Nguyễn Văn Lý - Kẻ sĩ - Nhà văn hoá đất Thăng long (1)

1. Họ Nguyễn ở Đông tác - cội nguồn

Nguyễn Văn L‎ý sinh năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1795), húy là Dưỡng, tên tự là Tuần Phủ, hiệu là Chí Đình, biệt hiệu Đông Khê, còn có hiệu là Chí Hiên, Chí Am, người làng Đông Tác, huyện Thọ Xương. Đông Tác là một làng cổ của Kinh thành Thăng Long(1), phong cảnh thiên nhiên hữu tình, có “hồ Âm Khang rộng hàng ngàn khoảnh, nước trong veo như một tấm gương” (Đông Khê thi tập bạt) – khuôn hồ này về sau còn trở lại trong những sáng tác của Nguyễn Văn Lý. Nhận xét về vị trí phong thủy của làng, Phan Hy Hiến khi viết lời Bạt cho Đông Khê thi tập đã viết: “Ngu tôi khi bắt đầu cắp cặp đến cố thành, từng đi qua làng ông, xem phong thủy nơi đây biết ắt sinh ra người khác thường”(2).

Làng thuộc huyện Thọ Xương, cái tên mang ước vọng một vùng đất hưng thịnh lâu dài, nhưng đến thời Nguyễn Văn Lý, khi kinh đô chuyển về Phú Xuân, trong không khí đô thị hoá, đã có sự sa sút. Nguyễn Văn Lý thường vẫn trăn trở về điều đó: “Họ ta nghèo, thôn ta ở giữa thành thị, không có đất để cày cấy lại không có nghề nghiệp ổn định, rất đáng phải lo nghĩ”. Gặp những năm mất mùa, thóc cao gạo kém, tình hình dân chúng khốn quẫn thì vùng quê ông là nơi thuộc “thành thị càng trầm trọng”. Thân phụ Nguyễn Văn Lý từng đề xuất lập kho nghĩa thương “tích ít thành nhiều để phòng khi thiếu thốn” nhưng cũng mãi năm 1865, khi Nguyễn Văn Lý về hưu mới bắt đầu được gây dựng. Cũng thời gian này xảy ra nạn dịch tả, Nguyễn Văn Lý trong hai ngày mất hai người thân – “vợ thứ họ Ngô bị bệnh tả, thuốc thang không khỏi, mất ngày 13 tháng 8, chị tuổi cao cũng bị bệnh ấy, đều không cứu được, đã mất ngày 14.” (Bđd). Thêm nữa, lúc này thực dân Pháp ngày càng lấn tới, triều Nguyễn lúng túng trong đối sách, các quan trong triều chia làm hai phe, Tự Đức chủ hoà. Những người nhiệt thành yêu nước chủ chiến, nhiều người chống mệnh vua, bị trấn áp. Bắc Thành không còn yên tĩnh, Nguyễn Văn Lý nghỉ về quê, nhưng xem ra quang cảnh êm đềm: Kết lư duy thị hướng yên ba (Nhà tranh lại dựng giữa bầu khói mây - Ủy gia nội) khó có thể là hiện thực trọn vẹn.

Nguyễn Văn Lý sinh ra trong một gia đình dòng dõi thi thư. Họ Nguyễn vốn ở Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), vào cuối đời Lê Thánh Tông (1460-1497) mới rời ra phường Đông Tác khai hoang và có nghề nung đúc. Vị đầu tiên lập nghiệp ở đây là Chính Thiện. Vị đời thứ hai, bắt đầu được phong chức Quang tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Định Huân vệ Trường thắng, tước Tả Sở Khuông Lĩnh An Mỹ nam, thụy là Thanh Nhàn. Các đời tiếp theo đều làm quan và có tước phong, nhưng rạng rỡ hơn hẳn các đời trước là Giải nguyên Nguyễn Hy Quang (1634-1692) đỗ khoa Sĩ vọng năm 1673. Sau hai năm làm chức Giáo thụ phủ Thường Tín, cụ được gọi vào phủ chúa giao cho dạy dỗ các thế tử, trong đó cụ có ảnh hưởng đậm nhất đối với thế tử Trịnh Bính. Trong khi đàm luận về đạo chúa tôi, Nguyễn Hy Quang đã dâng bài Quân thần luận, được chúa khen là Lời này sánh ngang với tác phẩm Thập tiệm của Ngụy Trưng đời Đường(3). Năm Chính Hoà thứ 5 (1684) Nguyễn Hy Quang làm tới chức Lang trung bộ Lại kiêm Tri bộ Hộ. Trước khi mất một năm được thăng Công khoa Đô cấp sự trung, tước Hiển Phương bá. Cũng năm ấy, cụ dâng khải cáo bệnh xin nghỉ, năm sau, Nhâm Thân (1692), cụ mất tại nhà riêng. Khi cụ lâm bệnh, chúa Trịnh Bính lo lắng, cử người thuốc thang, sai lập đàn cầu cúng và thân viết bài “mật đảo văn” xin trời đất tăng tuổi thọ cho cụ. Khi cụ mất chúa đã nghỉ chầu 3 ngày, lại sai quan đến lo việc tang tế trang trọng; triều đình truy tặng Công bộ Thượng thư và tước Hiển quận công. Nguyễn Hy Quang còn sáng tác bài thơ Nôm Cảm tác khi xây xong nhà ngay trước hồ Ba Mẫu ngày nay(4). Đây là một áng thơ Nôm thể lục bát hiếm hoi, đã rất hoàn chỉnh, văn từ mượt mà, có niên đại rõ ràng, đó là một đóng góp cho văn học, thêm chứng cứ để xem xét hành trình của thể thơ dân tộc này. Đương thời Nguyễn Hy Quang rất được trọng vọng, năm 1745 niên hiệu Cảnh Hưng, cụ được phong Trung đẳng phúc thần, tặng phong mỹ tự Trực Ôn Văn Nhã Đại vương; đến năm 1783 Đoan Nam vương Trịnh Khải ra lệnh sai quan đến tế theo lễ Thiếu lao và cho hai phường Đông Tác, Kim Liên làm dân tạo lệ để trông coi nhà thờ. Lịch triều tạp kỷ nhận định “Quang nổi tiếng về văn học, từng sung làm giảng dụ trong phủ chúa ..., người kỳ cựu và có học vấn. Là bậc sư thần, Quang giữ gìn cẩn thận, có công lao trong việc phụ chính”(5).

