Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Hàn Quốc Yi So-yeon

Hôm Thứ Hai 10 tháng 3 vừa qua, ông Lee Sang-mok quan chức thay mặt Bộ Giáo dục, Khoa học Công nghệ Hàn Quốc tuyên bố nước này quyết định cử chị Yi So-yeon thay thế anh Ko San làm nhà du hành vũ trụ (DHVT) số Một của nước này tham gia chuyến bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS bằng tàu vũ trụ của Nga dự định phóng vào đầu tháng 4 năm nay. Anh Ko San sẽ làm nhà DHVT số Hai (dự bị) của chị Yi So-yeon.

Như vậy nhà DHVT đầu tiên của Hàn Quốc sẽ là một phụ nữ chứ không phải nam giới. Đây là một vinh dự lớn cho nữ giới của quốc gia đông dân thứ 28 nhưng có nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới với GDP tính theo sức mua năm ngoái bằng 1206 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 25000 USD, tuy vậy phụ nữ chưa được coi trọng như nam giới.

Trong chuyến thăm Nga tháng 10.2004 của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận về việc Nga giúp Hàn Quốc xây dựng ngành DHVT, trong đó có việc đào tạo nhà DHVT và đưa lên trạm ISS làm việc.

Tháng 9 năm ngoái, Hàn Quốc tổ chức thi tuyển người tình nguyện làm nhiệm vụ nhà DHVT đợt đầu tiên của nước này. Trong số 36206 thí sinh, kỹ sư tin học Ko San (Cao Sơn) và nữ kỹ sư cơ khí Yi So-yeon (Lý Tố Nghiên) đỗ cao thứ nhất và thứ nhì. Hai người từng được luyện tập kỹ năng DHVT tại Hàn Quốc và 1 năm tại Nga. Ko San được chọn làm nhà DHVT số Một, Yi So-yeon là người dự bị của anh. Theo Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, dự kiến việc đưa hai nhà DHVT này lên vũ trụ cần kinh phí khoảng 27 triệu USD.

Sở dĩ có sự “đổi ngôi” như trên giữa Ko San với Yi So-yeon là do Cơ quan Vũ trụ Nga thông báo: Ko San đã vi phạm nội quy trong thời gian tập luyện tại Trung tâm DHVT Gagarin. Tháng 7 năm ngoái, phía Nga phát hiện Ko San để tài liệu huấn luyện vào hành lý chuẩn bị mang về nước, mặc dù đó là các tài liệu cấm mang ra ngoài Trung tâm; họ đã tịch thu tài liệu và đưa ra kháng nghị. Cuối tháng 2 năm nay Ko San lại bị phát hiện đã mượn đọc những giáo trình Nga không liên quan tới công việc của anh. Cơ quan Vũ trụ Nga đã đề nghị thay Ko San.

Ông Lee Sang-mok nói: “Phía Nga cho rằng bất kỳ một sai sót hoặc vi pham dù nhỏ nào cũng có thể mang lại hậu quả nặng nề khi làm việc trên vũ trụ; nhất là trạm ISS do nhiều quốc gia cùng sử dụng, cho nên việc nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định là điều vô cùng quan trọng.”

Yi So-yeon sinh năm 1978 tại tỉnh Gwangju, tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại Học viện Khoa học Công nghệ cấp cao Hàn Quốc (KAIST) ở Daejeon, mới nhận học vị tiến sĩ cơ khí vi điện tử tại KAIST hôm 29.2 vừa rôi. Chị yêu âm nhạc, thể dục, là một võ sĩ taekwondo cấp cao. Yi So-yeon hiện chưa lập gia đình.

Theo dự định, ngày 8 tháng 4 tới Yi So-yeon sẽ cùng hai nhà DHVT Nga đáp tàu vũ trụ Liên Hợp (Soyuz) của Nga phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan lên ghép với Trạm ISS. Chị sẽ làm việc khoảng 1 tuần trên ISS cùng 5 nhà DHVT, trong đó có một phụ nữ Mỹ. Chương trình làm việc gồm nhiều thí nghiệm khoa học, trong đó có việc thí nghiệm các món ăn.

Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân Hàn Quốc đã nghiên cứu riêng cho nhà DHVT đầu tiên của họ một số món ăn dân tộc có thể dùng trên vũ trụ, trong đó dĩ nhiên có món Kim chi đặc sản Hàn Quốc. Nhưng vì dùng trên vũ trụ nên món dưa muối này không được có vi khuẩn a-xit lac-tic, là loại vi khuẩn có tính chất quyết định quá trình muối dưa Kim chi. Đó là do các nhà nghiên cứu cho rằng vi khuẩn a-xit lac-tic có hại cho sức khỏe nhà DHVT. Họ còn thiết kế riêng một loại hộp đựng Kim chi để khi lấy món ăn ra khỏi hộp thì nước dưa không lọt ra ngoài và bay khắp khoang tàu. Ngoài ra họ còn nghiên cứu được một loại mỳ ăn liền đặc biệt và một số món ăn khác vừa ngon vừa bổ.

Với chuyến bay của Yi So-yeon, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 35 trên thế giới và thứ 7 của châu Á (sau Việt Nam, Mông Cổ, Afghanistan, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia) có người lên vũ trụ. Chị Yi So-yeon sẽ trở thành nhà DHVT đầu tiên của Hàn Quốc. Cho tới nay, trong số hơn 470 người từng lên vũ trụ mới có 48 phụ nữ (là người Nga, Mỹ và 4 nước khác). Nhà nữ DHVT đầu tiên trên thế giới là Valentina Tereshkova người Nga, lên vũ trụ năm 1963.

Hàn Quốc đang hăng hái phấn đấu trở thành cường quốc thám hiểm vũ trụ; từ năm 1992 tới nay họ đã có 11 vệ tinh quan sát Trái Đất và vệ tinh thông tin. Ngày 22.11.2002, Hàn Quốc thử thành công tên lửa nhiên liệu lỏng. Năm 2007 chính phủ nước này bắt đầu thực thi kế hoạch 10 năm thăm dò Mặt Trăng, dự kiến chi 4,1 tỷ USD. Hiện nay họ đang hợp tác với Nga và Israel thiết kế chế tạo tên lửa, vệ tinh. Thời gian tới sẽ phóng thử tên lửa KSLV-1 do Nga giúp chế tạo.

Nguyên Hải