NGUYỄN DU QUA SÔNG HOÀI NHỚ VĂN THIÊN TƯỜNG

Nguyễn Du

Đầu thế kỷ 20, những người Việt Nam đi làm cách mạng thuộc lòng hai câu thơ: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (Từ cổ người đời ai chẳng chết, lưu lại lòng son với sử xanh) trong bài Qua biển Lênh Đênh của Văn Thiên Tường. Những bài thơ rực sáng tấm lòng yêu nước của tác giả bài Chính Khí Ca, được Nguyễn Công Trứ trích dẫn trong bài hát nói Chí anh hùng. Chính Khí Ca còn ca tụng bởi Nguyễn Du, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu ...

Văn Thừa Tướng tức Văn Thiên Tường (1236-1282) anh hùng dân tộc, nhà thơ yêu nước thời Nam Tống. Còn có tên là Lý Thụy, hiệu Văn Sơn tên ngọn núi trước nhà, người Cát An, tỉnh Giang Tây. Năm 20 tuổi đỗ Tiến sĩ làm quan đến chức Hữu Thừa tướng (đồng Thủ Tướng) kiêm khu mật sứ. Khi quân Nguyên Mông Cổ tấn công Lâm An (Hàng Châu) ông được phái thương thuyết xin hòa, bị tướng Nguyên là Bá Nhan giữ lại. Sau trốn về Ôn Châu lập vua Tống Đoan Tông để chống Nguyên. Tháng 10 năm 1278 bị bại trận tại Quảng Đông, bị địch bắt; Tháng ba năm sau bị giải đi Yên Kinh (Bắc Kinh). Suốt ba năm tù, Nguyên Thế Tổ Thành Cát Tư Hãn (Hốt Tất Liệt) dụ dỗ đầu hàng; hàng chục người, từ ấu chúa nhà Tống đến quan lại đầu hàng, người thân gia đình thay phiên nhau thuyết hàng, rồi đến cưỡng bức, nhục hình, nhưng ông vẫn cự tuyệt, cuối cùng bị giết năm 47 tuổi, để lại lòng son với sử xanh. Các tác phẩm để lại: Văn Sơn tập, Chỉ Nam lục, Chỉ Nam hậu lục, Ngâm khiếu tập, tập hợp trong Văn Sơn tiên sinh toàn tập 20 cuốn. Người Việt Nam muôn thuở vẫn kính phục Văn Thiên Tường, và phân biệt lòng yêu nước cao đẹp của danh nhân Trung Quốc ấy với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.

Sông Hoài là con sông lớn thứ ba Trung Quốc, sau sông Dương Tử và sông Hoàng Hà, dài 1078 km, lưu vực 187 ngàn km2. Sông Hoài và núi Tần Lĩnh là đường phân chia thiên nhiên giữa Hoa Bắc và Hoa Nam, bắt nguồn từ Đồng Bách Sơn, tỉnh Hà Nam chảy qua tỉnh An Huy và Giang Tô đổ vào sông Dương Tử tại Tam Giang Doanh tỉnh Giang Tô. Nguyễn Du đi qua sông Hoài lại nhớ Văn Thiên Tường với bài “Qua sông Hoài nhớ Văn Thừa tướng”: Tòng kim biệt khứ Giang Nam lộ, Hóa tác đề quyên đai huyết quy. Từ nay vĩnh biệt con đường quê hương Giang Nam, hóa thành con chim đỗ quyên kêu khàn cổ đến ra máu. Núi non phong cảnh vẫn còn y nguyên, nhưng lòng trung của Thừa Tướng Văn Thiên Tường vẫn truyền muôn thuở. Vượt khỏi sông Hoài không còn là đất cũ nữa vì nhà Tống đã cắt đất phía bắc chia cho nhà Kim. Bao giờ mới đoàn viên trở lại miền Giang Tả. Bi thương Văn Thiên Tường viết lên Chính Khí ca, lời vàng đá. Hồn nhớ nước cũ có chết cũng thành con chim cuốc: nhớ nước đau lòng con quốc quốc. Phong tục Hoa Bắc Hoa Nam giờ đã khác ngày xưa. Trong ánh chiều tà biết bao nhiêu thuyền qua lại.

