưới ngọn đèn mờ,

Trong gian nhà nhỏ

Hai mái đầu xanh kề nhau than thở:

Ôi ! Đôi ta, tình thương nhau thì rất nặng,

Mà lấy nhau hẳn là không đặng !

Để đến nổi tình trước phụ sau,

Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau !

Hay, nói mới bạc làm sao chớ ?

Buông nhau làm sao cho nỡ ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy,

Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy …

Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng

Mà tính chuyện thủy chung ?

*
Hai mươi bốn năm sau,

Tình cờ đất khách gặp nhau,

Đôi cái đầu đều bạc.

Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được !

Ôn chuyện cũ mà thôi,

Liếc đưa nhau đi rồi,

Con mắt còn có đuôi ...

Không bao lâu sau, bài Tình Già được dịch ra tiếng Pháp:

Ancien Amour

Vingt quatre années avant

Une nuit de pluie et de vent

A la lueur blafarde d’une lampe

Sous un toit étroit

Deux jeunes chevelures tête à tête doucement se lamentaient :

Hélas ! Nous deux, profond est notre amour

Mais impossible est notre union.

L’infidélité succèdera bientôt à l’affection,

Il vaut mieux nous séparer dès maintenant !

- Quoi donc ingrat ?

Comment souffrons-nous de nous abandonner ?

Aimons-nous tant que nous pourrons,

Dieu l’a ainsi décidé, le sort en est jeté…

Nous ne sommes pas époux mais amants,

Pourquoi donc parler de fidélité et d’éternité ?

*

Vingt quatre années après

Rencontre forfuite en un lieu étranger

Deux têtes déjà d’un même argent.

Si l’on ne s’était pas bien connu auparavant

Comment arriverait-on à se reconnaître !

Juste pour se remémorer leur amour d’antan,

Regards furtifs en coin

Dans des yeux en fuseau…

(Nguyễn Trần Huân)

( trích Nhớ cha tôi: Phan Khôi, của Phan Thị Mỹ Khanh, 2001 – HLN có tùy tiện sửa vài lỗi chính tả tiếng Pháp trong sách do sự bất cẩn của biên tập viên nxb Đà Nẵng )

Rồi từ đó, các báo chí, nhất là tờ Phong Hoá, tiếp tục ấn hành những bài thơ mới, gây thành phong trào.

Bài thơ Tình Già là một "biến cố văn học" ; một cuộc cách mạng phá đổ toà thành thơ Đường vốn đã phong kín tâm hồn dân tộc Việt non ngàn năm, và kéo theo cuộc bút chiến kỳ thú suốt chín năm trường (1932 – 1941).

Thế chiến được giàn thành hai mặt:

- Mặt trận bảo thủ thơ cũ ( Thơ Đường ) gồm có: Hùynh Thúc Kháng, Tùng Thành, Nguyễn Văn Hanh, Thái Phỉ, Tùng Lâm, Lê Cường Phụng.
- Mặt trận theo Thơ Mới tráng kiện và hùng hậu hơn : "chủ soái" Phan Khôi, "diễn giả" Nguyễn Thị Khiêm (Nguyễn Thị Manh Manh), "lao công" Thế Lữ cùng phe cánh: Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên, Đỗ Đình Vượng, Trương Tửu, Lê Tràng Kiều …

Xin trích lục ra đây vài bài thơ "pháo thủ" của đôi bên:

Trách bác Phan Khôi khéo rắc rối,

Noi gương Hồ Thích làm thơ mới ;

Câu dài, câu ngắn chẳng ra sao,

Vần đụp, vần đơn nghe thật thối.

Hăng hái, Thị Khiêm diễn thuyết khen,

Nhiệt thành, Thế Lữ lao công mãi.

Phải chăng muốn diễn ý tân kỳ

Hay tại làm thơ cũ kém giỏi ?

(Tùng Thành)

Vũ Đình Liên không trả lời thẳng nhưng thâm trầm đưa ra hình ảnh đáng thương hại của thời nho mạt trong bài Ông Đồ Già:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

*

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

"Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay".

*

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

NgườI thuê viết nay đâu ?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu.

*

Ông đồ vẫn ngồi đây

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

*

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?

(Vũ Đình Liên)

Thi sĩ ngông Tản Đà cũng chẳng tha Thơ Mới:

Đờn là đờn

Thơ là thơ

Thơ thời có chữ, đờn có tơ.

