Murakami

Một mình Toni Takitani (2)

Murakami

Toni Takitani có thì giờ là chuyên chú làm việc, và chẳng có sở thích gì tốn tiền, nên đến năm băm lăm tuổi, anh đã có một gia tài khá lớn. Nghe lời người ta khuyên, anh mua một toả nhà lớn ở Setagaya, và dần dần sở hữu vài căn hộ chung cư cho thuê. Chuyện thuế má, anh giao cả cho luật sư lo liệu.

Cho đến lúc này, Toni Takitani đã giao thiệp với một vài phụ nữ. Thời trẻ cũng có lần, tuy không lâu dài, đã sống chung với bạn gái. Nhưng kết hôn thì anh chưa bao giờ nghĩ đến. Bởi anh không đặc biệt cảm thấy cần thiết phải kết hôn. Nấu nướng, quét dọn, giặt giũ, anh đều tự mình làm lấy cả, mà có bận công việc quá thì cũng chỉ cần thuê các bà giúp việc nhà là xong. Chưa khi nào anh nghĩ đến chuyện muốn có con. Cũng chẳng có bạn thân đến mức có thể nhờ góp ý kiến hay cởi mở tâm sự với nhau. Ngay cả bạn uống rượu với nhau cũng không có. Tuy nhiên, anh chẳng phải là người quái kỳ gì. Tuy không khéo ứng xử cho được lòng người như bố, anh vẫn có thể giao thiệp ở mức thông thường với người chung quanh. Anh không làm oai làm phách. Không nói xấu ai mà cũng không biện hộ gì cho mình. Thay vì nói về mình, anh thích nghe nói về người khác hơn. Vì thế người chung quanh phần lớn thích anh. Nhưng anh chẳng làm sao mà kết thân với ai đến mức độ thâm giao. Bố con thì chỉ thấy mặt nhau hai, ba năm một lần khi có chuyện gì cần. Mà gặp nhau, xong chuyện cần ấy rồi thì chẳng còn chuyện gì để nói với nhau nữa. Đời sống của Toni Takitani cứ như thế mà âm thầm bình thản trôi đi. Anh nghĩ có lẽ mình chẳng khi nào kết hôn cả.

Thế mà thình lình Toni Takitani bị tiếng sét ái tình. Từ một cô gái làm thêm trong nhà xuất bản, lo việc đến lấy các bản thảo minh hoạ ở văn phòng của anh. Nàng hăm hai tuổi. Khi đến văn phòng của anh, nàng luôn mỉm nụ cười dịu dàng. Tuy không xinh đẹp đến nổi bật nhưng nàng có khuôn mặt thật dễ thương. Đặc biệt, nàng có một vẻ gì đấy làm cho lòng anh rung động mãnh liệt. Đến nỗi lần đầu tiên nhìn thấy nàng, ngực anh ứ nghẹn đến không thở được. Cái gì trong nàng đã đập mạnh vào tim anh đến như thế, anh không hiểu được. Mà cho dù có hiểu đi nữa, cũng chẳng phải là thứ gì có thể dùng lời nói mà diễn tả được.

Cách ăn mặc của nàng lại khiến anh phải chú ý. Anh vốn không quan tâm mấy đến trang phục, mà cũng chẳng phải là người để ý đến áo quần phụ nữ. Vậy mà cách ăn mặc duyên dáng khéo léo của người con gái ấy đã khiến anh phải nể phục. Nếu chỉ khéo ăn mặc thôi thì trên đời này có vô số cô gái như thế. Mà các cô ăn mặc để gợi chú ý từ người khác thì lại càng đông hơn nữa. Thế nhưng nàng hoàn toàn khác với họ. Như cánh chim khoác lên mình một luồng gió lạ dợm bay về một thế giới xa tắp, nàng phục sức vô cùng tự nhiên mà quyến rũ. Y phục ấy như được ôm ấp thân thể nàng mà có được một sinh mệnh mới.

