Miguel de Cervantes và Don Quixote

Cập nhật bài và ảnh: Đông Tỉnh

Mighen đơ Xecvantex Xuavêđơra (Miguel de Cervantes Saavedra), nhà tiểu thuyết lừng đanh châu Âu thời Phục hưng là niềm tự hào của đất nước Tây Ban Nha suốt hơn bốn trăm năm nay. Ông là con của một người làm nghề chữa bệnh có gốc gác Hi-đan-gô (hidalgo: quý tộc nghèo) ở thị trấn Ancala đơ Hênarex gần thủ đô Mađrít. Hồi nhỏ Xecvantex thường cùng bố lang thang hết làng này sang làng khác, hết lâu đài này sang trang trại khác để chữa bệnh kiếm tiền nuôi một gia đình khá đông người.

Giữ nếp nhà, tuy nghèo, bố Xecvantex vẫn thu xếp để cậu đến trường. Một số tài liệu cho rằng Xecvantex đã tốt nghiệp đại học.

Tượng thày trò Don Quixote ở Madrid

Năm 22 tuổi, chàng thanh niên Xecvantex hào hứng đem tặng Hoàng hậu Idaben vợ vua Philip II một tập thơ xonnê, nhân đấy, chàng được làm quen với linh mục Giulio Acquaviva giàu có, người sẽ trở thành Hồng y giáo chủ vài năm sau. Thấy chàng trai khỏe mạnh và thông minh nên khi Acquaviva trở về Roma (Italia) đã xin đưa Xecvantex đi theo làm thư ký (1569).

Tại Roma, trong thư viện của Acquaviva có rất nhiều tài liệu, qua chúng, Xecvantex đã được tiếp xúc với tư tưởng và nghệ thuật của các nhà Phục hưng Italia, những người tiên phong của chủ nghĩa Phục hưng ở châu Âu. Khi Acquaviva qua đời, Xecvantex tham gia quân đội Tây Ban Nha đóng trên đất Italia.

Năm 1571, trong trận thủy chiến giữa hạm đội của Tây Ban Nha với hạm đội của Thổ Nhĩ Kỳ ở Lepanto, quân Tây Ban Nha đã đánh tan tác đối phương. Xecvantex đã chiến đấu rất dũng cảm và bị cụt mất tay trái.

Năm 1575, ông giải ngũ. Không may trên đường về, ông bị một bọn cướp biển Angiêri bắt giam tại Angiê. Trong thời gian bị tù, Xecvantex nhiều lần mưu trốn nhưng không thoát. Mãi 5 năm sau, khi gia đình và bè bạn gom tiền đem đến chuộc, ông mới được cứu ra.

Về đến quê hương (1580), thấy gia đình đã khánh kiệt và li tán, Xevantex tìm đủ mọi cách để kiếm sống như chép thuê kịch bản và làm thơ rồi đọc thơ ở các chợ phiên. Thu nhập chẳng đáng là bao, ông lại xung vào đời lính.

Năm 1584 Xecvantex lại giải ngũ và lấy vợ. Cuộc sống vẫn chẳng khấm khá hơn. Vậy là ông lao vào sáng tác. Năm sau, tập truyện lấy đề tài thôn dã "La Galatea" của ông ra đời. Mặc dù ý tưởng của truyện là tốt lành (thể hiện khát vọng tự do trong cuộc sống và trong tình yêu), nhưng do nghệ thuật viết còn non nớt nên "La Galatea" nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Xecvantex lại quay sang viết kịch. Hơn 20 vở kịch của ông đem đến các gánh hát và đoàn kịch để bán, cũng chẳng mấy ai mua, vì lý do tương tự như truyện "La Galatea".

Thất bại, Xecvantex cho rằng dù ham mê và thành tâm, song chắc mình không làm nghề văn được. Ông kiếm sống bằng việc tham gia vào nhóm thầu việc mua bán lương thực cho quân đội. Công việc thua lỗ, ông phải ngồi tù (1597). Ra tù, hết vốn làm ăn, nghe đâu ông còn phải làm công việc đi thu thuế và đòi nợ thuê cho những người giàu có.

