Nhà giáo Phạm Toàn gieo những ước mơ

Nhà giáo Phạm Toàn khi viết văn có bút hiệu là Châu Diên. Ông còn là nhà nghiên cứu giáo dục.

Ông (và đồng tác giả Nguyễn Trường) soạn Sách học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được giải thưởng của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 1984, được nhận Huy hiệu lao động sáng tạo năm 1981 cũng vì thành tích dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Từ năm 1980 cho tới những năm cuối thế kỉ trước, ông còn tham gia viết nhiều loại sách giáo khoa thực nghiệm công nghệ giáo dục.

Hiện nay, ông đang cùng một số tác giả trẻ trong nhóm Cánh buồm làm công việc biên soạn lại sách giáo khoa cải cách giáo dục theo quan điểm nằm trong kiến nghị Hiện đại hoá nền giáo dục Việt Nam do ông soạn thảo. Phóng viên báo NCT có cuộc trò chuyện dài với ông tại phòng làm việc của nhóm Cánh buồm tại trường Nguyễn Văn Huyên, phố Chùa Láng, Hà Nội.

PV:- Xin chào Châu Diên - Phạm Toàn… Ông thích được gọi là nhà văn hay nhà giáo?

Phạm Toàn: - Tiện đâu gọi đấy, tiện gì gọi nấy, muốn gọi là gì, muốn gọi thế nào cũng được. Tên gọi không đáng để ta câu nệ. Ta nên chú trọng việc làm.

PV: - Ông thích hành nghề văn hay thích hành nghề "gõ đầu trẻ"?

Phạm Toàn: - Tôi thích cả hai. Cả hai công việc đó đều thú vị. Đều rất cuốn hút con người. Viết văn thì cũng có thể sống chết với viết văn. Và dạy học thì cũng có thể sống chết với nghề đó. Trên thực tế, nhiều nhà văn bắt đầu bằng nghề khác, có người đi dạy học (Nam Cao, Nguyễn Công Hoan…), nghề thày thuốc (Lỗ Tấn, Sê-khốp, …) đến cuối đời khi những vị đó chết đi thì trên cáo phó chỉ ghi một nghề thôi, đó là nghề nhà văn. Rất hiếm ai sung sướng cả đời như Lép Tôn-xtôi hoặc Vich-to Huy-gô không phải sống bằng nghề khác, lúc nào cũng được ung dung làm thơ, viết văn…

PV: - Ông thực hiện cách làm việc mới, cách sống mới, trên phương diện nào? Viết văn? Dạy học? Hay là cả hai?

Phạm Toàn: Có lẽ là cả hai! Thì đã nói là tôi tham mà! Chết, nết không chừa, có lẽ áp dụng được cho tôi. Khoảng chừng ba, bốn chục năm, tôi đã tập trung toàn bộ năng lượng cho nghề giáo. Trong phần lớn những năm đó, tôi nghiên cứu những đề tài dưới sự chỉ đạo của anh Hồ Ngọc Đại. Tôi tình nguyện trở lại làm một người học trò trong ngạch sư phạm của anh Đại. Ở đó, tôi thấy được những điều thực sự là mới. Bây giờ thì ai cũng thấy những chuyện như "lấy học sinh làm trung tâm", chuyện "đi học là hạnh phúc" là điều tất nhiên. Nhưng vào năm 1978, khi tôi bắt gặp những ý tưởng đó ở trường thực nghiệm của anh Đại, thì đó vẫn là những điều rất mới. Có người chức rất to còn bắt bẻ "lấy học sinh làm trung tâm thì giáo viên vứt đi à?" Bây giờ thì một sinh viên sư phạm thi trượt cũng biết rằng lấy học sinh làm trung tâm là tổ chức việc tự học của học sinh, và bàn tay tổ chức đó chính là từ người giáo viên, chứ họ đâu có bị "vứt đi"? Đầu năm 1980, tôi đã viết hai bài báo đầu tiên về hệ thống Công nghệ giáo dục của anh Đại, một bài đăng trên báo đối ngoại Le Courrier du Vietnam, một bài trên báo Người giáo viên nhân dân. Tôi còn nhớ, anh Đại cầm tờ báo có bài đầu tiên tôi viết đó, "Hạnh phúc ngay ngày hôm nay", và anh nói rằng tôi đã cảm nhận được hệ thống Giáo dục mới. Có thể nói, trong mấy chục năm tập trung nghiên cứu nền Giáo dục mới dưới sự chỉ đạo của anh Đại, tôi đã làm việc hệt như một nhà văn đích thực: mê mải, không tiếc sức, sống chết với công việc. Hệt như bốn năm mình đi lao động ở đoàn địa chất Chợ Điền và ở Nhà máy xi-măng Hải Phòng, làm ca đêm, ban ngày ngồi viết văn, làm ca ngày, ban đêm ngồi viết văn.