Nàng đã chào tạm biệt “Cảm ơn anh rất nhiều” và ôm chồng bản thảo minh hoạ đi rồi mà một hồi lâu sau anh vẫn còn không đáp lại một lời gì được. Anh bần thần ngồi trước bàn chẳng làm gì cả như thế mãi cho đến lúc căn phòng phủ mịt mùng bóng đêm.

Ngày hôm sau, anh gọi điện thoại đến nhà xuất bản, kiếm cớ khiến họ bảo nàng thế nào cũng phải đến văn phòng của anh lần nữa. Sau khi xong việc ấy rồi, anh mời nàng đi ăn trưa. Hai người vừa ăn vừa nói chuyện đời. Mặc dù tuổi tác chênh lệch đến mười lăm năm, họ rất hợp chuyện. Nói chuyện gì cũng ăn khớp với nhau được. Chuyện suôn sẻ như thế, đối với cả anh lẫn nàng, là lần đầu tiên. Lúc đầu, nàng cũng căng thẳng, nhưng dần dần đã thư giãn được, và cười nói nhiều hơn. Lúc chia tay, Toni Takitani khen nàng: “Cách trang phục của em lúc nào nhìn cũng tuyệt đẹp”. Nàng e thẹn mỉm cười: “Em thích mặc áo đẹp. Nên phần lớn tiền lương tiêu cả vào áo quần thôi”.

Từ đấy, hai người đã hò hẹn với nhau vài lần. Cũng chẳng cần đến chỗ nào đặc biệt, họ chỉ ngồi bên nhau ở nơi thanh vắng mà chuyện trò không dứt. Chuyện thân thế, công việc, suy tư, cảm nhận về mọi việc trên đời. Hai người có thể chuyện trò như thế giờ này sang giờ khác liên miên không chán. Cả hai như muốn chuyện trò cho bù lại khoảng trống thiếu vắng từ trước đến nay. Thế rồi trong lần hò hẹn thứ năm, anh đã ngỏ lời cầu hôn. Nhưng nàng lại đang có người yêu, người ấy là bạn từ thời trung học. Theo tháng năm, quan hệ giữa hai người đến lúc có gì đấy không ổn, bây giờ cứ gặp nhau thì lại sinh cãi vã từ những chuyện không đâu. Gặp Toni Takitani thì nàng vui thích hơn. Dù vậy cũng không thể cắt đứt ngay mối quan hệ với người ta được. Nàng có sự tình như thế. Lại nữa, giữa nàng và Toni Takitani còn có khoảng cách tuổi tác đến mười lăm năm. Nàng còn trẻ quá, chưa đủ kinh nghiệm nhân sinh. Không đo lường được cái khoảng cách mười lăm năm ấy sẽ có ý nghĩa như thế nào từ đây về sau. Nàng xin anh cho nàng thời gian để suy nghĩ thêm.

Trong khoảng nàng còn đang suy nghĩ ấy, Toni Takitani hằng ngày uống rượu một mình. Chẳng làm sao rớ đến công việc được. Cô độc đột nhiên ép nặng lên anh buồn phiền khổ não. Anh cảm thấy cô độc cũng là ngục tù. Điều mà từ trước đến nay anh không để ý. Anh mải nhìn bức tường dày và lạnh bao quanh mình với đôi mắt tuyệt vọng. Nếu nàng bảo không muốn kết hôn với anh, chắc là anh cứ sầu khổ như thế đến chết mất.

Anh tìm gặp nàng, thổ lộ ngọn ngành tâm tình ấy. Từ trước đến nay, đời anh đã cô đơn đến thế nào, đã mất đi biết bao nhiêu ý nghĩa rồi. Nàng đã xuất hiện để khiến anh nhận thức được những cô đơn mất mát ấy.

Là một cô gái mẫn tuệ, nàng dần dần cảm thấy yêu thương con người Toni Takitani. Từ đầu đã thích anh rồi, càng gặp lại càng yêu thương thêm. Nàng không hiểu tình cảm ấy có đúng là tình yêu hay không, nhưng cảm thấy trong anh có gì đấy tuyệt vời. Nàng nghĩ chung sống với người này sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Thế là hai người thành hôn.