Cố nhiên, công việc này không đơn giản vì số người muốn trốn thuế và dây dưa nợ thường vẫn nhiều. Được cái, bù vào sự cực nhọc vất vả đó, ông có dịp cưỡi ngựa rong ruổi qua nhiều nơi, tiếp xúc với lắm hạng người, chứng kiến nhiều sự nhố nhăng kệch cỡm và cả sự đớn đau thua thiệt của người đời, đó chính là những chuyện rất hữu ích với một nhà văn.

Song hình như cuộc đời cố tình thử thách rèn luyện ông, còn ông thì quá sơ khoáng, quá thiếu năng khiếu tính toán thì phải, một lần nữa, Xecvantex lại làm hụt công quỹ. Cố nhiên, nhà văn nghiệp dư giàu lòng nhân ái và lắm ảo vọng lúc này lại bị tống giam (1608).

Trong tù, như người ta vẫn nói, là ở trong một kiểu trường học, Xecvantex có dịp suy ngẫm, đúc kết được nhiều điều. Ông thường nghĩ đến mối quan hệ giữa ước vọng và khả năng thực tế hoàn cảnh thực tế, so sánh về sự có mặt tích cực và vô tích sự của một số loại người khác nhau như quý tộc và nông dân giữa buổi xã hội đang có nhiều biến động... Và ông bắt tay vào viết. Khi vừa 58 tuổi (1605), cuốn "Truyện Nhà hiệp sĩ Don Quixote thuộc dòng Hi-đan-gô xứ Mancha" của ông ra đời.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang: Vợ của nhà văn, vì thấy cảnh nhà quá nghèo túng, đã bỏ ông vào sống ở tu viện. Không nao núng, Xecvantex tập trung sức lực viết tiếp một số cuốn khác như: "Thư bằng văn vần gửi Matêơ Vaxkê" (1613) có nội dung yêu nước và nhân đạo, trường ca "Cuộc du ngoạn lên đỉnh núi Pacnaxơ" (Viaje al Parnaso, 1614) có nội dung bình giá một số công lao của các nhà văn, nhà thơ đương thời; tập truyện ngắn "Truyện làm gương" (Novelas ejemplares, 1613) theo đề tài sinh hoạt. Năm 1614, thấy có kẻ nào đó cho xuất bản tập 2 của cuốn "Truyện nhà hiệp sĩ Don Quixote...", Xecvantex liền hối hả viết tiếp truyện của mình. Sách viết xong thì bị Tòa án Giáo hội cấm in, mãi đến 1615 nó mới được xuất bản.

Về cuối đời Xecvantex vẫn sống trong nghèo khổ, sức khỏe bị giảm sút, ông chỉ viết thêm được cuốn "Cuộc chu du của Pecdilek và Xơdixmanda".

Xecvantex đã sống một cuộc đời đầy gian truân. Như được chắt ra từ đó, tác phẩm của ông đã thấm nhuần tinh thần nhân đạo và có ý nghĩa khuyến cáo lâu dài. Phẩm chất cao đẹp này trong tư tưởng nghệ thuật của Xecvantex được thể hiện tập trung nhất tại tác phẩm "Truyện nhà hiệp sĩ Don Quixote thuộc dòng Hi-đan-gô xứ Mancha" mà chúng ta quen gọi là "Don Quixote".

Nội dung của truyện có thể tóm tắt như sau: Alonso Quijano là một thanh niên giàu có ham thích loại truyện kiếm hiệp. Mê muội với loại truyện này, Alonso Quijano thường tưởng tượng ra cảnh đánh nhau để cứu người đẹp, để lập lại trật tự và công bằng, vì danh dự của bản thân.

Một ngày kia, để thỏa chí nguyện, Alonso Quijano đổi tên là Don Quixote de la Mancha rồi nhờ một gã chủ quán phong cho mình danh tước hiệp sĩ. Để chuẩn bị lên đường hành hiệp, Alonso Quijano - từ nay được gọi là Don Quixote cho gọn, đã lấy bộ áo giáp sắt của cụ tổ mấy đời ra lau chùi và rủ rê một nông dân là Sancho Panza làm cận vệ, rồi nhảy lên chú ngựa còm già yếu Rocinante...

