Người đầu tiên làm được chip điện tử ở Trung Quốc

chip

Nhiều năm qua, mơ ước tự làm được chip điện tử đã trở thành nguyện vọng tha thiết nhất của các nhà khoa học kỹ thuật (KHKT) điện tử Trung Quốc (TQ). Nhà nước cũng như nhiều doanh nghiệp đã chi những khoản kinh phí khổng lồ cho công tác nghiên cứu này.

Người đầu tiên chấm dứt “thời đại TQ không làm được chip điện tử” là chàng trai Đặng Trung Hàn (Deng Zhonghan) – một “nhân sĩ không đảng phái” 30 tuổi. Giờ đây anh được dư luận TQ tôn sùng như một nhân vật huyền thoại.

Cuộc đời của Đặng quả thật không bình thường. Ngay từ hồi còn ngồi trên ghế trường Đại học Khoa học kỹ thuật TQ, anh đã dám thách thức một vài lý thuyết trong sách giáo khoa. Năm thứ ba, anh được tặng giải thưởng KHKT sinh viên toàn quốc. Từ 1993, Đặng bắt đầu nghiên cứu công nghệ tính toán song song số liệu, có 25 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học.

Sau khi tốt nghiệp đại học Berkeley (Mỹ), Đặng Trung Hàn được nhận vào làm nghiên cứu viên cao cấp trong công ty IBM. Tại đây, anh từng đăng ký khá nhiều bằng sáng chế phát minh, giành “Giải thưởng phát minh sáng tạo” của IBM. Năm 1997, Đặng nhận 3 học vị cao tại đại học Berkeley: thạc sĩ vật lý, tiến sĩ công nghệ điện tử, thạc sĩ quản trị kinh doanh, trở thành sinh viên đầu tiên trong lịch sử trường này có học vị cao ở 3 ngành công nghệ và kinh tế. Sau đó anh đến Silicon Valley lập công ty bán dẫn PIXIM do anh làm chủ tịch hội đồng quản trị. PIXIM có giá trị thị trường hơn 150 triệu USD.

Năm 1999, Đặng Trung Hàn được vinh dự mời dự đại lễ Quốc khánh TQ 50 năm. Đứng trên lễ đài Thiên An Môn quan sát cuộc duyệt binh và diễu hành khổng lồ của cả triệu đồng bào, anh vô cùng cảm động và ngay lập tức quyết định chuyển công ty của mình về Bắc Kinh.

Đặng lập công ty Vi điện tử Tinh Quang tại Vườn KHKT Trung Quan Thôn, theo mô hình Silicon Valley và được cử làm Tổng chỉ huy “Dự án chip điện tử Tinh Quang”. Hơn 10 tháng sau, công ty này cho ra đời con chip điện tử đầu tiên có bản quyền 100% của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – chip “Tinh Quang số 1”, vĩnh viễn chấm dứt thời kỳ TQ không làm được chip điện tử, đồng thời mở màn cho thời kỳ TQ sản xuất những con chip multimedia kỹ thuật số.

Chip “Tinh Quang 1” đã và đang được các công ty điện tử toàn cầu như Samsung, Philips, HP, Lenovo sử dụng với số lượng lớn, chiếm hơn 60% thị trường picture input chip của thế giới. Các con chip multimedia TQ chế tạo chẳng những đẩy mạnh sự phát triển các ngành liên quan của TQ mà còn nâng cao địa vị quốc tế của TQ trên các lĩnh vực công nghệ nòng cốt.

Là lãnh đạo doanh nghiệp, Đặng Trung Hàn mạnh dạn thực thi một cơ chế quản lý độc đáo: ban hành hệ thống chế độ khuyến khích nhân tài, đổi mới kỹ thuật, khai thác thị trường và vốn, áp dụng cơ chế khích lệ cổ phiếu nhằm kết hợp chặt chẽ lợi ích của nhân viên với doanh nghiệp. Công ty anh kết hợp với trường đại học Thanh Hoa và công ty Microsoft xây dựng Phòng Thí nghiệm chung; ngoài ra còn hợp tác chiến lược với các hãng lớn như Samsung, Philips, HP …

Năm 2005, công ty Trung Tinh của Đặng niêm yết thành công trên thị trường giao dịch cổ phiếu NASDAQ, trở thành công ty điện tử đầu tiên của TQ có mặt tại đây, đánh dấu thời đại “Chip TQ” được thị trường quốc tế thừa nhận.

Do các thành tích to lớn trên, Đặng Trung Hàn nhận được nhiều vinh dự: giải nhất KHKT thành phố Bắc Kinh, Giải phát minh kỹ thuật quan trọng trong công nghệ tin, danh hiệu “Gương mẫu lao động toàn quốc”, huy hiệu “Ngũ Tứ” của Thanh niên TQ, danh hiệu 1 trong 10 “Thanh niên kiệt xuất của thành phố Bắc Kinh’ …Tuy vậy anh luôn tỏ ra khiêm tốn. Moi người trong công ty đều gọi nhà lãnh đạo ngoài đảng này bằng cái tên quen thuộc “Tiến sĩ Đặng”.

Nguyên Hải, theo báo TQ