Tiếp theo Nguyễn Hy Quang, cụ tổ đời thứ tám là Nguyễn Trù (1668-1736), Hoàng giáp khoa Đinh Sửu (1697) từng làm Hữu Thị lang bộ Hình và Tế tửu Quốc Tử Giám. Về văn học đóng góp quan trọng của vị Hoàng giáp là biên tập, hiệu đính và tổ chức khắc in hai bộ Sách học đề cương chú và Quần hiền phú tập. Tập phú không những có giá trị cho việc dạy học mà còn là một bộ sưu tập giữ lại được những tác phẩm phú chữ Hán trong thời kỳ thịnh đạt của thể loại, mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã khen là “khôi kỳ, hùng vĩ, lưu loát, đẹp đẽ”(6). Ngoài ra, cụ còn cho in sách Truyền kỳ lục, cũng là một tác phẩm thuộc thể loại hiếm quý của văn học Việt Nam, tiếc là tập sách này hiện chưa tìm thấy.

Họ Nguyễn Đông Tác, trong thời trung đại, không nhiều người đỗ đại khoa, nhưng truyền thống học hành rất được coi trọng và khá hiển đạt cả về đường võ. Người con trưởng của cụ Hy Quang được phong Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân lĩnh Tiền thắng quân chính thủ, chức Tổng binh, tước Tào Quận công, sau được thờ làm Thành hoàng làng; người con thứ đỗ Hương cống, được phong Đặc tiến Kim tử vinh lộc Đại phu, con trai út được phong tước Dũng Quận công. Thân phụ Nguyễn Văn Lý cũng đỗ sinh đồ dưới triều Lê nhưng gặp “loạn” Tây Sơn nên không ra làm quan (7).

2. Đường quan – chí hướng và trải nghiệm

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống thi thư và hiển hách, Nguyễn Văn Lý “từ nhỏ đã để chí vào việc học hành” (Đại Nam liệt truyện)(8). Năm 14 tuổi (1808) ông theo học Bùi Chỉ Trai, em Tham tụng triều Lê Bùi Huy Bích và chịu nhiều ảnh hưởng của học phong họ Bùi. Đến năm 18 tuổi (1812) ông theo học Bạch Trai Lê Hoàng Đạo, Tiến sĩ, Đốc học Hà Nội, sức học tấn tới nhiều. Việc học hành đang thuận lợi thì vào năm 1817 thân mẫu Nguyễn Văn Lý bị bệnh nặng. Ông cùng em trai là Phương Khê phải ở nhà trông nom thuốc thang, “đêm đêm hai anh em kê chiếc giường nhỏ bên cạnh để cùng chăm sóc, nghe ngóng bệnh tình của mẹ” (Bđd). Tháng 2 năm sau (Mậu Dần 1818) thì bà mất. Chôn cất mẹ xong, mới được vài tháng thì cha bị bệnh, đến tháng 6 cũng qua đời. Tháng 11, việc tang, táng xong, hai anh em hàng ngày đến khóc ở phần mộ. “Chỉ trong vòng có một năm mà gia đình có đến hai biến cố lớn, gia sản tổ tiên để lại có 4 mẫu ruộng bạc điền đã bán hết để lo việc tang” (Tự truyện, đã dẫn). Vì vậy Nguyễn Văn Lý phải lấy việc dạy trẻ làm kế sinh nhai. Việc học hành thi cử cũng bị chậm lại.

Năm 28 tuổi, Nguyễn văn Lý cưới vợ, là con gái thứ hai của Tri phủ họ Nguyễn, người Kim Lũ. Tháng 10 ông thi Hương chỉ trúng Nhị trường. Sau đó ông tìm theo học Tiến sĩ Lập Trai Phạm Quý Thích, Đốc học Cao Huy Diệu, Tri huyện Tiên Minh Nguyễn Trừng. Nhưng đối với Nguyễn Văn Lý, người thày hiểu ông nhất, có ảnh hưởng đến ông lớn nhất mà ông vô cùng kính trọng là Lập Trai Phạm Quý Thích. Trong tình cảm của ông, chỉ cần “Tấm biển Lập Trai còn thì đạo học vẫn được tôn kính” (Cung vãn nghiệp sư Phạm Lập Trai). Được sự khuyến khích, dắt dẫn của thày Phạm Lập Trai, khoa thi Hương năm Ất Dậu (1825), 31 tuổi, Nguyễn Văn Lý đỗ Cử nhân, cùng khoa vớí Nguyễn Văn Siêu, Hoàng Tế Mỹ, Vũ Tông Phan... Khoa ấy lấy 28 người, ông đỗ thứ 3/4 người thuộc hạng ưu. Nhưng hai kỳ thi Hội Bính Tuất (1826), Kỷ Sửu (1829) đều không đỗ, phải đến khoa Nhâm Thìn, Minh Mệnh thứ 13 (1832), 38 tuổi, ông mới đỗ Tiến sĩ. Tháng 5 vào điện thí ở giải vũ điện Cần Chánh; quan Độc quyển là Binh bộ Thượng thư Lê Văn Đức (người mà khi Nguyễn Văn Lý gặp lại ở Gia Định đã đề Tựa tập thơ Đông Khê cho ông) và Lễ bộ Thượng thư Phan Huy Thực; quyển của ông được vua phê bút son (châu phê) 4 chữ “Tam giáp nhất danh” (Đỗ nhất đệ tam giáp). Khoa này lấy đỗ 8 Tiến sĩ. Sau khi vinh quy, Nguyễn Văn Lý được bổ làm Hàn lâm biên tu. Năm 1833, tháng 2 (Âm lịch), được bổ làm Tri phủ phủ Thuận An, 8 tháng sau thì có mệnh triệu vào Kinh và tháng 4 (ÂL) năm 1834 được trao chức Viên ngoại lang bộ Lại. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) ông được bổ làm Án sát sứ Phú Yên đồng Hộ lý tuần phủ quan phòng. Tháng 8 được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Gia Định. Cuộc đời làm quan của ông cũng nhiều thăng trầm và có những nỗi oan. Tháng 10 (ÂL) năm 1833 phủ Thuận An xảy ra việc tù phạm phá ngục, dù ông đi việc quan vắng vẫn bị triều đình giáng 1 cấp. Khi làm quan ở Phú Yên có 2 lần ông bị giáng chức. Lần thứ nhất vì việc dâng xoài chậm, bộ Lễ tham hạch, bộ Lại nghị tội là trái với quy định “phạt nhẹ giáng lưu” (Tiến am la trì ngộ Lễ bộ tham hạch, Lại bộ nghị xử, chiếu vi chế tòng trọng luận, ngưỡng mông bạc trách giáng lưu, thư thị đồng sự Phan đài). Năm 1844, một lái buôn ở Phú Yên ăn trộm, vu khống ông nhận hối lộ, dù Học sĩ Vũ Phạm Khải và Án sát Nguyễn Công Vịnh xét xử đã kết luận Nguyễn Văn Lý vô tội nhưng vẫn bị cách chức.

