Nghĩ về một “Thế hệ Vàng”

Năm ngoái ta vừa chúc mừng hai vị chính khách cao niên là các cụ Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu đã bước qua tuổi 100. Chưa bước sang năm nay 2011, cụ Giàu đã lên đường …

Và năm 2011 này ta lại có dịp nhắc đến một nhân vật của thời kỳ lịch sử gắn với cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay cũng bước vào tuổi 100. Đó là Cụ Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ Lâm thời đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi bước vào năm 1946 chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến cho đến năm 1960. Sau đó, cụ chuyển dần sang các hoạt động xã hội và nghề nghiệp của một nhà luật học thâm niên.

Bài viết này tôi viết khi đang ở xa định gửi về đăng trong nước như lời chúc thọ cụ Vũ Đình Hòe, lúc này đang dưỡng lão tại TP.HCM ấm áp. Vậy mà chưa bước qua năm Tân Mão, cụ Hòe lại lên đường.

Người Việt ta có cách đặt tên cũng hay, ngày 26 của năm cũ vẫn được gọi là ngày Tết của năm mới. Cụ Hòe mất vào ngày 26 tháng Chạp năm Canh Dần (tức ngày 29/1/2011) nhưng vẫn gọi là 26 Tết, như thế, hiểu theo lẽ nào, tuổi ta hay tuổi Tây thì đều đã bước vào cái ngưỡng vượt tuổi trời cho… Được tin cụ ra đi rất mau, chỉ một thoáng rời mắt của người thân. Như thế cũng là một trọn vẹn. Xin được đăng lại những dòng dưới đây như một nén tâm nhang.

“Tuần trăng mật” giữa người cộng sản và trí thức

Khác hai cụ Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu, đều sinh năm 1911 cao hơn một tuổi, cụ Vũ Đình Hoè (sinh năm 1912) không phải là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng lại là đảng viên “Dân chủ Đảng”, một “đảng bạn” có nhiều trí thức và các “nhà công thương” (cách Bác Hồ gọi giới tư sản dân tộc nước ta) tham gia. Đảng này ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc có mối liên hệ và chịu ảnh hưởng tích cực của Việt Minh.

Một số đảng viên cộng sản đã tham gia vào Đảng Dân chủ và trở thành những hạt nhân cho sự liên minh mật thiết trong thời Cách mạng còn trứng nước rồi trở thành nhân tố dẫn đạo cho hoạt động của Đảng Dân chủ trong các giai đoạn lịch sử sau này, cho đến khi nó được cho là đã “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử” và cùng với “Đảng Xã hội” đã phải “tự tuyên bố chấm dứt hoạt động” khi Đất nước vừa chớm bước vào công cuộc Đổi mới.

Chính với vai trò đại diện cho Đảng Dân chủ, một lực lượng rất tích cực hoạt động cùng Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hà Nội, cụ Hòe được triệu tập lên Chiến khu Tân Trào để tham dự Quốc dân Đại hội.


Ngày 13/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Giáo dục Vũ Đình Hoè (ngồi cạnh) dự lễ khai giảng Đại học Việt Nam

Và có thể là do biết đến những gì mà nhà luật học trẻ tuổi này đã làm khi tập hợp một đội ngũ hùng hậu các “sĩ phu hiện đại” của Bắc Hà tham gia bàn thảo việc nước trên tờ báo “Thanh Nghị” mà Cụ Hồ Chí Minh đã mời Vũ Đình Hòe chấp chính ghế Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong Nội các đầu tiên của mình.

Trong hồi ức, Vũ Đình Hòe luôn nhắc đến “ông Ké Cao Bằng” mà cụ thoáng gặp ở Quốc dân Đại hội Tân Trào và vô cùng thán phục khi thấy cung cách Cụ Chủ tịch giải quyết những đề nghị đầu tiên của Bộ trưởng Giáo dục chóng vánh và dứt khoát (sớm khai giảng Đại học, chấp thuận giá trị bằng cấp của chế độ cũ và chủ động nhắc đến việc xoá nạn mù chữ mà cụ Hòe cùng các đồng sự trong Hội Truyền bá Quốc ngữ đã làm từ trước Cách mạng).