QUA SÔNG HOÀI NHỚ VĂN THỪA TƯỚNG
Núi sông phong cảnh vẫn còn nguyên,
Lòng trung Thừa tướng mãi lưu truyền.
Vượt khỏi sông Hoài không đất cũ,
Bao giờ Giang Tả lại đoàn viên.
Bi thương lòng thốt thơ vàng đá,
Hồn oán mai về hóa đỗ quyên.
Phong tục Bắc Nam giờ chẳng khác,
Chiều tà qua lại biết bao thuyền.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
ĐỘ HOÀI HỮU CẢM VĂN THỪA TƯỚNG
Sơn hà phong cảnh thượng y nhiên,
Thừa tướng cô trung vạn cổ truyền.
Nhất độ Hoài Hà phi cố vũ,
Trùng lai Giang Tả cánh hà niên ?
Ai trung xúc xứ minh kim thạch,
Oán huyết qui thời hóa đỗ quyên.
Nam Bắc chỉ kim vô dị tục,
Tịch dương vô hạn vãng lai thuyền.

Văn Thiên Tường viết Chính Khí Ca, một áng văn tuyệt tác ngợi ca lòng yêu nước: Trong trời đất có cái chính khí, tỏa sáng ra cho tất cả mọi loài hữu hình. Tràn tuôn mặt đất từ sông đến núi và trên trời sáng chói trăng sao. Là khí hạo nhiên của con người. Gặp khi thời thanh bình thịnh trị, từ trong triều đến dân gian đều vang lời vui vẻ, an lạc. Gặp lúc cùng khốn thì tiết tháo can trường tỏ ra, được sử xanh lưu truyền muôn đời. Ở nước Tề thời Chiến Quốc, Thôi Tử giết vua quan Thái Sử chép việc mà không sợ uy quyền. Ở Tấn, quan Tể Tướng Triệu Thuẩn bỏ trốn khi vua bị giết, Đổng Hồ chép sự thật kết án Triệu Thuẩn không làm tròn trách nhiệm là giết vua. Nước Tần, Trương Lương muốn báo thù cho nước Hàn một mình mang chùy đánh vua Tần Thủy Hoàng. Tại nhà Hán, Tô Vũ đi sứ bị Hung Nô bắt giam 18 năm. Trương Phi đánh Ba Thục bắt được tướng Nghiêm Nhan, Nhan không chịu đầu hàng nói: nước Thục chỉ có tướng đứt đầu chứ không có tướng đầu hàng. Vua Tấn Hoài Đế bị giặc đuổi, Kê Thị Trung tức Kê Thiệu lấy thân mình che chỡ vua, bị tên bắn máu tung đỏ cả áo long bào nhà vua. Đời Đường An Lộc Sơn làm phản, Trương Thư Dương tức Trương Tuần đánh giặc thua trận bị bắt, mắng giặc luôn miệng bị giặc bẽ gãy hai cái răng. Nhan Kiều Khanh tức Nhan Thường Sơn bị giặc bắt mắng chưỡi luôn miệng, giặc cắt lưỡi vẫn tiếp tục chửi mãi không thôi. Quảng Minh đời Hán được vua mời ra làm quan, không chịu, cứ ở mãi Liêu Đông ba mươi năm đội nón lá mặc áo vải bố. Khổng Minh dâng biểu xin vua xuất quân đánh Ngụy, lời lẫm liệt oai hùng. Tổ Địch qua sông đánh giặc bẻ gảy mái chèo thề không dẹp giặc xong không qua sông này. Đoàn Tú Thực giận Châu Xế chiếm ngôi vua cầm hốt, vật bằng ngọc các quan cầm cho oai nghi, đánh vào đầu Xế máu ra lai láng. Cái linh khí ấy tràn ngập muôn thuở, sáng rực cả trần ai, tỏ rõ cả trăng sao. Khí thiên anh hùng, xem nhẹ cái chết tựa lông hồng. nó làm cho khuôn đất nhờ đó mà vững vàng, cột chống trời nhờ đó mà còn. Tam cương được gìn giữ. Đạo nghĩa có được nguồn gốc. Xót vì ta gặp vận chẳng may, tướng sĩ hèn nhát, cho nên ta bị bắt làm tù nhân. Xe chở lên Bắc Kinh, dù ninh nấu ta trong vạc dầu sôi ta cũng coi như sương. Trong ngục tù không thấy ánh mặt trời, phòng giam tối đen lập lòe như lửa ma. (Văn Thiên Tường sống cùng bốn người lính) như ngựa quý sống cùng trâu bò. Phượng hoàng ăn thóc chung cùng đàn gà. Gió lạnh sương mù, trong không khí ẩm thấp, ta thường nghĩ sắp chết đến nơi, vậy mà trọn hai năm, bệnh tật hoài công lãng vãng chung quanh. Riết rồi ta cũng thấy cái nền ngục ẩm thấp hôi hám này là cảnh thiên đường lạc quốc. Vì thế ta vững được ý chí, ngắm mây trắng trôi trên đầu mà lòng buồn mênh mông như vòm trời vậy. Thánh hiền nay đã xa, tinh hoa vẫn còn đó. Trước hiên gió lộng mở sách đọc. Gương xưa vẫn soi sáng trước mặt.