Họ ra đi. Hiệp sĩ Don Quixote lòng khòng với thanh kiếm dài ngoằng trên con ngựa hom hem, còn cận vệ Sancho Panza lùn tịt bậm bạnh có đôi chân như hai que củi thì chễm chệ trên lưng chú lừa Dapphe.

Từ xa, thấy mấy chiếc cối xay lúa chạy bằng cánh quạt gió, Don Quixote bảo với Sancho Panza rằng đó là những tên khổng lồ tàn ác, rồi mặc cho Sancho ngăn cản, Don Quixote vẫn thúc ngựa lao tới. Chàng bị những cánh quạt gió quật ngã quay đớn đau không cựa nổi mình.

Nghiến răng chịu đau, Don Quixote lại giục Sancho Panza lên đường. Thấy một tốp kị sĩ hộ tống chiếc xe chở một thiếu nữ xinh đẹp, Don Quixote cho là bọn này đang bắt cóc một nàng công chúa đem đi. Không chần chừ, chàng ra lệnh bọn họ phải thả công chúa ra, rồi xông thẳng tới. Cuộc chiến thật sự tàn khốc diễn ra, kết quả: Don Quixote bị chém đứt một bên tai và nửa chiếc mũ sắt; Sancho Panza bị vặt cả bộ râu rồi ngất đi.

Liên tục bại trận, nhưng Don Quixote vẫn không hề nhụt chí, chàng càng nung nấu ý nghĩ: Sứ mệnh của ta là phải tiêu diệt kẻ ác đang ở đâu đó... Trước những băn khoăn và khó hiểu của Sancho Panza, Don Quixote đã cao giọng chỉ bảo:

"Sancho ạ, tự do là một trong những của cải quý báu nhất mà thượng đế ban cho con người. Vì tự do, cũng như vì danh dự, ta có thể và cần phải liều mạng sống. Ngược lại, làm cho mất tự do là điều tệ nhất trong những điều ác mang đến cho con người".

Cứ thế, vừa giảng giải và độc thoại, vừa tưởng tượng vừa không ngừng liên tục lao vào đánh nhau... thầy và trò Don Quixote đã đi khắp đất nước Tây Ban Nha. Bị thất bại ê chề trong cuộc chiến, bị dè bỉu và bị lừa bịp... nhưng Don Quixote vẫn luôn tự nung nấu ý chiến chiến đấu cho tự do và công lý.

Mượn lối viết đan xen giữa các yếu tố hài hước và giả tưởng, tả thực và phóng dụ, tiểu thuyết "Don Quixote" của Xecvantex đã khắc họa được hình tượng Don Quixote "gàn dở", "ảo tưởng" đi ngược lại trào lưu phát triển bình thường của cuộc sống đang chuyển mạnh sang văn minh và tự do mà bọn hiệp sĩ phong kiến đang chống phá; đã xây dựng được hình tượng người nông dân bình dị mà thông thái là Sancho Panza.

"Don Quixote" là kiệt tác bởi tác phẩm đã thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả. Xecvantec là một tác gia vĩ đại, bởi chỉ qua tiểu thuyết này, ở nhân vật chính "gàn dở" kia, ông đã gửi vào đấy một cách thẳng thắn và thật khéo léo những ý nghĩ của mình: "Có những kẻ đi vào con đường thênh thang của tham vọng của kiêu ngạo. Có những kẻ tìm đến nẻo đường xu nịnh đê tiện hèn hạ. Có những kẻ đi trên con đường hẻm của đạo đức giả lừa bịp... Còn đây, đây theo ngôi sao định mệnh; đây theo con đường gian nan chật vật của người hiệp sĩ lang thang. Đây khinh rẻ hết thảy vinh hoa nhưng không bao giờ vứt bỏ danh dự. Đây đã rửa hờn cho khối sự bất công, bênh vực kẻ yếu bị áp bức, trừng trị những kẻ ngạo mạn, đánh bại những tên khổng lồ và giày xéo lên bọn yêu quái".

Nguyên An (CAND)