Lý Quang Diệu nói về nhân tài

Ông Lý nói rằng chính kiến thức đem lại cho bạn cuộc sống tốt đẹp: "Bạn phải xác định rõ ràng rằng kiến thức, học tập và ứng dụng kiến thức vào công việc là cái đem lại cho bạn một cuộc sống tốt. Ngược lại, những ai nghĩ rằng có thể trông cậy vào các mối quan hệ thân sơ, sự luồn lách, gian dối, người đó sẽ gặp trắc trở, bởi đã xem nhẹ việc trau dồi tri thức".
Người tạo dựng nên một nước Singapore giàu có từ một hòn đảo trắng về tài nguyên nói rằng nước ông vẫn còn dựa vào điểm số để đánh giá người tài.

Tài năng và điểm số

"Ở Nhật Bản, trước khi bạn trở thành một kiến trúc sư về cảnh quan thì từ thời tiểu học người ta đã khẳng định bạn có óc thẩm mỹ về màu sắc, hình khối, và dạng thể. Nếu ở những bậc học cao hơn, bạn vẫn thể hiện những tố chất ấy, khi đó, bạn có thể trở thành nhà điêu khắc, hoạ sĩ, kiến trúc sư, nghệ nhân cảnh quan, hoặc người trang trí nội thất. Còn ở Singapore, chúng ta chọn người tùy vào điểm thi các môn toán, khoa học, ngôn ngữ... ở bậc trung học, hoặc dự bị đại học, mà chẳng cần biết họ có năng khiếu gì về thẩm mỹ không. Chúng ta gặp vấn đề về mặt kiến trúc. Chúng ta có những toà nhà rập khuôn. Tôi tự hỏi vì sao. Vì chúng ta đào tạo hoặc sử dụng những người có điểm số cao về các môn kỹ thuật".
Ông Lý Quang Diệu phát biểu như vậy tại cuộc đối thoại kéo dài hơn một giờ đồng hồ hôm 24-10 xung quanh vấn đề phát triển nhân lực, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về nguồn lực con người kéo dài 3 ngày tại Singapore. Khoảng 700 lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế và chuyên gia về nhân sự trên thế giới tham dự hội nghị này.
Ông Lý nhiều lần nói rằng ông mong muốn "nâng cấp" mặt bằng văn hoá, và lòng yêu nghệ thuật của người Singapore, bằng cách mở thêm các trường đào tạo nghệ thuật và không ngừng nhắc nhở người dân thực hiện những hành vi ứng xử đẹp, văn minh. Ông từng thổ lộ rằng ông mê mẩn ngắm nhìn những sinh viên mỹ thuật ở Ý, ở Áo cắm cúi bên giá vẽ trước những kiến trúc trong thành phố của họ. Văn hoá, nghệ thuật có lẽ là những lĩnh vực mà ông Lý ít tự tin nhất khi nói về Singapore: "Bởi vậy, bây giờ chúng ta có những trường chuyên về thể thao, âm nhạc, nghệ thuật và giáo dục thể chất... Và bạn phải nhận diện từ sớm ai có thể là nhạc sĩ, ai là vũ công, ai bơi giỏi, ai có thể là vận động viên".

Những nhà lãnh đạo hạng A

Ông Lý, người rời chiếc ghế thủ tướng vào năm 1990 sau 31 năm nắm quyền và hiện đang là bộ trưởng cố vấn trong nội các của con trai ông, luôn tự hào về những người đã và đang gánh trọng trách phát triển đất nước Singapore, những người mà ông gọi là "nhóm hạng A".
Khi được hỏi liệu Singapore có cần một cách thức lãnh đạo mới trong tương lai, ông Lý gián tiếp trả lời "Không": "Chúng ta phải có một nhóm hạng A... Chúng ta cần những con người "hạng nhất" với đầu óc khôn ngoan, có ý thức về trách nhiệm làm việc vì công chúng, có khả năng thực thi. Đó là nhóm hạng A". Ông cũng nói về quy trình chọn ra "nhóm hạng A": "Những người có tiềm năng làm lãnh đạo sẽ phải qua những cuộc tuyển chọn gắt gao, rồi được đặt vào guồng máy chính trị ít nhất 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ có thời hạn 5 năm, trước khi họ có thể được cất nhắc vào vị trí cao hơn (ý nói ghế bộ trưởng, phó thủ tướng hoặc thủ tướng - PV)". Một dạng lãnh đạo mà ông Lý cho rằng người ta nên tránh, đó là những người "nói giỏi hơn làm": "Người nói hay chưa chắc làm việc hiệu quả. Đó là hai phẩm chất khác nhau. Một chính trị gia giỏi phải có khả năng làm tốt cả hai".
Có một lý do, theo ông Lý, khiến tiêu chí lựa những lãnh đạo trong tương lai sẽ cao hơn, đó là cuộc cạnh tranh trước những nền kinh tế đang lên như Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng bù lại, cũng theo ông Lý, Singapore có sẵn một hệ thống pháp quyền minh bạch, trung chính, và trọng dụng người tài. Và đó là những thứ mà ông Lý tin: "Ấn Độ và Trung Quốc phải mất ít nhất 20 đến 50 năm để theo kịp".