P/v bà Hoàng Xuân Sính

Người hai lần “suýt” làm lãnh đạo Bộ Giáo dục

Bà Hoàng Xuân Sính, nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam hiện là ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Là Việt kiều ở Pháp về nước những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cho đến giờ dù bà không phải là đảng viên nhưng ít ai biết đã có lúc trung ương đã “nhắm” bà vào vị trí lãnh đạo ngành giáo dục.

Bỏ công danh về nước...

. Thưa bà, là phụ nữ lại được sang Pháp học, chắc bà thuộc nhà dòng dõi?

+ Tôi người gốc làng Cót, Cầu Giấy, Hà Nội. Cụ tổ Hoàng Quán Chi là thượng thư nhà Trần. Thời Pháp thuộc, họ hàng nội ngoại nhiều người sang Pháp học hành, làm ăn thành đạt. Ông cậu tôi ở hẳn bên đó, là chuyên gia đầu ngành hàng không, góp phần làm nên máy bay chở khách siêu âm Concord. Em trai tôi cũng theo ngạch này, làm việc trong cơ quan vũ trụ Pháp. Còn tôi, đang bậc trung học ở Hà Nội thì năm 1952 sang Pháp với cậu, học tiếp rồi vào Đại học Sư phạm Paris, lấy bằng thạc sĩ toán học rồi về nước năm 1960. Cũng vì tôi bỏ về nước mà cậu em bên đó gặp rất nhiều khó khăn với chính quyền sở tại...

. Tương lai đang xán lạn, tại sao bà lại hồi hương, nhất là vào lúc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt?

+ Những năm ấy, phong trào phản chiến, đòi hòa bình cho Việt Nam bên Pháp lên cao lắm. Sài Gòn có nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu thì bên Paris cũng có Việt kiều làm đuốc sống trước Đại sứ quán Mỹ. Nhiều anh em còn viết đơn xin về nước đi B chiến đấu.

Trải qua những năm tháng ấy mới hiểu tư tưởng XHCN ảnh hưởng, thu hút mạnh thế nào tới lớp thanh niên, sinh viên tại các nước Tây Âu. Tôi cũng chịu ảnh hưởng đó, nên khi miền Bắc hòa bình lập lại, kêu gọi trí thức Việt kiều về nước xây dựng hậu phương XHCN cho miền Nam chống Mỹ xâm lược là tôi về ngay. Mà việc hồi hương có dễ đâu. Tôi phải trốn sang Praha, Tiệp Khắc mới có cán bộ sứ quán mình ra đón, làm hộ chiếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới về được.

... thành quần chúng “kém giác ngộ”

. Giác ngộ sớm như thế, tại sao bà lại không vào Đảng?

+ Lúc chuẩn bị ở Pháp về, lãnh đạo phong trào Việt kiều có ý cho tôi vào Đảng trước để thuận lợi khi về nước. Nhưng anh Nguyễn Khắc Viện bên đó lại bảo về nhà kết nạp cũng được. Tôi thì nghĩ bao người hy sinh chẳng màng gì, mình trẻ tuổi thì cứ cống hiến đi đã. Nhưng rồi về nước, tôi được phân công tác tại Đại học Sư phạm I Hà Nội, lại trong lĩnh vực toán, chỉ cần cây bút chì, tờ giấy là làm việc được nên cũng quên đi...

. Không là đảng viên, bà có gặp bất lợi?

+ Ồ, khi về nước làm việc, tôi vấp ngay về quan điểm khoa học. Chuyện là đồng nghiệp trong trường lúc đó vì hoàn cảnh chiến tranh chưa được học hành nhiều nên họ đề ra những đường lối nghiên cứu mà tôi thấy không phải. Tôi bảo vệ quan điểm đến cùng. Mà tôi càng cãi thì càng bị xếp loại “kém giác ngộ”. Thời ấy, giác ngộ phải là Đảng nói thế nào thì cứ thế mà thực hiện. Trí thức Việt kiều về nước bị vướng như vậy nhiều lắm, vướng về chuyên môn, về cách sống, sinh hoạt chứ đâu phải vì khổ mà không chịu được. Đến như anh Trần Đại Nghĩa theo cụ Hồ về nước, được tin tưởng giao làm viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự, vậy mà anh rất khó làm việc với ông bí thư chi bộ chỉ vì ông ấy trước khởi nghĩa “lăn lộn” hơn...

. Vậy chức vụ quản lý và việc phát triển sự nghiệp của bà có bị ảnh hưởng không ?

+ Những năm 65, trên có văn bản là phải đảng viên mới được bổ nhiệm trưởng, phó phòng. Đến sau 75 thì quy định này được bỏ, tôi được bổ nhiệm chủ nhiệm bộ môn toán. Sau đó có mấy lần tổ chức đề nghị tôi làm phó khoa, rồi hiệu phó nhưng tôi từ chối.