Trong thời gian làm quan, Nguyễn Văn Lý luôn quan tâm đến những việc giúp dân cứu đời, quan tâm đến việc học của sĩ tử. Ông dâng sớ xin miễn lính cho 7 người con cháu triều Lê trước; xin tha tội chết cho 10 tù nhân chịu tội tử hình, và mở cho con đường sống là cho khẩn hoang ruộng bỏ hoá, hoãn thuế 3 năm, xin thả các tù phạm người Man cho về quê quán. Người dân Trung Quốc thời nhà Minh chạy sang Việt Nam lập làng (sau gọi là Minh hương) cũng được chu cấp, khi có việc oan khuất đều được giải quyết; thuyền buôn nhà Thanh bị mất trộm đến kêu cứu, ông cũng hết sức tìm lại cho, ... Những việc giúp đời như thế của ông, dân Phú Yên, dân Minh hương coi là việc ân đức đều đem vàng, bạc hàng
trăm lạng tới tạ, nhưng ông không nhận, bảo rằng: “Ta chỉ để ơn lại cho dân ta mà thôi”.

Nguyễn Văn Lý bị cách chức cho về quê(9), nhưng chỉ 2 tháng sau, tháng 7 lại có chỉ khởi hồi chức Hàn Lâm viện Điển bạ, làm Tu văn quy. Khi vua Thiệu Trị băng hà, ông lại được mệnh đi tìm đất an lăng, đây cũng là một việc chứng tỏ sự tín nhiệm của vua Tự Đức đối với ông. Nhân dịp này ông được ban thưởng, nhưng lộ trình làm quan dường như đã chững lại. Năm Mậu Thân (1848), tháng 9 được sai làm sơ khảo trường thi Nam Định; tháng 11 công việc xong, Nguyễn Văn Lý xin về và ông ở nhà cho đến giữa năm Bính Thìn (1856). Thời gian này, ông có một vài việc vui, như trùng tu nhà thờ đại tông bên bờ hồ Ba Mẫu (tên ngày nay), Trung Tự, cưới bà vợ thứ họ Ngô (năm 1851), viết sách, giao du với bạn bè, làm thơ; năm 1852 cùng Lê Duy Trung điểm duyệt thơ Vũ Tông Phan(10); năm 1853, bạn đồng niên Nguyễn Văn Siêu sau khi bị giáng trật trở về, đã mở lại trường Phương Đình mà theo Vũ Thế Khôi đã được hoạt động từ trước năm 1838, và kế tục Vũ Tông Phan làm Hội trưởng Hội Hướng thiện. Không thấy Nguyễn Văn Lý nói đến việc mở ngôi trường Đại tập Chí Đình, nhưng ngay từ năm song thân ông qua đời, 1823, Nguyễn Văn Lý đã “lấy nghề dạy trẻ làm kế sinh nhai” thì chắc rằng khi về nghỉ ngôi trường cũ sẽ hoạt động lại (và bây giờ là trường “đại tập”?). Công việc dạy học còn tiếp tục suốt những năm ông làm Đốc học Hưng Yên để có số học trò lên tới năm trăm người, trong đó khoa Ất Sửu (1865) có đến 2 người đỗ đại khoa. Nhưng có lẽ ông còn muốn “hưởng cái nhàn trên núi Hùng Sơn, cùng bạn bè đàm đạo thơ văn” và cũng vì dân vùng này trọng đạo, nên năm 1856 Nguyễn văn Lý đi Sơn Bình, huyện Lập Thạch mở quán dạy học. Cũng không rõ có phải đây cũng là một chủ trương đưa việc học đến tận những nơi xa xôi nhằm mở rộng văn hoá của nhóm kẻ sĩ Thăng Long hay không, nhưng Vũ Tông Phan, sau khi trường Hồ Đình hoạt động vững vàng, năm 1848 cũng về vùng quê Kim Giang, huyện Sơn Minh trên sông Đáy “ẩn dật”?.

Nhưng cũng thời gian này xảy ra một vài sự kiện rất buồn. Tháng 6 năm Tân Hợi (1851) Vũ Tông Phan, người bạn cùng chí hướng, người sáng lập ra Hội Hướng thiện qua đời, Nguyễn Văn Lý coi đây là một sự mất mát lớn lao “Bọn người sau ta mất đi bậc lương tri rồi!” (Văn tế Đốc học Tự Tháp Vũ Lỗ Am). Tháng 11 năm Giáp Dần (1854), Cao Bá Quát, một thủ lĩnh quan trọng của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương, bạn vong niên thân thiết của Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, tử trận. Họ Cao bị tội tru di, không còn người nối dõi, xem ra sĩ phu Bắc Hà không tâm phục quyết án đó, Nguyễn Văn Siêu có đôi câu đối viếng ý tứ thâm trầm:

Khả lân tai! Cắng cổ tài danh, nan đệ cánh nan huynh, bất thế ngẫu sinh hoàn ngẫu tử;

Tối cảm giả! Đáo đầu sự thế, thử nhân nhi thử ngộ, hỗn trần lưu xú diệc lưu phương.

(Thảm thương thay! Kim cổ đáng mặt anh tài, anh và em cùng hiếm có, chẳng đúng thời, cùng sinh lại cùng thác;

Đau đớn nhỉ! Sự việc rốt cuộc là thế, người này gặp cảnh ngộ này, đời hỗn trọc, lưu xấu cũng lưu thơm)(11).

Chưa hết, năm Bính Thìn (1856) Ngô Thế Vinh cũng mất, cái nôi đào tạo nhân tài của Thăng Long lại chịu một tổn thất nữa.