CHÍNH KHÍ CA
Trong trời đất chính khí,
Tỏa sáng cho muôn loài.
Cho sông núi dưới đất,
Cho trăng sao trên trời.
Bao trùm cả vũ trụ,
Khí hạo nhiên con người.
Gặp lúc thời bình trị,
Triều thịnh vang lời vui,
Khi cùng tiết tháo tỏ,
Sử xanh ghi muôn đời.
Ở Tề sách Thái Sử,
Ở Tấn bút Đổng Hồ,
Ở Tần chùy Trương Lương,
Ở Hán cờ Tô Vũ.
Đầu Nghiêm tướng thách giặc,
Máu Kê Thị đỏ áo vua,
Răng Trương Thư Dương chửi địch,
Lưỡi Nhan Thường Sơn mắng thù,
Hoặc là mũ Liêu Đông,
Trắng phau vẽ băng tuyết,
Hoặc là biểu Xuất Quân,
Quỷ thần sầu lẫm liệt.
Hoặc qua sông gõ nhịp,
Khẳng khái chí nuốt Hồ.
Hoặc giật hốt đánh tặc,
Phường tiếm nghịch vỡ đầu.
Khí ấy ào ào tới,
Muôn thuở còn oai nghiêm,
Khi đã vượt nhật nguyệt,
Sống thác cũng coi thường.
Khuôn đất lại bền vững,
Cột trời mãi vẫn còn.
Ba mối giềng gìn giữ,
Đạo nghĩa có cội nguồn.
Xót ta gặp vận mạt,
Tướng sĩ thật nhát hèn,
Dãi mũ buộc tù tội .
Xe tù lên bắc phương,
Ninh nấu đành cam phận,
Ta còn mong được gì!
Phòng tối ma thắp lửa,
Viện xuân ngục âm u,
Ngựa giỏi nhốt cùng trâu,
Chuồng gà phượng mổ thóc.
Thân này khi gió sương,
Bên rãnh mương lăn lóc.
Thế đã hai năm qua,
Tránh ta khí lạnh độc.
Ta thường nghĩ sắp chết,
Xem tù ngục ẩm thấp,
Là một cõi thiên đường.
Giữ vững được ý chí,
Âm dương không dám phạm.
An nhiên mà tự tại,
Ngắm nhìn đám mây trắng.
Phiêu du ta muộn phiền,
Trời xanh cao thăm thẳm.
Đã lâu, khuất thánh hiền,
Khuôn phép vẫn không mất,
Mở sách gió trước hiên,
Soi gương xưa trước mặt.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
CHÍNH KHÍ CA
Thiên địa hữu chính khí,
Tạp nhiên phú lưu hình.
Hà tắc vi hà nhạc,
Thượng tắc vi nhật tinh.
Ư nhân viết hạo nhiên,
Bái hồ tắc sương minh.
Hoàng lộ đương thanh di,
Hàm hòa thổ minh đình.
Thời cùng tiết nãi kiến,
Nhất nhất thùy đan thanh,
Tại Tề, Thái Sử giản,
Tại Tấn, Đổng Hồ bút,
Tại Tần, Trương Lương chùy,
Tại Hán, Tô Vũ tiết.
Vi Nghiêm tướng quân đầu,
Vi Kê Thị trung huyết,
Vi Trương Thư Dương xỉ,
Vi Nhan Thường Sơn thiệt.
Hoặc vi Liêu Đông mạo,
Thanh tháo lệ băng tuyết,
Hoặc vi xuất sư biểu,
Quỷ thần khấp tráng liệt.
Hoặc vi độ giang tiệp,
Khẳng khái thôn Hồ yết.
Hặc vi kích tặc hốt,
Nghịch thụ đầu phá liệt.
Thị khí sở bàng bạc,
Lẫm liệt vạn cổ tồn.
Đương kỳ quán nhật nguyệt,
Sinh tử an túc luân.
Địa duy lại dĩ lập,
Thiên trụ lại dĩ tôn.
Tam cương thực hệ mệnh,
Đạo nghĩa vi chi căn.
Ta dư cấu dương cứu,
Lệ dã thực bất lực,
Sở tù anh kỳ quan,
Truyền xa tống cùng bắc.
Đỉnh hoạch cam như di,
Cầu chi bất khả đắc,
Âm phòng khích quỷ hỏa,
Xuân viện bí thiên hắc,
Ngưu ký đồng nhất tạo,
Kê thê phượng hoàng thực.
Nhất triêu mông vụ lộ,
Phân tác câu trung tích,
Như thử tái hàn thử,
Bách lệ tự trích dịch.
Ai tai thử như trường,
Vi ngã an lạc quốc.
Khởi hữu tha mậu xảo,
Âm dương bất năng tặc.
Cố thử cảnh cảnh tại,
Ngưỡng thi phù vân bạch,
Du du ngã tâm bi,
Thương thiên hạt hữu cực.
Triết nhân nhật dĩ viễn,
Điển hình tại túc tích.
Phong thềm triển thư đọc,
Cổ đạo chiếu nhan sắc.

