Mario Vargas Llosa, tông đồ của cá nhân và chủ nghĩa tự do

Mario Vargas Llosa (MVLL), Nobel văn chương 2010, là nhà văn thứ sáu của châu Mỹ La tinh đoạt giải này, sau Gabriela Mistral (năm 1945, người Chile), Miguel Ángel Asturias (1967, Guatemala), Pablo Neruda (1971, Chile), Gabriel García Márquez (1982, Colombia) và Octavio Paz (1990, Mexico). Ông chờ đợi giải thưởng này đã từ rất lâu, tên ông thường được nhắc nhở mỗi khi gần đến ngày công bố các giải Nobel lại rộ lên những bàn tán, tiên đoán và cả cá độ về ai sẽ là nhà văn được vinh danh năm nay. Tin ông đoạt giải tất nhiên được nước Peru chào mừng nhưng cũng được coi như vinh hạnh cho cả châu Mỹ La tinh, một vinh dự xứng đáng và lẽ ra phải đến sớm hơn theo nhiều báo chí của các nước này.

Như thường lệ, lý do trao giải, và cũng là chân dung tóm tắt nhà văn, được Viện hàn lâm Thuỵ Điển tuyên bố trong vỏn vẹn một câu: " vì ông đã vẽ lên hoạ đồ của các cấu trúc quyền lực và những hình ảnh sắc bén của sự kháng cự, nổi loạn và thất thế của cá nhân". [1]

Jorge Mario Pedro Vargas Llosa sinh ngày 28 tháng 3.1936 tại Arequipa, một thành phố phía nam Peru, con của ông Ernesto Vargas Maldonado và bà Dora Llosa Ureta. Cha mẹ bỏ nhau ngay từ trước khi Mario sinh ra, cậu bé sống với mẹ và ông bà ngoại ở Cochabamba (Bolivia). Gia đình dời về Piura (Peru) khi ông cụ về làm công chức ở đấy. Năm 1947, cha mẹ Mario quyết định tái hợp và định cư ở Lima, thủ đô của Peru. Mario theo học trường Thiên chúa giáo tại Lima và sau đó được cha gửi vào trường quân đội Leoncio Prado. Tốt nghiệp trung học, ông học luật và văn chương tại Lima và Madrid. Năm 1955, ông thành hôn với bà Julia Urquidi và năm 1959 đến Paris sinh sống, dạy học và cộng tác với thông tấn xã Agence France Presse và Đài truyền hình Pháp. Cuộc đời viết văn của ông bắt đầu với tác phẩm Los Jefes [2] phát hành ở Barcelona năm 1959 nhưng tên tuổi ông chỉ nổi lên trên văn đàn thế giới với quyển La Ciudad y los Perros (1963), kể lại những gì ông đã trải qua tại trường Leoncio Prado và gây nhiều tranh cãi ở Peru. Các sĩ quan của trường đã tổ chức đốt trước công chúng 1000 bản cuốn tiểu thuyết này. Năm 1964, Vargas Llosa ly dị bà Urquidi và năm sau cưới em họ của mình là bà Patricia Llosa. Sau khi sống ở Paris, Lima, Luân Đôn và Barcelona, ông quay trở lại Lima năm 1974 và được bầu vào Viện hàn lâm Peru năm 1975. Ông đã giảng dạy tại nhiều đại học ở Mỹ, châu Mỹ La tinh và châu Âu. Năm 1990, ông ra tranh cử tổng thống ở Peru dưới lá cờ của liên minh FREDEMO nhưng thất bại. Ông là người châu Mỹ La tinh đầu tiên được bầu vào Viện hàn lâm Tây Ban Nha, năm 1994, và chia thời gian sống giữa Barcelona, Madrid, Lima, Paris và Luân Đôn. Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng cho khoá học mùa thu năm nay tại Đại học Princeton ở Mỹ.

Đối với Mario Vargas Llosa (hay được gọi tắt là MVLl), giải Nobel là phần thưởng tột đỉnh và duy nhất còn thiếu cho đến nay trong danh sách các thành tích. Ông đã đoạt nhiều giải quan trọng của văn học tiếng Tây Ban Nha như Premio Internacional de Literatura Rómulo Gallegos (1967), Premio Príncipe de Asturias (1986), Premio Cervantes (1994) và Premio Ortega y Gasset de Periodismo (1999), và các giải quốc tế như PEN/Nabokov (2002) và Grinzane Cavour (2004). Ông cũng đã nhiều lần được phong bằng tiến sĩ danh dự, trong đó, đáng kể nhất ngoài các đại học của Tây Ban Nha và châu Mỹ La tinh là do các đại học Oxford (năm 2003), Harvard (1999) và Sorbonne nouvelle Paris 3 (2003). Song cái vinh dự cuối cùng này lại gây nhiều tranh cãi, đông người ngợi khen và chúc mừng nhưng cũng không ít người chỉ trích sự chọn lựa của Viện hàn lâm Thuỵ Điển, và đa số các bình luận đều nhắc đến hình ảnh tương phản của nhân vật Vargas Llosa. Tất nhiên ai cũng có kẻ khen người chê, và càng viết nhiều và viết lâu năm như MVLl thì những ý kiến trái ngược nhau về tác giả càng nhiều và đậm nét, nhưng ông là trường hợp có lẽ tương đối hiếm của một nhà văn bị xét đoán (lắm khi nặng lời) qua những hoạt động khác nhiều hơn là sự nghiệp văn chương. Yếu tố chính ở đây là sự thay đổi về ý thức hệ của ông, từ anh thanh niên thiên tả thành người hăng say cổ vũ chủ nghĩa tân tự do và các quan điểm của phái hữu, đi ngược lại truyền thống tiến bộ của rất nhiều trí thức, đặc biệt ở châu Âu và châu Mỹ La tinh.

Cuộc hành trình từ trái sang phải

MVLl bắt đầu hoạt động chính trị rất sớm. Năm 1953, 17 tuổi, bắt đầu học luật và văn chương tại đại học San Marcos ở Lima, ông tham gia nhóm Cahuide, xuất phát từ Đảng Cộng sản Peru lúc ấy bị đàn áp rất nặng, phải đổi tên để tồn tại. Theo lời ông, hoạt động của họ chả có gì ghê gớm: họp bí mật từng tổ nhỏ, học tập chủ nghĩa mác-xít, in truyền đơn chống chế độ độc tài Odría, vận động sinh viên ủng hộ các cuộc đấu tranh công nhân. Năm 1959, cách mạng Cuba thành công khởi dậy một làn sóng thiên tả ở châu Mỹ La tinh, cũng như đông đảo trí thức lúc ấy, Vargas Llosa hồ hởi trước một chiến công được cảm nhận như mở đầu cho những thắng lợi tất yếu sắp tới của cách mạng trong cả khu vực. Từ khi còn học trung học, ông đã say mê đọc các nhà văn Âu Mỹ như Faulkner, Hemingway, Joyce, Hugo, Proust, Flaubert, Balzac, và nhất là Jean-Paul Sartre. Ông tôn thờ Sartre đến nỗi được các bạn đặt cho biệt danh là "el sartrecillo valiente" (chú môn đệ kiên cường của Sartre). Ông lấy các khẩu hiệu "Viết là hành động", "Ngôn từ là hành vi" của Sartre làm phương châm cho mình, rất đồng tình với ý kiến văn chương, chữ nghĩa có thể là vũ khí chống lại bất công, áp bức và làm thay đổi lịch sử.