Thời kỳ cô độc trong đời Toni Takitani đã chấm dứt ở đấy. Mỗi buổi sáng anh thức dậy, việc đầu tiên là dõi mắt tìm nàng. Nhìn thấy hình dáng nàng ngủ say bên mình thì anh yên lòng. Khi nào không thấy nàng, anh cảm thấy bất an, phải đi khắp nhà tìm nàng. Không còn cô độc nữa là một trạng huống còn lạ lùng quá đối với anh. Bởi một khi không còn cô độc nữa, anh lại bị ám ảnh thường trực nỗi lo sợ trở nên cô độc một lần nữa. Lắm lúc anh lo sợ đến toát mồ hôi lạnh khi chợt nghĩ đến điều ấy. Nỗi khủng hoảng ấy ám ảnh anh suốt ba tháng đầu của sinh hoạt vợ chồng. Nhưng dần dà làm quen với đời sống mới, và không còn lo lắng về chuyện nàng có thể thình lình biến đâu mất nữa, anh bớt bị ám ảnh như trước. Cuối cùng, anh an định được, và dần dần thấm nhuần niềm hạnh phúc dịu dàng.

Hai người có lần đã đi nghe Takitani Shozaburo diễn tấu trombone. Nàng rất muốn biết bố chồng diễn tấu âm nhạc như thế nào. Nàng hỏi: “Nếu biết chúng mình đi nghe, bố có phiền lòng không anh?” Anh đáp: “Chẳng có gì phiền lòng cả đâu em”. Hai người đến hộp đêm ở Ginza, nơi Takitani Shozaburo trình tấu trombone mỗi đêm. Trừ thời con nít, Toni Takitani đi nghe bố mình diễn tấu như thế này là lần đầu. Takitani Shozaburo diễn tấu loại âm nhạc cũ không khác gì ngày xưa. Những bản nhạc mà ngày còn bé anh vẫn nghe mãi từ các đĩa nhạc. Tiếng kèn của bố anh thật là uyển chuyển, tao nhã, ngọt ngào. Có thể chưa đạt đến mức tuyệt phẩm, nhưng âm nhạc ấy được sáng tạo một cách tinh xảo từ kỹ năng của nhà chuyên nghiệp hạng nhất, mang đến niềm sảng khoái cho thính giả. Toni Takitani đêm ấy đặc biệt khác với mọi khi, vừa lắng tai nghe âm nhạc ấy, vừa khoái thích nhấm rượu ly này đến ly khác.

Thế nhưng lắng nghe trình tấu một hồi, như bụi rác chầm chậm kết tụ âm thầm nhưng chắc chắn trong ống nước nhỏ, anh cảm thấy trong dòng âm nhạc ấy có gì đấy kết tụ lại làm nghẽn hơi thở của anh, khiến anh khó ở. Cảm thấy như dòng nhạc này khác lạ với dòng nhạc của bố anh đọng lại trong trí nhớ của anh từ thời xưa. Tất nhiên thời ấy đã xưa quá rồi, và vốn chỉ là tai nghe của trẻ con mà thôi. Dù vậy, anh vẫn cảm thấy sự khác biệt ấy là trọng yếu. Có thể chỉ là một khác biệt rất nhỏ, nhưng lại rất quan trọng. Anh thật muốn nhảy lên sân khấu, nắm cánh tay bố mà hỏi: “Bố à, khác biệt ấy là cái gì?” Nhưng tất nhiên chuyện ấy anh không sao làm được. Anh chẳng nói năng gì, chỉ ngồi uống rượu và nghe bố trình tấu cho đến bản cuối cùng. Và cùng vợ vỗ tay rồi trở về nhà.

