Hàn Lệ Nhân

Nguồn gốc các dấu Quốc ngữ

Trong báo Độc Lập số 6/82 ra ngày 15/06/82 tại Tây Đức, ông Cao Thế Dung, qua loạt bài " Nhiệm vụ của người Việt hải ngoại " có đề cập tới trường hợp điển hình của một tờ báo Việt ngữ phát hành tại đất Mỹ, "chủ trương nhất định không bỏ dấu" cho tiếng mẹ đẻ. Tờ báo mang tên "TIN TUC : VAN HOA, GIAO DUC" (không bỏ dấu), quản trị bởi các vị "đại khoa bảng, có 2 ông cựu tổng trưởng, một ông phó viện trưởng đại học Sài-gòn, một ông khoa trưởng đại học chính trị kinh doanh cùng mấy vị giáo sư đại học" (nguyên văn của ông Cao Thế Dung).

Trước khi nhận được tờ Độc Lập trên, tôi đã đọc trong báo Văn Nghệ Tiền Phong số 161, ra ngày 1 đến 15 tháng 10 năm 1981, mục Bạn Đọc Viết, lá thư đề nghị "bỏ bớt dấu cho sáng sủa" của một người Việt Nam ở Denver. Ông (bà) này chủ trương "bỏ một số dấu Sắc thừa trong viêt ngữ để giúp cho việt ngữ chúng ta thêm phần sáng sủa và hợp lý hơn." "Những dấu Sắc thừa trong những chữ tận cùng có : C, T, CH, P". Ví dụ :

Trước viết Nay nên viết
Các Cac
Cát Cat
Sách Sach
Bão táp Bão tap

Ngoài ra ông (bà) này còn đề nghị "dùng chữ F thêm thay cho chữ Ph và chữ J thay cho chữ Gi thì ta tiết kiệm thêm một ít thời giờ quí báu". Ví dụ :

Trước viết Nay nên viết
Pháp Fap
Phương Fương
Gia... Ja ...

Rồi mới đây, trong một tiệm cà-phê ở góc đường Pétion, Paris 11, có một người bạn trẻ khoe với tôi rằng anh ta đang soạn một "luận án" về "làm thế nào để thay thế các dấu trong việt ngữ bằng các mẫu tự La-tinh".

Đối với 3 trường hợp trên, người viết bài này xin miễn có ý kiến, vì nói như ông Cao Thế Dung "đó là quyền tự do của mỗi người". Song nhờ 3 "ý kiến cách mạng" trên mà tôi có ý sưu tầm tài liệu liên quan tới các dấu trong chữ việt hầu cống hiến quí vị bạn đọc.

Việt ngữ (1) có tất cả năm dấu : Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã và Nặng. Trong lãnh vực thi ca, các cụ nhà ta dùng danh xưng riêng :

Dấu Tên các thanh
Huyền (`) Trầm bình thanh
Sắc (´) Phù khứ thanh
Nặng (.) Trầm khứ hay Trầm nhập thanh
Hỏi (?) Trầm thượng thanh Ngã (˜) Phù thượng thanh

Như chúng ta đều biết, thủy tổ chữ quốc ngữ là một nhóm giáo sĩ tây phương (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp) và người có công nhất là cố Alexandre de Rhodes, người đất Avignon (nay là tỉnh Avignon, nam Pháp). Theo sách "VN Văn Học sử yếu" của cụ Dương Quảng Hàm thì ông A. de Rhodes là người đầu tiên soạn ra cuốn tự điển quốc ngữ nhan đề "Dictionarium Annamiticum, Lasitanium et Latinum" (Tự điển An-nam, Bồ Đào Nha và La-Tinh) in tại thành La Mã (Roma) năm 1651.

Theo tài liệu về chữ Việt của cố Đắc Lộ (tên phiên âm của cố Alexandre de Rhodes) thì có 4 dấu xuất phát từ tiếng Hy Lạp và dấu thứ 5 lấy từ tiếng La-tinh hoặc các tiếng Âu châu.

Trong dấu Hy Lạp có 3 dấu :

- Dấu Sắc (accent aigu) dùng vào 1 âm đọc lên giọng mạnh, ký hiệu (´ ).
- Dấu Huyền (accent grave) dùng vào 1 âm đọc giọng nhẹ, ký hiệu (` ).
- Dấu Ngã (accent circonflexe) dùng vào âm đọc lên giọng rồi xuống giọng ngay, ký hiệu ( ).