Trong những năm 1960, Vargas Llosa nhiều lần được mời đến Cuba tham dự các uỷ ban văn hoá, ban giám khảo các giải văn chương. Năm 1966, nhân một trong những chuyến đi ấy, ông được chứng kiến một chương trình "cải tạo" những người đồng tính luyến ái làm ông bị sốc nhưng chỉ dám phàn nàn riêng với vài quan chức Cuba. "Những nhà thơ, những diễn viên múa tôi quen bị ruồng bắt, kết tội "hành vi phi xã hội", đưa về nông thôn lao động chung với những tội phạm thường khác. Sự đau đớn của họ thật là kinh khủng." (trao đổi với phóng viên báo New York Times, tháng 11.1989) Hai năm sau đó, khi Fidel Castro tuyên bố tán thành việc Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc, MVLl phản đối gay gắt lập trường này. Song ông vẫn tiếp tục ủng hộ cách mạng Cuba, tuy càng ngày càng cảm thấy có nhiều lấn cấn. Tháng 4.1971, sau nhiều tháng quản thúc, nhà thơ Cuba Heberto Padilla bị bắt ở La Habana, kết tội phản cách mạng, và sau một tháng hỏi cung tàn bạo, bị ép phải ra trước Hội nhà văn "thú tội", chối bỏ những gì mình đã viết và tố cáo các đồng nghiệp, kể cả vợ mình. Đối với Vargas Llosa, như thế là hết nước, và ông đoạn tuyệt hẳn với Cuba và el Líder Máximo từ đó.

Cùng thời gian ấy, ông cũng dần dần xa cách Sartre, đặc biệt bất mãn trước sự cổ vũ của Sartre đối với cách mạng văn hoá ở Trung Quốc. Năm 1964, khi Sartre tuyên bố trong một buổi phỏng vấn của báo Le Monde là tác phẩm lẫy lừng của ông, La Nausée, không có kí lô nào cả trước một đứa trẻ chết đói, và các nhà văn thế giới thứ ba nên tạm ngưng sáng tác để dồn sức đi dạy học hay làm chính trị thì Vargas Llosa cảm thấy như bị phản bội: sao, người đã dạy ông "viết là hành động" và qua đó có thể thay đổi lịch sử, bây giờ lại bảo là ông không có quyền viết bao lâu đất nước mình còn nghèo đói à? Vậy có phải vì không may sinh ra trong một nước nghèo mà bổn phận đầu tiên của ông là làm cách mạng, trong khi văn chương vẫn là cái xa xỉ thông thái dành cho các nước giàu? Đối với MVLl, người coi viết văn là lẽ sống của đời mình, đã đương đầu với cha và bất chấp mọi cản trở để đeo đuổi nghiệp văn chương, tuyên bố ấy đánh dấu một sự đổ vỡ không thể cứu chữa.

Đoạn tuyệt với Castro và Sartre, Vargas Llosa cũng quay lưng lại với những bạn đồng hành lúc trước, những nhà văn, nhà thơ vẫn tiếp tục ủng hộ cách mạng xã hội chủ nghĩa, đáng kể nhất là Gabriel García Márquez. Gabo, tên gọi thân mật của García Márquez, và MVLl là bạn chí cốt khi còn cùng chung lý tưởng. Sau vụ án Padilla, mâu thuẫn giữa hai người trở thành hố sâu ngăn cách, đến mức Vargas Llosa mỉa mai gọi Gabo là "nịnh thần của Castro". Sự đối đầu đạt cao điểm năm 1976, trong một giai thoại còn truyền tụng đến bây giờ. Tại một buổi khai diễn chiếu phim ở thành phố Mexico, MVLl nhận ra Gabo trong đám đông và tiến đến gần. Gabo giang tay định choàng vai bạn nhưng bị thụi một quả đấm thật mạnh vào mặt làm ông ta ngã sóng soài, mắt bầm tím, máu me lênh láng. Sự hành hung gây chấn động không chỉ trong làng văn thế giới, lý do thì không ai biết vì cả hai nhân vật chính đều nhất định không giải thích hay bình luận từ đó đến nay. Theo dư luận đoán thì cơn thịnh nộ này vừa do bất đồng chính trị vừa có lý do riêng tư: Gabo đã thường xuyên an ủi bà Patricia khi hai vợ chồng Vargas Llosa lục đục. Sự kiện tất nhiên lại được nhắc đến khi giải Nobel được loan báo năm nay, giới văn học châu Mỹ La tinh đồn đại là Gabo vừa gửi qua Twitter hai chữ "cuentas iguales" (vậy là huề), tuy Hội Gabriel García Márquez ở Colombia sau đó đã cải chính. Sự ân oán giang hồ giữa hai "cây đại thụ" của văn học châu Mỹ La tinh vẫn chưa được giải quyết sau 34 năm.

Từ đó, Vargas Llosa ngày càng ngả về phái hữu, trở thành người cổ vũ đắc lực của chủ nghĩa tự do - tự do kinh tế, chính trị và văn hoá -, bày tỏ những quan điểm thiên hữu có khi cực đoan, gây nhiều căm phẫn không chỉ trong giới thiên tả. Chỉ để lấy một thí dụ : ông bác bỏ và khinh thị chủ nghĩa bản địa (indigenismo) là một đề tài rất nhạy cảm ở Peru và toàn châu Mỹ La tinh nói chung. Với lời lẽ nặng nề và lập luận thiếu trung thực (bóp méo tư tưởng người khác trong La Utopía arcaica (1996), chẳng hạn), ông đánh đồng chủ nghĩa bản địa với chủ nghĩa dân tộc cực đoan thậm chí kỳ thị chủng
tộc, trong khi cốt lõi của chủ nghĩa này là nhận thức những đặc trưng văn hoá của các dân tộc thổ dân châu Mỹ La tinh và bảo vệ các quyền lợi kinh tế của những người đã chịu nhiều bất công trong lịch sử và vẫn là thành phần yếu kém nhất trong xã hội. Cũng vì sự miệt thị này mà ông không ngừng đả kích, với lời lẽ nhiều khi hạ cấp, Tổng thống Evo Morales của Bolivia, được coi như người thổ dân đầu tiên là nguyên thủ quốc gia. Sự thù hận dai dẳng với Fidel Castro cũng khiến ông thường xuyên tấn công một quốc trưởng khác, Hugo Chavez của Venezuela, với tất cả sự hậm hực căm ghét.

Ngược lại, có lẽ MVLl là người (ngoài nước Anh) đoạt giải Nobel duy nhất đã công khai thán phục bà cựu thủ tướng cực kỳ bảo thủ Margaret Thatcher. Gần đây hơn, ông rất âu yếm Silvio Berlusconi, ca ngợi "năng khiếu chính trị phi thường" của Il Cavaliere, "một caudillo dân chủ và không độc đoán như Mussolini", "tiếc thay không được đánh giá đúng mức"! MVLl cũng bầu Thủ tướng Đức Angela Merkel là "nguyên thủ Âu châu sáng suốt nhất" và, lạy Chúa, ông khen Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là một "nhân vật đầy hấp lực" ("personnage charismatique"). Cũng may cho ông là vì ông phân phát các tán tụng rộng rãi như thế nên không biết phải gọi ông là nịnh thần của ai.