Nguyễn Văn Lý ở vùng Lập Thạch được 9 tháng thì khuyết chức “Tư đạc” phủ Thường Tín, Tổng đốc Hà Ninh lúc đó là Lâm Duy Nghĩa rất hiểu tài năng đức hạnh Nguyễn Văn Lý đã tiến cử và ông được bổ chức Giáo thụ phủ ấy. Ông giữ chức ở đây ba năm, học trò rất đông đúc. Năm 1858 được sung chức phúc khảo trường thi Nam Định; mùa đông năm ấy qua Hoàng Văn Thu Tổng đốc Hà Ninh, Nguyễn Văn Lý “mật trần kế sách đánh Tây”, được Tự Đức châu phê “Đã xem”. Năm 1859, do Tổng đốc Định Tường Nguyễn Phượng Hiên tiến cử, ông lại được thăng chức Hàn lâm Tu soạn, lĩnh chức Đốc học Hưng Yên “để đào tạo nhân tài”. Năm 1860, mùa xuân, Nguyễn Văn Lý mới đến Học đường nhậm chức. Lúc này học trò của ông đông tới 500 người.

Tuy nhiên tình hình Bắc Hà đã trở nên không yên ổn, nhiều người trong giới sĩ phu không đồng thuận với triều đình. Nguyễn Văn Lý là người nhiệt thành yêu nước, dù chỉ giữ chức học quan, nhưng nghe có việc nghị hoà, ông đã cùng các Giáo thụ, Huấn đạo trong hạt mình dâng sớ can ngăn. Năm Nhâm Tuất (1862), giặc vùng Đông Bắc lại nổi lên, sĩ tử bỏ học. Nguyễn Văn Lý có lẽ được rảnh rang đôi chút, ông lên chơi núi Long Đội huyện Duy Tiên, hoạ thơ lưu đề của Nam Thiên Động chủ và tự tăng [1]. Tháng 3 năm Giáp Tý (1864), 70 tuổi, ông uống rượu, làm thơ tự mừng thọ ở ngay Học xá Hưng Yên. Bấy giờ Nguyễn Văn Lý giữ chức Đốc học Hưng Yên đã được 5 năm, đúng lúc ông đang không khỏe, cần phải thuốc thang thì sứ của bộ Lại đến truyền chỉ, bút son phê “Vào Kinh đợi chỉ”. Mệnh vua đến từ tháng 3, tháng 5 bệnh hơi đỡ ông mới lên đường. Tháng 6 tới Kinh, ngụ ở Sử quán, bộ Lại tâu lên. Quan Thái giám giao cho một Long trát, châu phê: “Ta nghe Tùng Thiện công nói Nguyễn Văn Lý giỏi bói cỏ thi và bói mai rùa, lời bói phần nhiều ứng nghiệm. Nếu quả đúng như vậy, hoặc có kiêm các thuật bói khác thì cứ thực tâu lên, không được ẩn giấu. Hãy về bói xem hạ tuần tháng này ngày nào tạnh ngày nào mưa để nghiệm xem. Khâm thử!” (Tự truyện, Bđd). Nguyên là tình hình đất nước đã rất nguy ngập, 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ đã mất, nhưng Pháp vẫn đánh tiếp ra các tỉnh khác và không ngừng gây sức ép, quyết thôn tính cả nước Việt Nam. Phan Thanh Giản được cử đi Pháp thương lượng đòi lại ba tỉnh miền Đông không thành, Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1832) Đỗ Quang, bạn đồng niên với Nguyễn Văn Lý, Tri phủ Định Tường, tham gia cuộc kháng Pháp ở Nam Kỳ cùng Trương Định, bị triệu về làm Tuần phủ Nam Định, dâng biểu từ quan. Tự Đức vẫn chủ hoà, nhưng có lẽ bối rối, muốn trông chờ vào thời vận nên mới triệu Nguyễn Văn Lý vào Kinh sai bói. Và có lẽ để có thể tin chắc lời phán bảo của thế lực siêu nhiên, nhà vua bắt Nguyễn Văn Lý thử nghiệm bằng việc đoán “ngày nắng ngày mưa” ngay trong cuối tháng. Đó là một sự thách đố, Nguyễn Văn Lý “trong lòng rất lo lắng”. Cuối cùng ông cũng bói được quẻ Khảm sang quẻ Khốn rồi “cứ theo ý đoán mà tâu trình”, rằng: “Quẻ Khảm, hào Lục tứ có lời Kinh: “Chén rượu, rá xôi, thêm dùng hồ sành, nộp ước tự cửa sổ tròn, sau chót không lỗi”. Quẻ Khốn, hào Cửu tứ có lời Kinh rằng: “Lại thong thả, khốn bởi xe sắt, đáng tiếc, có kết thúc”” (trong Tự tuyện, đã dẫn, có viết kỹ chuyện này).

