Nguồn gốc của ngôn ngữ

Các dạng ngôn ngữ đã và đang hiện diện trên hành tinh của chúng ta, hết sức đa dạng và sinh động. Mỗi ngôn ngữ cụ thể như thế lại có một nguồn gốc trực tiếp hoặc gián tiếp của nó, với những chiều hướng biến động, phát triển không phải bao giờ cũng hoàn toàn như nhau. Tuy nhiên, đó là những vấn đề được nghiên cứu riêng cho từng ngôn ngữ một.

Ở đây, chúng ta sẽ chỉ nói đến những “chuyện chung” của ngôn ngữ trong xã hội loài người nói chung.

1.1. Không phải chỉ có chúng ta hôm nay mới tự hỏi: ngôn ngữ của con người ra đời từ đâu? nhờ ai? nhờ cái gì?... Việc đặt những vấn đề đại loại như thế và lời giải đáp cho chúng, thực ra đã có không ít và có từ lâu, thậm chí từ xa xưa.

Khi đức tin vào sức mạnh sáng tạo vạn năng nơi Thượng Đế bị đổ vỡ (vì chẳng bao giờ có Thượng Đế cả) thì không ai còn nghĩ rằng Thượng Đế đã tạo ra loài người chúng ta và cho ta ngôn ngữ để ta biết nói như biết thở vậy.

Người ta cũng đã cố gắng đi tìm nguồn gốc ngôn ngữ ở trần gian, nơi ngôn ngữ đang tồn tại và hoạt động. Thế là các giải thuyết như: thuyết tượng thanh, thuyết về tiếng kêu động vật, thuyết về tiếng kêu trong phối hợp lao động, thuyết cảm thán bộc lộ tâm lí tình cảm, thuyết quy ước xã hội… lần lượt xuất hiện. Ngày nay, bình tĩnh mà xét, các giả thuyết đó đều có phần đúng của nó, nhưng tiếc thay, chỉ đúng được với một vài sự kiện hoặc hiện tượng ngôn ngữ mà thôi. Nhìn nhận như thế về nguồn gốc ngôn ngữ, thật chẳng khác nào lấy một vài cây đã vội kết luận cho rừng bởi vì “thấy cây mà chẳng thấy rừng”.

1.2. Với sự ra đời của triết học biện chứng, vấn đề nguồn gốc ngôn ngữ được xem xét và phân tích một cách toàn diện hơn, khoa học và hợp lí hơn: con người là chủ thể sáng tạo và sử dụng ngôn ngữ; vậy phải tìm hiểu sự ra đời của ngôn ngữ gắn liền với nghiên cứu nguồn gốc con người cả trong quá trình phát sinh giống nòi lẫn quá trình phát sinh và phát triển của mỗi cá thể.

Các kết quả nghiên cứu về triết học, sinh vật học, khảo cổ học, sinh lí học thần kinh và ngôn ngữ học… kết luận rằng lao động đã làm phát sinh, phát triển loài người và làm phát sinh ngôn ngữ trong quá trình đó.

1.2.1. Hàng triệu năm trước đây, tổ tiên của chúng vốn là một loài vượn người sống trên cây trong những cánh rừng tiền sử. Do nhiều biến động của tự nhiên, những cánh rừng ấy bị tiêu diệt. Thức ăn trên tầng cây cao ngày càng trở nên khó kiếm. Loài vượn người ấy buộc phải rời khỏi ngọn cây cao (vốn là nơi trú ẩn, sinh sống từ lâu đời) xuống đất đi lang thang kiếm ăn.

Trên mặt đất, sự di động chủ yếu không còn là leo trèo như trên cây nữa; đã thế kẻ thù lại nhiều hơn… Việc tìm kiến thức ăn và tự vệ để sinh tồn… đã buộc loài vượn này tập dần được cách đi bằng hai chi sau và đứng thẳng mình lên. Cái bản lề trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người chính là việc đứng thẳng mình lên và đi bắng hai chân đó. Để có được dáng đứng thẳng lên, loài vượn người xưa kia đã phải “tập đi” hàng nghìn năm chứ không phải như một em bé tập đi bây giờ, chỉ độ một tháng là xong.

Thế là hai tay con vượn người đựơc giải phóng. Đôi chân bây giờ hoàn toàn đảm đương việc đi lại. Đôi tay ngày càng trở nên khéo léo hơn, biết sử dụng các vật sẵn có làm công cụ tự vệ, kiếm ăn; và quan trọng hơn: nó biết chế tạo ra công cụ lao động. Con vượn người đã chuyển dần thành con người vượn rồi thành người (người nguyên thuỷ).

Dáng đứng thẳng cũng làm cho tầm mắt của tổ tiên chúng ta được rộng và xa hơn; đồng thời bộ ngực nở hơn đồng thời các cơ quan của bộ máy phát âm có điều kiện phát triển hơn.

Mặt khác, có công cụ trong tay, những người tiền sử đó kiếm được nhiều thức ăn hơn và chuyển dần từ đời sống ăn thực vật (cây, quả, củ, rễ…) sang đời sống ăn thịt. Thêm vào đó, việc tìm ra và sử dụng được lửa cũng khiến họ chuyển từ ăn sống sang ăn chín. Một hệ quả quan trọng đã diễn ra, thức ăn chín, mềm khiếm xương hàm người ta không cần phải to như trước nữa; lồi cằm (phần trước xương hàm dưới) vểnh ra rõ dần.