Thật ra ở ta, đánh giá một người tiến bộ hay không cứ phải là được đề bạt này kia, phải lên trưởng phòng, lên giám đốc... Chứ nước ngoài, người ta chẳng vậy. Tôi cũng thế, chủ yếu tập trung nghiên cứu cho tốt; với sinh viên thì tìm phương pháp giảng dạy phù hợp, em nào khó khăn mình phải giúp đỡ, sinh viên giỏi thì mình bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển. Tôi có tiến thân bằng con đường kia đâu, bởi như vậy thì đã chả làm toán chi cho mệt.

Khó tham gia guồng máy

. Nghe nói có lần bà được gợi ý làm bộ trưởng Bộ Giáo dục. Chuyện đấy thật hư thế nào ạ?

+ Khoảng năm 1984, trên định đưa tôi lên làm thứ trưởng Bộ Giáo dục. Lúc đó chị Nguyễn Thị Bình là bộ trưởng, gọi tôi lên hỏi hai câu. Câu một: Tại sao không vào Đảng? Tôi về bảo với ông tổ trưởng tổ đảng, là nếu trên có hỏi thì nhớ nói là vì tôi nhiều tuổi rồi nên không kết nạp. Còn câu hỏi thứ hai buồn cười lắm: Tại sao không lập gia đình? Chẳng là vì tôi đã ly dị và ở vậy. Khi ấy ta còn rất phong kiến. Hồi năm 1981, khi tôi được bầu vào Quốc hội, đã có đơn từ phản đối là tại sao lại đưa một người... ly dị chồng vào Quốc hội (cười). Rồi đến khoảng năm 1992, tôi có nghe kể là ở trung ương có người đề cử tôi làm bộ trưởng nhưng sau đó bị gạt đi vì tôi không phải là đảng viên...

. Bà có biết tại sao mình lại được tổ chức quan tâm không?

+ Sau này tôi mới hiểu, được các cụ chọn vì tôi hay... cãi bướng. Chả là những năm đầu 1980, kinh tế trì trệ, ngân sách giáo dục rất căng thẳng. Giáo viên mà ba giờ sáng dậy làm bánh rán, rang lạc giao cho hàng nước. Người thì nấu chè đỗ đen bán cho sinh viên kiếm sống. Làm đại biểu Quốc hội, tôi nhận được nhiều tài liệu về tình hình giáo dục, suốt ngày mày mò viết các loại đề án cải cách giáo dục, gửi lên bà Bình, gửi các ông lãnh đạo. Họ đọc rồi muốn kéo mình lên.

. Không thích làm lãnh đạo thì tại sao bà lại ứng cử vào Quốc hội, thưa bà?

+ Thì tôi nghĩ là làm đại biểu Quốc hội có thể góp một tiếng nói cho ngành giáo dục. Nhưng vào rồi tôi mới thấy tiếng nói đại biểu lúc đó còn hạn chế lắm. Hồi ấy đâu được thoải mái như bây giờ, cứ như ông Dương Trung Quốc ngày nay chất vấn cả bộ trưởng Nội vụ về sử dụng người ngoài Đảng thì có mà “mệt”. Cho nên tôi làm đại biểu một khóa thì thôi.

. Vậy còn chức phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam?

+ Về nước năm 1960 tôi đã tham gia MTTQ rồi cơ mà. Hồi đó Việt kiều hồi hương về xây dựng đất nước rất nhiều và MTTQ lập ra một bộ phận chuyên chăm sóc bà con. Vì mời Việt kiều về nên tôi cũng tham gia, làm ủy viên trung ương từ đó đến giờ. Tôi còn nhiều năm làm phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chuyên phụ trách mảng nữ trí thức.

Mà làm mặt trận, tham gia hội lương còn chẳng có, lấy đâu bổng lộc. Nhưng môi trường đó tự do hơn, họ chấp nhận nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí nghịch nhĩ.

. Giả sử hồi trước mà bà được bổ nhiệm làm bộ trưởng giáo dục thì sao?

+ Vào guồng máy đó chắc tôi... chết. Tôi chỉ sợ làm quản lý thì khỏi làm khoa học nữa.

. Từng cuốn hút với phong trào yêu nước bên Pháp, được các đảng viên cộng sản giác ngộ về nước nhưng rồi lại không vào Đảng, bà nghĩ gì về chuyện đó?

+ Quan trọng là lòng mình hướng về cái gì. Vào Đảng thì có thể có những điều lợi, có chức vụ, nhưng lý tưởng của tôi khi về nước đơn giản là muốn đóng góp cho ngành giáo dục. Còn sau này hòa bình thống nhất rồi, tôi chỉ mong làm sao nông thôn mình đẹp như nông thôn các nước tiên tiến, nông dân mình cũng được học hành đầy đủ, giáo dục của mình tiên tiến được như người ta. Lý tưởng của tôi chỉ thế thôi!

. Xin cảm ơn bà.

(Theo NGHĨA NHÂN, PLTPHCM)