Ngày 10 tháng 7 ông dâng tập điều trần gồm ba điều “ích nước lợi binh”. Một là nói Hiệp quản Hưng Yên là Vũ Lực tình nguyện đi đánh giặc báo thù cha, xin giao cho quân thứ Hải Dương để liệu mà điều bổ tiễu phạt. Hai là xin lập 3 đồn ở những nơi trọng yếu của Hải Dương để phòng thủ, ngăn ngừa đường ra vào của hải phỉ, như thế, không cần đánh mà giặc tự thua. Ba là bốn cửa bể lớn của Nam Định thực là đất phù sa phì nhiêu nên kịp thời khai khẩn thành ruộng. Tập điều trần dâng lên, Tự Đức lưu lại 2 ngày rồi đưa cho nội các, châu phê: “Giao Bộ duyệt, bàn mà thi hành”. Trong triều các quan xin cho Nguyễn Văn Lý lĩnh chức Thiếu khanh sung Toản tu Sử quán, nhưng ông tỏ ý không muốn nhận. Ngày 17 tháng 7 ông được lệnh đến Duyệt Thị đường trả lời một số khoản hỏi han. Việc xong, truyền cấp ngựa trạm đưa về lị sở cũ. Khi ông ra về, Thượng công Thương Sơn có thơ tiễn, sai con trai là Quận quân thân đến chỗ trọ ở Sử quán vái biệt, tặng 2 tiền, lại nói “Ta rất nghèo, chỉ là tình cảm thôi!”. Các quan thượng khanh đều thân đến tiễn. Ngày 23 ra khỏi Kinh đô, giữa tháng 8 về đến Học đường Hưng Yên, vừa kịp thu quyển thi hương. Khoa thi này, môn sinh Nguyễn Văn Lý nhiều người đỗ. Nhưng trường thi Nam Định lại xảy ra chuyện. Những sĩ tử có chí khí chỉ trích quan Chủ tư Ngụy Khắc Đản đi sứ Tây, “hoàn thành cục diện chủ hoà”, không xứng đáng nắm vận mệnh văn chương, trương biển ngăn không cho học trò vào trường thi. Ngụy Khắc Đản lập tức tâu trình, vua xuống chỉ “Các quan Tế tửu, Tư nghiệp, và các quan Đốc học, Huấn đạo, Giáo thụ các tỉnh bị cách lưu một bực để khiển trách”. Sự việc đó khiến Nguyễn Văn Lý chán nản, ông viết trong Tự truyện “Phủ nhân đó nghĩ ... Nhân tình thế thái như vậy, còn có thể làm quan được nữa sao!” Và tháng 3 năm Ất Sửu (1865), Nguyễn Văn Lý lấy cớ già yếu xin nghỉ, “cách lưu hay không chẳng bận tâm hỏi đến nữa”. Nhưng Tự Đức hiểu rằng việc cách quan lần này Nguyễn Văn Lý hoàn toàn không có lỗi, vì vậy sắc viết: “Nguyễn Văn Lý, Tiến sĩ xuất thân, 34 năm trước đây từng làm Án sát; án cách lưu lần này đại lược là xét cùng với mọi người, chiếu lệ công tội mà hoàn trở về nguyên tịch xuất thân, lòng trẫm không nỡ, nếu khai phục toàn hạng cũng chưa hợp. Vậy chuẩn cho Nguyễn Văn Lý giữ nguyên hàm Trước tác về hưu”. Đến tháng 5, bản sao sắc văn của Bộ gửi đến ông liền về quê. Đến nhà, thì vừa lúc học trò là tân Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp vinh quy đến bái đường. Khoa ấy chỉ lấy đỗ 3 Tiến sĩ mà trường của ông có 2, đó là Nguyễn Trọng Hợp (nguyên tên là Nguyễn Tuyên, Trọng Hợp là tên do vua Tự Đức cải cho) người Kim Lũ và Hoàng Tướng Hiệp người Đông Bình, “đều là con trai nhà thông gia cả”. Điều kỳ vọng của Nguyễn Văn Lý đã được đáp ứng, cũng là niềm an ủi đối với ông. Trong Tự truyện ông viết:

“Từ đấy Phủ ta đọc sách, dạy con học, vui với việc theo đúng luật lệ, lại xem xét phong thủy để tinh thần thể phách tiên thân được yên; trùng tu 2 bản gia phả để dạy con cháu; tiếp đó lại chỉnh đốn gia phả hai bên họ ngoại, ở Mai Cương, Quế Dương và Phúc Khê, Hưng Nhân. Thường nghĩ: Chu phu tử nói người ta đến 40 tuổi, công việc trước mắt còn nhiều, làm gì có thì giờ rảnh rỗi cho văn thơ, huống ta nay đã là “người xưa nay hiếm”, công việc trước mắt càng không dám gác qua một bên, nhưng tùy theo sức mà làm. Công nghiệp há lại chỉ khanh tướng mới là công nghiệp sao! Điều mà trời hậu đãi ta chính là cái ta tự có vậy. Trước tác của ta có 2 tập: Đông Khê thi tiền hậu tập, Văn tập lưu hành ở đời và 1 quyển Tự gia yếu ngữ để dạy con cháu.”

Tự truyện kết thúc ở đây, có lẽ ông viết ngay sau khi về nghỉ không lâu và ngoài
việc lo phần mộ, trùng tu gia phả nội ngoại, ông không nhắc gì đến việc tiếp tục dạy học, hay những công việc khác, nhưng như một lời hứa, ông vẫn không dám “gác những việc trước mắt qua một bên” mà chỉ “tùy theo sức mà làm”. Thời gian này ta biết ông khởi đầu gây dựng quỹ nghĩa thương, chống chọi với bệnh dịch tả và cũng có thể vẫn cùng Nguyễn Văn Siêu chăm chút cho hoạt động của Hội Hướng thiện, của Văn hội Thọ Xương, cũng có nghĩa là tiếp tục những chủ định các ông đề ra từ trước mà chúng ta gọi là “chấn hưng văn hoá Thăng Long”. Ông mất ngày 17 tháng 8 năm Mậu Thìn (1868) tại ngôi nhà ở Hàng Bồ, trưởng môn Nguyễn Trọng Hợp cùng các môn sinh dựng nhà thờ thày tại làng Trung Tự (nay thuộc tổ 23B, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội).

Theo gia phả, Nguyễn Văn Lý có 1 vợ cả, 1 vợ hai, 2 vợ thứ, con trai con gái cộng là 12 người.