Bài Qua biển Lênh Đênh của Văn Thiên Tường cũng là một bài thơ người xưa nhớ mãi. Thôi cũng đành phận cay đắng gian nan. Trải qua bao lưu lạc khốn khó suốt bốn năm. Cuộc đời như cánh bèo trôi dạt trên dòng nước. Sông núi như lá hoa gió mưa làm rách nát tan tành. Nơi đầu bến người người đều sợ hãi, nghe lòng sợ hãi. Lênh đênh đến tận cùng biển nước Trung Hoa nghe thân phận lênh đênh. Từ xưa nay ai chẳng phải chết. Nhưng chết mà lưu lại tấm lòng son với sách sử vẫn là hơn.

QUA BIỂN LÊNH ĐÊNH
Cay đắng gian nan phận đã đành,
Can qua lưu lạc bốn năm quanh.
Cuộc đời bèo bọt mưa trôi dạt,
Sông núi hoa cành gió tướp banh.
Hải sợ bến đầu nghe sợ hãi,
Lênh đênh bể tận thán lênh đênh.
Người đời tự cổ ai không chết,
Lưu giữ lòng son sáng sử xanh.

(Bản dịch Đông A)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
QUÁ LINH ĐINH DƯƠNG
Tân khổ tao phùng khởi nhất kinh,
Can qua liêu lạc tứ châu tinh.
Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,
Thân thế phù trầm vũ đả bình.
Hoàng khủng than đầu thuyết hoàng khủng,
Linh đinh dương lý thán linh dinh.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

