Nghịch lý Liên hoan phim Việt Nam

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 sẽ diễn ra tại TP.HCM từ ngày 8 đến 12-12-2009. Lại thêm một “ngày hội” của nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam, hứa hẹn một “cơn mưa” giải thưởng trong một Liên hoan phim có cách thức tổ chức phải nói là “độc đáo”.


Cảnh trong phim “Rừng đen”

Sau 26 năm kể từ Liên hoan phim Việt Nam (LHP VN) lần thứ 6 được tổ chức năm 1983, TP.HCM mới đăng cai một kỳ LHP VN. Với 99 bộ phim tranh tài, trong đó có 15 bộ phim truyện nhựa… LHP VN lần thứ 16 hứa hẹn cuộc tranh tài hấp dẫn. Bên lề LHP VN lần thứ 16 còn có nhiều hoạt động đáng chú ý như Hội thảo Phim ngắn trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hội chợ phim… và cũng có thêm giải thưởng mới lần đầu tiên sẽ được trao là giải thưởng riêng dành cho thể loại phim truyện điện ảnh do Ban giám khảo Báo chí trao tặng… Thực sự, với LHP VN lần thứ 16 được tổ chức tại TP.HCM - mảnh đất sôi động bậc nhất trên cả nước về công nghiệp giải trí, LHP VN lần thứ 16 được kỳ vọng sẽ mang “hơi thở” mới với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú được tổ chức theo công nghệ cao… Thế nhưng về bản chất, LHP VN vẫn mang “dáng hình” khác lạ so với cách thức tổ chức của các LHP quốc tế nói chung.

Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “LHP là những liên hoan văn hoá về điện ảnh, tại đó các bộ phim mới sản xuất được chiếu ra mắt và tham gia tranh giải do Ban giám khảo của Liên hoan bầu chọn”. Đó thực sự là ngày hội của những người làm nghệ thụât thứ bảy, tập trung đông đảo các diễn viên, đạo diễn, các nhà sản xuất… Và cũng là dịp để những bộ phim mới trình làng, “chào hàng” các nhà phát hành phim. Thực tế, những buổi lễ trao giải của các LHP như Cannes, Berlin và đặc biệt là lễ trao giải thưởng Oscar đã trở thành những sự kiện văn hoá, được nhiều kênh sóng truyền hình nổi tiếng trên thế giới truyền hình trực tiếp, thu hút đông đảo công chúng dõi theo, quan tâm…

Nhìn chung, các LHP trên thế giới không phân biệt thể loại phim tham gia và LHP VN cũng vậy với bốn hội đồng Ban giám khảo dành cho phim truyện nhựa, phim truyện video, phim tài liệu - khoa học và phim hoạt hình. Thế nhưng trong khi các LHP quốc tế được tổ chức vào thường niên thì LHP VN thường được tổ chức 2-3 năm một lần. Vì thế, thật dễ hiểu khi LHP VN lần thứ 16 có tới 99 bộ phim tham gia - một con số rất lớn đối với một LHP mang tầm cỡ quốc gia.

Hơn thế, trong khi các LHP quốc tế quy định quy củ về “xuất thân” của các bộ phim tham gia thì LHP VN vẫn tập hợp đủ các “thành phần phim”. Chẳng hạn như LHP Cannes - một trong những LHP quốc tế có uy tín hàng đầu hiện nay được tổ chức từ năm 1946, thì một bộ phim đủ tiêu chuẩn tham gia LHP này phải là phim mới được hoàn thành trong vòng 1 năm trước LHP và chỉ được chiếu ở nước sản xuất chứ chưa được tham gia một LHP quốc tế khác. Trong khi đó, nhiều bộ phim VN tham gia LHP VN lần thứ 16 như Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng… đã được trình chiếu, tham gia hàng loạt LHP khác rồi mới trở về “sân nhà” tham gia LHP VN lần thứ 16. Và đương nhiên, nhiều bộ phim đã hoàn thành và trình chiếu trong nước từ lâu.

Một số LHP quốc tế cũng phân biệt rõ đối tượng khán giả để từ đó có cách thức tổ chức LHP khác nhau. Đơn cử như giải thưởng Oscar, những người được chấm giải phải là thành viên của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, có đủ tiêu chuẩn tham gia bầu chọn và phải nhận được lời mời chính thức của tổ chức này. Trong khi đó, LHP Cannes cũng chỉ “đóng cửa” giữa những người trong nghề mà không mở cửa cho công chúng xem phim… Điều đó cho thấy, khán giả bình thường và những “khán giả đặc biệt” - những người trong nghề và hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật thứ bảy luôn được các LHP quốc tế tách bạch khi tổ chức LHP theo định kỳ. Trong khi LHP VN vẫn phải có những buổi chiếu riêng cho Ban giám khảo và đến kỳ LHP những bộ phim tham gia tranh giải lại một lần nữa được trình chiếu rộng rãi cho công chúng.

Sự cảm nhận, đánh giá của con người trước mỗi bộ phim cũng khác nhau tùy vào thời điểm bộ phim đó ra đời. Thậm chí, trước một bộ phim đã từng xem, từng suy ngẫm và một bộ phim mới ra lò cũng đem đến cho người xem cảm xúc, đánh giá khác nhau. Vì thế, nhiều LHP quốc tế gần như chỉ tổ chức cho các bộ phim mới sản xuất, trình chiếu trong năm. Chứ không như LHP VN, một bộ phim đã được sản xuất và trình chiều nhiều năm trước đó vẫn được tham gia tranh giải cùng với những bộ phim mới được sản xuất, thậm chí chưa được công chiếu. Nhìn lại, không ít bộ phim mới ra lò tham gia LHP cũng có vẻ có nhiều phim đoạt giải thưởng hơn như Mùa ổi, Thung lũng hoang vắng…

Ngoài ra, dù đã bước sang kỳ LHP lần thứ 16 nhưng LHP VN vẫn thiếu vắng những giải thưởng đáng chú ý như giải thưởng dành cho nhà sản xuất, người hoá trang, phục trang xuất sắc nhất… Mà nói cho cùng, điện ảnh là môn nghệ thụât tổng hợp mà tính nghệ thuật và kỹ thuật, công nghệ đều có những đóng góp nhất định. Những đổi mới của các kỳ LHP VN vừa qua là đáng ghi nhận nhưng để LHP VN thực sự quy củ, có thể “hội nhập” với quốc tế có lẽ vẫn phải chờ?

(Theo TTVH)