Công bằng mà nói, không chỉ có MVLl mới thất vọng về Cuba và vụ án Padilla cùng với các vụ án sặc mùi chủ nghĩa Stalin, các cuộc xâm lăng Tiệp Khắc và Hungary của Liên Xô cũng đã làm rất nhiều trí thức khắp nơi mất ảo tưởng về hiện thực chính trị xã hội chủ nghĩa. Vargas Llosa cũng không chỉ chĩa mũi dùi vào phía tả mà lên tiếng chống đối những áp bức và vi phạm nhân quyền của mọi chế độ độc đoán, tả như hữu, chẳng hạn viết thư ngỏ phản đối các chính quyền quân phiệt ở Peru và Argentina đàn áp và bắt bớ các văn nghệ sĩ, trí thức và nhà báo: Carta abierta al General Juan Velasco Alvarado, 22.3.1975 và Carta al General Jorge Rafael Videla, 22.10.1976 (Sables y Utopías – Visiones de América Latina, tuyển tập các bài báo và tiểu luận, 2009, trang 47 và 50). Gần đây hơn, Hugo Chavez thì cũng chẳng hay ho gì. Song, từ Sartre mà đi đến Sarkozy thì quả là ... hết nước nói!

Thật ra cũng phải đặt cuộc hành trình từ tả sang hữu này - đã khiến báo chí dùng đến các từ "engagement politique chaotique" (sự dấn thân chính trị hỗn loạn), "politisches Chamäleon" (con tắc kè chính trị, hay đổi màu) khi loan tin về MVLl vừa qua – trong một bối cảnh rộng hơn và cũng đưa chúng ta trở về với văn chương. Vì dẫu sao Vargas Llosa cũng là Nobel văn chương! Âu cũng là oan nghiệp, con người chính trị lớn tiếng và luôn luôn dưới ánh đèn màu dễ làm quên đi sự nghiệp văn chương, ngay cả trong các buổi phỏng vấn sau tin đoạt giải Nobel.

"El Boom Latino Americano" hay khi châu Mỹ La tinh nở rộ

Diễn tiến cuộc đời và sáng tác của Vargas Llosa gắn liền với một phong trào văn học của những năm 1960-70, khi các tác phẩm của một số nhà văn châu Mỹ La tinh được phổ biến rộng rãi ở châu Âu và trên thế giới. Phong trào được mệnh danh là Boom Latino Americano, những nhà văn tiêu biểu nhất là Julio Cortázar (Argentina), Carlos Fuentes (Mexico), Gabriel García Márquez và José Ortiz (Colombia), José Donoso (Chile) và Vargas Llosa. Họ đa số là những nhà văn trẻ, chịu ảnh hưởng của trường phái tân thời Âu Mỹ và phong trào Vanguardia (Tiên phong) của châu Mỹ La tinh, muốn phá bỏ các ước lệ cổ điển trong văn chương. Các tác phẩm của họ mang tính cách thử nghiệm nhưng cũng đầy màu sắc chính trị do tình hình chính trị lúc ấy. Như nhà phê bình Gerald Martin viết, có thể nói hai sự kiện nổi bật nhất của châu Mỹ La tinh trong thời kỳ ấy là cách mạng Cuba và ảnh hưởng lên châu Mỹ La tinh và thế giới thừ ba nói chung, và phong trào Boom Latino Americano, nở rộ và suy yếu cùng lúc với khi hình ảnh của cách mạng Cuba huy hoàng nhất và bắt đầu rạn nứt, từ 1959 đến 1971.

Hai thập niên 1960-1970 là những năm tháng sôi sục, chiến tranh Việt Nam đi vào cao điểm, sau cách mạng Cuba thành công năm 1959 là cuộc đổ bộ thất bại của Mỹ ở Playa Girón (Bay of Pigs) tháng 4.1961 nhằm lật đổ chính quyền Castro, và cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm sau, một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử thế giới, lúc ấy có thể biến cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô thành thế chiến. Trong suốt thời kỳ ấy, cai trị Argentina, Brasil, Chile, Paraguay, Peru và đa số các nước châu Mỹ La tinh là những chế độ độc tài quân phiệt. Ngày 11.9.1973, Tổng thống Salvador Allende của Đảng Xã hội vừa thắng cử đã bị lật đổ và phải tự sát, tướng Augusto Pinochet lên nắm quyền mở đầu cho một trong những giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Chile. Các chế độ độc tài ở châu Mỹ La tinh, đa số được Mỹ hỗ trợ, hợp tác với nhau để đàn áp các trí thức, văn nghệ sĩ thiên tả hoặc chỉ đấu tranh cho dân chủ. Hàng chục nghìn người bị bắt, tra tấn, thủ tiêu, là những vết thương còn nhức nhối cho tới ngày nay.

Các nhà văn, nhà thơ châu Mỹ La tinh có truyền thống tham gia rất tích cực vào đời sống xã hội và chính trị. Trong những nước giáo dục còn ít phát triển, họ là những nhân sĩ được kính nể, và khi thông tin bị bao bít, kiểm duyệt, những tiểu thuyết của họ là công cụ đào sâu và truyền đạt những vấn đề của cả xã hội. Với phong trào Boom, các sáng tác của họ - và những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị của châu Mỹ La tinh - đến với giới độc giả năm châu, qua dịch thuật hoặc vì tác giả sống tại nước ngoài, có khi vì phải lưu vong.

Cuộc đời văn chương của Vargas Llosa cũng diễn tiến trong truyền thống và trào lưu ấy. Ông tham gia chính trị khi còn rất trẻ và đến với văn chương còn sớm hơn. Khi còn học trung học, mới 15 tuổi ông đã được nhận làm phóng viên tập sự, mỗi đêm theo chân các đội cảnh sát viết "tin cán chó" cho các báo địa phương. Từ đó, song song với việc học ông viết báo, viết bản tin cho đài truyền thanh, viết kịch và viết tiểu thuyết. Năm 1957, ông được học bổng đến Madrid theo học Đại học Complutense và sau đó sang Paris, tìm cách ở lại sinh sống. Từ nhỏ ông đã say mê văn chương Pháp, đọc Jules Verne, Alexandre Dumas và Victor Hugo trong nguyên tác. Tiền đi làm ở đài Radio Panamericana ở Lima, ông để dành mua dài hạn các tập san "Temps modernes" và "Lettres nouvelles". Theo ông kể lại, ảnh hưởng của Pháp ở châu Mỹ La tinh thời đó lớn lắm, tất cả những ai mơ trở thành nhà văn, hoạ sĩ hay nhạc sĩ đều mong mỏi được biết Paris. Đến Paris, MVLl mới nhận thức là mình thuộc châu Mỹ La tinh. Cho đến lúc ấy, ông chỉ nghĩ mình là người Peru. Tại Paris ông mới khám phá văn học châu mỹ La tinh và gặp gỡ những Julio Cortázar, Carlos Fuentes, Octavio Paz, Miguel Ángel Asturias. Và cũng nhờ nhà xuất bản Seix Barral ở Barcelona, bất chấp sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Franco, phát hành cuốn La Ciudad y los Perros năm 1963 mà MVLl trở thành nhà văn nổi tiếng, sánh vai cùng các đàn anh trong phong trào Boom. Carlos Barral đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến các tác phẩm của các tác giả châu Mỹ La tinh ở châu Âu và MVLl đã tỏ lòng tri ân đến ông ngay sau khi được biết tin đoạt giải Nobel. Ông cũng nhắc đến công lao của bà Carmen Balcells, người đã giúp đỡ rất nhiều các tác giả của phong trào Boom.