 
Ngô Thì Nhậm khi đi sứ năm 1793 báo tang vua Quang Trung và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh, đi ngang qua Cát Thủy quê hương Văn Thiên Tường có viết bài thơ: Quá Cát Thủy Tân Thứ, vọng Văn Sơn điếu Văn Thừa Tướng. Cát Thủy là một huyện thuộc tỉnh Giang Tây. Núi Văn Sơn trước mặt nhà ông nên ông lấy bút hiệu là Văn Sơn.
Trời nghĩ ơn đức nhà Tống, để lại tên tuổi một vị Thừa Tướng (Thủ Tướng). Bài thi đình năm 20 tuổi đã tỏ vẻ sắt đá từ trước. Khi ông thi Đình vua Tống lấy đỗ Trạng Nguyên, chủ khảo là Vương Ứng Lân thán phục quyển văn ông nói: “Thị quyển trung can như thiết thạch”, quyển văn này có tâm can trung nghĩa như sắt đá. Nửa đời cật lực tranh sức sống cùng tạo hóa. Một cái chết ung dung gánh lấy đạo cương thường. Khi người Nguyên xử tử hình ông nói: “Ngô sự tất hỹ”, nghĩa là công việc của ta thế là xong rồi. Chiếc thuyền của vua Tống sau khi thua quân Nguyên phải chạy ra vùng biển Nhai Sơn phía Nam lập đội thuyền lớn chống giữ. Tướng Nguyên là Trương Hoàng Phạm đánh phá, chiến thuyền tan vỡ. Thừa tướng Lục Tô Phu cõng vua Tống gieo mình xuống biển tự tử. Chiếc thuyền xưa đã chìm, lòng ông còn hướng mãi. Sau khi Văn Thiên Tường tử tiết người Nguyên kính trọng lập bài vị, sai làm lễ tế viết bài vị là “Đại Nguyên Thừa Tướng”, bỗng có trận gió cuồng đến cuốn bài vị bay mất. Người Nguyên thấy sợ đổi lại là “Cố Tống Thừa Tướng” lễ tế mới thành. Sách Lịch Đại Thông giám tập lãm chép việc này. Bài vị mới bị gió cuốn mối hận không nguôi. Đăm đăm nhìn ngọn núi Văn lòng càng thêm cảm. Nhác thấy mấy con quạ trời lạnh, liệng xuống trong buổi chiều tà.

QUA BẾN CÁT THỦY TRÔNG NÚI VĂN SƠN ĐIẾU THỪA TƯỚNG HỌ VĂN
Trời ban Thừa Tướng cho nhà Tống,
Sắt đá can trường bài bảng Đình,
Điên đảo nửa đời tranh tạo hóa,
Ung dung một chết gánh cương thường.
Bóng chìm thuyền Chúa lòng còn hướng,
Gió cuốn bài linh hận chẳng tan.
Ngóng núi Văn Sơn lòng cảm khái,
Quạ kêu sương lạnh buổi tà dương.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
QUÁ CÁT THỦY TÂN THỨ, VỌNG VĂN SƠN ĐIẾU VĂN THỪA TƯỚNG
Thiên liên Tống trạch di Thừa Tướng,
Đình đối tiên tư thiết thạch trường.
Điên bái bán sinh tranh tạo hóa,
Thung dung nhất tử nhậm cương thường.
Tinh trầm cố hạm tâm trường hướng,
Phong quyển tân bài hận vị thường.
Tối thị Văn Sơn ngưng đế xứ,
Hàn nha sổ điểm điếu tà dương.

(Thơ Ngô Thì Nhậm, nxb Văn Học, Hà Nội 1986, tr.211)

Phan Huy Ích, Chánh sứ năm 1790 thời Tây Sơn, trong Sứ đoàn 158 người có Phạm Công Trị đóng làm vua giả Quang Trung, khi đi ngang qua Cát Thủy có bài thơ: Qua huyện Cát Thủy, viếng Văn Thừa Tướng. Huyện Cát Thủy nổi tiếng nơi sinh bậc hiền tài. Trời đem chính khí hun đúc cho Văn Sơn. Làm Trạng nguyên, tể tướng nặng gánh cương thường. Gặp Hoàng Phạm, Toa Đô là hai tướng tài nhà Nguyên nên Văn Thiên Tường bị khó khăn, bại trận bị bắt. Trương Hoàng Phạm là người Hán theo Mông Cổ được ban tên là Bạt Đô phong làm nguyên soái. Toa Đô, Thái Tử, là tướng bị Trần Hưng Đạo bắt sông ở cửa Hàm Tử. Không ngại để gương nghĩa liệt trong sử xanh. Đâu đành an nhàn tạm bợ đội mũ vàng, mũ nhà sư. Lòng cô trung chiếu sáng mãi trong trời đất. Khiến kẻ xu thời theo địch mạnh phải thẹn mặt.

