Một thắng cảnh của cố đô Huế sắp chìm trong lòng hồ thủy điện

Cập nhật: Đông Tỉnh

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng Cổ vật (BTCV) cung đình Huế cho biết, vừa tổ chức khảo sát tại suối nước nóng thuộc xã Dương Hoà, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế để xác minh tấm bia đá cổ được Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Hương Thủy phát hiện tại lòng hồ Tả Trạch. Qua khảo sát, xác định đây là khu vực suối nước nóng từng phát hiện vào thời Nguyễn, được xếp là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh thời bấy giờ...

Theo đó, đoàn khảo sát của BTCV cung đình Huế đã xác định ở khu vực suối nước nóng thuộc xã Dương Hoà xuất lộ 2 tấm bia. Một tấm cao 1,6m, rộng 0,86m, dày 0,2m. Trán bia chạm hình lưỡng long triều nhật và thân bia chạm hoa lá cách điệu, bệ chạm hoa văn kỷ hà theo phong cách cung đình; bề mặt bia bị nước và thời gian bào mòn không còn thấy dấu khắc của chữ. Và một tấm bia nhỏ, mặt trước khắc hai chữ Lãnh Giản, mặt sau khắc Minh Mạng thập bát niên, tam nguyệt cát nhật (ngày tốt, tháng ba, năm Minh Mạng thứ 18).

Theo sử liệu, năm 1837, ông Nguyễn Phúc Miên Nghi, trong một lần đến đây săn bắn đã phát hiện ra suối nước nóng này về bẩm tấu với vua Minh Mạng. Vua đã sai Lang trung bộ Công là Vũ Trọng Đại, đi điều tra tình hình và vẽ bản đồ thắng cảnh này. Sau đó, nhà vua đã đến đây xem xét và làm một bài thơ Thang Hoằng Ký, rồi cho khắc vào bia đá dựng tại nơi này.

Bia đá được phát hiện tại ngọn đồi cạnh suối nước nóng thuộc xã Dương Hoà. Ảnh: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, vũng nước nóng này nằm ở phía tây ấp Dương Hoà bên nguồn Tả Trạch, thuộc địa phận huyện Hương Trà (nay là xã Dương Hoà, thị xã Hương Thủy), cách ngã ba Bằng Lãng khoảng hơn 20km. Vũng nước nóng này cách bờ Tả Trạch khoảng 65m, chu vi khoảng 4m, nước đen và trong, sâu; nguồn nước từ trong lòng đất phun ra, sôi sùng sục, khói trắng bốc lên, nóng đến mức không thể tới gần được...

Đến năm Minh Mạng thứ 18 (1838), triều đình có cho khắc dựng 3 bia suối nước nóng tại đây, trong đó có 1 tấm bia lớn khắc bài ký về suối nước nóng (Thang Hoằng Ký) của vua Minh Mạng, 2 bia nhỏ khắc tên suối là Thanh Giản (nghĩa là khe trong) và Lãnh Giản (khe lạnh).

Vào năm 1844, khi lên ngắm cảnh ở suối nước nóng này vua Thiệu Trị từng nhớ lại hồi trước theo vua cha lên đây, ông cũng làm bài thơ Tây Lĩnh Thang Hoằng, khắc vào bia đá. Ngoài ra, trong 20 thắng cảnh xứ Huế xưa do vua Thiệu Trị đề vịnh, được bộ Công vẽ tranh minh hoạ, có 8 thắng cảnh trong cung và vườn ngự đều khắc trên bảng đồng; 12 thắng cảnh khác được khắc thơ trên bia đá, trong đó có Tây Lãnh Thang Hoằng được dựng tại đây...

Ông Trung cho biết thêm, khi đoàn khảo sát tại khu vực này còn nguyên một suối nước nóng trong vắt nhiệt độ rất cao, khi mặt trời chiếu góc thẳng đứng xuất hiện những tia màu tím rất đẹp. Ngoài ra, cảnh sắc thiên nhiên hai bên còn hoang sơ, tuyệt đẹp như sử sách đã từng ghi lại. Tuy nhiên, đã từ lâu do không xác định được địa điểm nên ít người tìm đến và cũng không biết thắng cảnh thứ 20 của đất Thần Kinh xưa lại nằm tại khu vực này.

Nhưng, điều đáng tiếc, thắng cảnh này trong thời gian tới chỉ còn trong ký ức, vì hồ Tả Trạch của thủy điện Tả Trạch khi hoạt động tích nước thì vị trí các tấm bia đá bị ngập từ 50 - 60m. Hiện, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho di chuyển 2 tấm bia trên về bảo quản tại bảo tàng, đồng thời nỗ lực tìm kiếm các tấm bia còn lại

Đ.T. (CAND)