Những sáng tác giai đoạn đầu của Vargas Llosa có tất cả những đặc tính văn phong của phong trào Boom: diễn tiến câu chuyện không theo thứ tự thời gian mà nhảy từ lúc này sang lúc khác, không chỉ tường thuật theo một góc nhìn mà dưới con mắt của nhiều nhân vật, qua nhiều tiếng nói phụ hoạ nhau, với ngôn ngữ bình dân, nhiều chơi chữ và chế chữ, thường xuyên kèm tiếng văng tục. Đây là ảnh hưởng của trường phái lập thể (cubism), thực tế xé lẻ thành nhiều mảnh khác nhau, méo mó dị dạng, chồng chất lên nhau, không còn có tuần tự trong thời gian và không gian. Tiểu thuyết nổi tiếng Conversación en la Catedral (1969) là một thí dụ tiêu biểu của lối hành văn này, với rất nhiều nhân vật, rất nhiều đối thoại, chuyện này xen kẽ chuyện kia, phải tập trung lắm mới theo dõi được câu chuyện. Đó cũng là một nguyên tắc của phong trào Boom: người đọc phải tích cực tham gia chứ không được thụ động, tác phẩm là công trình chung của người viết và người đọc. Khốn nỗi, cảm giác hỗn độn dễ có với phong cách này, dù là trong hội hoạ hay văn chương, lại càng làm người đọc vất vả hơn ở đây vì những tiếng lóng và tiếng địa phương, nhất là cho ai chỉ biết tiếng Tân Ban Nha "chính qui" là tiếng castellano. Hơn nữa, tiếng Tây Ban Nha cho phép dùng động từ không có chủ từ, nên nếu chỉ nhảy vài trang hay có khi vài đoạn thôi là không còn biết ai đang nói, đang kể cái gì nữa trong cái dòng chảy liên tục và dồn dập của chữ và chữ. Ngay cả độc giả châu Mỹ La tinh cũng than phiền là hoa mắt thì độc giả ở nơi khác có chịu thua cũng dễ tha thứ.

Một sự nghiệp văn chương đa dạng và phong phú

Sự nghiệp văn chương của Vargas Llosa cũng là một dòng chảy liên tục và phong phú, không hỗn độn như bức tranh lập thể nhưng cũng rất đa dạng. Danh mục các tác phẩm của ông cho tới nay hơn 60 quyển, đủ mọi thể loại : tiểu thuyết, kịch, tiểu luận, bài báo, biên khảo, phê bình văn học, v.v. Sách của ông đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, kể cả các tiếng Hoa, Do Thái và Ả Rập. Quyển La tía Julia y el Escribidor (1977), tự truyện pha lẫn hư cấu về cuộc hôn nhân, khi MVLl mới 19 tuổi, với bà Julia Urquidi Illanes, em vợ của cậu và hơn ông 13 tuổi, đã được quay thành phim (Tune in Tomorrow, 1989) với kịch bản do nhà văn Anh nổi tiếng William Boyd cải biên và các diễn viên Keanu Reeves trong vai Martin Loader/Vargas Llosa, Barbara Hershey (Aunt Julia), và Peter Falk (Pedro Carmichael/Pedro Camacho).

Trong cái sản lượng đáng kể ấy, những tác phẩm "đã vẽ lên hoạ đồ của các cấu trúc quyền lực", theo lời của Viện hàn lâm Thuỵ Điển, là những tiểu thuyết viết về những chế độ độc tài áp bức như Conversación en la Catedral, La fiesta del Chivo (2000).

Conversación en la Catedral vẽ lên bức tranh trầm luân của xã hội Peru trong tám năm trị vì của chế
độ độc tài Odría. La fiesta del Chivo kể lại giai đoạn cuối đời của Rafael Leonidas Trujillo, nhà độc tài đã cai trị nước Cộng Hoà Dominica trong hơn 30 năm trước khi bị ám sát năm 1961, số phận bi thảm của một dân tộc sống trong khiếp sợ và những thủ đoạn dã man của một chế độ gia đình trị dùng mọi cách để bảo vệ quyền lực của mình. MVLl cũng phân tích ở đây một ý tưởng ông hay nêu lên: những chế độ độc tài không phải là thiên tai trên trời rơi xuống, mà xuất hiện và tồn tại với sự đồng loã của nhiều người, thậm chí sự tiếp tay của chính các nạn nhân, do sự mê hoặc của dân chúng trước một vị "anh hùng" hay "cứu tinh dân tộc".

Trong không khí nặng nề, lắm khi ngột ngạt, của những tác phẩm này vẫn có đây đó vài nét hài hước, có duyên. Trong những năm về sau, Vargas Llosa khai thác tính trào phúng này nhiều hơn trong những tác phẩm như Pantaléon y las Visitadoras (1973), chuyện một sĩ quan được giao nhiệm vụ thiết lập, trong vòng bí mật tuyệt đối, một "Sở mãi dâm" phục vụ quân đội. Đại uý Pantaléon Pantoja thi hành sứ mệnh kỳ lạ này một cách máy móc và đần độn đến nỗi đưa cả vụ việc vào một tình huống dở khóc dở cười. MVLl mổ xẻ sự tranh cãi muôn thuở về sự thật và dối trá, nhu cầu và đạo đức, và những hậu quả nguy hại của sự thi hành bổn phận một cách tuyệt đối.

Vargas Llosa cũng viết nhiều tác phẩm rất uyên bác, dù là tiểu thuyết hoá, về cuộc đời và tác phẩm của những nhà văn ông ngưỡng mộ như La Orgía perpetua : Flaubert y "Madame Bovary" (1975), La Tentación de lo Imposible (2008) viết về Victor Hugo. García Márquez : Historia de un Deicidio, viết năm 1971 trước khi MVLl đoạn tuyệt với Gabo được coi như một biên khảo nổi bật về nhà văn này. Công bằng mà nói, MVLl không xét lại những gì đã viết trong đó và đồng ý cho in lại trong một tuyển tập về Gabo, tuy ông vẫn khăng khăng không chịu cho dịch sang tiếng khác. Gần đây hơn, El Paráiso en la otra Esquina (2003) nói về cuộc đời của Flora Tristan và Paul Gauguin, cháu ngoại của bà, và những khát vọng không toại nguyện của hai con người sống cách nhau 100 năm nhưng cùng đi tìm một thiên đàng.

Một chủ đề khác hiện diện trong tất cả các tác phẩm của MVLl là bản năng tính dục, cái yếu tố mãnh liệt của sự sống. Quan hệ tính dục được miêu tả rất chi tiết, tỉ mỉ trong các tiểu thuyết có chuyên đề này như Travesuras de la Niña mala hay Elogio de la Madrastra đã đành, nhưng cũng chiếm chỗ không nhỏ trong các tác phẩm về những đề tài "nghiêm trang" hơn như Conversación en la Catedral, La fiesta del Chivo, hoặc El Paráiso en la otra Esquina. Trong La tentación de lo Imposible ông dành nhiều trang để phân tích đời sống tình dục của Victor Hugo. Và câu chửi thề MVLl không ngần ngại dùng trong trong các tiểu thuyết và cả những bài báo hay tiểu luận là joder (đéo).