3. Tấm lòng Chí Am với cuộc chấn hưng văn hoá Thăng Long của văn nhân trí thức Hà thành đầu thế kỷ XIX

Năm 1848, sau khi xin nghỉ quan, Nguyễn Văn Lý về Đông Tác tiếp tục dạy học, không phải là tìm việc mua vui trong lúc bất đắc chí mà chính là một trong những chí nguyện của ông. Khi triều đình Nguyễn chuyển Quốc Tử Giám vào kinh đô Huế, hạ biển Thái Học Môn thay bằng Văn Miếu Môn ở Quốc Tử Giám Thăng Long, cố tình để cho hoang phế, chuyển hết bản in kinh sách ở Văn Miếu Bắc thành về Quốc Tử Giám Huế, Hà Nội chỉ còn là trường tỉnh, Văn Miếu chỉ còn là nơi tế lễ Khổng Tử và các tiên hiền của nho giáo hàng năm xuân thu nhị kỳ, nho sinh Bắc Hà hàng ngàn người đổ về các trường tư thục ở Thăng Long để dùi mài kinh sử, cũng là để tụ tập, gặp gỡ, giao lưu. Lúc đó ở Thăng Long có những ông thày nổi tiếng đạo cao đức trọng như Tiến sĩ Lập Trai Phạm Quý Thích. Các học trò của ông, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Hà Tông Quyền ... đều đỗ đạt thành danh; ngoài ra có nhiều người trở thành những người thày gương mẫu, sống thanh bạch, quyết không chịu nhiễm bợn thói tục, như Chu Doãn Chí... Phạm Quý Thích qua đời, kẻ sĩ Thăng Long như mất đi một chỗ dựa tinh thần, có thể vì lẽ đó mà các môn sinh của Lập Trai muốn chung sức cùng nhau kế tục sự nghiệp của thày. Người đầu tiên là Vũ Tông Phan. Ông đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826), được nhận chức ở Hàn lâm viện, sau đó thăng đến Lang trung bộ Binh, được cử duyệt quyển thi Đình, rồi bổ Tham hiệp Tuyên Quang, sau là Thái Nguyên. Nhưng liền đó lại bị cách chức vì lý do “không tâu trình về bọn giặc cướp trong trấn”, được phép ở nhà đợi chỉ. Năm 1831 được khởi phục chức Giáo thụ phủ Thuận An, năm 1832 thăng Đốc học Bắc Ninh. Nhưng ngay năm sau, 1833, Vũ Tông Phan cáo bệnh xin nghỉ quan trở về mở trường dạy học. Tiếp theo là Nguyễn Văn Lý, rồi đến Nguyễn Văn Siêu hoạn nghiệp đều theo một mô hình và đều có cách hành xử tương tự. Nếu như quan sát hoạn đồ của phần đông các sĩ phu Bắc Hà đầu đời Nguyễn không thể không thấy một hiện tượng như đã thành quy luật, một quy định không thành văn. Bất kể là ai, dù đỗ đạt cao, dù tài năng, có nhiều công lao và cũng rất trung thành với triều đình nhưng trên chính trường họ đều bị quăng lên quật xuống! Họ thường được tin dùng, thăng tiến nhanh, được trao chức vụ quan trọng, nhưng cũng nhanh chóng vì những nguyên cớ rất “vớ vẩn” bị cách, thậm chí cách tuột mọi chức tước, bị hạ nhục bắt đi hiệu lực, bắt làm một anh lính trơn, như trường hợp Nguyễn Công Trứ, có người như Hà Tông Quyền, từng làm quan trong Nội các, đã tiến dẫn Nguyễn Văn Lý và được ông rất quý trọng, thường tôn gọi là “Hà Các lão” còn rơi vào cái chết rất mờ ám. Căn cứ vào hiện tượng đó và cả những việc làm cụ thể đối với Quốc Tử Giám Thăng Long(12),..., người ta có thể thấy chủ trương của triều đình Huế dường như muốn hạn chế ảnh hưởng, quyền lực và “dằn mặt” kẻ sĩ Bắc Hà. Thêm vào đó sự lúng túng trong kế sách phát triển đất nước và thậm chí bất lực, trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước trước một thế lực ngoại xâm mới, mạnh và lạ lẫm, đã tạo nên tình trạng ly tâm trong giới kẻ sĩ. Thăng Long Kinh kỳ trên tám trăm năm văn vật đã tiêu điều đến mức Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (Bà Huyện Thanh Quan, Thăng Long thành hoài cổ), đó là trách nhiệm của chính sách nhà Nguyễn. Kẻ sĩ Bắc Hà đau xót đến “đoạn trường”, nhưng phải chăng đến bấy giờ nhóm học trò Phạm Quý Thích mới thực sự hành động? Không trông chờ được ở triều đình, họ “chiêu hồn” cho Thăng Long, tìm lại bộ mặt văn hoá Thăng Long. Trước hết là tôn vinh các danh nhân văn hoá – các bậc tiên hiền - để khuyến học, khuyến khích nhân tài và xây dựng nhân cách đạo đức con người. Năm 1832, đỗ Tiến sĩ vinh quy, Nguyễn Văn Lý đề xướng lập Văn hội Thọ Xương, lập Văn chỉ(12). Năm 1836, sau khi bàn với Vũ Tông Phan, văn nhân huyện Thọ Xương đã cùng nhau xây dựng đền thờ các bậc tiên hiền, đặt ruộng để lo việc xuân thu tế lễ, Vũ Tông Phan đứng đầu Văn hội. Mục đích của Văn hội Thọ Xương, Nguyễn Văn Lý đã chỉ rõ: “Trên thì noi theo phong độ và ý chí của tiên hiền, dưới thì khuyến khích thế hệ mai sau trau dồi tiến tới. Trong phạm vi hẹp, thì trở thành các bậc quân tử trong làng, các vị thày dạy trong xã. Mở rộng ra là tôn chúa, giúp dân.” (Bài ký trên bia đền thờ tiên hiền huyện Thọ Xương) (13). Ông khẳng định “Mong muốn trở thành người hiền là chuẩn đích của sự học; thờ phụng tiên hiền là phép tắc của lễ.” (Bđd).

Tiếp theo việc tập hợp kẻ sĩ trong Văn hội lo việc lễ nghi là hoạt động của các trường. Có ba ngôi trường danh tiếng và thu hút được nhiều sĩ tử nhất. Một là trường Hồ Đình của Vũ Tông Phan bắt đầu hoạt động từ năm 1834, cùng thời có trường Phương Đình của Nguyễn Văn Siêu hoạt động đến trước năm 1839 khi “Thần Siêu” đi làm quan xa và hoạt động trở lại từ năm 1853, trường Chí Đình của Nguyễn Văn Lý, hoạt động lại trong khoảng từ 1849. Học trò của Nguyễn Văn L‎ý rất đông trong đó có người thành danh và đỗ đạt cao từng giữ chức Văn minh điện Đại học sĩ, Cơ mật viện Đại thần (Nguyễn Trọng Hợp). Học trò của Vũ Tông Phan cũng nhiều người hiển đạt, như Nguyễn Tư Giản, Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1844) làm quan đến Thượng thư, Phó Tổng tài Quốc sử quán, Phó bảng Phạm Hy Lượng, Lê Đình Diên, Tiến sĩ Ân khoa Kỷ Dậu (1849), làm Đốc học Hà Nội ...

Cùng với việc dạy, các văn nhân Thăng Long còn rất chú trọng đến việc in sách, bao gồm cả thơ văn và sách giáo khoa. Chu Doãn Chí tập hợp tác phẩm cho thày thành Thảo Đường thi nguyên tập, Lê Duy Trung – Nguyễn Văn Lý biên tập thơ cho Vũ Tông Phan, Nguyễn Tư Giản thu thập văn của Chu Doãn Chí dâng lên triều đình, Chu Hoằng Phu hoàn thành Chu Tạ Hiên tiên sinh thi tập, Nguyễn Trọng Hợp biên tập tác phẩm của thày thành Đông Khê thi tập. Tập văn của Chu Doãn Chí và thơ của Nguyễn Văn Lý đều được dâng lên triều đình, để khắc in hoặc đưa vào nội các ... Kết quả những hoạt động sáng tác và sưu tập ấy đã giúp cho văn đàn Thăng Long thế kỷ XIX tiếp tục đạt những thành tựu mà văn đàn tự do trong nước thời bấy giờ khó sánh được. Ngoài ra, vì sách vở kinh điển đã bị đưa hết vào Kinh, học trò thiếu sách học nên các trường cũng rất chú trọng đến việc soạn sách. Vũ Tông Phan có Cổ văn hợp tuyển, Ngô Thế Vinh có Luận thức đại lược, Hoàng Việt sách tuyển, Tống sử lược, Trúc Đường Chu Dịch tùy bút, Đại Nam bi ký, Khảo xích đạc bộ pháp, Nguyễn Văn Siêu có Phương Đình dư địa chí, Chư kinh khảo ước, Chư sử khảo thích, Tứ thư bị giảng, ...

