Nan Madol - thành phố ma giữa đại dương

Trang mạng News.com.au hôm 7-11-2017 đưa tin các chuyên gia khảo cổ đang tỏ ra bối rối trước sự tồn tại của một "thành phố ma" trên hòn đảo không bóng người giữa Thái Bình Dương.

Nan Madol nằm ở cù lao sát rìa phía đông đảo Pohnpei

Chương trình What on Earth? (Có gì trên Trái Đất?) của kênh truyền hình Science Channel vừa chia sẻ những hình ảnh mới thực hiện từ trên cao về Nan Madol, thành phố cổ đại xây bên bờ một phá nước rộng. Thành phố được chia tách thành 97 khối bởi mạng lưới kênh thủy triều và được bảo vệ trước biển bởi 12 bức tường chắn sóng, toàn bộ khu vực có chiều dài 1,5 km và rộng 0,5 km.

Nằm cách nước Australia khoảng 1600 dặm (2500km) và ở cù lao sát rìa phía đông hòn đảo lớn Pohnpei thuộc quần đảo Senyavin, Tây Thái Bình Dươn, gần đây thành phố không người này đã trở thành một điểm du lịch thám hiểm kỳ thú. Với sự bỏ hoang và tình trạng ngập nước thường xuyên, Nan Madol được ví von với Vơ-ni-zơ của Italia và thường còn gọi bằng cái tên "Vơ-ni-zơ của Thái Bình Dương".

Tên ban đầu của nó là Soun Nan-leng (Dải đá ngầm của thiên đường). Các nhà thám hiểm châu Âu thuở đầu đã từng gọi Nan Madol là "Kỳ quan thứ tám" của thế giới. Vị trí đặc biệt hẻo lánh và cô lập khiến việc ghé thăm hòn đảo trước đây gần như bất khả thi, nó còn gợi ta nghĩ đến tác phẩm của nhà hiền triết Hy Lạp Plato viết khoảng năm 360 trước Công nguyên về nền văn minh Atlantis trên hòn đảo được cho là đã biến mất dưới đáy Đại Tây Dương.

Nhà khảo cổ học Patrick Hunt cho biết ông khá băn khoăn về hòn đảo bao gồm 97 khối riêng lẻ phân tách bởi những kênh nước hẹp. "Tại sao người ta lại xây một thành phố giữa đại dương? Tại sao lại chọn nơi ở quá xa bất kỳ nền văn minh nào mà ta đã biết?", tờ báo The Mirror (Tấm gương) dẫn lời tiến sĩ Hunt.

Nan Madol nhìn từ trên cao. Ảnh: Science Channel

Theo tiến sĩ Karen Bellinger, có nhiều công trình thú vị trên đảo, có thể có niên đại từ thế kỷ 1 hoặc 2. Bà cho biết thêm "Bề mặt hòn đảo cũng thú vị không kém hình ảnh từ vệ tinh. Có những bức tường cao 25 feet (7,6m) và dày 17 feet (5,2m).

Nơi đây có dấu vết hoạt động của con người ngay từ thế kỷ thứ 1 hoặc thứ 2. Vào thế kỷ thứ 8 hoặc 9, quá trình xây dựng thành phố bắt đầu với việc xây dựng một kiến trúc bằng đá khối cực kỳ đặc biệt vào năm 1180-1200. Nan Madol từng là thủ đô của người Saudeleur cho tới năm 1628 và vẫn được xem như một kỳ quan xây dựng. Vương quốc Saudeleur đã bỏ công mất vài thế kỷ để tạo ra các công trình đá vẫn tồn tại trên 97 cù lao nhân tạo ở phá nước phía đông đảo Pohnpei.

Tên gọi Nan Madol có nghĩa là "không gian ở giữa", dùng để chỉ các kênh thủy triều đan xen khắp di tích. Theo tài liệu nghiên cứu của viện Bảo tàng Smithsonian, các tòa nhà ở Nan Madol được xây với khoảng 750.000 tấn đá đen.

Không có ròng rọc và đòn bẩy nhưng những người dân Saudeleur đã di chuyển được trung bình 1850 tấn đá mỗi năm, mặc dù dân số chỉ ở mức 3 vạn người. Theo nhóm nghiên cứu, người dân bản xứ ở Pohnpei từ chối tới gần "thành phố ma" vì tin rằng nơi này bị ma ám. Hòn đảo đóng vai trò như nơi mai táng những thủ lĩnh từng sống ở đó, vì vậy người dân địa phương cho rằng họ sẽ chết nếu ở lại đảo qua đêm.

Theo truyền thuyết của người Pohnpei, Nan Madol được xây dựng bởi hai pháp sư Olisihpa và Olosohpa từ vùng đất Tây Katau huyền thoại hoặc Kanamwayso. Họ lên một chiếc xuồng lớn để tìm một nơi xây dựng một bàn thờ lớn, nơi họ có thể thờ cúng vị thần nông nghiệp Nahnisohn Sahpw. Sau vài lần sai thì họ đã thành công khi xây dựng bàn thờ trên đảo Temwen, nơi họ tiến hành các nghi thức tôn giáo. Trong truyền thuyết, hai người họ đã lượm những phiến đá khổng lồ với sự giúp đỡ của một con rồng bay. Khi Olisihpa chết vì tuổi già, Olosohpa trở thành vua Saudeleur đầu tiên. Olosohpa kết hôn với một người phụ nữ địa phương và sinh ra 12 thế hệ, tạo ra 16 vị vua Saudeleur khác trong dòng họ Dipwilap. Triều đại của họ kết thúc với cuộc lật đổ của Isokelekel, người cũng cư trú tại Nan Madol, mặc dù vậy người kế nhiệm ông sau đó đã từ bỏ Nan Madol.

(VNE, NCC theo News.com.au)