Sự ám ảnh về tính dục đi liền với một ý tưởng cốt lõi của MVLl: sức sống của bản năng nơi cá nhân quay cuồng giữa lịch sử và chống chọi với những hoàn cảnh tối tăm. Cái mà Viện hàn lâm Thuỵ Điển gọi là "sự kháng cự, nổi loạn và thất thế của cá nhân". Trong tất cả các tiểu thuyết của Vargas Llosa đều có những nhân vật khao khát tự do, tự do tư tưởng, chính trị hoặc sáng tác, hay chỉ tự do sống theo ý mình. Trong Conversación en la Catedral, những cá nhân không thoát khỏi thân phận trôi nổi khi xã hội chìm đắm trong suy đồi.

Sự nổi loạn đầu tiên là của cá nhân Vargas Llosa và đối với cha, một người ông gặp lần đầu năm 10 tuổi sau khi vẫn được gia đình bảo là mình mồ côi cha. Ông Ernesto Vargas nghiêm khắc và bảo thủ, khi bắt gặp con trai làm thơ thì bắt vào học trường quân đội, để học tập kỷ luật và chừa cái mộng làm thi sĩ, "cái nghề chỉ tổ chết đói và của toàn những anh lại cái". Thời gian ở trường Leoncio Prado là "xuống địa ngục" và sự kỷ luật sắt đá với những biện pháp trừng phạt tàn nhẫn ghi lại trong La Ciudad y los Perros, tác phẩm làm MVLl nổi tiếng, là gốc rễ của sự chống đối quyết liệt của ông từ đó đối với mọi hình thức áp chế của quyền lực, dù là trên một cá nhân hay toàn xã hội. Ý chí tự do và đấu tranh chống mọi bạo lực, chuyên quyền độc đoán trở thành trọng tâm của cuộc đời và chủ đề quán xuyến trong sáng tác.

Do đó chủ nghĩa tự do của MVLl đầu tiên và trên hết là tự do của cá nhân, bất kể là trên phương diện gì, chính trị, kinh tế, xã hội hay văn hoá. Bình luận quyển La Guerra del Fin del Mundo (1981) kể lại sự nổi dậy của những kẻ bần cùng ở Bahia, phiá Bắc của Brasil, dưới sự lãnh đạo của một giáo chủ vào thế kỷ XIX, ông nói: "Chủ đề là những người cuồng tín, và những ai tin rằng có nhiệm vụ dẫn dắt mọi người khác đến một xã hội hay chính thể không tưởng trên trái đất đều là cuồng tín. Không hề có cái gọi là hạnh phúc tập thể. Những kỳ vọng vào một thiên đàng trên trái đất đều chỉ mang lại tai hoạ và độc đoán." (Trao đổi với phóng viên New York Times, tháng 11.1989) Đây là tác phẩm nói lên mạnh mẽ nhất sự đoạn tuyệt của MVLl với mọi lý tưởng cách mạng. Đối với ông chỉ có một cuộc "cách mạng" đáng nói là phong trào hippy của những năm 1970, tuy chỉ xoay quanh cá nhân nhưng lại lan ra trên thế giới, và ông coi đấy mới là một "chủ nghĩa quốc tế" thực thụ. (Trao đổi với phóng viên phụ san Babelia của báo El País, tháng 5.2006) Những khái niệm phức tạp như cách mạng và chủ nghĩa quốc tế mà bị giáng cấp xuống chỉ còn là phong trào hippy thì quả là lý luận thô thiển nhưng qua đó cũng thấy chủ nghĩa cá nhân nơi MVLl cực đoan đến mức nào.

MVLl ngả theo chủ nghĩa tự do trong kinh tế sau khi đọc Friedrich Hayek và được thuyết phục là để bảo vệ tự do cá nhân phải bảo vệ tự do kinh doanh và cơ chế thị trường. Từ đó ông không ngừng quảng bá những quan điểm của chủ nghĩa này, dành cho nó một phần không nhỏ của những hoạt động viết lách và dấn thân.

Một trí thức dấn thân

Như rất nhiều nhà văn khác, Vargas Llosa quan niệm văn chương phải nằm trong cuộc sống. Nhà văn không thể chỉ sống trong tháp ngà mà phải lăn lộn với cuộc đời. Ông bắt đầu là nhà báo trước khi viết văn và vẫn tiếp tục viết báo. Ông thường xuyên cộng tác với báo El País, mục "Piedra de Toque" (Đá thử vàng) trong đó ông bàn luận về đủ mọi vấn đề, từ văn chương đến chính trị, tình hình Trung Đông đến tệ hại của thuốc lá. Ông cũng rất siêng gửi đăng bài ở các báo khác, không ngừng cho ý kiến về mọi việc. Nhưng cao điểm của sự dấn thân, theo kiểu của MVLl, là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời ông: tham gia chính trường và ra ứng cử tổng thống tại Peru năm 1990.

Phải nhắc lại ở đây bối cảnh của Peru lúc ấy. Năm 1985, lần đầu tiên đảng trung tả Alianza Popular Revolucionaria Americana (APRA), thành lập năm 1924, lên nắm chính quyền ở Lima với sự thắng cử của Alan García vào ghế tổng thống. Với số tuổi 36 và cái mã đẹp trai, Alan García được mệnh danh là "Kennedy của châu Mỹ La tinh" và là vị nguyên thủ trẻ nhất của cả vùng lúc ấy. Song, không những ông ta không đáp ứng những kỳ vọng ban đầu mà còn để lại một tình hình hết sức bi đát sau nhiệm kỳ: kinh tế xuống dốc trầm trọng, lạm phát phi mã lên đến 7 649% năm 1990 và đạt con số khủng khiếp 2 200 200% cộng lại trên 5 năm, tỷ lệ người nghèo tăng vọt từ 41, 6% năm 1985 lên 55% năm 1990. Kinh tế nguy kịch, các căng thẳng xã hội ngày càng gay gắt cũng góp phần củng cố nhóm bạo loạn mao-ít Sendero Luminoso, hoành hành ở Peru từ năm 1980. Những hoạt động khủng bố (đặt bom, phá hoại, ám sát) của nhóm này trở thành cả một cuộc nội chiến, giải pháp quân sự của chính quyền García không những thất bại, không dẹp nổi nhóm bạo loạn mà còn vi phạm nhân quyền trầm trọng với các vụ thảm sát nông dân. Theo một điều tra chính thức, có khoảng 1 600 người đã mất tích trong 5 năm García lãnh đạo Peru.

Trước tình hình ấy, Vargas Llosa coi quyết định tham chính như một bổn phận của lương tâm. Trước đó, ông đã thành lập Movimiento Libertad (Phong trào Tự do) và chống đối thành công sắc lệnh quốc hữu hoá các ngân hàng của Tổng thống García. Giới bảo thủ ở Peru thấy ở MVLl người có thể đưa họ trở lại nắm chính quyền, bản thân ông e ngại tình hình kinh tế và cuộc nội chiến có thể đẩy Peru đến phải lựa chọn giữa chế độ quân phiệt hoặc một chính quyền mác-xít, cả hai đều phi dân chủ theo ông. MVLl nhảy ra tranh cử dưới lá cờ của một liên minh hỗn tạp, đặt tên là Frente Democrático (FREDEMO), gồm Movimiento Libertad và các đảng trung hữu như Partido Acción Popular và Partido Popular Cristiano. Vòng đầu ông về nhất với 27,61% số phiếu nhưng lại thua ở vòng nhì trước một ứng cử viên lúc ấy hầu như vô danh, Alberto Fujimori.