Nhưng công việc giáo dục đang hanh thông, Cụ Chủ tịch lại vời vị luật gia trẻ tuổi về với nghề nghiệp của mình khi bổ làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp mà Cụ Hồ gọi là “tổ kiến lửa” trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Cho đến năm 1960, khi Bản Hiến pháp mới ra đời và lần đầu tiên được ban hành thì Bộ Tư pháp cũng không còn nữa

Có thể nói đây là thời kỳ tâm đắc nhất mà luật gia Vũ Đình Hòe được chứng kiến và trực tiếp tham dự trong quá trình xây dựng nền móng pháp lý của chế độ Dân chủ - Cộng hoà. Cụ gọi giai đoạn từ 1945 đến 1948 là “tuần trăng mật” giữa những người cộng sản và những trí thức khao khát dân chủ với vai trò người nhạc trưởng là vị lãnh tụ của Cách mạng, người am hiểu sâu sắc nền chính trị cả Đông lẫn Tây khi lựa chọn thể chế cho Nhà nước Việt Nam độc lập.

Bản Hiến pháp năm 1946

Nhóm “Thanh Nghị” (tên gọi một tờ báo) của Vũ Đình Hoè với nhiều luật gia danh tiếng như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Vũ Trọng Khánh… từng có những cuộc trao đổi, tranh luận trên tờ “Thanh Nghị” về các thể chế chính trị mà nước Việt Nam phải lựa chọn khi cảm nhận được thời cơ độc lập đang đến gần. Tuy nhiên, tất cả những mô hình và bước đi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra, vào cái khoảnh khắc quyết định của lịch sử, cùng với độ lùi thời gian cho thấy, là một tư tưởng tiên tiến và một tinh thần dân chủ rất hiện đại.

Tư tưởng hiến chính hình thành rất sớm ở nhà cách mạng xuất thân ở một xứ thuộc địa lạc hậu nhưng có cơ hội và chủ động tạo ra cơ hội để được đi, quan sát và học hỏi từ thực tiễn của nhiều quốc gia có chế độ chính trị khác nhau. Ngay cả khi khởi đầu các hoạt động chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra tư tưởng nhất quán “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” khi minh hoạ cho “Bản yêu sách 8 điểm” gửi Hoà hội Versaille. Và tinh thần phải xây dựng Hiến pháp cũng đã được Hồ Chí Minh nêu ra khi soạn thảo Cương lĩnh Việt Minh (1941) cũng như tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (1945).


Ngày 2/3/1946, lễ ra mắt Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến

Vũ Đình Hoè may mắn giữ vai trò Bộ tưởng Tư pháp vào đúng thời điểm trọng đại ấy. Ông lãnh cương vị này vào đúng ngày đầu năm 1946, trong một Chính phủ Liên hiệp Lâm thời với sự tham dự của nhiều đảng phái có khuynh hướng chính trị khác nhau, thậm chí đối lập nhau, nhưng có một quan điểm chung là chống cuộc xâm lăng trở lại của thực dân Pháp, cho nên còn gọi là Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Chính nhờ được sự thoả hiệp để đại đoàn kết này mà cuộc Tổng tuyển cử được tổ chức. Một cuộc Tổng tuyển cử mà thể lệ của nó bảo đảm tinh thần dân chủ tối đa, ngay cả nhiều quốc gia tiên tiến đương thời cũng chưa thực hiện. Thí dụ chế độ phổ thông đầu phiếu trên cơ sở bình đẳng nam nữ, dân tộc, tôn giáo , thân phận xã hội… Và tiếp đó là một bản Hiến pháp được soạn thảo bởi một tập thể các nhà trí thức và chuyên môn am hiểu với một tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh Dân tộc.

Tinh thần tiên tiến của Bản Hiến pháp năm 1946 không chỉ là đóng góp của các nhà chuyên môn mà nó được chỉ đạo bằng một tư tưởng chính trị rất nhất quán. Những nhà luật học của chế độ cũ, kể cả vị Thượng thư Bộ Hình của Nam triều là cụ Bùi Bằng Đoàn cũng được mời tham gia. Nó đã tạo được nền tảng, nhưng trên cái nền lý luận ấy để xây dựng được một nền pháp trị phù hợp với một xã hội vốn đậm đặc chất tiểu nông lại du nhập thêm những tư tưởng chính trị quá xa lạ của nền “dân chủ nhân dân” là cả một thách thức vô cùng to lớn.