Sinh hoạt của vợ chồng anh hoàn toàn không bị bóng đen nào phủ xuống. Việc làm của anh vẫn thuận buồm xuôi gió như bao giờ, vợ chồng anh chưa hề cãi nhau một lần nào. Thường cùng nhau tản bộ, hay đi xem chiếu bóng, đi chơi xa chung. Tuy tuổi còn rất trẻ, nhưng vợ anh tỏ ra là người nội trợ đảm đang, biết chừng mực trong mọi việc. Xử trí việc nhà nhanh nhẹn, không để chồng phải lo lắng điều gì. Duy chỉ có một điều làm Toni Takitani phải tư lự. Đó là việc vợ anh mua sắm quần áo quá nhiều. Cứ thấy đám y phục mới trước mắt là vợ anh hầu như không còn tự chủ được nữa. Nét mặt bỗng chốc biến đổi, mà cả giọng nói cũng biến đổi luôn. Lần đầu nhìn thấy vợ mình như thế, anh đã tưởng là nàng bị đau ốm gì thình lình. Từ trước khi kết hôn, khuynh hướng ấy của nàng cũng đã lọt vào mắt anh, nhưng bắt đầu từ tuần trăng mật du lịch âu châu lại càng hiển lộ mức độ trầm trọng hơn nhiều. Ngay trong chuyến du lịch ấy, nàng cũng đã mua sắm y phục đến mức anh phải lắc đầu ngán ngẩm. Ở Milan và Paris, từ sáng đến khuya, nàng đã đi vòng các tiệm y trang như người lên cơn đồng thiếp. Hai người chẳng đi xem cảnh thắng ở đâu cả. Duomo không đi mà Louvre cũng chẳng đến. Chuyến du lịch ấy, anh chỉ nhớ toàn là những tiệm y trang. Valentino, Missoni, Saint Laurent, Givenchy, Ferragamo, Armani, Cerutti, Gianfranco Ferré... Vợ thì mắt lạc thần, cuống quít lựa chọn trang phục, còn anh phải bám sát sau lưng nàng để thanh toán tiền nong. Đến nỗi anh lo cây bút ký tên trả tiền bằng thẻ tín dụng ấy có thể cạn mực.

Cả sau khi trở lại Nhật, nhiệt tình mua sắm y phục cũng chẳng có dấu hiệu thuyên giảm tí nào. Ngày này qua ngày khác, vợ anh hăm hở chuyện mua sắm áo quần, giày dép. Số lượng y trang của nàng tăng vọt. Phải đặt mua thêm mấy cái tủ áo cỡ lớn. Tủ đựng giày cũng phải đặt làm đặc biệt. Thế đã đủ đâu, anh lại phải cho sửa nguyên một căn phòng ngủ thành một phòng thử áo lớn. Cũng may là nhà anh rộng lớn dư phòng. Tiền bạc cũng chẳng thiếu thốn gì. Vả lại, vợ anh lại khéo ăn mặc. Chỉ cần có áo quần mới là nàng vui sướng rồi. Cho nên anh cũng chẳng than phiền gì. Anh nghĩ: thôi cũng được. Trên đời này có ai hoàn hảo đâu.

Nhưng khi lượng áo quần của vợ tăng đến mức nguyên một phòng áo quần vẫn không đủ, thì quả thật anh đâm lo. Một lần, nhân lúc vợ vắng nhà, anh đếm thử xem sao. Anh tính ra rằng cho dù mỗi ngày thay hai bộ đi nữa, vợ anh cần đến hai năm trời mới mặc cho hết số lượng áo quần đang có trong nhà. Dù sao đi nữa thì số lượng áo quần như thế là đã quá nhiều rồi. Anh phải làm sao để ngăn chặn lại mới được.

Một ngày nọ, sau bữa cơm tối, anh thu hết quyết tâm để ngỏ lời với vợ. “Em này, hay là bớt mua sắm quần áo một tí xem sao. Anh hoàn toàn không lo về chuyện tiền bạc. Thứ gì cần thiết thì cứ mua sắm thôi, và em ăn mặc đẹp thì anh thích lắm. Thế nhưng áo quần đắt giá mà nhiều đến thế này thì có cần thiết thật không?”