Trong những lý do ông thất cử, đầu tiên phải nói đến chương trình cai trị ông đưa ra với những biện pháp thắt lưng buộc bụng triệt để khiến người nghèo lo sợ: tư hữu hoá, kinh tế thị trường, tự do thương mại và phát tán sở hữu tài sản. Con người và hình ảnh của ông trong công chúng cũng đóng vai trò không nhỏ. "Ứng cử viên không ăn bốc", "thằng cha viết tục tĩu", "el Español" là những cái tên gán cho ông, cho thấy khoảng cách giữa ông và một số đông dân chúng Peru, giữa con người thích tỏ ra lịch lãm đài các, hãnh diện là công dân thế giới, đa văn hoá, và những thổ dân lam lũ chôn chân ở làng mạc, chỉ nói tiếng quechua và còn mang nặng trong trí ức cha ông truyền lại hình ảnh người Tây Ban Nha như kẻ từ xa xôi đến xâm lăng, cướp bóc và đô hộ mình. Đối với tầng lớp da trắng, hậu duệ của các conquistadores ngày xưa hay những người di dân từ châu Âu sau các thế chiến, sùng đạo và bảo thủ, việc ông công nhận không còn lòng tin và những đoạn văn gợi dục trong sách ông được các ứng củ viên đối thủ lôi ra đọc ra rả suốt cuộc vận động bầu cử cũng làm ông mất nhiều phiếu.

Sự thất bại làm Vargas Llosa rất cay cú, ông bỏ về Tây Ban Nha và, thất vọng với quê hương, sát lại gần "mẫu quốc" hơn nữa: lấy quốc tịch Tây Ban Nha, được bầu vào Viện hàn lâm Tây ban Nha, sùng bái Tây Ban Nha xem như ưu việt so với tất cả mọi văn hoá bản địa của châu Mỹ La tinh. Đi xa hơn nữa, ông tham gia trường phái dân tộc chủ nghĩa cực đoan nhất của
Tây Ban Nha, chống đối đến cùng khái niệm đa sinh ngữ trong một nước, bài bác tất cả những tiếng địa phương như vasco, catalán hoặc galiciano, và coi castellano, tiếng của vùng Castilla, cái nôi lịch sử của Tây Ban Nha, là ngôn ngữ chuẩn duy nhất của cả nước và nền văn hoá duy nhất có giá trị. Điều này càng mỉa mai khi cùng lúc MVLl qui chủ nghĩa bản địa là chủ nghĩa dân tộc và kỳ thị chủng tộc.

Tư duy ngôn ngữ này cũng thể hiện qua văn phong trong tác phẩm của ông. Những sáng tác đầu tay như Los Cachorros (1967) đầy rẫy tiếng địa phương, người không sống ở châu Mỹ La tinh đọc khá mệt. Mười năm sau, La tía Julia y el Escribidor (1977) vẫn còn tiếng peruano nhưng đã ít hơn, và trong tiểu thuyết mới nhất Travesuras de la Niña mala (2006), văn của MVLl hoàn toàn là castellano chỉ còn loáng thoáng vài âm hưởng châu Mỹ La tinh đó đây khi nhắc lại bối cảnh Peru. Chúng ta có thể so sánh cách MVLl miêu tả thân thể người phụ nữ, chẳng hạn, trong hai tác phẩm cách nhau 37 năm.

Một cô gái sáng dậy đi tắm: "como siempre estuvo midiendo el agua de la ducha con el pie un buen rato y acabó entrando a poquitos; se jabonó sonriendo, acordándose de la señora : las patitas, las tetitas, el potito." ("như thường lệ đưa chân thử độ nóng của nước từ vòi hoa sen một lúc lâu rồi mới từ từ bước vào; xoa xà bông, tủm tỉm nhớ lại bà chủ: hai cái cẳng, hai cái tí, cái đít.") (Conversación en la Catedral, 1969, trang 297). Thay vì dùng các chữ "chuẩn" của tiếng castellano như piernas (đùi), senos hay pecho (vú, ngực), nalgas (mông), Vargas Llosa dùng các từ patas, tetas và poto của ngôn ngữ bình dân phổ biến ở châu Mỹ La tinh, lại còn gắn thêm tiếp tố thành patitas, tetitas và potito, tạo ra âm điệu dí dỏm linh động, như tiếng trẻ con nói bi bô. Chỉ có thế nhưng rất gợi hình.

Và một chàng trai lần đầu tiên được làm tình với cô gái đã đeo đuổi nhiều năm: "Era muy delgada, de miembros bien proporcionados, con una cintura tan estrecha que, me pareció, yo hubiera podido ceñirla con mis dos manos. Bajo la pequeña mancha de vellos en el pubis, la piel lucía más clara que en el resto de su cuerpo. Su piel, olivácea, de reminiscencias orientales, era suave y fresca" ("Nàng rất mảnh mai, chân tay cân đối, và cái eo nhỏ đến mức tôi tưởng có thể ôm gọn trong hai bàn tay. Dưới đám lông măng nhỏ của vùng mu, làn da sáng hơn phần còn lại của cơ thể. Da nàng ngăm đen, gợi nhớ miền Đông, mịn và mát") (Travesuras de la Niña mala, 2006, trang 41). Mấy câu này sao mà như trích từ báo cáo của một bác sĩ khám nghiệm tử thi hơn là những gì diễn tả qua con mắt si tình (và đầy dục vọng!) của một chàng trai! Cái "gợi nhớ miền Đông" cũng không đủ gợi cảm để cứu vãn cái tẻ lạnh khô khan của giọng văn đạo mạo này. Đâu rồi những tetitas và potito ?

Tất nhiên văn phong cũng thay đổi theo con người sau mấy chục năm, và Travesuras de la Niña mala là một tiểu thuyết khá hay, dễ đọc cho người ngoài châu Mỹ La tinh và điều đó thì không ai phàn nàn. Song, sự so sánh trên cho thấy một diễn tiến đáng để ý nơi nhà văn.

Đi vào lịch sử văn học

Sau khi MVLl đã đạt được cái vinh dự ông coi là tột đỉnh và hằng mong đợi, ở tuổi 74, còn có thể có diễn tiến nào khác nơi ông từ nay ? Trả lời các phóng viên, ông nói sẽ không có thay đổi gì cả đối với ông. Những người không ưa ông sẽ tiếp tục chỉ trích, ông sẽ tiếp tục viết, "viết đến khi chết", và tiếp tục lên tiếng, bảo vệ các quan điểm của mình. Dù không đoạt giải ông cũng đã đi vào lịch sử văn học. Nhưng với hình ảnh nào? Đã từ lâu, MVLl đóng khung trong cái áo gấm của Viện hàn lâm, bệ vệ ngả lưng trên danh vọng và tiền tài. Và giải Nobel sẽ chỉ làm ông càng tin là mình có lý và phán quyết một cách chắc nịch hơn nữa về đủ mọi đề tài. Trong lời nói đầu cho một lần tái bản quyển Conversación en la Catedral, ông viết, năm 1998:

"Từ 1948 đến 1956, cai trị Peru là một chế độ độc tài quân phiệt do tướng Manuel Apolinario Odría cầm đầu. Trong tám năm ấy, thế hệ chúng tôi lớn lên, từ trẻ thơ sang thiếu niên, rồi trưởng thành trong một xã hội bị kìm hãm, mọi tổ chức chính trị và sinh hoạt công dân bị cấm đoán, báo chí bị kiểm duyệt, vô số tù nhân chính trị, và hàng trăm người phải lưu vong. Trầm trọng hơn cả những tội ác và bạo tàn không hề bị xử phạt của chế độ là sự thối nát từ trung tâm quyền lực lan ra mọi lĩnh vực và thể chế, làm băng hoại tất cả cuộc sống.

