“Lương tâm nước Nga” Solzhenitsyn qua đời

Alexandr I. Solzhenitsyn, giải Nobel văn học 1970, nhà văn được gọi là “Lương tâm Nga” vừa từ trần tại nhà riêng ở Moskva ngày 3 tháng 8 năm nay, thọ 89 tuổi.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gửi lời chia buồn tới gia đình nhà văn. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhận xét: Solzhenitsyn là “một trong những lương tâm vĩ đại nhất của nước Nga thế kỷ XX”, “Sự đấu tranh không khoan nhượng, ý tưởng và cuộc đời dài đầy ắp các sự kiện đã biến Solzhenitsyn thành một hình tượng trong sách vở, kế thừa Dostoyevsky”.

Solzhenitsyn sinh ngày 11-12-1918 tại Kislovodsk, vùng bắc Kavkaz. Năm 1941 ông tốt nghiệp khoa toán lý trường đại học Rostov, sau đó nhập ngũ và chiến đấu trong cuộc chiến tranh giữ nước. Về sau ông bị tù 8 năm vì lý do đã dùng những từ bất kính với Stalin trong các thư từ viết cho bè bạn. Tiếp đó ông bị đi đày 3 năm tại Kazakhstan. Năm 1957 được trả tự do, ông dạy tiểu học ở Riazan.

Solzhenitsyn bắt đầu viết văn và có tác phẩm xuất bản từ năm 1945. Tiểu thuyết Tầng đầu địa ngục (xuất bản 1965) và truyện vừa đầu tiên Một ngày trong đời của Ivan Denisovich (xuất bản 1962) cùng một số tác phẩm khác đã khiến ông rất nổi tiếng, đến mức được đề cử nhận giải thưởng Lenin.

Một ngày trong cuộc đời Ivan Denisovich viết về trại tập trung cải tạo lao động dưới thời Stalin được xuất bản với số lượng lớn dưới thời Khrushchev, mang lại tiếng vang lớn và tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô. Nhưng mấy tiểu thuyết tiếp theo của ông như Khám đường ung thư và Vòng tròn thứ nhất đều bị cấm xuất bản. Tại Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ IV năm 1967, Solzhenitsyn phân phát Thư ngỏ, phản đối việc kiểm duyệt báo chí và yêu cầu “hủy bỏ mọi sự kiểm duyệt công khai và bí mật đối với các sáng tác văn nghệ”; vì thế ông bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn Liên Xô (1969). Năm 1970, Solzhenitsyn tham gia Tiểu ban Nhân quyền do nhà vật lý Sakharov đề xuất và trở thành nhân vật bất đồng chính kiến tiêu biểu với chính quyền Xô Viết.

Putin thăm Solzhenitsyn

Tháng 10-1970, Solzhenitsyn được tặng giải Nobel văn học, nhưng phải hai năm sau ông mới đến Stockholm nhận giải.

Năm 1973, tiểu thuyết dài Quần đảo Goulag (còn dịch là Quần đảo địa ngục) của Solzhenitsyn xuất bản tại Paris làm chấn động văn đàn thế giới, tổng cộng đã in hơn 30 triệu bản. “Goulag” là tên viết tắt của “Tổng cục Quản lý các Trại lao động cải tạo”, được Solzhenitsyn gọi là “Quần đảo”, với hàm ý chế độ lao động cải tạo của Liên Xô đã thấm vào mọi lĩnh vực đời sống chính trị và biến thành một “Lãnh thổ thứ hai” của nước này.

Tháng 2-1973, Solzhenitsyn bị trục xuất vì tội danh phản quốc, bắt đầu sống lưu vong ở Tây Đức, Thụy Sĩ. Năm 1976 ông sang Mỹ định cư ở Vermont cùng người vợ thứ hai và ba người con trai. Tại đây, ông đã hoàn tất nốt hai tập của tiểu thuyết Quần đảo địa ngục.

Các tác phẩm của Solzhenitsyn được xuất bản đã làm tăng uy tín của ông tại nước Nga. Trong một cuộc trưng cầu dân ý cuối thập niên 80, có 48% người Nga hy vọng Solzhenitsyn về nước làm Tổng thống.

Năm 1991, trước ngày Liên Xô tan rã ít lâu, Solzhenitsyn được chính quyền mới của nước Nga xóa án, phục hồi quyền công dân Nga. Sau đó (1994) ông trở về tổ quốc như một vị anh hùng. Năm 1997 ông được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Năm 2006, tức 37 năm sau khi Solzhenitsyn nhận giải Nobel, cống hiến to lớn của ông được nước Nga khẳng định bằng việc tặng ông giải thưởng Nhà nước Nga. Tại lễ trao giải, Tổng thống Putin nói, tên tuổi và tác phẩm của Solzhenitsyn gắn liền với số phận của nước Nga. Ngày 12-6-2007 Tổng thống Putin tới thăm ông tại nhà riêng và hai người có cuộc trò chuyện thân mật với nhau.

Một số tác phẩm của Solzhenitsyn đã được dịch ra tiếng Việt trước năm 1975: Một ngày của Ivan Denisovich, Quần đảo Goulag, Tầng đầu địa ngục.

Nguyên Hải