Người anh hùng của phi đội Hổ bay

Chennault dưới cái tên Trần Nạp Đức hoặc Trần Tướng quân đã trở nên quá quen với người Trung Quốc (TQ), họ coi ông là một ân nhân tình sâu nghĩa nặng.

Trong cuộc trưng cầu ý dân nhân dịp 50 năm chiến thắng phát xít, khi được đề nghị chọn 2 anh hùng của cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ II, đa số người Mỹ đã chọn Dwight D. Eisenhower là anh hùng trên chiến trường châu Âu và Claire Lee Chennault (đọc: Chennôn) là anh hùng trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương. Nhân dịp đó, một con tem in hình Chennault đã được phát hành.

Tháng 11 năm 1931, phát xít Nhật bắt đầu xâm lược TQ. Máy bay Nhật giội bom các đô thị TQ với mục đích giết thật nhiều dân để làm họ sợ hãi phải đầu hàng Nhật. Tháng 7.1937, TQ chính thức đứng lên kháng chiến chống Nhật. Ngày 13.8, tàu chiến và máy bay Nhật bắn phá Thượng Hải. Hôm sau, lần đầu tiên trong lịch sử, một phi đội không quân TQ của chính quyền Tưởng Giới Thạch cất cánh ném bom tàu chiến Nhật và bắn rơi 6 máy bay Nhật, phía TQ không bị thiệt hại gì. Từ đó ngày 14 tháng 8 trở thành Ngày Không quân TQ.

Phát xít Nhật lập tức đánh trả. Với lực lượng áp đảo, chỉ trong 2 tháng, không quân Nhật đã tiêu diệt hầu hết máy bay TQ. Từ đó, Nhật tự do ném bom. Trong 2 ngày ném bom Trùng Khánh (11.1937) có 5400 người chết, 3100 bị thương. Thượng tá Chennault mới đến TQ được 2 tháng đã chứng kiến tai hoạ thảm khốc đó.

Chennault (1893-1958) từng là phi công tham dự Đại chiến I. Sau chiến tranh, ông dạy lái máy bay và nổi tiếng về tài nghệ bay qua cuộc biểu diễn kỹ xảo bay ở Miami. Có người khen ông là thiên tài, có kẻ bảo là thằng điên. Chennault năng nổ, cần cù, cậy tài, bất cần ai, và có nhiều quan điểm quá khích nhưng không được trên để mắt. Ông là người Mỹ đầu tiên đề xuất nên dùng nhiều máy bay nhỏ để tấn công máy bay ném bom; nhưng chỉ huy không quân Mỹ hồi ấy (là một phi công ném bom) đã không tiếp thu đề nghị đó vì cho rằng máy bay ném bom là vô địch. Chennault bèn viết một bài báo chỉ trích ông này. Một chỉ huy khác tên là Henry “Hap” Arnold (sau là tư lệnh Không quân Mỹ) hỏi: “Cái lão Chennault ấy là người thế nào hả ?”

Năm 1937, Chennault giải nghệ vì lý do bệnh phổi do nghiện thuốc lá và điếc đặc do tiếng động cơ máy bay. Sau đó TQ mời ông sang giúp chống phát xít Nhật; Liên Xô mời ông sang chiến đấu chống Franco ở Tây Ban Nha. Ông chọn TQ, vì chính Đệ nhất Phu nhân TQ Tống Mỹ Linh đích thân mời ông làm cố vấn cho không quân TQ. Bà Tống được chồng cử phụ trách xây dựng không quân với chức vụ Tổng Thư ký Uỷ ban Hàng không TQ – vì bà rất giỏi tiếng Anh và có quan hệ thân mật với các nhân vật chóp bu chính quyền Mỹ và trùm tư bản Mỹ. Trong con mắt người Mỹ, bà còn nổi tiếng hơn ông chồng họ Tưởng.
Được bà Tống đặc biệt coi trọng, Chennault quyết thực hiện hoài bão của mình, hiến dâng quãng đời còn lại cho cuộc kháng chiến của nhân dân TQ. Ông viết trong nhật ký: “Trong lòng tôi, bà ấy bao giờ cũng là một nàng công chúa.”

Khi đến TQ, ông rất bực mình vì TQ có 500 máy bay nhưng chỉ 91 chiếc có thể cất cánh được. Nguyên nhân là cách huấn luyện vô cùng tồi tệ. Trường hàng không (do Italia tổ chức) bậy bạ phát bằng lái cho các học viên – vì họ đều được chọn từ tầng lớp thượng lưu, chỉ muốn tốt nghiệp một cách dễ dãi. Nhà máy lắp ráp máy bay mua của Ý cũng chỉ lắp một loại máy bay chiến đấu kiểu Fiat rất dễ bốc cháy, máy bay ném bom thì lạc hậu, chỉ có thể dùng để chở hàng. Hậu quả là máy bay TQ đều dễ dàng bị bắn hạ khi gặp máy bay địch. Phi công Nhật chỉ sợ biên đội máy bay Liên Xô bảo vệ Vũ Hán do các phi công Nga đã tham gia chiến tranh Tây Ban Nha lái.