Lại thêm, cuộc chiến tranh khốc liệt và triền miên khiến cho một xã hội điều hành theo pháp luật khó có thể xác lập để thay thế một xã hội thời chiến điều hành theo chính sách và quyền lãnh đạo thống soái của chính trị. Ai cùng biết Bản Hiến Pháp 1946 là tiên tiến và sáng giá, nhưng không nhiều người biết rằng nó mới được thông qua tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá I, nhưng chưa kịp công bố thì chiến tranh đã bùng nổ…

Do vậy cho đến khi Bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 31/12/1959 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban hành ngày 1/1/1960, thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới thực sự được điều hành bằng một Hiến pháp có 2 mục tiêu cơ bản là “Đấu tranh Thống nhất Đất nước và Xây dựng Chủ nghĩa Xã hội”.

Lại thêm một thử thách mới vì cuộc chiến tranh giải phóng và mục tiêu xây dựng một mô hình nhà nước còn quá mới mẻ khiến cho cái mục tiêu xây dựng một Nhà nước pháp chế xã hội chủ nghĩa và một xã hội “sống và làm việc theo pháp luật” vẫn trở nên một thách đố không dễ khả thi.

“Cứ nghĩ đến Đại Nghĩa”

Nhiều năm sau khi đã rời khỏi công việc nhà nước và sau khi đoàn thể mà Cụ gắn bó, Đảng Dân chủ đã không còn, cụ Vũ Đình Hòe tập trung vào việc nhìn nhận lại chặng đường từng trải của mình gắn với lịch sử của Dân tộc…

Sách Cụ viết không hoàn toàn chỉ là hồi ức của một cá nhân, mà giống như Võ Nguyên Giáp, qua những trải nghiệm của “người trong cuộc” để viết đến những vấn đề gắn với lịch sử cuộc Cách mạng giải phóng và công cuộc xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập.

Với cụ Vũ Đình Hòe, đó là lịch sử môt thế hệ trí thức đi theo cách mạng với tất cả vẻ đẹp hào hùng xả thân vì nghĩa lớn cùng những bi kịch của một quá trình “tự lột xác” để phù hợp với một cuộc đấu tranh giai cấp được áp đặt như một động lực cách mạng; là lịch sử xây dựng thiết chế nhà nước, đặc biệt và về các hoạt động tư pháp.


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe tham dự lễ tuyên thệ cho các vị thẩm phán mới được bổ nhiệm ngày 30/4/1946

Với cương vị một Bộ trưởng Tư pháp “ngoài đảng”, Vũ Đình Hoè viết về những nảy sinh trong quan điểm xây dựng pháp luật sau khi “tuần trăng mật” đã chuyển sang mối quan hệ giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo. Cuộc tranh luận nảy lửa trên báo “Sự Thật” của Đảng và báo “Độc Lập”của Dân chủ Đảng xoay quanh chủ đề “Tư pháp và Nhà nước” mà hạt nhân là có hay không có nguyên lý “Tư pháp độc lập” giữa
nhà báo cộng sản Quang Đạm và nhiều luật gia vốn được đào tạo trong chế độ cũ nhưng đã nhiệt tình đi theo Đảng Cộng sản làm cuộc Cách mạng Giải phóng và Kháng chiến kiến quốc đã nêu lên nhiều vấn đề nóng bỏng đương thời mà đến nay đọc lại vẫn có giá trị thời sự.

Vấn đề cốt lõi suy cho cùng vẫn xoay quanh cái nguyên lý bất hủ của cách mạng tư sản về “Tam quyền phân lập” với quan điểm về nhân tố chính trị lãnh đạo Nhà nước phải giữ vai trò quyết định cho mối quan hệ giữa sự phân quyền và tập quyền. Thực tiễn nảy sinh xung đột giữa bộ máy hành pháp và tư pháp đã được bàn luận vào thời điểm bộ máy chính quyền bắt đầu nẩy sinh hiện tượng lộng quyền.