Vợ anh cúi đầu suy nghĩ một lúc. Rồi nói: “Em nghĩ đúng như anh nói, áo quần nhiều đến thế này thì không cần thiết thật, điều ấy chính em cũng hiểu rõ. Nhưng mà, có hiểu cũng chẳng làm gì được cả. Trước mắt có áo quần đẹp thì em không làm sao mà không mua cho được. Cần thiết hay không cần thiết, số lượng nhiều hay ít, chẳng còn là vấn đề gì nữa rồi. Chỉ đơn giản là không làm sao ngăn mình đừng mua được nữa. Cứ như là nghiện đến thành bệnh rồi vậy”.

Nói thế nhưng nàng cũng hứa sẽ cố gắng thoát ra khỏi tình trạng ấy. Bởi cứ tiếp tục mãi như thế thì chẳng mấy chốc cả nhà sẽ đầy áo quần của nàng mà thôi.

Suốt một tuần sau, nàng tự giam mình trong nhà để khỏi nhìn thấy bộ áo quần mới nào. Nhưng làm thế, nàng lại cảm thấy trống rỗng. Như đang bước đi trên một hành tinh thiếu không khí. Mỗi ngày nàng vào phòng áo quần, cầm lên tay từng chiếc mà ngắm nghía. Vuốt ve làn vải, ngửi hít mùi vải mới, xỏ tay vào áo rồi đứng ngắm trước gương. Ngắm nghía bao nhiêu bộ áo cũng chẳng chán. Và càng ngắm nghía càng nôn nao muốn mua sắm áo quần mới. Hễ lòng ước muốn nảy sinh thì không còn nhịn được.

Chỉ còn một lòng ước muốn chuyên chú đến không sao nhịn được nữa.

Tuy nhiên, nàng yêu chồng sâu đậm và kính nể chồng nữa. Nàng hiểu điều chồng mình nói là đúng. Áo quần nhiều đến thế này thì đúng là không cần thiết. Bởi thân thể mình chỉ có một. Nàng bèn điện thoại đến hiệu quần áo quen, hỏi người chủ hiệu xem chiếc áo đầm và áo khoác ngoài nàng mới mua mười ngày trước, chưa từng mặc đi đâu cả ấy, có thể hoàn trả lại được không. Chủ hiệu nói: “Thưa được chứ. Bà mang lại thì chúng tôi sẽ xin hoàn tiền”. Vì nàng là khách sộp nên chừng ấy thì họ cũng cân nhắc cho. Thế là nàng lái xe, mang áo đầm và áo khoác ấy đến tiệm ở Aoyama trả lại và làm thủ tục lấy lại số tiền đã trả bằng thẻ tín dụng. Nàng cảm ơn chủ tiệm, rồi chuyên chú lái xe, tránh nhìn các cửa hiệu ở hai bên đường, lấy đường số 246 lái thẳng về nhà. Trả áo lại xong, nàng có phần nhẹ người. Nàng tự nhủ: “Đúng thế, những chiếc áo ấy quả là không cần thiết. Bởi mình đã có đủ số áo đầm áo khoác để mặc suốt đời rồi mà”. Thế nhưng trong khi dừng xe ở ngã tư để chờ đèn xanh, nàng đã chỉ nghĩ đến chiếc áo đầm và áo khoác vừa trả lại ấy mà thôi. Nàng nhớ lại thật rõ ràng màu áo ấy như thế nào, hình dáng áo ra sao, sờ vào thì có cảm giác như thế nào. Nhớ rõ ràng đến cả những chi tiết nhỏ nhặt của hai chiếc áo ấy, như chúng đang hiển hiện ngay trước mắt nàng. Nàng cảm thấy mồ hôi rịn ra trên trán. Hai cánh tay tựa lên vành tay lái, nàng hít một hơi dài. Rồi nhắm mắt lại. Khi mở mắt ra, nàng thấy đèn hiệu đã đổi sang xanh. Nàng giật mình, nhấn lút bàn đạp tăng tốc.

Đúng lúc ấy, một chiếc xe tải hạng nặng cố vượt đèn vàng, phóng đến toàn tốc lực, đâm sầm vào hông chiếc xe Renault Cinque nhỏ màu xanh biển của nàng. Nàng không có thời gian để cảm thấy gì cả.

Murakami

Phạm Vũ Thịnh dịch