Mai Chen

Nên học kinh nghiệm phát triển kinh tế của Nhật Bản

So sánh hai nền kinh tế lớn ở châu Á – Trung Quốc (TQ) và Nhật – là điều vô cùng lý thú; vì các nền kinh tế còn lại của châu Á đều thuộc loại nhỏ và vừa.

Nhật từng trải qua thời kinh tế quản lý tập trung hồi trước và sau đại chiến II, thời đó họ lấy công nghiệp quân sự làm nòng cốt, đào tạo được rất nhiều nhân tài kỹ thuật và thực hiện tích lũy về công nghệ. Thập niên 50 là thời kinh tế hướng về xuất khẩu. Thập niên 60 bắt đầu thời kỳ kinh tế tư bản tự do tăng trưởng nhanh. Trong thời gian “Kế hoạch 10 năm tăng gấp bội” Nhật chủ yếu tiếp nhận hệ thống quản lý và công nghệ của phương Tây, bỏ nhiều tiền mua sáng chế phát minh, nhập khẩu dây chuyền sản xuất và giấy phép sản xuất, từng bước sáng tạo cách quản lý có đặc sắc riêng của mình, hình thành năng lực sáng tạo tự chủ. Sau cuộc khủng hoảng năng lượng thập niên 70, Nhật ra sức nâng cao trình độ công nghệ; tăng trưởng kinh tế chuyển sang thời kỳ chín muồi. Hồi ấy Nhật không kiểm soát giá dầu mỏ, để cho sức mạnh thị trường thúc đẩy sự ra đời các tiến bộ kỹ thuật tiết kiệm năng lượng. Tiếp đó là thời kỳ kinh tế tương đối trì trệ từ thập niên 90 tới nay, gây ra bởi bong bóng kinh tế và thắt chặt các khoản cho vay; Nhật tương đối tụt hậu về kinh tế kiểu dịch vụ, các nỗ lực tăng nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh.

Kinh tế Trung Quốc trước 1978 chủ yếu dựa vào công nghiệp quân sự và công nghiệp nặng, cũng dự trữ được nhiều nhân tài và công nghệ. Thời gian 1978-1996, chuyển sang giai đoạn kinh tế thị trường, hồi ấy TQ dựa vào thị trường trong nước là chính. Thập niên 90 TQ bắt đầu tiến sang thời đại hướng vào xuất khẩu, kinh tế tăng trưởng cao, tích lũy được nhiều ngoại tệ.

Hiện nay kinh tế TQ cần phải chuyển đổi, trong khi duy trì tăng trưởng cao cần chuyển sang giai đoạn mới dựa vào thị trường trong nước và tự chủ sáng tạo là chính. TQ dựa vào biện pháp hạ thấp giá cả các yếu tố sản xuất và giá tài sản nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu, xây dựng công nghiệp nặng và cơ sở hạ tầng. Thị trường vốn của TQ khó có thể phục vụ tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TQ cần học chính sách thị trường hoá của Nhật Bản, không nên tác động tới giá cả các yếu tố sản xuất và giá cả các tài sản, cần để cho tiến bộ kỹ thuật và sức lao động giá thành rẻ phát huy tác dụng nhằm tiến hành nâng cấp các ngành kinh tế và tạo ra đầy đủ việc làm.

TQ đang đứng trước mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với lạm phát. Lịch sử cho thấy, lạm phát sẽ phá hoại ổn định chính trị. Trong thời đại thu nhập của dân chúng nói chung còn khá thấp, lạm phát sẽ có tác động chính trị rất mạnh. Hiện nay chênh lệch giàu nghèo ở TQ rất lớn, tầng lớp trung lưu khá giả có chưa đến 100 triệu người. Lạm phát sẽ tác động tới tầng lớp thu nhập thấp, do đó gây ảnh hưởng chính trị rất lớn.

Nhật có nền kinh tế lớn nhất châu Á nhưng số người giàu lại ít hơn TQ và Ấn Độ. Đường lối phát triển kinh tế của Nhật xử lý rất tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế cao với ổn định xã hội; liên tục tạo ra các công việc có thu nhập cao, việc làm ổn định, phân hoá giàu nghèo không lớn, ít chịu ảnh hưởng của lạm phát.
Nhật dựa vào biện pháp liên tục chuyển sang các ngành kinh tế công nghệ cao để tạo ra việc làm có thu nhập cao, kết hợp chặt chẽ về mặt cung ứng giữa các doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh quốc tế cao với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, qua đó duy trì được tạo ra nhiều việc làm và việc làm có thu nhập cao.

Các tập đoàn kinh tế TQ kinh doanh giỏi như Liên Tưởng (Legend) và Hoa Vi đã kết hợp khá tốt giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ; họ trao nhiều gói thầu ở nước ngoài cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do người của họ khai trương, nhờ đó các doanh nghiệp này có thể cùng phát triển, lớn mạnh.

Tác giả: Mạch Thìn (Mai Chen), từ Quảng Châu. Bài đăng trên “Liên hợp Tảo báo” Singapore.

Nguyên Hải tóm dịch