PV: - Bây giờ ông có vừa làm giáo dục, vừa viết văn không?

Phạm Toàn: - Hồi này, tôi không viết văn, vì vẫn còn có khủng hoảng trong tâm lí. Chả là vì sau khi đi lao động thực tế bốn năm thì tôi đã nhìn ra nhiều điều, và tôi đã tự nhủ "mình không nên viết văn nữa. Mình nên làm một điều gì đó thiết thực hơn, thanh thản hơn là vật vã với văn chương". Trong hơn ba chục năm, hình như duy nhất có một người là Bùi Ngọc Tấn nói với tôi và nói về tôi như sau: "Không có lí, thế nào rồi nó cũng viết, không ai bỏ cái nghiệp văn được đâu". Chắc là anh Tấn đã ngẫm về chính anh, nên đã đặt niềm tin vào tôi như thế.

PV: - Con người nhà văn trong ông đã thúc giục con người nhà giáo trong ông để …?

Phạm Toàn: - Để cả nhà văn và nhà giáo cùng đi tới một cuộc cải cách giáo dục. Một cuộc cải cách bắt đầu từ trong lòng mình, chứ không bắt đầu từ thông tư chỉ thị. Một cuộc cải cách bắt đầu từ những nhói đau từ phủ tạng mình, chứ không được "phát động" từ những khẩu hiệu thực dụng… Chưa kể là còn có cả sự thấu hiểu về nghiệp vụ nữa. Chính nghề nghiệp văn chương đã giúp tôi nhìn ra cách tổ chức cho học sinh đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi khi tổ chức giáo dục nghệ thuật cho các em.

PV: - Ông sẽ không đồng tình với khẩu hiệu "Giáo dục chuẩn bị nhân lực…"?

Phạm Toàn: - Chính xác! "Chuẩn bị nhân lực", vậy thì hãy biến tất cả nhà trường thành trường dạy nghề đi thì vừa. Nhà trường phải chuẩn bị cho con em học nghề, được thôi, nhưng nhà trường cũng phải chuẩn bị cho các em mơ mộng nữa, mơ mộng đến độ chẳng dính dáng gì tới một nghề nhất định nào hết. Các nhà sư phạm phải nghiên cứu xem con trẻ tự học các môn khoa học chính xác như thế nào, và cũng phải nghiên cứu xem các em mơ mộng như thế nào? Khi hướng dẫn các em tự học các môn khoa học chính xác, ta hi vọng sẽ đạt kết quả trăm phần trăm, nghĩa là kết quả dự kiến được và đạt được một cách khá chắc chắn. Còn khi tổ chức cuộc sống mơ mộng cho các em thì ta chớ nên trông chờ kết quả chính xác trọn vẹn.

PV: - Ông có thể ví dụ?

Phạm Toàn: - Thì đây: Ngô Bảo Châu là một trường hợp của sự mơ mộng. Nguyễn Ngọc Tư là một trường hợp khác nữa của sự mơ mộng. Những con người tầm cỡ như Ngô Bảo Châu hoặc như Nguyễn Ngọc Tư có thể ra đời ngay trong lòng một nền "văn hoá" lạc hậu mê muội nhất.

PV: - Vậy thì chẳng cần đến giáo dục nữa?!

Phạm Toàn: - Cần chứ! Cần cho 99 phảy 99 phần trăm dân số. Cần tổ chức cho số đông này đủ sức sống trong nền văn minh đương thời của họ. Để họ không bị lạc hậu với loài người. Để họ không trở thành những kẻ nô lệ đối với người đương thời của họ. Để họ đủ sức thành những con người TỰ DO. Và tự do hết cỡ. (Thở dài, vẻ u buồn…). Mà có lẽ cuộc trò chuyện của chúng ta đã hơi bị dài thì phải, bàn có thấy vậy không?

PV: - Vâng, xin cảm ơn ông!

Cao Sơn (NCT)