QUA HUYỆN CÁT THỦY VIẾNG VĂN THỪA TƯỚNG
Đất phát danh hiền đây Cát Thủy,
Trời nung chí khí đúc Văn Sơn.
Trạng Nguyên, Tể Tướng cương thường gánh,
Hoàng Phạm, Toa Đô sự thế cùng.
Nghĩa liệt tấm gương nêu sử sách,
An nhàn đâu dám mặc non sông.
Cô trung sáng mãi trong trời đất,
Khiến kẻ xu thời hổ tấm thân.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
KINH CÁT THỦY VÃN VĂN THỪA TƯỚNG
Địa xuất danh hiền xưng Cát Thủy,
Thiên tương chính khí dục Văn Sơn.
Trạng nguyên, Tể tướng cương thường trọng.
Hoàng Phạm, Toa Đô thế sự nan.
Thanh hãn bất phương lưu nghĩa liệt,
Hoàng quan phi cấu nguyện an nhàn.
Cô trung chiêu yết càn khôn cửu,
Ba lãng trung nhân nhất hãn nhan.

Chú thích:

  • Hoàng quan: các cụ Đào Duy Anh, Lê Thước đều chú thích mũ hoàng quan là mũ đạo sĩ. Nhưng đạo sĩ ngày xưa mặc áo trắng, đều đội mũ trắng. Các phim truyện Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan họ nghiên cứu kỹ y phục, không thấy ai mặc đồ trắng đội mũ vàng cả. Trái lại nhà sư mặc áo vàng, đội mũ vàng, nho sinh mặc đồ xanh đội mũ xanh. Phải chăng Văn Thiên Tường muốn đi tu theo Phật, dứt lòng trần tục mà đội mũ vàng về quê hương ? cũng có thể là hoàn quan, mũ của người từ quan, khi làm quan đội mũ cánh chuồn, khi từ quan đội mũ khác. (Thơ Văn Phan Huy Ích, Dụ Am Ngâm Lục tập III, nxb KHXH, Hà Nội 1978, tr.88)

Văn Thiên Tường được người Việt Nam trân trọng, tấm lòng khí khái của ông trong những thời kỳ mất nước người Việt không quên. Khi Trung Quốc mất nước, Việt Nam là đất dung thân tị nạn của người Trung Quốc. Từ thời nhà Tống bị mất nước bởi Mông Cổ, nhà Minh bởi Mãn Thanh, đến thời cận đại khi Nhật Bản chiếm Trung Quốc, người Việt Nam tiếp đón người Trung Quốc chân thành. Trong quân của Hưng Đạo Vương kháng chiến chống Nguyên Mông có mặt những binh tướng nhà Tống sang tị nạn. Người Việt Nam đã trả thù cho Văn Thiên Tường bắt sống Thái Tử Toa Đô tại Hàm Tử. Bà Dương Thái Hậu vợ vua Tống Độ Tông cùng hai công chúa lên thuyền chạy sang Việt Nam lánh nạn; thuyền đắm, xác bà trôi dạt vào cửa Cờn, người địa phương lập đền thờ, đến nay vẫn còn và ngày ngày vẫn hương khói từ mấy trăm năm qua.