Để khuếch trương mục tiêu đào tạo kẻ sĩ Thăng Long, năm 1841, Vũ Tông Phan còn lập Hội Hướng thiện và được bầu làm Hội trưởng. Hội được nhượng lại chùa Ngọc Sơn, tu sửa thành đền thờ Văn Xương Đế quân, một vị thần về văn chương khoa cử. Mục đích của Hội, như ông Nghè Tự Tháp đã ghi rõ “Hội Hướng thiện vốn do những người trong khoa mục thành lập. Ở thời kỳ đầu, Hội chủ yếu nhằm cố gắng làm những việc đem lại lợi ích cho đời” (Ngọc Sơn Đế quân từ ký)(14). Và Đền Ngọc Sơn còn là nơi cho “sĩ phu kết bạn với nhau ... việc tu dưỡng du ngoạn nghỉ ngơi có nơi có chốn ... Cái thú ngắm trăng dưới nước, hóng gió trên non do vậy giúp cho những người lấy điều thiện tu thân được nhiều” (Bđd).

Hiện cũng chưa khai thác được tài liệu nào ghi chép về các hoạt động của Hội Hướng thiện ở trung tâm Ngọc Sơn, ngoài các cuộc văn nhân họp mặt thưởng trăng, xướng hoạ thơ, xây dựng các công trình cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút, đình Trấn Ba, lầu Đãi Nguyệt ... tạo vị thế cho Đền Ngọc Sơn trở thành một danh thắng tiêu biểu của Hà Nội. Nhưng cùng thờì gian này, có một hoạt động văn hoá khác cũng rất sôi động, đó là các Thiện đàn cầu tiên giáng bút. Theo con số của Nguyễn Xuân Diện(15), số tập thơ giáng bút hiện nay Thư viện Hán Nôm lưu giữ được là 254 cuốn, trong đó có 226 bản in và 28 bản chép tay. Văn bản in sớm nhất là năm 1825 tại đền Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (nay là di tích Việt Đông hội quán, 22 phố Hàng Buồm, Hà Nội), chép lời giảng của Quan Thánh Đế quân; sau đó là các bản ghi lời giảng của tiên thánh ở rất nhiều Thiện đàn trên hầu khắp các tỉnh của Bắc Bộ và các vị giáng bút có nhiều thần Việt Nam, như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng ... Nguyễn Xuân Diện cũng cho rằng Thiện đàn “đóng góp quan trọng” “trong công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc”; Thiện đàn Đền Ngọc Sơn – trụ sở Hội Hướng thiện, cơ sở in ấn tàng bản đã biến thành giáng đàn, hàng tháng đều đặn vào ngày 2 và 16 đều có tổ chức giáng bút. Tuy nhiên có phần chắc Hội Hướng thiện mà Vũ Tông Phan sáng lập không có hoạt động Thiện đàn, bởi lẽ Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu và bạn bè ông đều là những nhà nho, nhà giáo “chính hiệu”, họ tự coi trách nhiệm của mình là khuông chính thế tục, tôn giữ đạo Thánh hiền, những tên hiệu Lỗ, Tuần, Phương ... đều thể hiện ý tưởng ấy, đạo giáo, đạo Phật thường bị coi là “dị đoan”. Theo Vũ Thế Khôi “Việc thờ Văn Xương Đế quân và Quan Thánh Đế quân, chừng nào các nhà văn hoá lớn như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu còn chủ trì ở đền Ngọc Sơn chỉ mang ý nghĩa biểu tượng của lý tưởng tu thân “văn võ kiêm toàn” (Sđd, tr.235). Nhưng Nguyễn Văn Lý những năm cuối đời đã ở ngôi nhà tại phố Hàng Bồ, rất gần nơi in văn bản giáng bút sớm nhất, không thể không biết đến các hoạt động này. Thế mà trong thơ của ông, không thấy nhắc gì đến các giáng đàn? Phải chăng, trong thời điểm khó khăn, để tránh tai hoạ từ những vụ án văn tự, nhóm Nguyễn Văn Lý cũng ngầm đồng tình với nội dung của những hoạt động giáng bút, chủ yếu là mượn oai thần linh tiên thánh để chuyển tải những điều mà chính các ông cũng muốn nói? Nhưng dẫu sao cũng chưa có chứng cứ chắc chắn để xem xét sự liên quan của hoạt động Thiện đàn với Hội Hướng thiện dưới thời chủ hội Nguyễn Văn Siêu, nếu chưa tìm thấy trong 241 tên sách được in và tàng trữ tại đền Ngọc Sơn mà Vương Thị Hường công bố trên tạp chí Hán Nôm số 1 – 2000 những cuốn văn giáng bút có niên đại ra đời trong khoảng trước 1872 (năm Nguyễn Văn Siêu mất). Có thể là sau khi Nguyễn Văn Siêu qua đời, những hoạt động yêu nước chống Pháp của sĩ phu Bắc Hà, trước thì bị triều đình nhà Nguyễn cấm đoán và sau thì bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp gắt gao, các nhà nho yêu nước đã thực sự biến trụ sở Hội Hướng thiện thành một nơi in phát những tài liệu kêu gọi lòng yêu nước thương nòi dưới dạng những lời phán bảo của tiên thánh. Điều này ta thấy rất rõ ở các nội dung vận động ái quốc, chấn hưng văn hoá của các văn bản Thiện đàn đầu thế kỷ XX và ta cũng thấy trong Đông Kinh nghĩa thục những gương mặt sáng giá tham gia hoạt động Thiện đàn là học trò hoặc chính là hậu duệ của nhóm văn nhân Hội Hướng thiện đầu thế kỷ XIX, như Lương Văn Can, Nguyễn Duy Hy và đặc biệt là Cử nhân Nguyễn Hữu Cầu (1879 – 1946), ông Hy và ông Cầu đều là cháu nội Nguyễn Văn Lý...