Nếu không phá cách vất điều luật,

Khó cho thiên hạ đến bao giờ ?

Bá Nha xa,

Lý Bạch khuất,

Thơ có họ Phan, đờn họ Quách !

Thơ có chữ

Đờn có tơ,

Đờn thời ngớ ngẩn, thơ vẩn vơ.

Tài tử giai nhân những rứa rứa,

Bút huê ngao ngán bạn đề thơ.

(Tản Đà)

Và ngay cả Khái Hưng, nhà văn tiền phong trong cuộc cách mạng văn hoá đả phá nếp sống luân lý phong kiến khắt khe, cũng mỉa mai những nhà thơ theo lối Thơ Mới. Ông viết:

Vì thế kỳ báo này

Tôi lại

Viết một câu văn vui, đại khái

Cũng bằng thơ mới

Nói thơ tự do có lẽ phải hơn, vì cứ mỗi lần

Gặp vần là tôi tự do xuống dòng, bất kỳ câu ngắn

Hay dài, từ một đến mười hai chữ.

Như thế hẳn

Chẳng khó khăn gì

Mà bổng mình trở nên một thi

Rồi các nhà phê bình sẽ

Tìm ra cái hay của mình và có lẽ

Tôn bừa mình lên bực thi hào

Thì mình cũng đành nhận chứ biết sao.

(Khái Hưng)

Cùng dăm luận điệu quá khích của song phương:

Nhà cách mạng tiền phong phá đổ thành trì Thơ Cũ (Phan Khôi) cho rằng « thơ chẳng những là một câu nói có vần, có điệu mà còn có ý cảnh nữa. Cái ý cảnh có nên thơ thì mới là thơ. Ý cảnh nghĩa là cái cảnh tạo ra bởi cái ý của tác giả. Nó chiếm hết 9 phần 10 trong câu thơ. Không có nó, chỉ có vần và điệu thì thơ không thành ». Thâm ý của Phan Khôi được giải bày rõ là « thơ cũ chỉ là một loại văn ứng dụng thông thường » vì thơ cũ « chỉ cốt ở sự hiểu, hễ hiểu là được ». Theo ông thì đã gọi là thơ, một loại văn "văn học" thì « chẳng những để hiểu mà cốt ở sự đẹp, có đẹp mới cảm người ». Và ông kết luận : « Những câu nói chỉ theo đúng điệu mà không có ý cảnh nên thơ, thì phải gọi là gì chứ không được gọi là thơ ».

Phái theo Thơ Mới còn cho các nhà thơ theo lối cũ chỉ biết nô lệ mù quáng người Tàu mà không tự sáng tác, sáng tạo nên ý sáo, lời sáo. Vì phải gò ép trong những ước thúc luật lệ nên mất tự nhiên, như vậy là phản lại bản chất của thơ vốn để diễn tả tiếng lòng thiên nhiên của con người.

Họ còn mỉa mai thơ cũ là một trò "trói voi bỏ rọ" vì đem bao nhiêu cảm nghĩ phóng khoáng gói ghém vào trong một cái khuôn nhỏ hẹp 56 chữ (thất ngôn bát cú). Tóm lại phái Thơ Mới cho những nhà thơ phái cũ là những thi công (thợ thơ) chứ không phải là thi sĩ: Vì ai cũng có thể học làm thơ được, song không học làm thi sĩ được. Thi sĩ là một đặc ân thiên phú.

Phái Thơ Cũ đáp lại:

« Thơ Mới bắt chước Thơ Tự Do của Pháp mà chỉ được cái vỏ ngoài nên thành ngớ ngẩn ». Hay « muốn làm thơ mà không chịu theo luật lệ của nghệ thuật hoặc vì khinh thường hay dốt nát thì sao không viết ngay văn xuôi ? ».

Có người còn đi xa quá mức, nặng lời bảo các nhà thơ phái mới chọn thể Thơ Mới vì « không vận dụng nổi thơ luật Đường ».