Trước tình hình đó, Tưởng Phu nhân yêu cầu Chennault: trong khi chờ tổ chức lại việc đào tạo phi công TQ, nên thuê một số phi công phương Tây sang TQ chiến đấu. Lúc đó, một doanh nhân Mỹ sẵn sàng bán cho TQ 24 máy bay ném bom tầm xa kiểu V-11. Chennault đồng ý. Thế là ông tổ chức được một phi đội tình nguyện bảo vệ Vũ Hán, gọi là IVG. Đáng tiếc là phần lớn các phi công lê dương này đều nghiện rượu, kém kỷ luật, tối nào cũng tụ tập tại các quán rượu chè chén, tán phét. Gián điệp Nhật thừa cơ moi được các bí mật, kể cả việc họ chuẩn bị ném bom sân bay Nhật ở Tế Nam. Và thế là máy bay Nhật lập tức tập kích Vũ Hán, tiêu diệt gần hết số máy bay V-11. Chennault phải tổ chức hệ thống báo động bằng điện thoại, điện báo để báo nhân dân xuống hầm trước khi máy bay địch đến. Ông chỉ còn trông mong vào các phi công Nga, nhưng viện trợ từ Liên Xô ngày càng giảm, vì họ đang phải lo đối phó với cuộc xâm lược của phát xít Đức.

Bây giờ chỉ còn Mỹ là có thể viện trợ TQ. Nhưng nước Mỹ hồi ấy chủ trương “trung lập”, không chống lại hành động xâm lược của Nhật. Một số trùm tư bản Mỹ còn bán cho Nhật nhiều vật tư chiến lược. Cuộc kháng chiến của TQ vô cùng khó khăn. Tưởng Giới Thạch phải chuyển thủ đô đến Trùng Khánh. Nhật liền chiếm Đông Dương, cắt đường viện trợ TQ Hải Phòng-Côn Minh, cho máy bay từ Hà Nội sang ném bom miền Tây Nam TQ để cắt đường viện trợ TQ qua Miến Điện. Tháng 6. 1940, Tưởng cử anh vợ là Tống Tử Văn đi Mỹ xin viện trợ, nhưng Quốc Hội Mỹ chỉ cho nhỏ giọt, một lần 5 triệu USD, một lần 25 triệu. Chỉ sau khi Roosevelt lần 3 trúng cử Tổng thống, tháng 12.1940, Quốc Hội mới duyệt đề nghị của Roosevelt cho TQ vay 100 triệu USD. Đầu năm 1942, Roosevelt đưa ra chương trình “Cho thuê-vay” (Lend-lease) nổi tiếng, qua đó Mỹ đã viện trợ trang bị vũ khí cho các nước chống phát xít như Anh, Liên Xô, TQ v.v.. với tổng số hơn 50 tỷ USD.

Tháng 10.1940, Chennault về Mỹ mua máy bay và tuyển phi công. Việc mua máy bay không khó: hồi đó Anh từ chối nhận 100 máy bay chiến đấu P-40 của Mỹ (chê nặng và chậm) nên Chennault bảo Tử Văn khuyên Mỹ hứa là nếu Anh bán số P-40 này cho TQ thì Mỹ sẽ bán cho Anh máy bay tốt hơn. Anh đồng ý ngay. Tuyển phi công rất khó, vì một đạo luật năm 1908 của Mỹ quy định tước quyền công dân của các công dân Mỹ “tuyên thệ trung thành với nước ngoài”. Năm 1936, nhiều phi công Mỹ tình nguyện chiến đấu cho phe Cộng Hoà ở Tây Ban Nha đã bị Chính phủ Mỹ thu hồi hộ chiếu vì lý do đó. Tháng 4.1941, Tổng thống Roosevelt – vốn rất muốn giúp TQ chống Nhật – ký một sắc lệnh cho phép quân nhân Mỹ được từ chức để ký với Chennault hợp đồng đánh thuê 1 năm cho TQ, sau đó họ có thể trở về chức vụ cũ trong quân đội Mỹ. Họ được TQ trả lương tháng 750 USD (hồi ấy là rất to), chưa kể các phụ cấp khác và kỳ nghỉ phép 30 ngày; ngoài ra cứ bắn rơi 1 máy bay địch thì được thưởng 500 USD. Để lách luật, các phi công này đều dùng hộ chiếu giả làm khách du lịch, nhà truyền giáo v.v... đến TQ.

Đầu tiên họ được huấn luyện ở Miến Điện. Ngày 1.8.1941, phi đội tình nguyện chính thức ra đời. 100 máy bay P-40 được chở bằng tầu biển đến Rangoon để lắp ráp. Các máy bay đều được sơn hình hàm cá mập, vì nghe nói người Nhật rất sợ cá mập. Các phi công rất mến Chennault, vị chỉ huy nghiêm khắc nhưng giản dị và bình dân; đặc biệt con người có bộ mặt sần sùi này không ngờ rất có duyên hấp dẫn các cô gái.