Cái không khí yếm thế, thờ ơ và suy đồi đạo đức của Peru những năm ấy là chất liệu của tác phẩm này, vẽ lên, với sự tự do của hư cấu, bức tranh chính trị và xã hội của những ngày tháng đen tối ấy. Tôi bắt đầu viết ở Paris, mười năm sau khi đã sống qua thời kỳ đó, trong lúc đọc Tolstoi, Balzac, Flaubert và viết báo để mưu sinh. Tôi viết tiếp ở Lima, trước tuyết rơi ở Pullman (Washington), trong một con hẻm ở Valle del Canguro, ở Luân Đôn – giữa những buổi dạy văn ở Queen Mary’s College và King’s College -, và hoàn tất tại Puerto Rico, năm 1969, sau khi đã sửa đi sửa lại nhiều lần. Không tác phẩm nào đã làm tôi vất vả bằng, vì thế, nếu phải chạy cháy chỉ một quyển trong những gì những tôi đã viết, tôi sẽ cứu quyển này."(Conversación en la Catedral, Prólogo, trang 7).

Ngoài mấy nét quen thuộc - thù ghét áp bức và độc tài bạo lực, sống đa xứ -, đoạn văn trên còn cho thấy một khía cạnh khác của con người Vargas Llosa: kiêu ngạo về sự đa văn hoá và danh tiếng của mình. Nhắc đến Luân Đôn, ông nêu lên, có vẻ bâng quơ nhưng lại làm nổi bật giữa hai gạch nối, tên hai đại học lừng lẫy. Cũng thế, được phỏng vấn sau tin đoạt giải Nobel, ông tuyên bố rất ngạc nhiên và "hoàn toàn bất ngờ", câu trả lời khiêm tốn bắt buộc của người được vinh danh. Song, như một phóng viên của báo Le Monde ranh mãnh ghi lại, khi được hỏi sao lại bất ngờ sau bao nhiêu năm được nhắc nhở như một nobélisable mỗi độ thu về, ông thốt ra, với sự thật thà của người chưa kịp nhuần nhuyễn lời phát biểu của mình: "Cela faisait des années que je n’y croyais plus! (Từ nhiều năm nay tôi chẳng còn hi vọng gì nữa !)". Một giai thoại khác cũng cho thấy giải Nobel (và danh giá nói chung) quan trọng đối với ông thế nào. Trong chuyến đi Iraq năm 2003, đoàn xe của ông và các ký giả khác bị chặn lại ở biên giới Jordanie. MVLl hạch hỏi viên sĩ quan: "Ông có biết tôi là ai không? Đã ba lần tôi được đề cử vào vòng chót giải Nobel đấy". Ông trung tá trả lời: "Nhưng ông vẫn có đoạt giải ấy đâu. Không sao, chúng tôi vẫn có cách thu xếp cho một người như ông, dù không trúng giải." Nhờ các "thu xếp" này mà cả đoàn phải đợi thêm không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ.

Nếu văn là người, như vẫn hay nghe nói, thì có thể yêu văn mà không mến người ? Có lẽ khó. Yêu ghét tất nhiên là chuyện chủ quan, nếu xấu đẹp là tuỳ theo con mắt của mỗi người, thì nhận thức cái hay cái đẹp, ưa thích hay không trong văn chương lại càng bị chi phối hơn nữa bởi tất cả những gì làm nên hành trang tâm lý và tư duy của người đọc. Mỗi cuốn sách là nơi gặp gỡ của hai thế giới, hai tâm tư, của người viết và của người đọc, để tác phẩm có thể lưu lại sự rung động, một tiếng vang vọng nơi người đọc tất nhiên phải có một sự đồng cảm nào đó. Đây là đầu đề tranh cãi muôn thuở, như câu hỏi có thể vừa thích văn của Louis-Ferdinand Céline vừa lên án thái độ chính trị và bài Do Thái của ông? Câu trả lời tuỳ theo quan điểm và lương tâm mỗi người, song hiển nhiên là người đọc vẫn thoải mái hơn nhiều nếu có thể phục cả con người lẫn câu văn, khi cái nết đi đôi với cái tài.

Trong trường hợp Vargas Llosa, lại càng khó bỏ qua yếu tố con người của tác giả, một khi ông đã đặt cá nhân vào trung tâm tư duy và sáng tác của mình. Vì ông không ngừng nói lên các quan điểm xã hội, chính trị của ông, cũng không thể trách người đọc đánh giá ông và cảm nhận văn chương của ông qua lăng kính ấy, dưới ảnh hưởng của những quan điểm của chính mình.

Do đó kết luận là đây : nếu ý nghĩa của giải Nobel là vinh danh một tên tuổi lớn của văn đàn thế giới, có tài năng, có những tác phẩm được ưa thích, đóng góp cho văn học thế giới và thể hiện một lý tưởng nào đó, thì Vargas Llosa xứng đáng. Nhưng coi đó, như Tổng thống Peru Alan García [3], là sửa sai một bất công lâu nay thì điều này còn phải xem xét. Và nếu hiểu bất công đó còn có nghĩa là MVLl phải đợi đến năm 74 tuổi mới được vinh danh, trong khi "đối thủ" của ông, Gabriel García Márquez đã đoạt giải Nobel ở tuổi 55, cách đây đã 28 năm, thì lại càng không đúng tí nào. Vì điểm sơ qua phản ứng của độc giả bốn phương, đặc biệt ở châu Mỹ La tinh, ngay cả trong những người chia vui với MVLl không ít người vẫn đánh giá ông thấp hơn những nhà văn khác như Alejo Carpentier, Carlos Fuentes, Octavio Paz và nhất là Gabriel García Márquez. Quả vậy, ngay cả những tác phẩm được ca tụng nhất của MVLl vẫn không có cái sức quyến rũ kỳ diệu của mọi tiểu thuyết của Gabo, đâu có cái ma lực của Cien Años de Soledad hớp hồn người đọc đến quên cả trời đất, quên cả là đã nằm mấy tiếng đồng hồ trong bồn tắm nước đã lạnh tanh, đến khi gấp sách lại mới giật mình run cầm cập để rồi bị cảm ho cả tuần sau!