Song song cuộc tranh luận và bút chiến trên, người ta còn ghi nhận những lời "tiên tri" của những nhà "thần bốc" như ông Lương Đức Thiệp đã khẳng đoán « Thơ Mới không đứng được lâu dài, có lẽ một phần do tính cách Việt ngữ, một loại độc âm ». Ngược lại, ông Nguyễn Tường Bách lại quyết tín « Thơ Mới chắc sẽ đưa văn nghệ nước nhà đến con đường tương lai rực rỡ vì hiện nay (1942) đã sản xuất được nhiều tác phẩm giá trị ». Ý họ Nguyễn Tường muốn nói đến Mấy Vần Thơ của Thế Lữ ; Gửi Hương Cho Gió của Xuân Diệu ; Cô Gái Xuân của Đông Hồ ; Tiếng Thu của Thế Lữ ; Lửa Thiêng của Huy Cận ; Thơ Say của Vũ Hoàng Chương …

Cuộc tranh luận Cũ-Mới được bế mạc vào năm 1941 giữa Huỳnh Thúc Kháng và Phan Khôi trên tờ Dân Báo và Tiếng Dân với sự thắng thế của phái Thơ Mới. Tức thì nhiều người trong văn giới lúc bấy giờ đã vội vàng, bồng bột khoác chiếc áo chiến thắng lên Thơ Mới và cùng lúc sắm ngay chiếc áo quan cho Thơ Cũ vì theo họ, Thơ Cũ và Thơ Mới là 2 đối thủ không đội trời chung.(5)

Quan niệm ấu trĩ và điên khùng đó, may thay, đã không được phổ cập vì cho tới nay, Thơ Cũ và Thơ Mới vẫn cộng tồn song hành. Mỗi lối thơ đều có địa vị xứng đáng trong văn đàn của dân tộc. Sự kiện đó là lẽ tự nhiên vì Thơ Cũ hay Thơ Mới, mỗi bộ môn văn nghệ như bao bộ môn khác, đều là sản phẩm kết tinh bởi sinh hoạt tinh thần và vật chất trong xã hội.

Những người quá khích, say men chiến thắng, không nhận chân tính cách tiếp nối trong văn nghệ … nên đã vội quay lưng với dĩ vãng, phủ nhận xương máu của những gì khác mình, cắt dòng lịch sử ra từng đoạn nhỏ. Thậm chí men chiến thắng đã, một thời, đẻ ra quan niệm "đỉnh cao" : Yêu Thi Ca là (phải) Yêu Thơ Mới ! Họ quên rằng muốn xây dựng một hình thức (tôi nói hình thức) văn nghệ nào hay gì gì đi nữa, trước khi mở cửa hướng về bốn phương trời, chúng ta cần quay về cái di sản văn nghệ của dân tộc (dù thế nào Thơ Cũ cũng mãi mãi là di sản của một phần con dân nước Việt). Quay về di sản đâu có nghĩa là phục hưng, bảo tồn một cách duy ý chí đến hồ đồ tất cả những gì của Thơ Cũ. Và còn tùy (văn chương là một nghệ thuật của chữ Tùy) mức độ nghệ cảm, sự thẩm thức của quần chúng độc giả vốn đã có, nghe nói, non 5000 năm văn hiến. Nếu không, mồ hôi, máu xương và công lao Cách Mạng Thơ Mới sẽ như muối đổ đại dương hoặc bàn dân thiên hạ sẽ ngao ngán nhận ra rằng phái Thơ Mới làm cách mạng là làm riêng cho băng họ để được lên làm thống soái văn đàn trên đất nước cũng vốn đã quá mệt mỏi với chuyện triều đại mới xoay vần xổ toẹt triều đại cũ kiểu thời phong kiến bên Trung Quốc.

Nhìn lại quá trình sáng tác của một vài thi tài lỗi lạc Việt Nam như Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, v.v… thì sự kiện nêu trên càng được sáng tỏ. Cả hai nhà thơ nầy, trước khi theo con đường Thơ Mới, đều đã "nhập thân Đường Luật":

Nguyên tác:

Nhạn ơi, tung cánh giữa mưa mây

Khéo léo đừng rơi gói buộc dây

Cái gánh tình si ai gửi đó

Là lời tâm sự nhạn đưa ngay

Đưa người tháng trước hòa thơ tiễn

Đến bến ngày xưa mấy tiệc bày

Hỏi nhớ cùng không người bốn mắt

Bể dâu chửa thấy, thấy gì đây?

(Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân, anh cả của Hàn Mặc Tử)

Bài họa:

Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây

Chầm chậm cho mình gửi mối dây

Về đất Thần Kinh khoan nghỉ đã

Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay

Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi

Chỉ một lòng son muốn giải bày

Này nhạn ta còn quên chút nữa

Con tim non nớt tặng nàng đây!