Tuy nhiên, trong số các biến đổi về mặt sinh học của con người, sự tiến bộ của bộ não là quan trọng nhất. Nhờ lao động, nhờ ăn thịt, bộ não của tổ tiên chúng ta cũng phức tạp dần lên; những phần vỏ não trực tiếp liên quan đến tiếng nói như thuỳ trán, thuỳ thái dương và phần dưới thuỳ đỉnh, phát triển mạnh. Kết cục là so với những người bà con và anh em họ của tổ tiên chúng ta, bộ não con người ngày nay (tính theo tỉ lệ giữa trọng lượng của não với trọng lượng của toàn thân) lớn hơn khỉ đột 10 lần, hơn đười ươi 6 lần, hơn khỉ đen 2 lần và hơn vượn 4 lần.

Như vậy, lao động đã tạo ra con người và tạo ra những tiền đề thứ nhất về mặt sinh học để ngôn ngữ có thể phát sinh. Có thể nói lao động để chuẩn bị và “tạo cơ sở vật chất” để loài người có những cơ quan thích hợp cho việc sản sinh tiếng nói.

1.2.2. Cũng chính lao động đã tạo ra nhân tố xã hội để ngôn ngữ phát sinh. Lao động đã liên kết con người thành những bầy đàn, những cộng đồng và về sau thành xã hội có tổ chức. Muốn cùng chung sức để làm việc gì đó, người ta cần thoả thuận với nhau là sẽ làm gì, làm như thế nào… Những điều “biết được” về thế giới xung quanh, những kinh nghiệm trong lao động cần phải được thông báo cho nhau từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Đến đây thì con người (dù là người cổ nhất) đã khác con vật về chất. Người ta đã đến lúc thấy “cần phải nói với nhau về một cái gì đó” bởi vì họ đã có cái cần phải nói với nhau và có phương tiện để nói với nhau. Phương tiện ấy chúng ta gọi là ngôn ngữ. Vậy không có ai khác, chính lao động đã sáng tạo ra con người và ngôn ngữ của con người. Lao động đã làm cho bộ óc của con người cổ xưa biết hoạt động “theo kiểu người” và có công cụ vừa để tiến hành những hoạt động đó, vừa làm phong phú hoá nó, nâng nó lên “trình độ của con người”. Đó là ngôn ngữ.

1.2.3. Tự bản chất của mình, từ khi mới phát sinh, ngôn ngữ vốn là công cụ, là phương tiện để con người giao tiếp với nhau. Thế nhưng, lúc đầu nó chưa phải là ngôn ngữ chúng ta đang có hôm nay; mà là thứ ngôn ngữ chưa phân thành âm tiết rõ ràng, bởi vì cái lưỡi, cái cằm và hàm dưới, hệ dây thanh… chưa phù hợp, thuần phục với công việc mới mẻ, đầy phức tạp – công việc phát tiếng nói – này: thậm chí có bộ phận còn đang trên đường hoàn thiện dần.

Tuy vậy, người ta không đợi cho mọi bộ phận cấu âm phát triển thật hoàn chỉnh rồi mới nói với nhau. Những tiếng nói còn lẫn, còn nghèo, và ú ớ đó đã được phối hợp với các động tác, dáng vẻ của cơ thể: mặt mũi, vai, tay, chân (nhất là đôi tay) để “phát biểu” ý nghĩ, tình cảm của họ. Thoạt đầu tiếng nói của con người chưa khác các điệu bộ bao nhiêu. (Điều này còn để lại những tàn dư của nó trong một số ngôn ngữ mà hiện nay ta còn thấy được. Chẳng hạn trong ngôn ngữ dân tộc Ê đê, người ta không dung một từ đi mà lại dùng nhiều từ khác nhau, miêu tả các kiểu đi khác nhau.

dô bô hô bô hô đi nặng nề, phục phịch

dô dê dê đi một cách vững vàng

dô bu la bu la đi nhanh bừa đi

dô pi a pi a đi rón rén

dô gô vu gô vu đi khập khiễng, đầu chúi xuống…)

Dần dần, con người sử dụng tiếng nói thành thạo hơn và bỏ xa những cách “phát biểu” bằng cử chỉ, động tác; bởi lẽ ngôn ngữ thành tiếng của họ ngày càng mạch lạc hơn, trở thành hệ thống tín hiệu thứ hai, hệ thống “tín hiệu loan báo các tín hiệu”.

Hoạt động tín hiệu là hiện tượng chung cho mọi loài động vật trên hành tinh chúng ta; nhưng con người, với ngôn ngữ của mình đã có thêm một phương thức mới, khác hẳn về chất. Nhờ có ngôn ngữ này mà từ đây, con người nghe được (tức là nhận được) một tín hiệu có nghĩa “mặt trời” chẳng hạn, thì anh ta đã nghĩ tới, đã hình dung ra mặt trời rồi, không cần phải đợi cho tới khi nhìn tận mắt nữa.

Đối với động vật, chỉ có những kích thích trực tiếp về thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác mới trở thành tín hiệu kích thích được. Ngược lại, đối với con người, ngoài những thứ đó, người ta còn có các từ trong ngôn ngữ để thay thế cho chúng. Đến đây thì cái gọi là ngôn ngữ thực sự hình thành và không bao giờ rời xa loài người nữa.

(theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997, trang 34–37)