Ngày 7.12.1941, Nhật tấn công Trân Châu cảng, Mỹ tuyên chiến với Nhật. Phi đội của Chennault chuyển đến TQ. Lúc ấy, Nhật đã ném bom Trùng Khánh và Côn Minh được hơn 1 năm mà chưa hề bị máy bay TQ ngăn chặn. Ngày 20.12.1941, 10 máy bay Nhật kiểu Ki-21 cất cánh từ sân bay Gia Lâm đến ném bom Côn Minh bất ngờ gặp 24 máy bay “hàm cá mập” của Chennault. 6 máy bay địch bị hạ, chỉ có 1 chiếc P-40 bị rơi. Trước chiến thắng lớn này, Chennault đã khóc vì xúc động. Về sau, phi đội của ông lại đánh tan các đội máy bay Nhật ném bom miền Nam Miến Điện. Trong nhiều tháng liền, các phi công Mỹ đánh cho Nhật nhiều đòn đau. Người TQ yêu quý gọi phi đội tình nguyện của Chennault là Phi đội Hổ bay (Flying Tigers).

Đáng tiếc là trong phi đội có 1 phi công rất ngang tàng thường trêu chọc Tưởng Tổng thống. Trong một lần vợ chồng Tưởng đến thăm phi đội Hổ Bay ở Côn Minh, khi họ lên máy bay DC-2 để về Trùng Khánh, anh này cho máy bay mình cất cánh sà vào sát chiếc DC-2, khiến Tống Mỹ Linh sợ quá ngã lăn xuống chân cầu thang.

Lúc bấy giờ vì Mỹ đã tham chiến chống Nhật nên các phi công tình nguyện đều phải trở về tư thế quân nhân Mỹ tại ngũ, lĩnh lương Mỹ, mặc đồng phục không quân Mỹ. Tháng 4.1942, Chennault nhận quân hàm chuẩn tướng, nhưng từ nay ông phải phục tùng cấp chỉ huy Mỹ. Các phi công Mỹ bắt đầu suy nghĩ hơn thiệt. Gần hết toàn đội xin từ chức, tuy Chennault phản đối. Tháng 7.1942, phi đội Hổ Bay chấm dứt tồn tại. Trong 1 năm chiến đấu, phi đội đã bắn hạ 297 máy bay Nhật, họ chỉ mất có 12 máy bay. Mỗi phi công Hổ Bay hy sinh đổi lấy 92 mạng phi công Nhật. Đây là kỷ lục không chiến cao nhất trong Đại chiến II.

Các phi công Mỹ vẫn tiếp tục sang TQ chiến đấu dưới sự chỉ huy của Chennault, nay đã là thiếu tướng. Người TQ không biết câu chuyện trên vẫn quen gọi họ là Phi đội Hổ Bay, tuy đơn vị này đã đổi tên là Đội Hàng không số 14 và ngày càng lớn mạnh, chuyển sang tìm địch mà đánh. Khi diệt hết máy bay Nhật, họ chuyển sang chi viện lục quân TQ. Cho tới ngày Nhật đầu hàng (15.8.1945), tổng cộng có 500 máy bay của đội 14 bị rơi, nhưng họ đã bắn hạ 2600 máy bay địch, phá huỷ 2,23 triệu tấn tầu vận tải cùng 44 tàu chiến Nhật.

Tháng 7.1945, Chennault từ chức. Hôm ông về Mỹ, hàng chục nghìn người TQ ra tiễn ông như một ân nhân của họ. Claire Lee Chennault trở thành người châu Âu thứ hai (sau Marco Polo) được nhân dân TQ hết lòng yêu quý. Năm 1947, ông trở lại TQ để cưới vợ là bà Trần Hương Mai. Ngày 24.7.1958, vợ ông nhận điện thoại của Tổng thống Eisenhower báo tin Chennault được thăng cấp tướng 3 sao. Khi ấy bệnh ung thư của ông đã đến thời kỳ cuối. Ba ngày sau, Chennault qua đời.

Theo lời bà Mai mới đây nói trên đài truyền hình TQ, Chennault và bà cưới nhau tháng 7.1947 ở Thượng Hải; ông có tính tình rất hiền tuy vẻ mặt nghiêm nghị. Sau đó ông mở một công ty Hàng không đặt tại Côn Minh. Nơi này hiện còn giữ nguyên căn nhà Chennault từng ở, nay dùng làm nhà Bảo tàng Phi đội Hổ Bay. Cho tới nay, đã có 500 nghìn người TQ tham gia tìm kiếm hài cốt các phi công Mỹ hy sinh mất tích. Tháng 10.1997, người ta lại tìm thấy hài cốt 5 quân nhân Mỹ và mảnh vụn chiếc máy bay B-24 của họ bị rơi trên một ngọn núi ở Quảng Tây.

Nguyên Hải