Vargas Llosa hay nói "Văn chương là lửa", và trong buổi phỏng vấn của báo El País tháng 8 năm nay về tác phẩm El Sueño del Celta sắp ra của ông, trả lời câu hỏi không thể tránh về khả năng đoạt giải Nobel sắp đến, ông nói: "Nghĩ ngợi về giải Nobel chỉ hại cho văn phong, dù là đã viết từ lâu hay không." Theo ông, một số nhà văn sau khi được vinh danh có khuynh hướng trở thành lăng tẩm của chính mình, mất hết nhiệt huyết, không còn lên tiếng. "Tôi sẽ cảm thấy rất bất hạnh nếu không còn khả năng làm việc. Với thời gian, tài năng có thể mai một, tôi e thế, nhưng vẫn phải tiếp tục tỉnh táo và giữ vững óc phê phán. Mất đầu óc là căn bệnh của nhiều nhà văn. Có khác gì biến thành pho tượng sống." Và ông khẳng
định sau khi được giải Nobel: "Tôi là nhà văn và mong rằng sẽ được nhớ đến, nếu được nhớ đến, qua những gì tôi viết." Giữ nguyên tỉnh táo và óc phê phán là điều ai chả đồng ý và chúng ta chúc MVLl được như vậy, nhưng khó mà nghĩ rằng hậu thế sẽ chỉ đánh giá ông qua những gì ông viết, nhất là khi một phần lớn những gì ông viết là để diễn đạt các quan điểm của ông. Vì đối với Mario Vargas Llosa cũng như mọi nhà văn, nhà thơ khác, làm sao có thể tách rời con người và nhà văn, sáng tác và cuộc đời ?

Đỗ Tuyết Khanh (Forum) 22.10.2010

Danh mục các tác phẩm của MVLL

— Los Jefes, 1959 - The Cubs and Other Stories - Les caïds
— La Ciudad y los Perros, 1963 - The Time of the Hero - La ville et les chiens
— La Casa verde, 1966 - The Green House - La maison verte
— Los Cachorros, 1967 - Les chiots
— La Novela, 1968
— La Novela en América Latina : Diálogo [entre Gabriel García Márquez y Mario Vargas Llosa] , 1968
— Conversación en la Catedral, 1969 - Conversation in the Cathedral - Conversation à la cathédrale
— Los Cachorros; El Desafío, 1970
— Literatura en la Revolución y Revolución en la Literatura / por Oscar Collazos, Julio Cortázar y Mario Vargas Llosa , 1970
— García Márquez : Historia de un Deicidio, 1971
— La Historia secreta de una Novela, 1971
— El Combate imaginario : Las Cartas de Batalla de Joanot Martorell / Martín de Riquer, Mario Vargas Llosa, 1972
— García Márquez y la Problemática de la Novela / Ángel Rama, Mario Vargas Llosa, 1973
— Pantaleón y las Visitadoras, 1973 - Captain Pantoja and the Special Service - Pantaleón et les visiteuses
— La Orgía perpetua : Flaubert y "Madame Bovary", 1975 - The Perpetual Orgy : Flaubert and Madame Bovary - L’orgie perpétuelle : Flaubert et "Madame Bovary"
— La Tía Julia y el Escribidor, 1977 - Aunt Julia and the Scriptwriter - La tante Julia et le scribouillard
— José María Arguedas, entre sapos y halcones, 1978
— La Utopía arcaica, 1978
— Entre Sartre y Camus, 1981
— La Guerra del Fin del Mundo, 1981 - The War of the End of the World - La guerre de la fin du monde
— La Señorita de Tacna : pieza en dos actos, 1981- La demoiselle de Tacna : pièce en 2 actes
— Contra Viento y Marea : (1962-1982), 1983
— Kathie y el Hipopótamo : Comedia en dos actos, 1983 - Kathie et l’hippopotame : comédie en deux actes ; suivi de La chunga : comédie en deux actes
— La Cultura de la Libertad, la libertad de la cultura, 1985
— Historia de Mayta, 1985 - The Real Life of Alejandro Mayta - Histoire de Mayta
— La Chunga, 1986
— Contra Viento y Marea. – 1. ed. en 2 vol , 1986. – 2 vol. – Contenido: 1. 1962-1972 ; 2. 1972-1983 - Contre vents et marées
— ¿Quién mató a Palomino Molero? , 1986 - Who killed Palomino Molero? Qui a tué Palomino Molero ?
— El Hablador, 1987 - The Storyteller - L’homme qui parle
— Elogio de la Madrastra, 1988 - In Praise of the Stepmother - Eloge de la marâtre
— Contra Viento y Marea : (1964-1988), 1990
— El Debate, 1990
— La Verdad de las Mentiras, 1990 - La vérité par le mensonge : essais sur la littérature
— Carta de Batalla por Tirant lo Blanc, 1991 - En selle avec "Tirant le Blanc"
— Lituma en los Andes, 1993 - Death in the Andes - Lituma dans les Andes
— El Loco de los Balcones : Teatro, 1993 - Le fou des balcons
— El Pez en el Agua : Memorias, 1993 - A Fish in the Water : a Memoir - Le poisson dans l’eau : mémoires
— Desafíos a la Libertad, 1994- Les enjeux de la liberté
— Ojos bonitos, Cuadros feos, 1996 - Jolis yeux, vilains tableaux
— La Utopía arcaica : José María Arguedas y las ficciones del indigenismo, 1996 -L’utopie archaïque : José Maria Arguedas et les fictions de l’indigénisme
— Cartas a un joven Novelista, 1997 - Letters to a Young Novelist - Lettres à un jeune romancier
— Los Cuadernos de Don Rigoberto, 1997 - The Notebooks of Don Rigoberto - Les cahiers de don Rigoberto
— Una Historia no oficial, 1997
— Obra reunida : narrativa breve, 1999
— La fiesta del chivo, 2000 - The Feast of the Goat - La fête au bouc
— Bases para una Interpretación de Rubén Darío : Tesis universitaria, 1958 / edición y prólogo de Américo Mudarra Montoya, 2001
— El Lenguaje de la Pasión, 2001 - The Language of Passion - Le langage de la passion: chroniques de la fin du siècle
— Literatura y Política, 2001
— Diario de Irak, 2003
— Escritos políticos y morales, Perú: (1954-1965), 2003
— El Paraíso en la otra Esquina, 2003 - The Way to Paradise - Le paradis - un peu plus loin
— La Tentación de lo Imposible: Victor Hugo y Los miserables, 2004 - The Temptation of the Impossible : Victor Hugo and Les misérables - La tentation de l’impossible
— Ensayos literarios, 2005
— Diccionario del Amante de América Latina, 2006 - Dictionnaire amoureux de l’Amérique latine
— Israel/Palestina : Paz o Guerra santa, 2006
— Obra reunida : teatro, 2006
— Travesuras de la Niña mala, 2006 - The Bad Girl - Tours et détours de la vilaine fille
— Odiseo y Penélope, 2007
— Al pie del Támesis, 2008
— El Viaje a la ficción, 2008
— Sables y Utopías : Visiones de América Latina, 2009
— Las Mil Noches y una Noche, 2009
— El Sueño del Celta, 2010

[1"for his cartography of structures of power and his trenchant images of the individual’s resistance, revolt, and defeat".

[2Tên các bản dịch Anh và Pháp có trong danh mục các tác phẩm ở cuối bài.

[3Alan García đã tái cử tổng thống Peru tháng 6.2006 và bây giờ cũng nhiệt tình không kém với chủ nghĩa tự do, khiến MVLl rất hể hả. Hai đối thủ của 20 năm trước đây bây giờ rất là ưu ái với nhau.