Trong hồi ức, tác giả có kể đến một vụ án của một chủ tịch huyện đã thụ án tử hình vì tội lộng quyền khi đã xử lý một cách vô đạo với một gia đình giàu có từ vùng địch chạy vào vùng tự do của kháng chiến. Người chồng bị giết để cướp của, người vợ bị làm nhục… Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra yêu cầu Toà án phải xử nghiêm

Án thực hiện xong nhưng vẫn tác động vào cuộc tranh luận cho rằng tư pháp muốn gấy sức ép với hành pháp. Thậm chí mãi về sau này, còn có người nhắc lại vụ án đó để “kiện” ngành tư pháp do một vị Bộ trưởng ngoài Đảng đứng đầu. Trong sách cụ Hòe cho biết rằng chính Bác rất quan tâm chỉ đạo việc thực hiện nghiêm luật và người ngồi ghế Chánh án là một nhà cách mạng cộng sản nổi tiếng đương thời là ông Bùi Lâm, một nhà lãnh đạo Viện Công tố rất kiên quyết và khiêm nhường.

Cũng chính vì thế cuộc tranh luận về “Tư pháp với Nhà nước” đã tạm được xếp lại một cách có ý tứ và Bác Hồ vẫn là người nỗ lực để cho bước chuyển đổi quan trọng của xã hội Việt Nam dưới tác động của những chuyển biến chính trị tránh những xung đột và thích nghi dần cho dù biết rằng sự xung đột như vậy là khó tránh và chẳng dễ đạt được.

Sự xung đột đã đến mức có xu hướng chụp mũ chính trị khiến Bộ trưởng Vũ Đình Hoè đã viết đơn xin từ chức… Nhưng cho đến một ngày, trên Chiến khu, Cụ Hồ mời đến một cái lán nhỏ dựng bên một cái hang đá nơi đang là Phủ Chủ tịch nằm kề Thác Dẫng, Cụ Chủ tịch nước ôm lấy ông Bộ trưởng lòng dạ đang rối bời bời mà rằng: “Biết hết ngọn ngành rồi, không phải kể lể gì đâu. Tôi hiểu tâm trạng chú . Không nên bồn chồn. Mọi việc rồi sẽ ổn. Cứ nghĩ đến Đại Nghĩa, nghĩ về mình một chút không sao. Đồng thời cũng nghĩ đến người, nghĩ nhiều đến người càng tốt và “lời nói không mất tiền mua”…”.

Cụ Hồ gửi lời thăm hỏi những thành viên trong gia đình, rồi rỉ tai : “Muốn biết thêm kinh nghiệm giải toả bế tắc thì tìm gặp Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên”. Vị Bộ trưởng Giáo dục này khi đó vẫn là người ngoài Đảng (và sau này, có lần đã chuẩn bị kết nạp thì Bác và Bộ Chính trị lại đề nghị “đừng vào” có lợi cho Đảng và cách mạng hơn) cũng từng rơi vào tình cảnh tương tự…

Cuối sách, Cụ Vũ Đình Hoè kể rằng, vài chục năm sau, nhà báo Quang Đạm gặp Cụ và nhận rằng nhớ lại hồi nổ ra tranh luận, đến nay có nhiều điều phải nghĩ lại. Cụ Hòe cảm kích khi nhắc đến chi tiết này và càng thấu hiểu cái điều Cụ Hồ đã dạy là “cứ nghĩ đến Đại Nghĩa” mọi việc rồi sẽ ổn.

Bước vào tuổi 100, Cụ Hòe đang dưỡng già ở miền Nam ấm áp. Mới đây các đồng nghiệp nghề giáo học đã tổ chức Đại thọ cho nhà giáo của Trường Thăng Long nổi tiếng năm xưa nơi mà Võ Nguyên Giáp cũng từng đứng trên bục giảng. Đó là những người cuối cùng của một “Thế hệ Vàng” mà cũng như người dẫn đạo cho thế hệ ấy là Cụ Hồ Chí Minh, có lẽ trong lịch sử dân tộc phải bao nhiêu lâu mới xuất hiện một lần.Vì ngọn cờ “Đại Nghĩa” đâu phải tự nhiên mà có.

Nếu có một “thế giới bên kia”, thì tôi tin chắc rằng một trong những người mà Cụ Hoè mong sớm gặp nhất chỉ sau Ông Bà, Tổ Tiên, chính là Cụ Hồ. Đó chính là người đã giương ngọn cờ “Đại Nghĩa” tập hợp được “Thế hệ Vàng” tụ nghĩa để làm nên một giai đoạn lịch sử huy hoàng khó có thể lặp lại của Dân tộc ta.

Dương Trung Quốc (BEE)