Trở lại với nhóm “khế hữu” – bạn bè thân thiết - văn nhân nửa đầu thế kỷ XIX, Vũ Thế Khôi có lý khi cho rằng họ chính là những người đã tạo nên “một trào lưu tư tưởng tiến bộ trong sĩ phu Hà Thành đầu triều Nguyễn” (Nguyễn Văn Lý với Vũ Tông Phan, Bđd). Công lao chính của họ là đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chấn hưng văn hoá Thăng Long, khiến cho một người nước ngoài ghé qua Hà Nội khoảng giữa thế kỷ XIX đã phải nhận xét: “... Mặc dù nó (Thăng Long) không còn là nơi vua chúa ở nữa, tôi cho rằng đó vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn ...” (chuyển dẫn theo Vũ Thế Khôi, Bđd). Nguyễn Văn Lý có một vai trò quan trọng trong những đóng góp ấy.

... (xem tiếp phần 2 về văn thơ Nguyễn Văn Lý) ...

Trần Thị Băng Thanh

Ô Đồng Lầm, tháng 6 -2010

CHÚ THÍCH

(1) Nay là Trung Tự, phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Hiện ở đây vẫn còn nhà thờ, hậu duệ ngành trưởng trực hệ đời thứ 5 vẫn thờ tự. Những chi tiết về tiểu sử trong phần này đều căn cứ vào Chí Am tự truyện và các ghi chép khác trong Thọ Xương Đông Tác Nguyễn tộc tông phả, sách của gia đình.

(2) Phan Hy Hiến tên là Cử, bạn đồng song với Nguyễn Văn Lý. Chữ Hiến trong Thư mục đề yếu ở mục từ 426, tr. 255 viết là Du, mục từ 1119, tr. 628 (cùng Tập I) viết là Mặc.

(3) Ngụy Trưng: người Khúc Thành, tên tự là Huyền Thành, làm quan Gián nghị Đại phu đời Đường Thái Tông, tính tình cương trực, dám can ngăn, từng dâng hơn 200 bài tấu, lời lẽ quyết liệt. Thái Tông rất kính trọng, phong Trịnh Quốc công. Khi mất được tặng tên thụy là Văn Trinh.

(4) Dẫn theo Thiều Chửu trong Phả họ Nguyễn Đông tác in năm 1939.

(5) Tác giả Ngô Cao Lãng; Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995; tr. 118. Sư thần: vừa là thày vừa là bề tôi.

(6) Kiến văn tiểu lục; Nxb. Văn hoá – Thông tin, 2007. Câu trên Lê Quý Đôn nhận xét về phú đời Trần, Thiên chương, tr. 252.

(7) Theo thống kê của Nguyễn Thị Lan thì trong thời trung đại, họ Nguyễn Đông Tác có 3 người đỗ đại khoa (2 Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ), 13 Cử nhân, 18 Tú tài nho hoc, 5 Tú tài võ. Xem Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý-Dòng họ Nguyễn Đông Tác. Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2000; tr.78. Về tước phong, theo Gia phả có: 1 Đại vương Phúc thần, 2 Phụ quốc Thượng tướng quân, 3 tước công, 6 tước hầu, 14 tước bá, 2 tước nam.

(8) Đại Nam chính biên liệt truyện (nhị tập), NXB Thuận Hoá, Huế, 1997, quyển 31, tr. 144.

(9) Nguyễn Văn Lý bị cách chức cho về quê (“miễn quy điền”) tháng 5, nhưng có lẽ ông chưa kịp về quê, vì đến tháng 7 đã có mặt nhậm chức ở Huế rồi (theo Chí Am tự truyện).

(10) Theo Vũ Thế Khôi trong Vũ Tông Phan, Tuyển tập thơ văn, Trung tâm ngôn ngữ Văn hoá Đông Tây xuất bản, Hà Nội, 2001, thì Nguyễn Văn Lý điểm duyệt tập Thăng Long hoài cổ mà Vũ Tông Phan sáng tác trong khoảng từ 1833 đến 1841. Trong khi điểm duyệt, muốn sửa chữ nào Nguyễn Văn Lý chỉ ghi “thỉnh cải” (xin sửa) bên lề mà không sửa hẳn vào nguyên tác.

(11) Chuyển dẫn theo Nguyễn Minh Tường trong Cao Bá Quát, Danh sĩ đất Thăng Long, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

(12) Trong bài Quan cựu Quốc Tử Giám, Vũ Tông Phan có ghi chú: “Giám ở đông nam thành, do đời vua thứ ba triều Lý dựng lên, các triều đại Trần Lê tiếp nhau tu sửa. Nay thành nơi chất đầy đồ tế lễ bằng đồng và thiếc. Cổ thụ um tùm. Trước điện Khải Thánh có đặt 4 cái nghiên đá, tương truyền là nơi giảng tập của nhà Quốc học. Đầu đời Gia Long Tổng trấn là Quận công (Nguyễn Văn) Thành cho dựng một lầu trước chính điện, có biển đề Khuê Văn Các. Phía trước là cửa tam quan, xưa treo biển Thái Học Môn, đến năm Tân Tỵ (1821) đổi là Văn Miếu Môn ... Đầu đời Minh Mạng tôi còn trẻ có du học nơi đây. Nay đã bãi bỏ thành ruộng vườn.” Vũ Tông Phan - Tuyển tập thơ văn, Sđd.

(13) Bia đặt tại Phố Bạch Mai. Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Văn chỉ huyện Thọ Xương dựng năm Minh Mệnh 13 (1832), tu sửa năm Bính Thân (1836). Bia ghi tên những người thi đỗ của huyện Thọ Xương. Theo Tuyển tập Văn bia Hà Nội, Quyển II, Bài 62. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.

(13) Tuyển tập Văn bia Hà Nội, Quyển II, Bài 62, Sđd.

(14) Vũ Tông Phan, Tuyển tập thơ văn, tr.232. Sđd.

(15) Những tư liệu nghiên cứu và nhận định về Thiện đàn dẫn trong phần này có nguồn chủ yếu từ bài Văn thơ Nôm giáng bút với việc kêu gọi lòng yêu nước và chấn hưng văn hoá dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, trong Nghiên cứu chữ Nôm Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.

[1sư trong chùa