Nguyễn Du có bài Dao vọng Càn Hải từ: Xa trông đền Cờn, Nước biển mênh mông giáp với trục trời, thấp thoáng ngôi đền lẻ loi trên bãi cát nhỏ. Cây cổ thụ lạnh lẽo liền với bãi chim le trong trời chiều, khói trời lạnh màu xanh bay đến cửa biển đượm màu thu. Kiêu trời tướng văn tướng võ hết lòng son Trương Thế Kiệt là tướng võ, Lục Tú Phu là tướng văn Tể tướng, đều hết lòng trung. Hai ngươòi này đã giúp Dương Thái Hậu và Đế Bính con bà đi trốn, nhưng cả hai đều chết. Vỗ đất ở Quỳnh Nhai, Dương Thái Hậu khóc con mình không còn. Dương Thái Hậu khi nghe tin con là Đế Bính chết, đã khóc mà nói rằng: Ta sỡ dĩ chịu gian khổ để sống tới ngày nay là vì họ Triệu Tống mà giữ gìn khối thịt ấy, nay đến nỗi này còn mong gì. Nực cười thay Minh Phi Chiêu Quân ra cửa ải. Gảy đàn tỳ bà chuốc ruợu để mời chúa Thiền Vu. Câu này có ý chê Chiêu Quân chịu lấy vua Hung Nô còn đánh đàn mời rượu. Dương Thái Hậu giữ tròn tiết mà chết.

XA TRÔNG ĐỀN CỜN
Mênh mông mặt bể nối chân trời,
Thấp thoáng bãi vàng đền lẻ loi.
Chiều lạnh cây cao chim tối đậu,
Mác man cửa biển tỏa sương trôi.
Thét trời khanh tướng lòng son quyết,
Vỗ đất Quỳnh Nhai vua hết rồi.
Cười ả Minh Phi ra cửa ải,
Tỳ bà chuốc rượu Thiền Vu vui.

(Nhất Uyên dịch thơ)

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
DAO VỌNG HẢI CÀN TỪ
Mang mang hải thủy tiếp thiên khu,
Ẩn ước cô từ xuất tiểu chu.
Cổ mộc hàn liên phù chữ mộ,
Tình yên thanh dẫn hải môn thu.
Hào thiên tướng tướng đan tâm tận.
Phủ địa Quỳnh Nhai khối nhục vô.
Tiểu nhỉ Minh Phi trường xuất tái,
Tỳ bà bôi tửu khuyến Thiền Vu.

Người Việt Nam xưa nay vẫn kính phục Văn Thiên Tường. Nhưng Trung Quốc ngày nay thì ghi công Hốt Tất Liệt, tức vua Nguyên Thế Tổ vì ông ta chiếm Tây Tạng sáp nhập vào Trung Hoa. Thiếu điều xem con cháu Thành Cát Tư Hãn là anh hùng Trung Quốc chiếm cả thế giới đến Ấn Độ, Nga… Ngược lại với Văn Thiên Tường trung kiên tuẩn tiết khi nhà Tống mất nước, không chịu hàng Hốt Tất Liệt, và mắng bọn đầu hàng. Ngược lại với nhà sư anh hùng Chu Nguyên Chương khởi nghĩa đuổi giặc ngoại xâm Mông Cổ khôi phục lại giang san, lập nên nhà Minh. Người Trung Quốc ngày nay xem Hốt Tất Liệt là người Trung Hoa và hận Liên Xô – Nga lập ra nước Mông Cổ cản mũi kỳ đà, chận đường bành trướng Trung Quốc ra phía Bắc, nếu không thì cả Sibérie đến Bắc Cực đều thuộc về Trung Quốc. Người Mông Cổ ngày nay chỉ là dân tộc thiểu số Trung Quốc. Bề ngoài xem Mông Cổ, Mãn Thanh là người Trung Hoa, nhưng thực tế thì trả thù. Không đầu tư vào vùng Mãn Châu, Nội Mông, để cho dân vùng này đói khổ thê thảm. Có đi đến Vạn Lý Trường Thành là thấy ngay, mỗi du khách sẽ được một người dân “hung nô” nghèo khó, chạy theo hầu hạ hằng 2,3 giờ suốt hành trình thăm Vạn Lý Trường Thành để xin được vài đồng. Các cô gái bị đem bán qua Tây Phương làm gái điếm với giá rẻ mạt, phần lớn là gốc Mãn Châu.

Paris 12-12-2015
TS PHẠM TRỌNG CHÁNH