Riêng dấu Nặng, cũng theo cố Đắc Lộ, không phải là một Dấu mà là một Chữ trong tiếng Hy Lạp. Đó là chữ IOTA (đọc i-ô-ta = chữ i Hy ngữ) viết tắt, ký hiệu là (. ).

Đặc biệt dấu Hỏi "âu châu" không phải là một Chữ cũng không hẳn là một Dấu chỉ thanh như các dấu Sắc, Huyền, Ngã trong Hy ngữ, song ấn định 1 cung giọng, cung giọng "tra vấn" (interrogation) chung cho một mệnh đề. Ví dụ : Anh xa quê hương đã lâu chưa ? Nói gọn, cố Đắc Lộ đã sử dụng ký hiệu chỉ định 1 âm điệu chung cho 1 mệnh đề để làm dấu chỉ thanh trong Việt ngữ. Hơn nữa dấu Hỏi trong Việt ngữ không được đặt Sau mà lại được đặt Trên 1 vần như các dấu khác - trừ dấu Nặng – và khi đọc thì phải uốn giọng nhẹ.

Tóm lại, bảng kê dưới đây sẽ giúp chúng ta nhận xét rõ ràng :

Dấu Sắc, dấu Huyền và dấu Ngã Phát tích từ tiếng Hy Lạp
Dấu Nặng Phát tích từ chữ "Iota dưới" Hy Lạp viết tắt
Dấu Hỏi Phát tích từ dấu Hỏi La-tinh hay Âu châu

Kinh qua non 4 thế kỷ sử dụng chữ quốc ngữ, hẳn người Việt chúng ta không ai không "thân thuộc" lối viết giản tiện này ? Mặc dầu cha đẻ lối viết của chúng ta ngày nay là người tây phương nhưng, xét cho cùng, nhờ các dấu – cũng của thiên hạ - mà lối viết chữ việt khác các lối viết của những dân tộc trên quả địa cầu này.

Trên phương diện ấn loát - điều quan tâm đầu tiên của những người có ý muốn cải cách việt ngữ - so với chữ Việt, chữ Nhật (khởi nguồn từ chữ Hán) còn chi li, tốn công gấp ngàn lần. Ấy thế mà báo chí Nhật vẫn đứng đầu về lượng ấn hành trên thế giới : Đó là tờ Yomiuri Shimbum. (2)

Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên, trong Nguyệt San Văn Hoá số 60 ra tháng 5 năm 1961, kết thúc bài "Nguồn gốc các dấu trong vần quốc âm" bằng câu "Chữ là Xác và Dấu là Hồn". Võn vẹn 7 chữ đơn sơ nhưng bao trùm tình yêu nước chân chính đậm đà, nói lên được cái tâm việt thuần khiết.

Từ chuyện "cách mạng" các dấu trong việt ngữ suy lan đến những chuyện "cách mạng" khác đã và đang xảy ra tại Việt Nam mà đau lòng, đứt ruột. Nước mất nhà tan cũng "nhờ" những đầu óc khoa bảng ... âu-mỹ kiểu này.

Rồi từ khi có dạng chữ Unicode trên Internet, trong các trang tiếng Việt, vấn đề gõ chữ Việt vẫn còn làm cá nhân tôi không sao hiểu nỗi, khá nhiều người vẫn tiếp tục gõ chữ Việt Không Dấu dù rằng đã có bao nhiêu chỉ trình được soạn ra hết sức công phu và phổ biến miễn phí trên toàn cầu. Thậm chí mới đây tôi tình cờ vô trong một trang Web "lớn" việt ngữ, bắt gặp trong mục Ngôn Ngữ (Việt), một thành viên phát biểu ngon ơ "gõ bằng tiếng Anh cho nhanh, chứ gõ và bỏ dấu tiếng Việt nhức đầu quá."

Chú thích

(1) Xin đừng nhầm Tiếng Việt (ngôn ngữ) và Chữ Việt (văn tự) vì tiếng Việt và người Việt vốn là bào thai song sinh, theo sử sách, từ trên 4.000 năm nay rồi.

(2) Sáng lập năm 1874, số lượng ấn hành cho ngày 1 tháng 4 năm 1981 là 13.741.921 tờ !

Hàn Lệ Nhân