(Minh Duệ Thị, tức Hàn Mặc Tử)

*

Sống giữa chiêm bao vạn cuộc đời,

Trắng tay sầu ngất tám phương trời.

Thanh gươm quyết tử mài chưa bén,

Ngọn bút mưu sinh giá cũng hời.

Dâu bể hoang mang lòng Phật khóc,

Gối chăn lạnh lẻo tiếng Ma hời.

Bên sông từ đấy hoa mai nở,

Không chút cuồng si tưởng bóng người.

(trích bài Ngẫu Cảm, Vũ Hoàng Chương)

Và ai đã đọc thơ, theo dõi thơ hẳn cũng nhận ra ngay, có những nhà thơ, một đời, sáng tác hàng ngàn bài thơ, song đến nay, nhắc tới họ, người ta chỉ nhớ, thuộc, ngâm nga một vài bài thơ mới rất cũ của họ.

Ngược lại, kẻ nào bài xích triệt để dòng tiến hoá trong văn nghệ, không nhìn về phía trước mặt cũng có tội với quốc dân độc giả. Cái thành trì Đường Luật già cỗi đã không đủ kích thước chất chứa những đổi thay nội tâm, những khát khao, những rạt rào của con người đang ở ngưỡng cửa một cuộc đổi mới thì tại sao lại cản trở cho "tức nước vỡ bờ", để bị kết án là "phản động", "phản tiến hoá", là "lạc hậu" ? Trong khi Thơ Cũ hay Thơ Mới, thành thật mà nói, đều vay mượn của thiên hạ, và cả hai, thử hỏi có món nợ nào không phải trả bằng máu của con dân nước Việt ?

Tóm lại, vấn đề cốt tủy của thơ nói chung không chết trên hai từ Cũ, Mới. Cốt tủy của thơ tiềm tàng ở phần hồn thơ Việt Nam, phần sáng tạo của thi nhân (sáng tạo không phải lập dị). Hơn nữa, trong khuôn viên bát ngát hương cũ - mới, ai dám chắc rằng không có những loài cỏ dại ? Mà Cũ thì sao, Mới thì sao ; Trắng thì sao, Đen thì sao ? Cái chính là Hay ; là Bắt Được ... Thơ.

Hàn Lệ Nhân

CHÚ THÍCH

(1) Chữ Nôm là một thứ chữ, hoặc dùng nguyên hình chữ Nho, hoặc lấy 2,3 chữ Nho ghép lại để viết thành chữ Việt mà người Tàu khi nhìn vào không đọc và hiểu được.

(2) Hàn Thuyên chính là Nguyễn Thuyên. Theo sử chép, năm 1282 ông làm bài văn tế đuổi được cá sấu như việc làm của ông Hàn Dũ bên Tàu nên vua Trần Nhân Tông mới đổi họ ông ra họ Hàn.

(3) Bài nầy không bàn tới Thơ Tự Do. Ông Mộng Sơn đã thí nghiệm lối thơ 12 chữ và đã thất bại. Thể thơ 10 chữ Nguyễn Văn Khen mượn cũng không tồn tại:

Chiều thu. Sau rặng tre xa, mặt trời khuất bóng

Ánh vàng còn rải rác trên cánh đồng xanh rộng

Đám mây chiều trắng xám đã nổi ở chân trời

Từ xa lại, gió thu làm man mác lòng người.

(4) Những bài nói chuyện về thơ của Phan Khôi đăng trên Nam Phong, Đông Pháp, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập sau được đóng thành tập, xb lấy tên là Chương Dân Thi Thoại. Và mới đây, 2001, nxb Đà Nẳng có phát hành cuốn Nhớ Cha Tôi : Phan Khôi, của con gái ông là bà Phan Thị Mỹ Khanh.

(5) Hoàng Đạo trong Mười Điều Tâm Niệm có viết: «… phái thủ cựu đã đi vào nỗi tiêu diệt như đêm tối tan đi trước ánh sáng của vầng thái dương ».

SÁCH THAM KHẢO & TRÍCH LỤC

- VN văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm
- Thi Nhân VN của Nguyễn Văn Còn
- Thi Nhân VN Hiện Đại của Phạm Thanh
- Những Khuynh Hướng trong Thi Ca VN của Minh Huy
- Luyện Văn của Nguyễn Hiến Lê
- Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh & Hoài Chân