Lương tăng: Mừng ít lo nhiều

Theo quy luật, mỗi lần lương tăng sẽ đồng loạt kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng, cũng như giá xăng, giá điện… Bởi vậy, thông tin lương tối thiểu sẽ tăng 100 nghìn kể từ 1/7 làm người dân mừng chưa được bao đã khiến họ phải đối diện với nhiều nỗi lo khác.

Ngày 24/6, Bộ Nội vụ thông báo việc tăng lương tối thiểu chung thêm 100 nghìn đồng so với mức cũ là 1,05 triệu đang được áp dụng cho cán bộ công chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (8 triệu người) sẽ bắt đầu từ 1/7/2013. Cùng đó, theo dự kiến, kể từ 1/7, giá bán lẻ điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất đồng loạt tăng bình quân 5%.

Trước đó, giá xăng dầu vừa tăng hôm 14/6. Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội cũng vừa có tờ trình HĐND thành phố đề nghị điều chỉnh tăng giá 819 dịch vụ khám, chữa bệnh và giá nước sinh hoạt vì cho rằng ngành nước đang quá thua lỗ… Dự kiến có thể bắt đầu áp dụng cũng từ tháng 7 này.

Một loạt động thái rục rịch điều chỉnh giá, lương tất lẽ dĩ ngẫu dẫn đến đội thêm chi phí cho doanh nghiệp, buộc sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phải tăng giá, hoàn toàn bất đồng với các động thái giảm lãi suất, giảm chi phí sản xuất …kinh doanh cho doanh nghiệp… được nhiều cơ quan công quyền đưa ra trong thời gian gần đây. Không chỉ gây khốn đốn cho doanh nghiệp dân doanh mà còn khiến Việt Nam đánh mất sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, dù thực tế, chính các doanh nghiệp FDI hiện vẫn đang là nguồn lực đóng góp lớn nhất cho xuất khẩu, giảm thiên lệch cán cân thương mại nước ta.

Ông Nguyễn Tuấn Phương - Giám đốc Công ty Thực phẩm Đồng Nai - D&F - than rằng giá xăng dầu đã tăng nên việc tăng giá điện thì doanh nghiệp càng lún sâu vào hố khó khăn: “Chúng tôi đang vật lộn để đẩy sức mua, nếu tăng giá điện nữa sẽ càng khiến sức cạnh tranh của DN yếu đi. Các doanh nghiệp kinh doanh tốt còn chật vật, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì chỉ phá sản, thua lỗ” (Dân Việt).

Thực tế, bài toán cải cách tiền lương vẫn luôn được các chuyên gia và lãnh đạo cấp cao loay hoay xử lý, nhưng đến nay vẫn luôn chỉ dừng ở mức gọi là “bù trượt giá”, dù thực tế có bù được hay không cũng không ai đảm bảo, gần như mang lại công dụng lớn nhất là tăng thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, tăng lương thực chất là cần đến sức mạnh của nền kinh tế và năng suất lao động. Với doanh nghiệp dân doanh, câu chuyện thương thảo mua bán sức lao động tương đối dễ dàng, thuận mua vừa bán, đồng tiền chi ra đảm bảo thu về giá trị sức lao động thỏa mãn chủ doanh nghiệp. Nhưng với khu vực nhà nước, mỗi lần cầm chắc “đã vào biên chế”, gần như cả đời không phải lo lắng bị đuổi việc, góp phần tạo nên hiện tượng ngân sách phải nuôi chí ít 30% công chức ăn bám chỉ biết “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Sự bất hợp lý này đã tồn tại suốt hơn 20 năm đổi mới, và có nguy cơ sẽ còn tiếp tục kéo dài nữa…

Hà Quyên, SM